Đổ đá xuống biển, Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông

Thứ 4, 03/12/2014 | 08:37:08
1,215 lượt xem

Dư luận đặc biệt quan tâm về mục đích đằng sau việc Trung Quốc đang dốc sức biến các bãi đá thành đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa.

Hiện nay, tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, trong đó có việc Trung Quốc bồi đắp quy mô lớn, làm thay đổi căn bản cấu trúc của nhiều đá, bãi ngầm. Đổ đá xuống biển, Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông, chồng lên vùng biển của các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Những hành động đơn phương này xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam; vi phạm Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông, làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông và khu vực.

Lập trường nhất quán của Việt Nam là quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Việt Nam có đủ căn cứ lịch sử và pháp lý để khẳng định điều này. Trong khi đó, những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo này là vi phạm luật pháp quốc tế và không có cơ sở lịch sử.

 


Hình ảnh cho thấy Trung Quốc đang có những hoạt động cải tạo trái phép tại đảo Gạc Ma

Năm 1951, Trung Quốc mới đưa ra yêu sách đối với các đảo ở Trường Sa. Nhưng đó là điều trừu tượng, không dựa trên một sự chiếm hữu thực sự nào. Việc chiếm đóng một bộ phận của quần đảo này mới chỉ xảy ra gần đây vào những năm 1988, 1995 và là kết quả của một hành động quân sự. Việc cưỡng chiếm bằng vũ lực lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền là hành vi bất hợp pháp, không thể là cơ sở cho đòi hỏi chủ quyền.

Việt Nam lâu nay luôn phản đối sự chiếm đóng bất hợp pháp đó, bảo tồn các quyền đã có từ xa xưa. Theo công pháp quốc tế, “việc sở hữu một lãnh thổ không chấm dứt chỉ do việc mất đi sự chiếm giữ vật chất, cần phải kèm theo việc mất đi đó ý định từ bỏ lãnh thổ”. Vì vậy, chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa vẫn được duy trì và không bị thay thế bởi sự chiếm đóng bằng vũ lực của Trung Quốc.

Mọi hành động đơn phương của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng ở khu vực này đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.

Dư luận đặc biệt quan tâm về mục đích đằng sau việc Trung Quốc đang dốc sức biến các bãi đá thành đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa.

Điều 121 Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 quy định, “những bãi đá mà ở đó con người không thể duy trì sự sống hay đời sống kinh tế của chúng thì không có vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa”. Tuy nhiên, bằng cách đổ đá xuống biển, Trung Quốc đang nỗ lực tạo lập môi trường sống cho con người hay đời sống kinh tế riêng trên các đá; qua đó, không chỉ đòi lãnh hải mà còn cả vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa tính từ các rạn san hô đó.

 


Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Luật pháp Quốc tế - Bộ Ngoại giao Việt Nam

Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Luật pháp Quốc tế, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng, Trung Quốc muốn thay đổi tình trạng pháp lý của các đá ở quần đảo Trường Sa: “Quan điểm của Trung Quốc công khai ở Liên Hợp Quốc là vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán, tức là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa không chỉ có ở quần đảo Hoàng Sa mà cả Trường Sa nữa. Ở Hoàng Sa thì họ đã vẽ đường cơ sở bao quanh quần đảo, nhưng ở Trường Sa thì chưa. Từ góc độ pháp lý thì việc bồi đắp nó lên thành những đảo nổi, đưa người đến ở... Mục tiêu có thể là họ muốn thay đổi tình trạng pháp lý, để có cả vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa như các vùng lãnh thổ khác”.

Theo ông Michael Yahuda, Giáo sư Danh dự Quan hệ Quốc tế, Trường Khoa học Chính trị và Kinh tế London, Đại học London của Anh thì những lo ngại của các học giả về vấn đề này là có cơ sở: “Các bạn có thể lo ngại về điều này. Thực tế cho thấy, dường như Trung Quốc chỉ tuân thủ luật pháp quốc tế khi nó phù hợp với lợi ích của họ. Ngược lại thì họ sẽ phớt lờ nếu nó không ủng hộ lập trường của nước này. Điều họ đã làm là sử dụng tất cả những gì họ có, kể cả hòn đá nhỏ để xây dựng các cơ sở trên đó. Một trong số đó đã có cả sân bay và họ đang lên kế hoạch xây dựng sân bay khác”.

 


Các chuyên gia, nhà phân tích quốc tế và Việt Nam tham gia Hội thảo Biển Đông- An ninh và Hợp tác tổ chức tại TP Đà Nẵng tháng 11/2014

Trung Quốc yêu sách các vùng biển phụ cận của quần đảo Trường Sa mở rộng vào cả vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa tính từ bờ biển đất liền của các quốc gia khác xung quanh Biển Đông, trong đó có Việt Nam.

