ASEAN cần đoàn kết, thống nhất sức mạnh, Hoa Kỳ tham gia mạnh mẽ hơn nữa vai trò của mình ở châu Á; Nhật Bản tăng cường hợp tác và đặc biệt, châu Âu không thể đứng ngoài cuộc - đó là các nhận định của chuyên gia đến từ Mỹ, Nhật và châu Âu.
Không tỉnh táo sẽ quá muộn màng
Nguồn cá và dầu khí là hai thứ khiến các cường quốc nhăm nhe thôn tính biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc, với đường 9 đoạn cùng những hành động gần đây cho thấy đây là nước mong muốn sớm nhất bá quyền độc tôn ở biển Đông. Điều này, theo GS. Leszek Buszynski (nghiên cứu viên cấp cao, ĐH Quốc gia Úc), là bởi biển Đông có tầm quan trọng vô cùng đặc biệt với Trung Quốc, vì thế, nước này đang dùng chiến lược bao vây biển mà nếu ASEAN cùng cả thế giới không quyết liệt, tỉnh táo thì sẽ quá muộn màng.
Theo GS. Buszynski, ngay từ những năm 1970, mối quan tâm về dầu lửa tại biển Đông của Trung Quốc đã được kích thích từ những cuộc thăm dò của Philippines và cho báo cáo kết quả khả quan về trữ lượng. Ngay sau đó, Trung Quốc đã cảnh báo Việt Nam và Philippines về thăm dò trong vùng biển mà Trung Quốc coi là của họ, đồng thời cảnh báo các Cty đối tác về hậu quả kinh doanh những hoạt động thăm dò dầu khí.
Vai trò của EU
Theo GS. Buszynski, muốn hạn chế và đi đến triệt tiêu chiến lược bao vây biển của Trung Quốc cần sự đồng lòng đoàn kết, phát huy sức mạnh của ASEAN cùng sự vào cuộc của Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ. Tuy nhiên, trong bối cảnh này, không thể xem nhẹ can thiệp của châu Âu.
Đồng quan điểm, ông Vũ Trường Minh (Giảng viên ĐH KHXH&NV TPHCM) cho rằng, khi biển Đông căng thẳng, những đóng góp về mặt ngoại giao của châu Âu là không thể xem nhẹ. “Châu Âu có những lợi ích kinh tế quan trọng trong việc ổn định ở Biển Đông, nơi hầu hết thương mại đều đi qua Đông Á. Vì thế, chính sách xoay trục của EU đối với biển Đông là vô cùng quan trọng” - ông Vũ Trường Minh nhận định.
Chiến lược bao vây biển của Trung Quốc là nỗ lực biến biển Đông thành lãnh hải của Trung Quốc, điều này tiện cả đôi đường về phát triển kinh tế biển và tăng cường sức mạnh hải quân. Để thể hiện điều này, Trung Quốc bắt đầu gia tăng áp lực đối với các nước ASEAN mà tiêu biểu là vụ giàn khoan Hải dương 981 (2014) và vụ chiếm bãi cạn Scarborought từ tay Philiphines vào năm 2012 - GS. Buszynski nhận định.