Bước đi mới của Trung Quốc trong chiến lược thôn tính Hoàng Sa

Chủ nhật, 29/05/2016 | 16:23:34
846 lượt xem

Báo chí Trung Quốc ngày 27/5 tiết lộ: Bắc Kinh đã có kế hoạch biến vùng quần đảo Hoàng Sa mà họ đã đánh chiếm của Việt Nam vào năm 1974, thành một khu du lịch giải trí "tương tự như quần đảo Maldives" nổi tiếng ở Ấn Độ Dương.

Trung Quốc đưa tên lửa ra đảo Phú Lâm, thuộc Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: foxnews

Theo hãng tin Pháp AFP, động thái này của Trung Quốc sẽ làm tình hình khu vực thêm căng thẳng.

Theo nhật báo Anh ngữ "China Daily", ông Tiêu Kiệt, Thị trưởng của cái gọi là "thành phố Tam Sa", tên đơn vị được Bắc Kinh trao quyền quản lý Biển Đông một cách trái phép, cho biết Trung Quốc hy vọng sẽ biến khu vực quanh đảo Phú Lâm, hòn đảo chính ở vùng Hoàng Sa, thành nơi hút khách du lịch. Đó sẽ là những nơi "không có sự hiện diện của quân đội". Nhân vật này nói: "Chúng tôi sẽ phát triển một số đảo và đá ngầm để có sức chứa một lượng du khách nhất định. Đây sẽ là một tiến trình dần dần, theo thứ tự". Ông Tiêu Kiệt vẽ ra nhưng cảnh tượng như những chuyến bay du lịch trên biển, lướt sóng, câu cá, lặn dưới biển, hay dịch vụ đám cưới trên đảo. Tuy nhiên, ông Tiêu Kiệt cũng thừa nhận rằng việc này "sẽ rất khó khăn".

Thành phố Tam Sa do Trung Quốc thành lập trái phép năm 2012 trên đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam. Trong chiến lược khẳng định quyền kiểm soát hành chính thực tế, Trung Quốc đã mở tuyến du lịch đến Hoàng Sa từ năm 2013, triển khai một tàu du lịch ra Hoàng Sa và sắp đưa tàu thứ hai vào hoạt động. Trung Quốc cũng tính triển khai những tuyến bay thường xuyên từ đảo Hải Nam ra điểm du lịch. Công dân Trung Quốc được tham gia tuyến du lịch biển. 
 
Trong khi đó ngày 26/5, hình ảnh vệ tinh cho thấy lần đầu tiên Trung Quốc triển khai một máy bay do thám không người lái ở đảo Phú Lâm. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy căng thẳng gia tăng ở Biển Đông. Những hình ảnh vệ tinh của hãng Fox News cho thấy một máy bay do thám không người lái tầm xa, ký hiệu BZK-005, đang hiện diện trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa. Máy bay do thám quân sự BZK-005 có thể hoạt động liên tục trong vòng 40 giờ. Cho đến thời điểm bị ghi hình, máy bay này không được trang bị tên lửa như những loại khác. Hồi tháng 2/2016, Bắc Kinh cũng đã triển khai hệ thống tên lửa phòng không HQ-9, một hệ thống tương tự như S-300 mà Việt Nam nhập khẩu từ Nga.

Trung Quốc đã bán máy bay quân sự không người lái, loại CH-4, cho Nigeria, Pakistan và Iraq, khiến gia tăng quan ngại về việc phát triển nhanh công nghệ này. Tháng 12/2015, Iraq cho biết đã sử dụng thành công CH-4 chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Thư ký báo chí của Lầu Năm Góc, Peter Cook, ngày 26/5 đã không trả lời trực tiếp khi được hỏi về vấn đề này, nhưng cho biết có những quan ngại về những gì đang diễn ra ở Biển Đông.

Theo tờ "The Guardian" ngày 26/6, lần đầu tiên Bắc Kinh đã sẵn sàng đưa tàu ngầm có tên lửa hạt nhân ra Thái Bình Dương. Bắc Kinh cho rằng nước này không có lựa chọn nào khác khi Mỹ mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa. Quan chức quốc phòng Trung Quốc không bình luận về thời điểm của lần tuần tra đầu tiên, nhưng khẳng định việc tuần tra là chắc chắn.

Vào tháng 3/2016, Mỹ tiết lộ kế hoạch triển khai hệ thống chống tên lửa đạn đạo ở Hàn Quốc và phát triển hệ thống tên lửa siêu thanh, đe dọa hệ thống phòng thủ mặt đất của Trung Quốc. Bắc Kinh đã phát triển công nghệ tàu ngầm tên lửa đạn đạo hơn 30 năm nhưng vẫn chưa hoàn thiện. 

Liên quan tới vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Hải Bình đã nhiều lần nhấn mạnh Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như các quyền hợp pháp của Việt Nam đối với các vùng biển của mình được xác định phù hợp với các quy định trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. 

 

Những hành động của Trung Quốc như lấn biển, đưa du khách ra đảo tham quan, xây đường bây trái phép.... đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam đối với các vùng biển của Việt Nam, đi ngược lại tinh thần và lời văn của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận tại Tổ về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận tại Tổ về các dự án Luật

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ Tám, sáng ngày 22.11, các đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình thảo luận tại tổ 10 gồm: đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Thái Bình, Đắk Nông, Tiền Giang, về dự án Luật Thuế...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...