Điện Biên khởi sắc

Thứ 5, 07/05/2015 | 08:19:52
1,166 lượt xem

61 năm trôi qua kể từ ngày Điện Biên được giải phóng (7-5-1954/7-5-2015), diện mạo của mảnh đất lịch sử hôm nay đã có nhiều đổi thay; kinh tế-xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống của người dân không ngừng cải thiện, quốc phòng-an ninh được giữ vững. Đó là cảm nhận của những ai có dịp trở lại Điện Biên.

Tín hiệu vui từ vùng Tây Bắc
Dọc Quốc lộ 6 từ Sơn La sang Điện Biên, rồi đến các xã Quài Nưa (huyện Tuần Giáo), xã Ẳng Nưa, Ẳng Tở (huyện Mường Ẳng), xã Thanh Nưa (huyện Điện Biên), trước mắt chúng tôi bạt ngàn màu xanh của cà phê, cao su. Theo như các đồng chí lãnh đạo tỉnh Điện Biên, cùng với duy trì trồng cây truyền thống, tỉnh còn có chủ trương trồng cây công nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao như cà phê, cao su. Cây cà phê đã được trồng hơn chục năm nay đã giúp cho nhiều hộ dân có việc làm và thu nhập ổn định. Còn hàng trăm héc-ta cây cao su của Công ty Cao su Điện Biên mới trồng hơn 5 năm nhưng phát triển rất tốt. Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Lò Mai Trinh cho biết: “Chủ trương của Điện Biên là tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, trồng cây công nghiệp, trồng rừng”. Đến nay, toàn tỉnh đã trồng mới 496ha cà phê, 405ha cao su, 66ha chè; tỷ lệ che phủ rừng đạt 38,7%...

Một góc TP Điện Biên Phủ hôm nay. Ảnh: ĐINH TRỌNG HẢI.

 Từ TP Điện Biên Phủ ngược lên huyện Mường Nhé, đến các bản Hồ Hài, Mốc 4, xã Chà Cang (nằm giáp biên giới nước bạn Lào), chúng tôi  thấy rõ sự đổi thay về đời sống của người dân nơi đây. Đồng bào được ở trong những ngôi nhà "ba cứng" (nền, khung, mái), nhiều gia đình đã có xe máy, ti-vi, tủ lạnh… những vật dụng mà cách đây chừng 10 năm vẫn là niềm mơ ước của họ.
Đồng chí Mùa A Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết: Điện Biên là một trong những tỉnh khó khăn nhất của cả nước. Những năm qua, được Đảng, Nhà nước quan tâm, đầu tư phát triển, địa phương đã tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án trọng điểm để ổn định và nâng cao đời sống của nhân dân. Đặc biệt, các chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, Đề án sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh huyện Mường Nhé, Dự án tái định cư Thủy điện Sơn La… được triển khai tích cực. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Nếu như năm 2013, hộ nghèo còn 35,22% thì nay giảm xuống còn 31,49%. Năm 2014, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 9,08% so với năm trước; sản xuất nông nghiệp có bước phát triển khá, tổng sản lượng lương thực ước đạt 247.000 tấn; thương mại, dịch vụ du lịch khởi sắc; thu chi ngân sách đạt kết quả khá, trong đó thu nội địa ước đạt 623 tỷ đồng, bằng 109,29% dự toán; tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 6.934 tỷ đồng, tăng 5,55% so với năm 2013. Cùng với đó, hệ thống cơ sở hạ tầng trong các lĩnh vực, các địa phương tiếp tục được cải thiện; lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội có tiến bộ, mạng lưới trường, lớp học, cơ sở khám, chữa bệnh tiếp tục phát triển mở rộng theo quy hoạch, chất lượng y tế, giáo dục-đào tạo được nâng lên.
Xây dựng Điện Biên thành khu vực phòng thủ vững chắc
Có một Điện Biên như hôm nay là sự nỗ lực không ngừng vượt khó của Đảng bộ, chính quyền, LLVT và nhân dân địa phương. Theo Đại tá Nguyễn Thắng Xuân, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Điện Biên, để góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ, 61 năm trước, đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên đã không tiếc xương máu, của cải vật chất huy động cho chiến trường. Trong Chiến dịch giải phóng Điện Biên, nhân dân các dân tộc Tây Bắc đã huy động 7.311 tấn gạo (chiếm 43% tổng số gạo sử dụng tại mặt trận). Riêng đồng bào các dân tộc Điện Biên đã đóng góp 2.666 tấn gạo, 226 tấn thịt, 210 tấn rau xanh, 16.972 dân công, 348 con ngựa thồ, 58 thuyền mảng, 25.070 cây gỗ để làm hầm pháo, đường giao thông... Những con số ấn tượng đó là niềm tự hào của cấp ủy, chính quyền và nhân dân tỉnh Điện Biên khi nói về chiến thắng vĩ đại của dân tộc và cũng là truyền thống để địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, làm nên một Điện Biên Phủ mới trên mặt trận kinh tế, tăng cường nguồn lực khu vực phòng thủ (KVPT).

