Thiếu tướng Lê Văn Cương: Nhóm Nhà nước Hồi giáo IS, ban đầu là một nhánh của Al-Qaeda, hình thành từ 2005 ở Iraq với mục tiêu phá hoại Mỹ và các thành phần thân Mỹ ở đây. Sau 5 năm hoạt động, IS đã gây ra hàng trăm, hàng ngàn vụ đánh bom liều chết ở Iraq.
Đến 2011, sau khi Bin Laden bị Mỹ tiêu diệt trong vụ đột kích tháng 5, kẻ cầm đầu IS lúc đó đã tỏ ra bất phục với người lên thay thế Osama lãnh đạo Al-Qaeda.
Bên cạnh đó, tình hình Syria bắt đầu diễn biến phức tạp từ tháng 3/2011, IS đã nhận ra ‘mảnh đất lành mới’ và chuyển trọng tâm sang Syria. Ở đây, chúng đầu quân vào cái gọi là lực lượng đối lập, chống lại chính quyền Assad.
Từ 2001 – 2013, chính Mỹ và phương Tây đã ngầm ủng hộ cho lực lượng này với mục tiêu lật đổ chính quyền Assad bằng việc cung cấp phương tiện chiến tranh, thông tin tình báo và huấn huyện.
Tuy nhiên, cuối 2013, tình hình Syria gần như lật ngược, chính quyền Assad đã chiếm lại thế thượng phong. Trong khi đó, ở Iraq lực lượng quân đội đã rệu rã, thiếu thiện chiến sau 8 năm cải tổ. Đây chính là nguyên nhân khiến IS quay trở về Iraq vào đầu năm 2014.Sau 3 năm tham chiến ở Syria, IS đã trở nên tinh nhuệ và cực kỳ nguy hiểm với sự tàn bạo vốn có. Sự man rợ của chúng lớn đến nỗi thủ lĩnh của Al-Qaeda – một tổ chức khủng bố khét tiếng thế giới – phải lên tiếng khai trừ IS ra khỏi Al Qaede vào tháng 2/2014.
Kể từ đó, IS hoạt động độc lập, không còn liên quan đến Al Qaeda nữa, so với tổ chức ‘mẹ’ này, IS có 2 điểm khác biệt lớn nhất.
Đầu tiên, IS hoạt động với sự tàn bạo, man rợ kinh hoàng hơn rất nhiều, thậm chí còn chê Al-Qaeda quá trí thức và mềm mỏng. Cũng chính vì quá tàn bạo mà Al-Qaeda phải khai trừ chi nhánh này ra khỏi tổ chức.Thứ hai, Al-Qaeda đơn thuần là một tổ chức khủng bố, hoạt động với mục tiêu phá hoại, quấy nhiễu Mỹ và các đồng minh Mỹ. Trong khi đó, IS là nhóm Hồi giáo cực đoan có ý định thành lập nhà nước, ban đầu là Iraq và Syria sau đó là tham vọng thống nhất Trung Đông.
Hiện nay, IS đã chiếm đóng trên khoảng diện tích 90.000 km2 ở cả Iraq và Syria, trong những khu vực này, người dân chỉ có 2 lựa chọn: Đi theo hoặc chết.
PV: Truyền thông phương Tây nói IS có thể ảnh hưởng đến cả Trung Quốc, vậy Việt Nam liệu có khả năng bị ảnh hưởng của tổ chức này hay không, thưa ông?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Về nhóm IS, hạt nhân là những người Hồi giáo dòng Sunni. Ở Trung Quốc cũng có cộng đồng này nhưng không lớn. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay Trung Quốc đã chứng kiến nhiều vụ khủng bố liên quan các phần tử Duy Ngô Nhĩ, Tân Cương.Trong thời đại hiện nay, việc liên lạc giữa các nhóm trở nên dễ dàng hơn rất nhiều, vì thế đây là một mối đe dọa với Trung Quốc khi các phần tử khủng bố tìm được đến nhau.
Tuy nhiên, với Việt Nam, tôi cho rằng khả năng ảnh hưởng của IS đến chúng ta là rất thấp.
PV: Mỹ và các nước NATO tạo liên minh chống IS, theo ông Washington liệu có sa lầy vào một cuộc chiến mới như Iraq, Afghanistan?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Nói về cuộc chiến chống IS của Mỹ hiện nay, có 2 điểm khác so với cuộc chiến chống Al-Qaeda mà cựu Tổng thống G. Bush phát động vào năm 2001.