Điều này trái với Luật pháp và thực tiễn quốc tế. Nguyên tắc “tôn trọng hợp lý” trong Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 quy định, việc xây dựng đảo nhân tạo của một quốc gia không được ảnh hưởng bất hợp lý đến quyền và lợi ích của các quốc gia khác và cộng đồng quốc tế. Còn theo Điều 60 Công ước Luật Biển, việc tiến hành mở rộng, thay đổi các đá, rạn san hô thành đảo nhân tạo không thể là cơ sở đòi hỏi một vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa.

Trong vụ việc phân định biển và các vấn đề về lãnh thổ giữa Qatar và Bahrain năm 2001, Tòa án Quốc tế kết luận: “Theo quy định trong Công ước Luật Biển, những nỗ lực bị cáo buộc của cả hai nước để thay đổi một cách nhân tạo phần phía trên bề mặt của Qit’at Jaradah không cho phép kết luận rằng nó có tư cách pháp lý của đảo”.

GS. Robert Beckman, Giám đốc Trung tâm Luật Quốc tế, Đại học Quốc gia Singapore khẳng định, một đá nhỏ được cải tạo thành đảo nhân tạo vẫn chỉ là đá mà thôi và nó không thể có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng: “Một rạn san hô nhỏ không thể nào mở rộng các vùng biển như vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thông qua hoạt động cải tạo. Làm như vậy là đi ngược với Công ước Luật Biển”.

Việc xây dựng với quy mô lớn của Trung Quốc hoàn toàn trái với nghĩa vụ kiềm chế mà các bên tranh chấp phải thực hiện. Nghĩa vụ này là một quy định chung của luật quốc tế. Việc sử dụng kỹ thuật nạo vét để cải tạo đất trên các thực thể này là hành động dẫn tới những thay đổi vĩnh viễn đối với đặc điểm cấu trúc địa lý của các thực thể cũng như đối với môi trường biển xung quanh. Hành vi này cũng bị luật quốc tế nghiêm cấm.

Đặc biệt, việc Trung Quốc tiến hành xây dựng trên biển với quy mô lớn còn vi phạm thỏa thuận chung giữa Trung Quốc và các quốc gia ASEAN.

Điều 5, Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) ghi rõ: “Các bên liên quan tự kiềm chế trong việc tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp hoặc leo thang các tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định”.

DOC được thông qua vào năm 2002, có nghĩa là kể từ thời gian này, các bên đã nhất trí kiềm chế trong tranh chấp tại Biển Đông, chấm dứt việc tiến hành các hoạt động đưa người đến sinh sống tại các thực thể chưa có người sinh sống. Trung Quốc thực hiện cải tạo đá vào năm 2014 với mục đích rõ ràng nhằm thay đổi nguyên trạng của quần đảo Trường Sa, biến các bãi chìm và đá, vốn không có người sinh sống thành các thực thể có con người sinh sống.

 


Cựu Phó Đô đốc Anup Singh

Cựu Phó Đô đốc Anup Singh, nguyên Tư lệnh Hạm đội Hải quân miền Đông Ấn Độ chỉ rõ, việc xây dựng trên biển của Trung Quốc là nhằm tạo ra các căn cứ quân sự: “Theo quan điểm của tôi, việc Trung Quốc tiến hành xây dựng, cải tạo quy mô lớn ở quần đảo Trường Sa là nhằm tạo cơ sở quân sự trên Biển Đông. Trung Quốc đã xây dựng các căn cứ hải quân hay sân bay trên các đảo đá. Đây là những hành động đe dọa sử dụng vũ lực, tạo ra áp lực lớn cho các quốc gia khác trong vùng biển rất giàu tài nguyên như Biển Đông”.

Trung Quốc đã tự mâu thuẫn với chính mình. Quan ngại việc đòi chủ quyền với thềm lục địa của Nhật Bản trong vụ đảo Okinotoshima “sẽ tạo ra một tiền lệ có thể dẫn đến việc lấn chiếm trên các vùng biển khơi và trong khu vực với quy mô lớn hơn”, Trung Quốc khẳng định, việc xây dựng các cơ sở nhân tạo trên rạn san hô sẽ “không thay đổi tình trạng pháp lý của nó”. Tuy nhiên, ở Biển Đông, Trung Quốc lại đòi hỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa từ các rạn san hô nhỏ.

Luật quốc tế ngăn chặn việc một quốc gia tuyên bố các quyền hợp pháp nếu nước đó phản đối các tuyên bố tương tự của các quốc gia khác.

Trung Quốc dùng vũ lực để đánh chiếm một phần quần đảo Trường Sa và hiện nay đang dốc sức biến các đá, bãi cạn này thành các căn cứ quân sự, đường băng sân bay, cơ sở dịch vụ hậu cần… là vi phạm luật pháp quốc tế hiện hành, không tôn trọng các cam kết chính trị song phương và đa phương, vi phạm DOC./.

Nhóm PV/VOV-Miền Trung


  • Từ khóa
Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của Kỳ họp thứ 8
Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của Kỳ họp thứ 8

Sáng 20.11, Quốc hội bắt đầu đợt 2 của Kỳ họp thứ 8, tiếp tục thảo luận, cho ý kiến nhiều dự án luật quan trọng và xem xét, thông qua các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết đã được trình Quốc hội trong đợt 1...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...