Phán quyết ngày 12-7 về "đường 9 đoạn" vô căn cứ của Trung Quốc trong vụ kiện Biển Đông rất được dư luận Nga quan tâm, đặc biệt là giới chuyên gia, học giả.
Ông Gudev trả lời phỏng vấn TTXVN.
Mới đây, Phóng viên TTXVN thường trú tại LB Nga đã có buổi trao đổi với ông Pavel Andreevich Gudev - Chuyên gia về Luật biển quốc tế thuộc Viện nghiên cứu quốc gia về quan hệ quốc tế và kinh tế thế giới mang tên Primakov, Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga về những nhận định xung quanh phán quyết kể trên. Dưới đây là nội dung buổi phỏng vấn:
* Thưa ông Pavel Andreevich Gudev, với tư cách là một chuyên gia về Luật biển quốc tế, ông có đánh giá như thế nào về phán quyết hôm 12/7 vừa qua?
Phán quyết của Tòa cho thấy Trung Quốc đã đánh mất uy tín, bởi rõ ràng những yêu sách của quốc gia này không dựa trên cơ sở pháp lý nào, thậm chí còn đang vi phạm các chuẩn mực của luật pháp quốc tế. Các bạn phải hiểu rằng Nga không thể ủng hộ quan điểm của Trung Quốc, hay Việt Nam, mà chúng tôi cố gắng đứng trên quan điểm trung lập và không để bị lôi kéo vào cuộc tranh cãi này.
Trong khi đó, trong giới chuyên gia nghiên cứu của Nga cũng có những góc nhìn khác nhau: có nhóm các chuyên gia ủng hộ Việt Nam nhưng cũng có cả các chuyên gia ủng hộ Trung Quốc và thường đó là những nhà nghiên cứu về Trung Quốc. Quan điểm của tôi gần hơn cả với nhóm chuyên gia, trong đó có Mỹ, là những yêu cầu quá đáng của Trung Quốc đã hoàn toàn vi phạm những chuẩn mực và quy định của Luật biển quốc tế.
Quay trở lại với phán quyết của Toà, mặc dù đã cho thấy sự thất thế của Trung Quốc, nhưng cũng có một điểm trừ - đó là chỉ có một mình Philippines đệ đơn kiện Trung Quốc, mà không có sự đồng hành ủng hộ nào của các quốc gia khác, ví dụ như Việt Nam mới chỉ chuẩn bị các tài liệu cần thiết chứ chưa có bước đi cụ thể nào. Indonesia và Malaysia cũng chỉ dừng lại ở theo dõi vụ kiện. Các quốc gia khác như Brunei cũng không hơn.
Giá như các quốc gia trong khu vực đoàn kết hơn, cùng có một lập trường nhất định hơn thì, theo tôi, mới có được một chiến thắng mang tính chất toàn diện và to lớn hơn. Vì đây rõ ràng chỉ là chiến thắng của một quốc gia đơn lẻ trong cuộc tranh cãi với Trung Quốc.
Do đó, Bắc Kinh có thể thay đổi phương thức và tìm cách tiếp cận khác trong đối thoại song phương với Philippines. Nếu là chiến thắng của tất cả các quốc gia trong khu vực, thì có thể tạo được áp lực lớn cho việc Trung Quốc, buộc nước này phải thay đổi quan điểm, nhưng hiện thời chỉ là sự nhượng bộ”.
* Vậy theo ông, tình hình trên Biển Đông sẽ diễn biến tiếp theo ra sao? Và Trung Quốc sẽ làm gì tiếp theo, thưa ông?
Tôi cho rằng, Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục kiên trì với đường lối của mình, bởi vì Trung Quốc không thừa nhận phán quyết của Tòa. Tuy nhiên, phán quyết vừa qua đã khiến uy tín của Trung Quốc bị giảm sút rất nhiều trên phạm vi toàn cầu. Nếu các bạn tra cứu thì kết quả sẽ cho thấy trên 98% quốc gia không ủng hộ lập trường “đường 9 đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong khi, chỉ có một vài quốc gia nhỏ ở châu Á thể hiện sự ủng hộ không chính thức đối với lập trường của Bắc Kinh.
Đối với Philippines, thời gian tới, chắc chắn Trung Quốc phải thay đổi lập trường, xây dựng con đường đối thoại khác. Hơn nữa, có một yếu tố nhỏ trong phát quyết vừa rồi, nhưng cũng khá quan trọng: trong công ước quy định rõ chế độ của các hòn đảo mà xung quanh đó có thể hình thành nên vùng lãnh hải, các đặc khu kinh tế thuần túy và thềm lục địa.
Và như anh biết đấy, Trung Quốc đang thực thi chính sách đi ngược lại Luật biển quốc tế như thế nào khi tiến hành xây dựng, bồi đắp các đảo nhân tạo ở đây. Hành động coi thường luật pháp quốc tế khiến thanh danh Trung Quốc bị hoen ố. Tôi không thể dự báo được những động thái tiếp theo của Trung Quốc là gì, tuy nhiên, với tư cách một cường quốc khu vực có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với các quốc gia láng giềng thì rất có thể Bắc Kinh sẽ sử dụng đòn bẩy kinh tế để gây sức ép nhằm giành thế “thượng phong” trong cuộc tranh chấp trên Biển Đông.
* Như vậy, theo ông, các quốc gia trong khu vực phải làm những gì để sớm giải quyết cuộc tranh chấp kể trên?
Tranh chấp trên biển Đông xảy ra từ lâu nhưng chưa quốc gia nào đề ra được cơ chế hữu hiệu nhằm ngăn ngừa xảy ra xung đột vì thế bản thân tôi cũng không thể đưa ra được câu trả lời toàn diện. Nhưng tôi nghĩ rằng, theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, Biển Đông là khu vực biển khép kín hoàn toàn. Có nghĩa là bao quanh vùng biển này là một số quốc gia, vùng lãnh thổ nhất định và tranh chấp cũng chỉ xảy ra giữa các bên này.
Công ước về Luật biển quốc tế quy định rằng những quốc gia nằm xung quanh khu vực biển khép kín buộc phải có nghĩa vụ hợp tác với nhau trong quản lý và khai thác nguồn lợi thủy sản tươi sống, khai thác các nguồn sinh vật, giữ gìn và bảo vệ môi trường biển, phối hợp nghiên cứu hải dương…
Về nguyên tắc, Công ước Luật biển quốc tế có những cơ chế nhất định để các quốc gia xung quanh khu vực biển khép kín phải có trách nhiệm hợp tác. Thế nhưng, hiện Trung Quốc lại từ chối hợp tác với các nước xung quanh Biển Đông trong nhiều lĩnh vực như vậy. Hy vọng rằng với phán quyết của Tòa có thể hối thúc Trung Quốc từ bỏ con đường này và tìm cách chấn chỉnh quan hệ, tiếp xúc gần gũi hơn với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, ở các lĩnh vực nói trên.
Ngoài ra, để giảm bớt căng thẳng và tránh xảy ra xung đột, các nước xung quanh Biển Đông, bên cạnh nhanh chóng hoàn thiện Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC), cần phải nghiên cứu soạn thảo những văn kiện mang tính bắt buộc về pháp lý, buộc các nước phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt.
* Xin cảm ơn ông.