Đông Á cần cơ chế giải quyết tranh chấp biển mới?

Thứ 4, 25/02/2015 | 08:19:37
913 lượt xem

Trong bối cảnh Trung Quốc đang đơn phương thay đổi hiện trạng trên biển Đông với quy mô lớn, một số quan chức, chuyên gia quốc tế cho rằng, cần có một thể chế khu vực mới để quản lý các tranh chấp chủ quyền biển đảo ở châu Á.

Trung Quốc đang đơn phương cải tạo nhiều bãi đá ở biển Đông, sử dụng máy nạo vét, tàu kéo…Ảnh: CSIS - Google Earth.
Trung Quốc đang đơn phương cải tạo nhiều bãi đá ở biển Đông, sử dụng máy nạo vét, tàu kéo…Ảnh: CSIS - Google Earth.

Nguy cơ chồng chéo

Trong bài phát biểu khai mạc tại Hội nghị chuyên đề về Cấu trúc an ninh hàng hải mới ở Đông Á, do Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc tế (IIPS, trụ sở ở Nhật Bản), tổ chức cuối tháng 1, Chủ tịch IIPS Ken Sato, nói rằng, Đông Á chưa có tổ chức thường trực hay tổ chức khu vực để giải quyết các vấn đề an ninh hàng hải. Ông đề xuất thành lập Tổ chức Hàng hải vì An ninh và Hợp tác châu Á (AMOSC).

Theo ông Sato và nhiều học giả khác, mục tiêu chính của AMOSC là ngăn ngừa và quản lý những tranh chấp biển đảo hiện nay giữa các nước bằng cách tăng cường nhận thức hàng hải, cải thiện năng lực, thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin.

Một số đại biểu khác nói rằng, việc Trung Quốc liên tục trì hoãn ký Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông với ASEAN cho thấy sự thiếu ý chí chính trị, chứ không phải thiếu thể chế, để giải quyết các tranh chấp. Theo các đại biểu, trong bối cảnh Trung Quốc sử dụng các chiến thuật tinh vi để trì hoãn tiến trình giải quyết vấn đề bằng các cơ chế hiện có, chưa chắc một tổ chức mới sẽ thực sự hoạt động hiệu quả.

Các thể chế như Diễn đàn Khu vực ASEAN và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) đã và đang giải quyết vấn đề an ninh hàng hải theo một số dạng thức. Diễn đàn Hàng hải ASEAN mở rộng (gồm 10 nước Đông Nam Á, Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Nga và Mỹ) tập trung vào các vấn đề hàng hải hẹp hơn. Thực tế là các nhà ngoại giao châu Á trong lĩnh vực này nhiều lần nhấn mạnh phải hài hòa các thể chế để tránh trùng lặp.

Những người ủng hộ việc thành lập thể chế mới cho rằng, cấu trúc mà ASEAN đang dẫn dắt hiện nay, trong đó đề cao yếu tố đồng thuận, yên ổn và vai trò trung tâm, nặng nề, chậm chạp và quá yếu để giải quyết những vấn đề rắc rối liên quan tranh chấp chủ quyền biển đảo…

Nhiều đại biểu nói rằng, cần cảnh giác sự can dự của các cường quốc trong các vấn đề khu vực, tốt hơn là duy trì các thể chế hiện có, cũng như vai trò trung tâm của ASEAN. Các đại biểu Đông Nam Á nhấn mạnh, ASEAN đang ngày càng thành công trong việc dẫn dắt khu vực phát triển trong nhiều lĩnh vực, từ hội nhập kinh tế đến hợp tác quân sự thông qua ADMM+.

Nhiều quan chức ngoại giao, học giả cho rằng, AMOSC có thể được đón nhận nhiệt tình hơn nếu nó không theo mô hình của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) hiện nay, vì nếu giống OSCE, một số nước lo sợ rằng, các cường quốc sẽ áp dụng mô hình bên ngoài vào khu vực có những đặc thù riêng.

Một nhà ngoại giao Đông Nam Á cho rằng, AMOSC có thể bắt đầu từ một tổ chức không chính thức rồi dần chuyển thành chính thức, giống như Hội nghị Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương mở đường cho việc thành lập Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 1989. Theo nhà ngoại giao này, AMOSC cũng có thể hòa nhập với cơ chế hiện có của ASEAN.

Theo Tienphong.vn


  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật

Sáng 23.11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...