Những kết luận mà TQ đưa ra hiện nay đang mâu thuẫn với các phát biểu của TQ, trong đó có phát biểu của chính nhà lãnh đạo TQ Đặng Tiểu Bình.
Văn bản “Lập trường chính thức của VN về chủ quyền của VN đối với quần đảo Hoàng Sa” vừa được Bộ Ngoại giao đưa ra lưu hành trên các phương tiện truyền thông.
VietNamNet giới thiệu toàn văn của văn bản này:
Nước CHXHCN VN bác bỏ toàn bộ, cả trên thực tế cũng như pháp lý, yêu sách chủ quyền của TQ đối với quần đảo Hoàng Sa (mà TQ gọi là “Tây Sa”) nêu trong các văn bản kèm theo các thư ngày 22/5/2014 và ngày 9/6/2014 của Đại biện Phái đoàn đại diện thường trực nước CHND Trung Hoa gửi Tổng thư ký LHQ lần lượt trong các văn bản A/68/887 và A/68/907. VN khẳng định rằng các yêu sách của TQ không có cơ sở pháp lý và lịch sử.
Tư liệu lịch sử không thống nhất với tuyên bố chủ quyền của TQ với quần đảo Hoàng Sa
Trong các trao đổi thời gian gần đây, TQ đã dẫn chiếu đến một số tư liệu như là bằng chứng lịch sử nhằm chứng minh cho cái gọi là “chủ quyền” của TQ đối với quần đảo Hoàng Sa của VN. Tuy nhiên, các “tư liệu” này của TQ không có nguồn gốc rõ ràng, không chính xác và được TQ diễn giải một cách tùy tiện.
Các tài liệu mà TQ dẫn chiếu tới không chứng tỏ rằng TQ đã thiết lập chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa khi quần đảo còn là lãnh thổ vô chủ. Ngược lại, các ghi chép lịch sử cho thấy TQ hiểu rằng chủ quyền của họ chưa bao giờ bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa.
Tàu hải giám TQ mở hết tốc lực truy cản tàu cảnh sát biển của Việt Nam. Ảnh: TTXVN |
Ví dụ như vào thập kỷ cuối cùng của thế kỷ 19, khi hai tàu Bellona và Umeji Maru bị đắm ở Hoàng Sa và bị ngư dân TQ cướp tài sản, nhà cầm quyền TQ tại Quảng Đông đã lập luận rằng quần đảo Hoàng Sa là lãnh thổ bị bỏ rơi, không thuộc về TQ.
Về hành chính, các đảo này không thuộc bất kỳ châu nào của Hải Nam, TQ và không có cơ quan nào của TQ có trách nhiệm quản lý quần đảo này. Vì những lý do đó, phía TQ đã tuyên bố không chịu trách nhiệm về vụ ngư dân cướp tài sản.
Trong khi đó, VN đã cung cấp công khai các tài liệu lịch sử xác thực cho thấy VN đã thiết lập chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa từ khi quần đảo là lãnh thổ vô chủ.
Ít nhất từ thế kỷ 17, các triều đại nhà Nguyễn của VN đã tổ chức các hoạt động khai thác sản vật trên các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, tổ chức đo đạc hải trình và bảo đảm an toàn cho các tàu thuyền của quốc gia khác qua lại tại khu vực quần đảo Hoàng Sa.
Các hoạt động này đều đã được ghi nhận trong các văn bản chính thức do các triều đình VN ban hành là các châu bản hiện đang được lưu giữ tại VN.
Sau khi Pháp và VN ký Hiệp định bảo hộ ngày 15/3/1874 và ngày 6/6/1884, Pháp đã thay mặt VN tiếp tục thực thi chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và tuyên bố phản đối các hành động xâm phạm của TQ.
Pháp đã tiến hành nhiều hoạt động thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa như xây dựng và vận hành đèn biển và trạm khí tượng, thiết lập các đại lý hành chính thuộc tỉnh Thừa Thiên (An Nam), cấp giấy khai sinh cho công dân VN sinh ra tại quần đảo này.
Việc Đô đốc Quảng Đông (TQ) Lý Chuẩn năm 1909 tiến hành hành động thám hiểm và thăm dò Hoàng Sa là hành động vi phạm chủ quyền của VN đối với Hoàng Sa mà VN đã thiết lập vững chắc và được chính quyền bảo hộ Pháp thay mặt VN tiếp tục thực thi hữu hiệu.
Pháp đã thay mặt VN phản đối các hành động xâm phạm của TQ đối với quần đảo Hoàng Sa và nêu rõ chủ quyền của Hoàng Sa đã được xác lập bởi VN. Trước yêu sách của TQ đối với Hoàng Sa, Pháp đã từng đề nghị TQ giải quyết vấn đề bằng Trọng tài quốc tế (Công hàm của Pháp gửi TQ ngày 18/2/1937), nhưng TQ đã từ chối.