 Kiểm tra công tác huấn luyện đối với DQTV TP Điện Biên Phủ. Ảnh: PHAN HƯƠNG.

Phát huy truyền thống, thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Điện Biên đã quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng: Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) của Đảng về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành KVPT vững chắc trong tình hình mới; Nghị định 152 của Chính phủ về xây dựng KVPT; tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng KVPT về chiều sâu, ngày càng vững chắc, nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững ổn định chính trị, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.
Thiếu tướng Lưu Trọng Lư, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Điện Biên cho biết: Xác định cơ quan quân sự các cấp đóng vai trò nòng cốt, các đơn vị thuộc LLVT tỉnh luôn duy trì nghiêm chế độ SSCĐ, Bộ CHQS tỉnh chủ động nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung quyết tâm tác chiến KVPT, các kế hoạch SSCĐ, kế hoạch phòng chống lụt, bão, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, phòng chống cháy nổ, cháy rừng, điều tra, khảo sát ở một số địa bàn trọng điểm, tiếp tục bổ sung vào quy hoạch đầu tư xây dựng các công trình phòng thủ. Chủ động điều chỉnh bố trí lực lượng trên các hướng phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ. Cùng các sở, ban, ngành tham mưu cho tỉnh chỉ đạo làm tốt công tác quy hoạch, bố trí dân cư, tăng cường thế trận quốc phòng-an ninh trong KVPT. Công tác tuyển quân hằng năm đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch được giao, thực hiện tốt việc tuyển quân gắn với tạo nguồn cán bộ cho cơ sở. Công tác xây dựng lực lượng dự bị động viên, dân quân, tự vệ (DQTV) đúng pháp lệnh, đạt 2% so với tổng dân số, tỷ lệ đảng viên trong DQTV đạt 21%. Cùng với nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, lực lượng DQTV còn phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội và các lực lượng chức năng tham gia xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh; thường xuyên nắm chắc tình hình địa bàn, phát hiện và tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xử lý kịp thời, có hiệu quả các tình huống phức tạp, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Bộ CHQS tỉnh đã kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện với rèn luyện kỷ luật, chú trọng huấn luyện cách đánh truyền thống; trình độ của cán bộ các cấp và khả năng SSCĐ của bộ đội được nâng lên. Kết quả kiểm tra huấn luyện hằng năm 100% nội dung đạt yêu cầu, có 76,5%-80,5% khá, giỏi. Bộ CHQS tỉnh còn chỉ đạo 11 đội công tác xây dựng cơ sở ở các xã trọng điểm thực hiện “bốn cùng” với nhân dân. Hưởng ứng Phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, LLVT tỉnh đã tổ chức 52 đợt với 1.829 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia xây dựng cơ sở chính trị, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, giúp nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Đã đóng góp 36.695 ngày công, sửa 30,5km đường liên bản, 44,9km mương dẫn nước; sửa 119 nhà dân và 48 phòng học; khám, chữa bệnh miễn phí cho 19.958 lượt người dân. LLVT tỉnh đã giúp xã Mường Mùn xây 1 nhà văn hóa trị giá 200 triệu đồng; xây 13 nhà đồng đội trị giá 700 triệu đồng; xây 5 nhà bán trú dân nuôi trị giá 530 triệu đồng. Đồng thời huy động hơn 300 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia các đội công tác liên ngành, chuyên ngành tham gia xây dựng cơ sở chính trị địa bàn.
Quán triệt, nắm vững phương châm, tư tưởng, quan điểm của Đảng về hoạt động đối ngoại quân sự, kết hợp chặt chẽ đối ngoại quân sự với công tác ngoại giao nhân dân, LLVT tỉnh Điện Biên đã giữ vững mối quan hệ, duy trì có nền nếp chế độ giao ban trao đổi tình hình với các tỉnh giáp biên nước bạn, chủ động phát hiện, nắm chắc tình hình từ xa, kịp thời tham mưu cho lãnh đạo tỉnh phối hợp với nước bạn xử lý các vấn đề liên quan đến an ninh biên giới đúng quy chế, xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

LÊ DUY HỒNG

qdnd.vn

  • Từ khóa
Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của Kỳ họp thứ 8
Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của Kỳ họp thứ 8

Sáng 20.11, Quốc hội bắt đầu đợt 2 của Kỳ họp thứ 8, tiếp tục thảo luận, cho ý kiến nhiều dự án luật quan trọng và xem xét, thông qua các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết đã được trình Quốc hội trong đợt 1...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...