Trung Quốc lảng tránh Biển Đông

Thứ 7, 17/10/2015 | 07:36:01
777 lượt xem

Bắc Kinh cho biết sẵn sàng tập trận chung với các nước ASEAN tại Biển Đông, bao gồm nội dung xử lý đụng độ bất ngờ trên biển

Trung Quốc hôm 16-10 đón tiếp bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN tại Bắc Kinh trong nỗ lực đánh bóng hình ảnh giữa lúc cộng đồng quốc tế chỉ trích mạnh mẽ tham vọng lãnh thổ của nước này ở Biển Đông. Vì thế, không có gì khó hiểu khi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Thường Vạn Toàn của nước chủ nhà không đề cập trực tiếp tình hình biển Đông mà chuyển hướng sang những mối đe dọa khác mà khu vực đối mặt, từ chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan đến thiên tai…

Ông Thường cho rằng mọi quốc gia cần nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định, đồng thời chống lại các mối đe dọa. Quan chức này cũng kêu gọi các bên kiểm soát những rủi ro phát sinh từ quá trình tranh chấp cũng như phát triển quan hệ “đúng đắn”, dù ai cũng thấy rằng chính Bắc Kinh mới là nước đi ngược lại điều này khi liên tục có những động thái khiêu khích và sai trái ở Biển Đông, nhất là hoạt động bồi lấp, xây đảo nhân tạo. Để xoa dịu căng thẳng, Bộ trưởng Thường còn nói Bắc Kinh sẵn sàng tập trận chung với các quốc gia ASEAN tại Biển Đông, chú trọng vào những nội dung tìm kiếm, cứu hộ và xử lý những cuộc đụng độ bất ngờ trên biển. Tuy nhiên, thông cáo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc không công bố thêm chi tiết về ý định này.

Cuộc họp không chính thức giữa Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc và ASEAN tại Bắc Kinh hôm 16-10 Ảnh: Bộ Quốc phòng Trung Quốc
Cuộc họp không chính thức giữa Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc và ASEAN tại Bắc Kinh hôm 16-10 Ảnh: Bộ Quốc phòng Trung Quốc

Vẫn nhằm “né” Biển Đông, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc nhận định tình hình trong khu vực “nói chung là ổn định” và vẫn còn những lĩnh vực cần hợp tác. “… Những áp lực từ sự suy giảm kinh tế và các thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng gia tăng. Những thế lực từ bên ngoài khu vực đang sử dụng internet, truyền thông xã hội và các phương tiện khác để kích động bất ổn” - ông Thường phát biểu. Theo Reuters, Trung Quốc có ý nói đến mối đe dọa từ các chiến binh Hồi giáo ở khu tự trị Tân Cương.

Đây là lần đầu tiên cuộc gặp không chính thức giữa Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc và các nước ASEAN diễn ra ở Bắc Kinh. Theo sau cuộc gặp này là Diễn đàn Hương Sơn, nơi các nhà phân tích, lãnh đạo quân sự từ nhiều nước thảo luận các vấn đề an ninh, hàng hải và chống khủng bố ở châu Á - Thái Bình Dương. Một số nhà phân tích cho rằng Trung Quốc sẽ lảng tránh vấn đề Biển Đông bằng cách “lái” cả 2 sự kiện này vào các lĩnh vực hợp tác an ninh truyền thống, trao đổi quân sự và an ninh khu vực nói chung.

Trước thềm 2 sự kiện trên, truyền thông Mỹ đưa tin Washington đã bật đèn xanh cho tàu tiến vào tuần tra khu vực 12 hải lý quanh những đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Một bước đi như thế, nếu diễn ra, sẽ thách thức trực tiếp và mạnh mẽ đến những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.

Cảnh báo vũ khí mới

Hãng tin Bloomberg (Mỹ) ngày 16-10 cảnh báo Trung Quốc đang sử dụng gián điệp mạng làm vũ khí trong cuộc tranh chấp tại biển Đông. Trong thời gian diễn ra phiên điều trần vụ kiện “đường lưỡi bò” hồi tháng 7, trang web của Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague - Hà Lan không truy cập được. Sự kiện kéo dài một tuần vốn là tâm điểm của dư luận thế giới khi Philippines quyết bước vào cuộc chiến pháp lý để bác bỏ yêu sách chủ quyền vô lý của Trung Quốc đối với hơn 80% diện tích biển Đông.

Sau khi phân tích phần mềm và cơ sở hạ tầng được sử dụng, công ty an ninh Mỹ Threat Connect Inc mới đây xác định website của PCA bị nhiễm phần mềm độc hại của tin tặc ở Trung Quốc. Chuyên gia Tobias Feakin, Giám đốc Trung tâm Chính sách gián điệp quốc tế tại Viện Chính sách Chiến lược Úc, nhận định: “Bất cứ khi nào tranh chấp biển đảo nổi lên, dư luận cũng chứng kiến hoạt động gián điệp mạng, tấn công mạng (của Trung Quốc) tăng đột biến”. Đáng lo ngại, theo Công ty Bảo mật FireEye Inc, nguy cơ các chính phủ và doanh nghiệp ở Đông Nam Á trở thành mục tiêu của gián điệp (Trung Quốc) cao hơn những nơi khác 45%.

Trong khi đó, một báo cáo sắp công bố của Ủy ban Phân tích an ninh và kinh tế Mỹ - Trung thuộc quốc hội Mỹ tiết lộ Trung Quốc đang theo đuổi chương trình vũ khí không gian nhằm phá hủy hoặc gây nhiễu vệ tinh Mỹ cũng như hạn chế khả năng tiến hành các chiến dịch quân sự của Mỹ trên thế giới.

Thu Hằng

Tăng cường kiểm soát tranh chấp

Phát biểu tại cuộc gặp không chính thức giữa Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc và các nước ASEAN, Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh nêu rõ lập trường nhất quán của Việt Nam là thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện cùng có lợi với Trung Quốc, xử lý tồn tại bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trên tinh thần Thỏa thuận nguyên tắc 6 điểm giải quyết các vấn đề trên biển giữa lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Trung Quốc.

Theo TTXVN, Đại tướng Phùng Quang Thanh đề xuất ASEAN và Trung Quốc tăng cường hợp tác quốc phòng trên một số nội dung như phối hợp xây dựng các cơ chế quản lý, kiểm soát tranh chấp, phòng ngừa, xử lý các tình huống khẩn cấp trên cơ sở tôn trọng những cam kết đã có giữa ASEAN và Trung Quốc; sớm thiết lập đường dây liên lạc trực tiếp giữa bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN và Trung Quốc...

 Hoàng Phương

nld.com.vn

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về các dự thảo Nghị quyết
Quốc hội thảo luận về các dự thảo Nghị quyết

Sáng ngày 21.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...