Năm 1946, chính quyền Trung Hoa Dân quốc của Tưởng Giới Thạch lợi dụng bối cảnh Chiến tranh Thế giới thứ II kết thúc đã xâm nhập trái phép đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Năm 1947, Pháp đã ra tuyên bố phản đối sự xâm nhập này, yêu cầu hai bên tiến hành đàm phán và giải quyết tại cơ quan tài phán quốc tế nhưng chính quyền Trung Hoa Dân quốc lại một lần nữa từ chối. Chính quyền Tưởng Giới Thạch sau đó đã rút khỏi đảo Phú Lâm.
Các hội nghị quốc tế không giao quần đảo Hoàng Sa cho TQ
Trước và sau khi Chiến tranh Thế giới thứ II kết thúc, vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như Trường Sa đã nhiều lần được đưa ra các hội nghị quốc tế xem xét.
Từ ngày 22-26/11/1943, hội nghị Cairo với sự tham gia của Tổng thống Hoa Kỳ Franklin D. Roosevelt, Thủ tướng Anh Winston Churchill và Tổng thống Trung Hoa Dân quốc Tưởng Giới Thạch đã ra Tuyên bố Cairo, đưa ra mục tiêu loại bỏ Nhật Bản ra khỏi tất cả các quần đảo ở Thái Bình Dương mà Nhật Bản đã chiếm đóng từ Chiến tranh Thế giới thứ I năm 1914 và tất cả các lãnh thổ Nhật Bản đã chiếm của TQ như Mãn Châu, Đài Loan và Bành Hồ sẽ được trả lại cho Trung Hoa Dân quốc.
Tưởng Giới Thạch, đại diện cho TQ có mặt tại hội nghị không hề đề cập đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Hội nghị Potsdam diễn ra từ ngày 17/7 - 2/8/1945 với sự tham gia của lãnh đạo ba nước Hoa Kỳ, Anh và TQ đã ra Tuyên ngôn Potsdam tái khẳng định những nội dung của Tuyên bố Cairo. Đại diện của TQ, Tưởng Giới Thạch có mặt tại hội nghị cũng không hề nhắc đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Hội nghị hòa bình San Francisco từ ngày 4-8/9/1951 có 51 nước tham dự; VN tham gia với tư cách là thành viên của Liên hiệp Pháp. Thủ tướng Quốc gia VN Trần Văn Hữu đã tham dự hội nghị trên cương vị Trưởng phái đoàn VN. Hội nghị San Francisco đã giải quyết vấn đề quy thuộc một số vùng lãnh thổ ở châu Á - Thái Bình Dương.
Trưởng đoàn Liên Xô Andrei A. Gromyko đã thay mặt TQ đưa ra đề nghị gồm 13 khoản, trong đó có khoản liên quan đến việc Nhật Bản công nhận chủ quyền của nước CHND Trung Hoa đối với một số đảo ở Biển Đông, kể cả quần đảo Hoàng Sa. Với 46 phiếu chống, 3 phiếu ủng hộ và 2 phiếu trắng, hội nghị đã bác bỏ đề nghị này của phái đoàn Liên Xô.
Ngay sau đó, ngày 7/9/1951, phát biểu tại hội nghị, Trưởng phái đoàn quốc gia VN Trần Văn Hữu đã tái khẳng định chủ quyền lâu đời của VN đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.. Cả 51 quốc gia đều không phản đối Tuyên bố xác nhận chủ quyền đó của Phái đoàn VN.
Hội nghị Geneva năm 1954 về việc khôi phục hòa bình ở Đông Dương khẳng định các bên tham gia tôn trọng độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của VN, bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đang do các lực lượng của Pháp và Quốc gia VN quản lý.
TQ là một trong những nước tham gia hội nghị quốc tế về Đông Dương tại Geneva 1954 biết rất rõ điều này và TQ phải tôn trọng các văn kiện quốc tế của Hội nghị đó.
Điều 1 Hiệp định Paris năm 1973 nói rõ tất cả các nước tôn trọng độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của VN. Lúc này hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đang do VN Cộng hòa quản lý, và là một bộ phận lãnh thổ không thể tách rời của VN.
Tháng 1/1974, TQ sử dụng vũ lực chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của VN. Ngay lúc đó, Chính phủ VN Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam VN đều đã ra tuyên bố bày tỏ quan điểm và phản đối hành động của TQ.
