ASEAN vẫn còn "thờ ơ" với những diễn biến mới trong tranh chấp trên Biển Đông, khối này cần hành động quyết đoán hơn, như G7, để duy trì hòa bình và an ninh cho khu vực.
Trung Quốc xây dựng phi pháp trên các bãi đá thuộc chủ quyền của Việt Nam - Ảnh: Reuters |
Đó là nhận định của tờ The Bangkok Post của Thái Lan trước hành động gây hấn của Trung Quốc và sự can thiệp mạnh mẽ của Mỹ, đồng minh và G7.
Trong bài bình luận đăng tải hôm nay 14.6, The Bangkok Post nhận định rằng một số nhà lãnh đạo ASEAN có vẻ hài lòng với lập trường hiện tại của khối, nhưng thực tế nó chưa đóng góp nhiều cho việc đảm bảo các tranh chấp Biển Đông sẽ được giải quyết thông qua con đường ngoại giao.
Những sự cố xảy ra gần đây cho thấy đảm bảo hòa bình ở Biển Đông có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh không chỉ cho những nước tranh chấp mà cho cả khu vực. Biển Đông không chỉ giàu về nguồn tài nguyên thiên nhiên mà còn là cửa ngõ chính cho giao thông hàng hải quốc tế.
Tuy nhiên, The Bangkok Post nhận định rằng một số nhà lãnh đạo ASEAN quá tự mãn với lập trường của mình đến mức thờ ơ, chưa có hành động quyết đoán mà lẽ ra khối này phải có. Tờ báo nhắc đến việc Mỹ và các nước trong khối G7 đã phản ứng mạnh mẽ trước hành động của Bắc Kinh, trong đó có việc bồi đắp đảo nhân tạo phi pháp, xây dựng đường băng trên bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Ngoài ra, hiện chưa thấy khối này có phản ứng chung về những động thái quân sự hóa mới nhất của Trung Quốc cũng như sự xuất hiện của Mỹ và đồng minh ở Biển Đông, có chăng chỉ là những phản ứng ngoại giao hoặc đơn lẻ từ các nước thành viên có tranh chấp trực tiếp với Bắc Kinh như Việt Nam, Philippines.
Trong vấn đề Biển Đông, Trung Quốc rất quyết liệt và chưa bao giờ tỏ ra nhường bước trước nước nào bất kể Bắc Kinh đúng hay sai. Trung Quốc còn tuyên bố khi đưa ra “Sách Trắng” - chiến lược quốc phòng, sẵn sàng dùng vũ lực nếu bị tấn công ở Biển Đông bất kể nước tấn công là Mỹ hay đồng minh của Mỹ.
Đề cập đến sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Biển Đông, The Bangkok Post nhận định Washington đang thách thức những đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh một cách công khai. Người Mỹ muốn Biển Đông trở thành vùng biển quốc tế với chủ quyền được xác lập theo Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS) thay vì để Trung Quốc tung hoành, biến nó thành ao nhà.
Cần tiếng nói mạnh hơn từ ASEAN
Phản ứng trước tuyên bố chung của G7 đối với vấn đề Biển Đông, tờ The Bangkok Post cho rằng ASEAN “vô cảm” trong khi Bắc Kinh tức giận và gọi đó là “nhận xét thiếu trách nhiệm”. Giải thích sự “vô cảm” của ASEAN, tờ báo cho rằng vì những quốc gia Đông Nam Á này “trói buộc” mình vào Bắc Kinh bằng Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC), để tránh làm ảnh hưởng quan hệ hợp tác trên mọi phương diện của hai bên. Thế nhưng, bộ quy tắc ứng xử này vẫn đang còn “thai nghén”.
Cuộc họp thưởng đỉnh của ASEAN ở Campuchia - Ảnh: Minh Quang |
Theo nhận định của Bangkok Post, với những hiệp định khác trước đây ASEAN ngồi chung bàn đàm phán với đối tác bên ngoài, nhưng với COC có vẻ như khác với thông lệ này. COC được áp dụng trong tương lai không phải tạo ra một diễn đàn để cả ASEAN và Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán, thay vào đó chỉ có các nước có tranh chấp đàm phán với Trung Quốc để giải quyết bất đồng giữa họ ở Biển Đông.
Dù đối thoại của ASEAN đề cập tất cả các vấn đề, trong đó có hợp tác hàng hải và an ninh khu vực nhưng khối chưa bao giờ có thể tạo ra một lập trường chung khi nói đến Biển Đông. Tờ The Bangkok Post đương cử quan điểm “ngược dòng” của thành viên Campuchia khi Thủ tướng nước này Hun Sen tuyên bố ASEAN không thể giải quyết tranh chấp theo quan điểm khối bởi vì chỉ có vài nước trong ASEAN có tranh chấp với Trung Quốc. Phát biểu này của người đứng đầu chính phủ Campuchia bị nhiều nước ASEAN cả thành viên có và không có tranh chấp phản đối.
ASEAN thường bị chỉ trích là kém hiệu quả trong vấn đề Biển Đông dù tất cả đều có lợi ích hàng hải ở khu vực này. Biển Đông có giá trị chiến lược vì vậy tranh chấp chủ quyền ở đây lôi kéo sự chú ý của cả thế giới.
“Đã đến lúc ASEAN cần khẳng định là một khối liên kết có lập trường mạnh mẽ, thống nhất và có vai trò quyết định trong việc gìn giữ hòa bình và an ninh trong khu vực”, The Bangkok Post nhận định. Tất nhiên, sự quyết đoán của ASEAN vẫn phải đảm bảo tranh chấp Biển Đông không gây cản trở hay hủy hoại những nỗ lực hợp tác rộng lớn hơn của ASEAN với bên ngoài, tờ báo kết luận.
Theo Minh Quang
Thanh niên