Việc Tổng thống Nicolas Maduro vẫn giữ vững quyền lực và quân đội tuyên bố trung thành với chính quyền dường như là dấu chấm hết cho nỗ lực đảo chính của phe đối lập Venezuela.
Thủ lĩnh đối lập Juan Guaido kêu gọi người biểu tình tại Caracas hôm 1/5. (Ảnh: Reuters)
Khi thủ lĩnh đối lập Juan Guaido xuất hiện bên ngoài căn cứ không quân La Carlota, một trong những căn cứ quân sự quan trọng nhất tại thủ đô Caracas, hôm 30/4 và được bảo vệ bởi các binh sĩ đào tẩu với những khẩu súng trường tấn công, nhiều người ủng hộ ông đã nghĩ rằng đây là “cuộc đấu” cuối cùng của Tổng thống Nicolas Maduro và chính quyền đương nhiệm của Venezuela sẽ sụp đổ.
“Thời khắc hành động đã đến”, Juan Guaido, người tự xưng là tổng thống lâm thời của Venezuela, kêu gọi những người ủng hộ trong thông báo phát đi vào sáng sớm. Tổng thống tự phong hối thúc lực lượng vũ trang Venezuela quay lưng với chính tổng tư lệnh của họ - Tổng thống Maduro.
Tuy nhiên họ đã không nghe theo lời kêu gọi của thủ lĩnh đối lập.
Sau một ngày bạo loạn, Tổng thống Maduro vẫn nắm giữ quyền lực và hầu hết các quan chức quân đội hàng đầu vẫn cam kết trung thành với Tổng thống Maduro. Nỗ lực của Juan Guaido nhằm kích động một cuộc nổi dậy trên toàn đất nước dường như đã thất bại, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.
“Đây rõ ràng là một sự thất bại vì có cảm giác phe đối lập đã suy yếu hơn so với trước đây”, David Smilde, chuyên gia về Venezuela tại Văn phòng Washington thuộc Nhóm Cố vấn Mỹ Latinh, nhận định.
Benjamin Gedan, cố vấn về Venezuela tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, cho rằng Juan Guaido đã kỳ vọng về một cuộc đào tẩu hàng loạt của lực lượng tình báo cũng như quân đội Venezuela. Tuy nhiên rốt cuộc tất cả đều không diễn ra như toan tính của tổng thống tự phong.
Sau ngày đầu tiên trong kế hoạch đảo chính, phong trào biểu tình phản đối chính quyền Maduro vẫn tiếp tục kéo dài sang ngày hôm sau 1/5. Tuy vậy, Tổng thống Maduro dường như không quá mạnh tay với phe đối lập và những người biểu tình. Quân đội chính phủ chỉ dừng lại ở việc sử dụng vòi rồng và đạn hơi cay để đảm bảo trật tự tại thủ đô Caracas.
Venezuela sẽ đi về đâu?
Người ủng hộ vây quanh xe của thủ lĩnh đối lập Guaido trong cuộc biểu tình ngày 30/4. (Ảnh: Reuters)
“Việc hạ bệ một chính quyền vốn kiểm soát toàn bộ lãnh thổ và độc quyền trong việc sử dụng quân đội là rất khó khăn. Tuy nhiên, quá trình chuyển giao (quyền lực) thường đến bất ngờ và nhanh chóng một cách khó đoán”, chuyên gia Gedan nhận định.
“Tôi không dự đoán chính quyền (Venezuela) sẽ sụp đổ ngay trong ngày mai. Nhưng tôi không nhận ra dấu hiệu cho thấy ông Maduro đặc biệt tự tin vào việc nắm giữ quyền lực. Không có bằng chứng cho thấy chính phủ đang có một vị trí vững chắc tại đất nước này. Tôi không tin ông Maduro ngủ ngon mỗi đêm”, Gedan nhận xét thêm.
Vanessa Neumann, đặc phái viên của tổng thống tự phong Guaido tại Anh, phủ nhận việc phe đối lập kỳ vọng chính quyền Maduro sẽ bị sụp đổ ngay lập tức.
“Đây là quá trình diễn ra chậm chạp… Chúng tôi không nghĩ mọi việc sẽ kết thúc chỉ trong vài giờ”, đặc phái viên Neumann cho biết.
Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng việc lật đổ nhanh chóng Tổng thống Maduro chính xác là những gì mà thủ lĩnh đối lập Guaido kỳ vọng nhưng không thể đạt được khi ông xuống đường từ lúc 4 giờ sáng cùng cố vấn chính trị Leopoldo Lopez, người từng bị quản thúc tại gia vì lãnh đạo lực lượng chống chính phủ Venezuela cách đây 5 năm.
Theo chuyên gia Smilde, thủ lĩnh đối lập Guaido từng hy vọng rằng lời kêu gọi của ông sẽ tạo ra “cơn lốc” đào tẩu để nhanh chóng lật đổ Tổng thống Maduro.
Tổng thống Maduro phát biểu trước đám đông ủng hộ tại Caracas ngày 1/5. (Ảnh: Reuters)
Ông Guaido đã có trong tay một “quân bài” đào tẩu quan trọng là giám đốc cơ quan tình báo quốc gia Manuel Ricardo Cristopher Figuera. Quan chức cấp cao này tuyên bố rời khỏi chính quyền Maduro trong một bức thư được công bố rộng rãi, chỉ trích “những kẻ bất lương và lừa đảo” cướp bóc Venezuela trong khi người dân đang chết đói.
Chuyên gia Smilde cho biết ngay từ đầu, khi Juan Guaido xuất hiện trước ống kính với một nhóm người ủng hộ trong đoạn video kêu gọi đảo chính, ông đã tiên đoán được sự thất bại của kế hoạch này. Bây giờ, Guaido có thể đối mặt với nguy cơ bị bắt, trong khi Lopez đã bỏ trốn tới đại sứ quán Tây Ban Nha.
“Đây có lẽ là đòn giáng lớn nhất vì Guaido được xem là người hùng biểu tượng của phong trào đối lập, nhưng bây giờ có vẻ như ông ấy đã từ bỏ cuộc đấu tranh từ bên trong Venezuela”, chuyên gia Smilde nhấn mạnh.
Tuy vậy, một số chuyên gia khác vẫn đưa ra dự báo tích cực hơn về tương lai của phe đối lập.
Eric Farnsworth, cựu nhà ngoại giao Mỹ và là phó chủ tịch Hội đồng châu Mỹ, cho biết ông tin rằng “các cuộc thảo luận căng thẳng” đang được tiến hành giữa phe đối lập với các lãnh đạo quân đội cấp cao trong chính quyền Maduro để thuyết phục họ “đổi phe”.
Theo ông Farnsworth, Brazil, nước từng phát triển mối quan hệ gần gũi với quân đội Venezuela dưới thời cố Tổng thống Venezuela Hugo Chavez và cựu Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, và Colombia có thể đóng vai trò quan trọng trong việc dàn xếp các cuộc thảo luận giữa phe đối lập với các tướng lĩnh quân đội Venezuela.
“Những gì phe đối lập thực sự cần là ai đó có thể ra lệnh cho các binh sĩ, có thể ở khu vực ngoại ô Caracas, và tuyên bố rằng: “Đủ rồi, chúng tôi không còn nghe theo mệnh lệnh của ông Maduro nữa””, nhà ngoại giao Mỹ nhận định.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro ngày 1/5 cho biết tình báo Brazil tin rằng đang có sự rạn nứt trong đội ngũ quan chức hàng đầu của quân đội Venezuela.
“Có thể chính quyền (Venezuela) sẽ sụp đổ vì có ai đó trong hàng ngũ lãnh đạo đổi phe”, Tổng thống Brazil nói với các phóng viên.
“Hôm qua, chính quyền đã không sụp đổ. Nhưng tôi cho rằng đó chưa phải chương cuối cùng”, ông Farnsworth dự báo.
Nguồn Dantri.com.vn
Sáng 23.11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật...
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ Tám, sáng ngày 22.11, các đại biểu Quốc...
Sáng ngày 21.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết...
Sáng 20.11, Quốc hội bắt đầu đợt 2 của Kỳ họp thứ 8, tiếp tục thảo luận,...
Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...
Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc...
Trong khuôn khổ hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mở rộng sơ kết giữa...
Chiều 27/10, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến góp ý Dự...