"Việt Nam sẽ không cho ai thuê Cam Ranh, chỉ tàu Mỹ có thể dùng dịch vụ"

Thứ 4, 20/08/2014 | 16:20:41
3,686 lượt xem

VN dứt khoát không cho bất kỳ ai thuê quân cảng Cam Ranh, nhưng định kỳ cung cấp dịch vụ duy tu hậu cần cho tàu chiến Mỹ có thể là một lựa chọn.

 Chuyến công du Việt Nam của Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, một hoạt động đối ngoại quốc phòng bình thường giữa 2 nước đang nhận được sự quan tâm đặc biệt từ dư luận quốc tế, đặc biệt là sự theo dõi, bình luận thậm chí là moi móc, bôi đen của truyền thông Trung Quốc.

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Martin Dempsey thăm một tàu hải quân Việt Nam tại cảng Đà Nẵng.

Thời báo Hoàn Cầu ngày 18/8 đăng bài bình luận, mặc dù từng là kẻ thù một mất một còn nhưng hiện tại Mỹ và Việt Nam đang sát lại gần nhau nhanh chóng chỉ vì Trung Quốc (gây hấn trên Biển Đông). Thông tin các quan chức Mỹ đang xem xét nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam hay hai bên tăng cường hợp tác quân sự lập tức được Thời báo Hoàn Cầu lu loa rằng đó là động thái "kiềm chế" Trung Quốc trên Biển Đông?!
Đúng hơn là cần phải hợp tác đối phó với những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, coi trời bằng vung, bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc trên Biển Đông - PV.
 Mặc dù vẫn còn duy trì lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, nhưng theo Thời báo Hoàn Cầu những năm gần đây thái độ của Mỹ trong vấn đề này ngày một mềm mỏng hơn. Năm 2005 có 3 tàu hải quân Trung Quốc được lắp radar do chi nhánh công ty Mỹ Northrop Grumman tại Anh chế tạo. Năm 2006 Bộ Quốc phòng Việt Nam lần đầu tiên mua được 1 chiếc xe bọc thép thế hệ mới của 1 công ty Mỹ tại tiểu bang Virginia.
 Năm 2007, chính sách cấm bán vũ khí cho Việt Nam đã có những thay đổi rõ nét. Chính quyền Tổng thống Bush khi đó đã sửa đổi các điều khoản về giao dịch vũ khí quốc tế, cho phép tùy tình hình để có thể bán vũ khí sát thương hiện đại cho Việt Nam, nhưng các loại vũ khí hiện đại này phải được hạn chế. Lần này khả năng nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam có thể tiếp tục mở ra những khả năng hợp tác mới.
 Hoàn Cầu dẫn nguồn truyền thông Mỹ cho rằng, nhiều khả năng Việt Nam sẽ đề xuất với phía Mỹ mua radar ven biển, tên lửa phòng không và máy bay trinh sát trên biển. Đồng thời Việt Nam mong muốn có khả năng nhận được các linh kiện trang bị quân sự của Mỹ.
 Tờ báo Trung Quốc này cho rằng chuyến công du của tướng Martin Dempsey tới Việt Nam bao gồm cả Đà Nẵng khiến người ta nhớ tới việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta khi tới thăm Việt Nam đã từng ghé thăm cảng Cam Ranh cho thấy 2 cảng này luôn có vai trò chiến lược ở Biển Đông và luôn nằm trong tầm ngắm của Mỹ.
Tướng Martin Dempsey giao lưu với các sĩ quan tàu Hải quân Việt Nam tại cảng Đà Nẵng.

Cảng Cam Ranh và cảng Đà Nẵng đều là một trong những cảng nước sâu tốt nhất trên thế giới, khống chế yết hầu chiến lược nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương và cách 2 đại dương không dầy 1 giờ bay. Trong Chiến tranh Việt Nam, người Mỹ đã rót nhiều tiền vào cảng Cam Ranh và cảng Đà Nẵng để nâng cấp cơ sở hạ tầng cho địa phương này.
 Dẫn kết quả nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm Thụy Điển cho biết, một khi Mỹ thuê được cảng Cam Ranh là có thể nắm chặt yết hầu ở Biển Đông. Từ cảng Cam Ranh tới bất cứ đảo, đá nào ở Trường Sa khả năng kiểm soát của Mỹ đều hơn đứt Trung Quốc. Khả năng khống chế của cảng Cam Ranh với bất kỳ đảo, đá nào ở Trường Sa hay năng lực cơ động binh hỏa lực, đổ bộ đều cao hơn nhiều so với bất kỳ căn cứ hải quân nào của Trung Quốc
 Giá trị của cảng Cam Ranh đối với Mỹ ở Biển Đông hơn hẳn các cảng nổi tiếng khác như cảng Changi của Singapore, Yokosuka của Nhật Bản, Busan của Hàn Quốc hay đảo Guam, Hoàn Cầu kết luận.
 Tuy nhiên theo phân tích của các chuyên gia Thời báo Hoàn Cầu phỏng vấn, lập trường của Mỹ hiện nay là mong muốn tranh thủ Việt Nam đồng ý mở cửa 2 hải cảng này để cung cấp dịch vụ duy tu bảo dưỡng tàu chiến hải quân Mỹ chứ Washington không có ý định đặt một căn cứ quân sự vĩnh cửu ở Việt Nam.
 Trong khu vực Đông Nam Á, Mỹ đã dùng phương thức ký kết hiệp định để có được quyền sử dụng các quân cảng, như vậy có thể loại bỏ được tính nhạy cảm chính trị của vấn đề đặt 1 căn cứ quân sự vĩnh cửu ở nước ngoài và cũng đỡ tốn kém hơn cho Mỹ.
 Đối với Việt Nam, bất luận là cân nhắc đến tình hình chính trị nội bộ hay nhu cầu cân bằng lợi ích chiến lược với Nga, Việt Nam gần như không thể cho phép người Mỹ xuất hiện thường trực trên lãnh thổ của mình. Chính sách của Việt Nam dứt khoát không cho bất kỳ ai thuê quân cảng Cam Ranh, nhưng định kỳ cung cấp dịch vụ duy tu hậu cần cho tàu chiến Mỹ có thể là một lựa chọn chấp nhận được, Thời báo Hoàn Cầu bình luận.
 Theo Hồng Thủy (Giaoduc.net.vn)

 

  • Từ khóa
Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của Kỳ họp thứ 8
Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của Kỳ họp thứ 8

Sáng 20.11, Quốc hội bắt đầu đợt 2 của Kỳ họp thứ 8, tiếp tục thảo luận, cho ý kiến nhiều dự án luật quan trọng và xem xét, thông qua các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết đã được trình Quốc hội trong đợt 1...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...