Quan ngại Trung Quốc tăng “sức mạnh cơ bắp” trên Biển Đông

Thứ 5, 28/05/2015 | 07:43:30
849 lượt xem

Ngày 26.5, Trung Quốc tiếp tục có những động thái gây quan ngại sâu sắc, “đổ thêm dầu vào lửa”, khiến tình hình Biển Đông vốn đã căng như dây đàn, càng dậy sóng.

Xây trái phép hai ngọn hải đăng ở Trường Sa

Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc ngày 26.5 đã chủ trì lễ khởi công xây dựng 2 hải đăng ở đá Gạc Ma và đá Châu Viên, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bất chấp việc Việt Nam nhiều lần phản đối, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động phi pháp, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Trung Quốc cũng bất chấp lời kêu gọi của Mỹ, Philippines và các nước trong khu vực yêu cầu dừng các hoạt động gây hấn tương tự. Hai tháp hải đăng cao 50 mét, được thiết kế hình trụ, với đèn chiếu lớn có thể chiếu sáng 22 hải lý. Tân Hoa xã thì cho rằng, việc xây dựng tháp hải đăng nhằm "tăng cường an toàn hàng hải ở Biển Đông".

Những động thái này của Trung Quốc tiếp tục làm tăng hơn sự căng thẳng trong khu vực, và những quan ngại về tham vọng bá quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Trong những tuần gần đây, Mỹ liên tục bày tỏ quan ngại về các hoạt động xây dựng của Trung Quốc ở Biển Đông. Lầu Năm Góc tin rằng, các hoạt động cải tạo, bồi đắp đảo nhân tạo của Trung Quốc là nhằm củng cố yêu sách chủ quyền phi pháp với phần lớn diện tích Biển Đông. Mỹ cũng đặc biệt lo ngại về việc Trung Quốc có thể tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông, hạn chế sự di chuyển tự do của tàu thuyền và máy bay.

Hải quân Trung Quốc vươn ra biển xa

Cũng trong ngày 26.5, Trung Quốc công bố sách trắng quốc phòng do Văn phòng thông tin Hội đồng nhà nước Trung Quốc phát hành. Trong tài liệu này, Trung Quốc vạch ra chiến lược quốc phòng với mục tiêu tăng cường năng lực hải quân hơn nữa ngoài biên giới trên biển, nhằm đối phó với "các mối đe doạ an ninh, bao gồm cả ở Biển Đông". Điều đáng quan ngại là Trung Quốc ngày càng tỏ rõ tham vọng "tăng cường bảo vệ các vùng biển rộng lớn của mình", chuyển từ phòng ngự trên không sang cả phòng thủ và tấn công. Với chiến lược chủ động phòng vệ, hải quân Trung Quốc sẽ đặt trọng tâm nhiều hơn vào bảo vệ vùng biển ngoài khơi so với bảo vệ vùng biển gần bờ.

Các công trình xây dựng trái phép của Trung Quốc trên bãi đá Huy Gơ (quần đảo Trường Sa) đang được thi công ngày đêm. Ảnh: T.L 

Sách Trắng quốc phòng Trung Quốc cũng chỉ trích các nước láng giềng có "hành động gây hấn ở các đảo và đá của mình". Trên thực tế, việc Trung Quốc cải tạo đảo, đá ở những khu vực mà nước này chiếm đóng trái phép trên Biển Đông đã vấp phải sự chỉ trích dữ dội của các nước trong và ngoài khu vực. Vậy mà phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh nói rằng, "việc cải tạo đảo, đá của Trung Quốc ở Trường Sa cũng giống như việc xây dựng nhà cửa, đường sá trên đất liền". "Một số nước với ‘động cơ thầm kín' đã có những hành động khiêu khích và tăng cường hiện diện quân sự lên các rạn san hô và đảo của Trung Quốc. Một số nước bên ngoài cũng can thiệp vào các vấn đề Biển Đông, duy trì giám sát trên biển và trên không, cũng như thực hiện những hoạt động do thám chống lại Trung Quốc" - ông Cảnh Nhạn Sinh tuyên bố, đồng thời cảnh báo Trung Quốc sẽ tiếp tục "có biện pháp cần thiết" để đáp trả.

Đây là lần thứ 9 Trung Quốc công bố sách Trắng quốc phòng kể từ năm 1998 đến nay, 2 năm công bố 1 lần. Tuy nhiên, theo Reuters, sách Trắng quốc phòng năm 2015 có nhiều cách diễn đạt chưa từng xuất hiện trong các sách trắng trước đây của nước này. Sách Trắng cho rằng: "... An ninh quốc gia của Trung Quốc đang trở nên dễ bị tác động bởi những bất ổn trong khu vực và thế giới". Do vậy, "nhiệm vụ bảo vệ sự thống nhất đất nước, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích phát triển của Trung Quốc ngày càng nặng nề".

Gia tăng nguy cơ xung đột trên Biển Đông

Với những tuyên bố cứng rắn trên, các chuyên gia về an ninh lo ngại rằng, Trung Quốc sẽ lấy đó làm cái cớ để tăng cường sức mạnh hải quân của mình. Trên thực tế, Trung Quốc đều đặn tăng chi tiêu quân sự mỗi năm bằng tỉ lệ phần trăm ở mức hai con số trong vài thập kỷ qua, và tìm cách hiện đại hoá lực lượng quân đội. Nhiều nước trong và ngoài khu vực, trong đó có Mỹ, đã kêu gọi Trung Quốc minh bạch trong chi tiêu quân sự, mặc dù nước này khăng khăng chỉ đơn thuần để phòng thủ.

Đối phó với những thách thức trên Biển Đông, các quốc gia Đông Nam Á cũng ưu tiên chi mạnh tay cho lực lượng hải quân và bảo vệ bờ biển của mình. Theo tạp chí quốc phòng IHS Janes, chi tiêu quốc phòng hàng năm ở Đông Nam Á dự báo sẽ tăng đến 52 tỉ USD trong năm 2020, tăng so với 42 tỉ USD dự kiến trong năm nay. Cũng theo IHSS, chi tiêu quân sự của 10 nước Đông Nam Á có khả năng cán mốc 58 tỉ USD trong năm 2025, trong đó phần lớn dành để hiện đại hoá hải quân. Trong số này, hầu hết các thiết bị sẽ được sử dụng ở khu vực trong và ngoài Biển Đông, nơi Trung Quốc đang cấp tập xây dựng các đảo nhân tạo phi pháp. "Khi năng lực trên biển được mở rộng, nghĩa là các lực lượng sẽ mở rộng phạm vi và khả năng tấn công" - Giám đốc Viện Nghiên cứu chiến lược Châu Á - Tim Huxley - nhận định. Ông cảnh báo, nếu một cuộc đối đầu xảy ra và leo thang, khả năng về một cuộc xung đột chết người sẽ gia tăng.

Laodong.com.vn

  • Từ khóa
Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của Kỳ họp thứ 8
Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của Kỳ họp thứ 8

Sáng 20.11, Quốc hội bắt đầu đợt 2 của Kỳ họp thứ 8, tiếp tục thảo luận, cho ý kiến nhiều dự án luật quan trọng và xem xét, thông qua các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết đã được trình Quốc hội trong đợt 1...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...