Nhiều câu hỏi thẳng được ông Tom Nagorski, Phó Chủ tịch điều hành Hội châu Á; GS. Jerome A. Cohen, Viện luật pháp Hoa Kỳ - châu Á, ĐH Luật New York; ông Thomas Vallely của ĐH Harvard... đặt ra. Phó Thủ tướng không né tránh câu hỏi nào.
Một chủ đề nổi bật gần đây là chính sách đối ngoại của TQ, mà VN là nước ở gần nhất. Nhiều nước thấy khó hiểu, Tổng thống Philippines còn nói với New York Times rằng có lúc ông không hiểu nổi quan hệ với TQ. Vậy VN miêu tả mối quan hệ này như thế nào?
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Quan hệ VN - TQ có một khuôn khổ là quan hệ đối tác chiến lược, mà Philippines chưa có. Ngoài quan hệ chính trị tốt, về kinh tế, TQ còn là đối tác thương mại lớn nhất của VN. Cả hai đều là nước XHCN, có quan hệ trên mọi kênh, giữa hai đảng, hai nhà nước, và nhân dân hai nước. Đúng là VN có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông với TQ. Philippines có thể không đoán được TQ, nhưng chúng tôi biết rõ TQ.
Qua vụ việc TQ hạ đặt giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của VN, bài học gì được rút ra để đảm bảo không lặp lại việc tương tự?
Khi TQ hạ đặt giàn khoan, vi phạm luật pháp quốc tế, chúng tôi đã kiên quyết bảo vệ quyền lợi của mình trên thực địa, đồng thời yêu cầu đối thoại với TQ.
Trong thời gian diễn ra sự việc, đã có hơn 40 cuộc trao đổi ở mọi cấp độ, bản thân tôi đã điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao TQ Vương Nghị và ủy viên Quốc vụ viện TQ Dương Khiết Trì. Chúng tôi đã tận dụng mọi kênh. Chúng tôi cũng có sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, những người đã lên tiếng quan ngại về hành động của TQ. Đó là những nhân tố mà chúng tôi cho là bài học hữu ích.
Có phải nhờ hơn 40 cuộc đối thoại mà TQ đã rút giàn khoan hay do những nguyên nhân khác?
Có nhiều cách giải thích: Do bão đến, nghĩa là chúng tôi được ông Trời giúp. TQ thì nói là giàn khoan đã hoàn thành nhiệm vụ.
Ông đã nhấn mạnh vai trò của luật pháp quốc tế như một điểm mà phần lớn các nước trong khu vực chia sẻ, nghĩa là vẫn có một số ít chưa chia sẻ. Trong vấn đề Biển Đông, VN sẽ khôn ngoan nếu tận dụng được các thể chế pháp lý quốc tế để giải quyết tranh chấp. VN vẫn cân nhắc lựa chọn này như các lãnh đạo cao nhất đã tuyên bố chứ?
Chúng tôi muốn giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm tất cả các biện pháp theo Hiến chương LHQ. Nếu đàm phán song phương đem lại kết quả thì đó là một biện pháp tốt. Chúng tôi đã đàm phán với TQ và đạt được thỏa thuận về cắm mốc biên giới trên bộ và phân định vịnh Bắc Bộ, nhưng bên ngoài thì chưa. Hành động pháp lý cũng là một biện pháp hòa bình.
Liệu VN có đồng ý với TQ giải quyết tay đôi vấn đề Biển Đông?
Quần đảo Hoàng Sa là vấn đề giữa TQ và VN, có thể giải quyết song phương. TQ đã cưỡng chiếm Hoàng Sa bằng vũ lực các năm 1956 và 1974, hiện vẫn đang chiếm giữ. VN luôn muốn giải quyết bằng biện pháp hòa bình và đã yêu cầu TQ làm như vậy. Nhưng TQ vẫn khăng khăng Hoàng Sa là của mình. Đó là sự khác biệt trong lập trường. Nhưng quần đảo Trường Sa có 5 nước (TQ, VN, Philippines, Malaysia và Brunei) và 1 vùng lãnh thổ (Đài Loan) cùng tranh chấp, thì phải tiếp cận đa phương.
Với mô hình phát triển của TQ, VN muốn học những điểm gì và không muốn học những điểm gì?
TQ đã nói muốn xây dựng CNXH đặc sắc Trung Hoa. VN cũng sẽ làm theo cách của mình.
Vậy VN làm thế nào duy trì được độc lập bên cạnh một láng giềng khổng lồ không thể dời đi đâu, và Mỹ có vai trò như thế nào trong quan hệ này?
Tôi có thể nhắc lại phương châm đối ngoại của VN là "ba không": không liên minh quân sự, không có căn sự quân sự của nước ngoài ở VN và không liên minh với nước này chống lại nước kia.
Mỹ có thể làm gì để giúp giải quyết các tranh chấp trong khu vực châu Á - TBD thay vì làm gia tăng căng thẳng?
Bất cứ sự tham gia của nước nào, bao gồm cả chính sách "xoay trục sang châu Á" của Mỹ, đều được hoan nghênh nếu đóng góp vào hòa bình và ổn định trong khu vực. Nhưng ngoài khía cạnh chính trị và an ninh, chúng tôi quan tâm hơn cả đến khía cạnh kinh tế, hoan nghênh các nước tăng cường kết nối, đầu tư, xây dựng hạ tầng... vào châu Á - TBD, vào Đông Nam Á, vào Việt Nam.
Về khả năng Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho VN, ông có thể cho biết quan điểm của nước mình?
20 năm trước, hai nước đã bình thường hóa quan hệ. Đến năm 2013, hai bên nâng tầm quan hệ lên đối tác toàn diện. Nghĩa là quan hệ đã bình thường, nhưng lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho VN lại không bình thường. Dỡ bỏ lệnh cấm sẽ là biểu hiện của một mối quan hệ bình thường.
Ông có lo là việc đó sẽ khiến TQ khó chịu, gây thêm rắc rối?
VN nếu không mua vũ khí từ Mỹ thì sẽ mua từ cách nước khác, tại sao TQ phải khó chịu chứ.
Ông có nhắc đến vai trò trung tâm của ASEAN, nhưng theo quan sát thì ASEAN cũng đang gặp thách thức trong việc duy trì đoàn kết và có tiếng nói chung?
Chính vì sự đoàn kết là quan trọng nhất với ASEAN nên chúng tôi có cơ chế để giải quyết các bất đồng nội khối. Ví dụ với vấn đề Biển Đông, năm 2012 ở Campuchia, lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm của khối, các bộ trưởng ngoại giao đã không ra được tuyên bố chung. Nhưng đến 2014, ASEAN đã tìm lại được tiếng nói chung, lần đầu tiên ra được một tuyên bố riêng về Biển Đông.