Vào lúc 18h30 ngày 27.2, Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã gặp nhạu tại khách sạn Sofitel Legend Metropole, bắt đầu những hoạt động đầu tiên trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2. Mọi sự chú ý đang hướng về Hà Nội, với câu hỏi: Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un có viết nên trang sử mới trong quan hệ Mỹ - Triều, cũng như trong tiến trình phi hạt nhân hóa, nhằm mang lại nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên?
Cái bắt tay lần thứ hai
Tại khách sạn Sofitel Legend Metropole, Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim đã có cái bắt tay lần thứ hai. Trước đó, ngày 12.6.2018, hai nhà lãnh đạo đã tiến hành Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ nhất ở đảo quốc Singapore, đánh đấu lần đầu tiên trong lịch sử một Tổng thống Mỹ đương nhiệm và lãnh đạo Triều Tiên gặp gỡ trực tiếp. Gặp lại Chủ tịch Kim Jong-un tại Hà Nội, Tổng thống Trump khẳng định mong đợi rằng cuộc gặp gỡ sẽ “rất thành công”. Về phần mình, Chủ tịch Kim Jong-un nói, “chúng ta đã có thể vượt qua mọi trở ngại và có mặt ở đây ngày hôm nay”.
Hai nhà lãnh dành ít phút để trao đổi và chụp ảnh chung, trước khi tiến hành cuộc gặp riêng kéo dài gần 30 phút. Sau đó, hai nhà lãnh đạo dùng bữa tối thân mật cùng một số quan chức cấp cao của hai nước. Bữa tối giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un diễn ra trong phạm vi hẹp, với thành phần tham dự chính thức gồm 6 người, mỗi bên ba người. Tháp tùng Tổng thống Donald Trump trong bữa tiệc tối là Ngoại trưởng Mike Pompeo và quyền Chánh Văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney. Bên phía Triều Tiên, cùng tham dự hoạt động này với Chủ tịch Kim Jong-un có Phó Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong Chol và Bộ trưởng Ngoại giao Ri Yong Ho.
Hoạt động ngoại giao đầu tiên giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un gói gọn trong khoảng 2 tiếng. Theo thông tin từ Nhà Trắng, hai nhà lãnh đạo sẽ tiến hành một loạt cuộc gặp chính thức vào ngày hôm nay, 28.2, nhằm thảo luận những nội dung đàm phán cốt lõi, cùng nhiều vấn đề nhạy cảm khác trong chương trình nghị sự.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un bắt tay nhau - cái bắt tay lịch sử tại Hà Nội
Từ Singapore đến Hà Nội
Tại Hội nghị Thượng đỉnh ở Singapore, hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều Tiên đã ký Tuyên bố chung, với 4 cam kết gồm: Thiết lập quan hệ mới giữa Mỹ - Triều Tiên, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân hai nước, vì hòa bình và thịnh vượng; cùng nhau xây dựng nền hòa bình ổn định và lâu dài trên bán đảo Triều Tiên; hợp tác hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên; tìm kiếm và trao trả hài cốt của những quân nhân thiệt mạng trong Chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953.
Nhà Trắng cho biết, Hội nghị lần này nhằm đạt được bước tiến xa hơn trong các cam kết mà hai nhà lãnh đạo đã đưa ra tại Singapore; đồng thời khẳng định, kể từ Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên, quan hệ Mỹ - Triều Tiên đã đạt được những nấc thang mới và tiến trình đàm phán về phi hạt nhân hóa cũng mang lại những kết quả nhất định.
Ngay sau Hội nghị, Tổng thống Donald Trump đã thông báo, Mỹ sẽ đình chỉ các cuộc tập trận quân sự với Hàn Quốc, hành động thường bị Triều Tiên chỉ trích là nhằm diễn tập cho chiến tranh. Tổng thống Donald Trump thậm chí còn tuyên bố trên Twitter rằng Triều Tiên không còn là mối đe dọa hạt nhân. Phía Bình Nhưỡng cũng nhanh chóng chuyển cho Mỹ 55 hộp chứa hài cốt của binh lính Mỹ thiệt mạng trong Chiến tranh Triều Tiên. Đến tháng 7.2018, các hình ảnh vệ tinh cho thấy Triều Tiên bắt đầu tháo gỡ một số cơ sở tại Trạm phóng vệ tinh Sohae. Tuy nhiên, sau đó giới quan sát cho rằng không có thêm động thái quyết liệt từ phía Bình Nhưỡng.
Mặc dù được đánh giá là mang tính lịch sử, nhưng Tuyên bố chung giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều Tiên chủ yếu mang tính biểu tượng nhiều hơn thực chất, khi hai bên chỉ đưa ra những cam kết chung chung, trong khi không có lộ trình cụ thể cho việc thực hiện cam kết “phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược”. Trong bối cảnh đó, có nhiều kỳ vọng rằng, tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 2, ông Trump và ông Kim sẽ đạt được những thỏa thuận cụ thể hơn nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên, cũng như thúc đẩy hòa bình lâu dài trên bán đảo Đông Bắc Á.
“Hành trang” của hai nhà lãnh đạo
Những ngày qua, dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm đến việc Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un sẽ mang gì tới bàn đàm phán lần này?
Trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên tại Hà Nội, tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên có bài viết ca ngợi chuyến công du Việt Nam của Chủ tịch Kim Jong-un là “hành trình vĩ đại của lòng yêu nước”. Bài viết được đăng trên trang nhất và ba trang tiếp theo của Rodong Sinmun cho biết, vượt hành trình khoảng 4.000km bằng tàu hỏa, Chủ tịch Kim Jong-un đến Việt Nam để gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm “đưa đất nước tới thịnh vượng”; đồng thời khẳng định, người dân Triều Tiên “vui mừng và xúc động” dõi theo hành trình của Chủ tịch Kim Jong-un.