Năm 2001, sau vụ khủng bố 11/9 nhằm vào New York và Lầu Năm Góc, ông Bush triển khai chiến lược chống khủng bố toàn diện. Trong đó, Mỹ là đầu tàu, chịu trách nhiệm hoàn toàn về cuộc chiến, lãnh đạo, tổ chức, tập hợp lực lượng và đưa quân Mỹ đến chiến trường.
Trong khi đó, ông Obama hiện nay chỉ sử dụng các cuộc không kích tăng cường, đồng thời hỗ trợ cho các lực lượng địa phương trong quá trình tìm và diệt IS.
Tôi có thể gọi khái quát chiến lược này của ông Obama là dùng người Arab để chống IS hoặc Arab hóa cuộc chiến chống IS.Sẽ không có thêm binh sĩ Mỹ, binh sĩ NATO nào tham chiến ở khu vực này và binh sĩ Mỹ sẽ không phải bỏ mạng trong cuộc chiến với IS.
Điểm khác thứ 2, sau vụ khủng bố năm 2001, ít nhiều Mỹ đã nhận được sự ủng hộ của cộng đồng thế giới, không chỉ các nước NATO mà còn một số quốc gia khác như Nga, Trung Quốc.
Nhưng bây giờ mọi chuyện đã khác, cuộc chiến chống IS hiện nay hết sức mơ hồ, khó khăn trong khi đối thủ hiện nay thiện chiến và tàn bạo hơn nhiều so với Al-Qaeda 13 năm trước.
Ngoài ra, thế, lực và uy tín của Mỹ hiện nay đã suy giảm so với 2001 nên việc kêu gọi thành lập liên minh sẽ gặp khó khăn khi cuộc chiến còn nhiều điều mơ hồ.
PV: Có chuyên gia cho rằng liên minh này sẽ không đủ khả năng xóa sổ IS nếu không có một quốc gia trong khu vực hoạt động của nhóm Hồi giáo này (gần Iraq, Syria), ông đánh giá thế nào về nhận định này?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Nhận định này hoàn toàn đúng. Trên góc độ khoa học, theo tôi tất cả mọi cuộc chiến tranh đều phải có sự tham gia cuối cùng của bộ binh. Cả Thế chiến I và II và kể cả sau này có Thế chiến III đi chăng nữa thì bộ binh vẫn là lực lượng cuối cùng.Nếu Mỹ chỉ có không kích thì không bao giờ có thể xóa sổ được IS, có chăng chỉ là gay thiệt hại về cơ sở hạ tầng và buộc chúng phải lẩn trốn sâu hơn.
Yếu tố để chiến thắng IS chỉ có thể là bộ binh, trong khi Mỹ và NATO đều không đưa quân vào thì chỉ có thể là từ các nước trong khu vực. Trước mắt là lực lượng vũ trang của Iraq tuy nhiên đội quân này đã không còn tinh nhuệ nữa.Bên cạnh đó, ông Obama có nói về việc giúp đỡ các nhóm trung lập ở Syria, ôn hòa với chính quyền Assad để chống lại IS nhưng hiện nay, ở Syria không còn lực lượng trung lập nào như vậy.
Từ những điều trên, ta có thể thấy thêm được sự mơ hồ và thiếu khả năng thành công của cuộc chiến lần này mà Mỹ nhằm vào IS.
PV: Ông lý giải thế nào về việc IS có thể thu hút được rất nhiều người nước ngoài tham gia, trong đó có đến 2.000 người phương Tây?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Đây là những người mang quốc tịch phương Tây nhưng có nguồn gốc Ả Rập. Từ Mỹ, Anh, Pháp hay Australia, đều có các công dân đang hoạt động trong Nhà nước Hồi giáo – IS.
Đây là cuộc chiến giữa 2 nền văn minh, giữa người Hồi giáo và người Kito giáo. Đây là câu chuyện rất khó giải thích, không chỉ sự cách biệt về kinh tế, tri thức hay mức sống là nguyên nhân khủng bố vì có rất nhiều kẻ đánh bom liều chết đã có bằng đại học của Mỹ.
Và đây cũng là một lực lượng sẽ rất nguy hiểm khi chúng trở về các quốc gia của mình và mang theo tư tưởng của IS./.
(Theo Tùng Đinh/VTC News)
Nguồn: Vov.vn