Phản đối Trung Quốc cải tạo phi pháp đá Chữ Thập

Thứ 6, 07/11/2014 | 11:27:40
1,592 lượt xem

Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 06/11 gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối việc Trung Quốc tiến hành các hoạt động cải tạo phi pháp trên bãi Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.


Trung Quốc tiến hành các hoạt động cải tạo phi pháp trên bãi Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: China Defense

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: “Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hành động nói trên của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, vi phạm luật pháp quốc tế, đi ngược lại Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông cũng như Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc; làm phá vỡ nguyên trạng, gây căng thẳng, phức tạp tình hình, không có lợi cho hòa bình và ổn định trong khu vực”.

Ông Lê Hải Bình nói: “Việt Nam kiên quyết phản đối hành động phi pháp nêu trên của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, nghiêm túc thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông, chấm dứt ngay việc cải tạo, xây dựng công trình, phá vỡ nguyên trạng tại quần đảo Trường Sa và không để tái diễn những hành động sai trái tương tự”.

Về phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh gần đây với báo giới về các hoạt động cải tạo, xây dựng ở quần đảo Trường Sa, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định trong cuộc họp báo thường kỳ chiều 6/11: “Chúng tôi đã nhiều lần nói rõ lập trường về vấn đề này. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền ở Trường Sa và Hoàng Sa. Mọi hoạt động của Việt Nam tại hai quần đảo này đều phù hợp với chủ quyền hợp pháp của Việt Nam, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông”.

Trước việc Đài Loan tiếp tục thị sát đảo Ba Bình ngày 5/11, bà Phạm Thu Hằng nói: “Một lần nữa, chúng tôi khẳng định mạnh mẽ chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Mọi hoạt động tại hai khu vực này mà không có sự đồng ý của Việt Nam đều là bất hợp pháp, vô giá trị và chúng tôi kiên quyết phản đối”.

Trước câu hỏi: Tại Hội nghị cấp cao ASEAN 25 sắp tới tại Myanmar, Việt Nam có chuẩn bị gì để thúc đẩy tiến trình hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông, Phó Phát ngôn viên cho biết, tại Hội nghị cấp cao ASEAN 25 và Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 22 tại Trung Quốc, Việt Nam sẽ có những đóng góp tích cực để cùng các nước thúc đẩy tự do, an ninh và an toàn hàng hải ở biển Đông, tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của các nước. Về khả năng tiếp xúc song phương giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với lãnh đạo cấp cao Trung Quốc nhân dịp APEC 22, bà Phạm Thu Hằng cho biết, các chương trình tiếp xúc song phương đang được thu xếp.

Tuần sau đưa thi thể 3 mẹ con người Việt về nước 

Bà Phạm Thu Hằng cho biết, theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan, thi hài 3 mẹ con người Việt tử nạn trong chuyến bay MH17 sẽ được đưa về Việt Nam vào ngày 13/11. Bộ Ngoại giao Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan đang phối hợp chính quyền sở tại để làm các thủ tục cuối cùng để đưa các thi thể về nước. 


Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng. Ảnh: Trúc Quỳnh

Về câu hỏi Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp Bộ Y tế như thế nào để tăng cường kiểm soát các công dân trở về từ vùng dịch Ebola, sau khi một người Việt Nam trở về từ Guinea trong tình trạng bị sốt, Phó phát ngôn viên cho biết, Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp Bộ Y tế nhằm đưa ra hướng dẫn cụ thể tại các nước, đặc biệt tại các nước có dịch Ebola đang hoành hành, để có biện pháp phòng, chống kịp thời và hiệu quả.

Về quan điểm của Việt Nam trước việc Nga công nhận kết quả bầu cử ở hai tỉnh miền đông Ukraine để lựa chọn lãnh đạo riêng, nhưng chính quyền Kiev và phương Tây không công nhận, bà Phạm Thu Hằng nói: “Việt Nam cho rằng, vấn đề Ukraine cần được giải quyết thông qua đối thoại và các biện pháp hòa bình, dựa trên các nguyên tắc và thỏa thuận đã đạt được, vì lợi ích của nhân dân Ukraine”.

Bộ Ngoại giao Việt Nam thông báo, nhận lời mời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ tham dự Hội nghị APEC 22 tại Bắc Kinh từ ngày 9 đến 11/11. Từ ngày 12 đến 13/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN 25 và các hội nghị liên quan tại thủ đô Nay Pyi Taw của Myanmar.

Tienphong.vn


  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật

Sáng 23.11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...