Chính phủ VN Cộng hòa đã yêu cầu Hội đồng Bảo an LHQ họp khẩn cấp về hành động sử dụng vũ lực của TQ. Theo luật pháp quốc tế về thụ đắc lãnh thổ, việc sử dụng vũ lực chiếm đóng một vùng lãnh thổ thuộc quốc gia khác không thể tạo ra chủ quyền.
TQ đã vi phạm nguyên tắc cấm đe dọa và sử dụng vũ lực nên không thể thiết lập được chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa
TQ đã hai lần xâm chiếm trái phép Hoàng Sa. Năm 1956, lợi dụng lúc Pháp rút khỏi VN, TQ đã xâm chiếm nhóm đảo phía Đông của Hoàng Sa. Đây là lần đầu tiên TQ thực sự chiếm đóng một phần quần đảo Hoàng Sa. Chính quyền VN Cộng hòa đã phản đối mạnh mẽ sự chiếm đóng này.
Năm 1959, một nhóm binh lính TQ giả dạng ngư dân âm mưu đổ bộ lên nhóm đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa đã bị lực lượng của chính quyền VN Cộng hòa đập tan.
82 “ngư dân” TQ đã bị bắt. Cả hai hành động xâm chiếm này diễn ra sau khi vấn đề chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được khẳng định tại các hội nghị quốc tế như trên mà không gặp phải bất kỳ sự phản đối nào.
Năm 1974, lợi dụng tình hình chiến tranh ở VN, TQ đã tấn công và chiếm quyền kiểm soát Hoàng Sa từ chính quyền VN Cộng hòa. Đây là lần đầu tiên TQ chiếm đóng bằng vũ lực toàn bộ quần đảo Hoàng Sa.
Từ góc độ luật pháp quốc tế, việc chiếm đóng bằng vũ lực lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền là hành vi bất hợp pháp và không thể là cơ sở cho đòi hỏi chủ quyền. Vì vậy, chủ quyền của VN đối với quần đảo Hoàng Sa vẫn được duy trì và không bị thay thế bởi sự chiếm đóng bằng vũ lực của TQ.
Bị vong lục ngày 12/5/1988 của TQ - một văn bản chính thức của Bộ Ngoại giao TQ - cũng khẳng định rõ một nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế là “xâm lược không thể sinh ra chủ quyền” đối với một vùng lãnh thổ. Không có quốc gia nào trên thế giới công nhận chủ quyền của TQ đối với quần đảo Hoàng Sa.
VN chưa bao giờ công nhận chủ quyền của TQ
TQ đã cố tình xuyên tạc lịch sử và diễn giải sai lịch sử khi viện dẫn Công thư của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958 và một số tài liệu, ấn phẩm được xuất bản ở VN trước năm 1975 để củng cố yêu sách của TQ đối với quần đảo Hoàng Sa. Công thư của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng hoàn toàn không nhắc gì đến chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa hay Trường Sa.
Tuyên bố đó liên quan đến các vùng biển, không giải quyết các vấn đề lãnh thổ. Trên thực tế, những kết luận mà TQ đưa ra hiện nay đang mâu thuẫn với chính các phát biểu của TQ, trong đó có phát biểu của chính nhà lãnh đạo TQ Đặng Tiểu Bình.
Tháng 9/1975, 17 năm sau Công thư nói trên của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nhà lãnh đạo TQ Đặng Tiểu Bình đã nói với nhà lãnh đạo VN Lê Duẩn tại Bắc Kinh rằng “TQ có đầy đủ tài liệu chứng minh quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa) từ xưa đến nay thuộc lãnh thổ TQ.
Nhưng với nguyên tắc thông qua hiệp thương hữu nghị để giải quyết bất đồng, sau này hai nước sẽ bàn bạc giải quyết”.
Bị vong lục của Bộ Ngoại giao TQ ngày 12/5/1988 đã ghi nhận rõ ràng nội dung phát biểu này của Đặng Tiểu Bình, thể hiện nhận thức của TQ rằng vấn đề chủ quyền không được dàn xếp có lợi cho phía TQ qua các phát biểu hay thỏa thuận trước đây.
VN yêu cầu TQ tôn trọng sự thật lịch sử đó và nghiêm túc đàm phán với VN về vấn đề quần đảo Hoàng Sa.
VietNamNetgiới thiệu
Sáng 20.11, Quốc hội bắt đầu đợt 2 của Kỳ họp thứ 8, tiếp tục thảo luận, cho ý kiến nhiều dự án luật quan trọng và xem xét, thông qua các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết đã được trình Quốc hội trong đợt 1...
Chiều 17.11, đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do...
Đoàn công tác của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do đồng chí Bùi...
Sáng 14.11, đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội có...
Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...
Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc...
Trong khuôn khổ hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mở rộng sơ kết giữa...
Chiều 27/10, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến góp ý Dự...