Theo bài viết này, Triều Tiên đang thúc đẩy nỗ lực đạt được các mục tiêu đã đề ra. Hiện, Bình Nhưỡng tập trung xây dựng nền kinh tế thay cho chính sách “song tiến”, theo đuổi mục tiêu phát triển kinh tế song song với tiềm lực hạt nhân. Giới quan sát cho rằng, Chủ tịch Kim Jong-un dường như muốn thể hiện nhiều thành tựu vào năm 2020, thời điểm kết thúc kế hoạch kinh tế 5 năm của Triều Tiên.
Trước đó, Chủ tịch Kim Jong-un nói với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo rằng, ông sẵn lòng từ bỏ hạt nhân vì không muốn con cháu mang gánh nặng này cả đời. Hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) dẫn lời cựu quan chức CIA Andrew Kim cho hay, những tâm sự riêng tư hiếm hoi này được ông Kim Jong-un đưa ra trong chuyến thăm của ông Pompeo đến Bình Nhưỡng vào tháng 4.2018, nhằm khẳng định sự sẵn sàng phi hạt nhân hóa của Triều Tiên. Các nhà quan sát cũng nhận định, “sứ mệnh” đặt lên vai nhà lãnh đạo Kim Jong-un khi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần này là rất rõ ràng.
Trong khi đó, Nhà Trắng cho biết, đến Việt Nam lần này, Tổng thống Donald Trump thể hiện quyết tâm cao độ đối với cam kết đạt được hòa bình mang tính chuyển đổi cho Mỹ, bán đảo Triều Tiên và thế giới, như một phần trong chính sách đối ngoại táo bạo mới của chính quyền Mỹ. Tổng thống Donald Trump đã nêu rõ, nếu Triều Tiên tuân thủ cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn, Mỹ sẽ bảo đảm đưa ra nhiều lựa chọn nhằm giúp Triều Tiên phát triển kinh tế.
Vài giờ trước khi diễn ra cuộc gặp đầu tiên với Chủ tịch Kim Jong-un tại Hà Nội, Tổng thống Donald Trump chia sẻ trên mạng xã hội Twitter dòng trạng thái ca ngợi thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam và nhận định, “triển vọng là tuyệt vời, một cơ hội rất lớn, gần như chưa từng có trong lịch sử, dành cho người bạn của tôi, Kim Jong-un”. “Chúng ta sẽ sớm biết thôi - sẽ rất thú vị”, ông Trump tuyên bố!
Những tín hiệu này cho thấy, đến Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai, cả hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đều thể hiện thiện chí đạt được bước tiến trong đàm phán và hai bên đều có những quân “át chủ bài”. Một số nhà phân tích dự đoán, Mỹ sẽ đưa ra một số đề nghị hấp dẫn về phát triển kinh tế, nhằm đổi lấy bước đi chắc chắn của Triều Tiên trong phi hạt nhân hóa. Giảm áp lực cấm vận với Bình Nhưỡng được xem là quân bài chủ chốt của Tổng thống Donald Trump trong các cuộc đàm phán lần này. Việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt quốc tế là điều hết sức cần thiết với kinh tế Triều Tiên, vốn đang cần động lực để phát triển. Trong khi đó, Triều Tiên có thể đưa ra những nhượng bộ đáng kể liên quan đến chương trình hạt nhân như đóng tổ hợp hạt nhân Yongbyon; cho phép thanh sát viên quốc tế đến thị sát các cơ sở hạt nhân của nước này…
Ông Terry F.Bush, giáo sư ngành chính sách công thuộc Đại học Carnegie Mellon, đồng thời là chuyên gia thuộc Học viện Hành chính Quốc gia Mỹ cho rằng, dù Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2 có mang tới kết quả ra sao thì Việt Nam cũng đạt được vị thế “đáng thèm muốn” của người chiến thắng. Theo ông, có lý do để cộng đồng quốc tế đồng tình rằng, Việt Nam là địa điểm tuyệt vời để hai nhà lãnh đạo của Mỹ và Triều Tiên gặp nhau. Trong vài thập kỷ gần đây, Việt Nam đã nỗ lực gây dựng hình ảnh đất nước không chỉ như “ngôi sao đang lên” về kinh tế, mà còn với tư cách một thành viên tích cực, có trách nhiệm và có vị thế quan trọng trong sân chơi khu vực. Theo GS. Terry F.Bush, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã khéo léo chèo lái đất nước giữa những mối quan hệ và lợi ích chồng chéo mà vẫn giữ vững được sự độc lập. Việt Nam đã thành công trong việc bảo vệ vị thế trung lập, không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước láng giềng. Theo nhà nghiên cứu chính sách công của Mỹ, Hà Nội đã được chọn bởi những lý do hiển nhiên: Thủ đô là nơi tập trung các cơ quan chính phủ đầu não của Việt Nam, nơi cả Triều Tiên và Mỹ đều đặt Đại sứ quán, có đầy đủ phương tiện bảo đảm an ninh và đi lại. Đặc biệt, còn nơi nào mang tính biểu tượng hơn thành phố được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình” để tổ chức hội nghị quan trọng về phi hạt nhân hóa và thúc đẩy hòa bình trên bán đảo Triều Tiên? |
Theo Daibieunhandan
Sáng 23.11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật...
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ Tám, sáng ngày 22.11, các đại biểu Quốc...
Sáng ngày 21.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết...
Sáng 20.11, Quốc hội bắt đầu đợt 2 của Kỳ họp thứ 8, tiếp tục thảo luận,...
Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...
Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc...
Trong khuôn khổ hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mở rộng sơ kết giữa...
Chiều 27/10, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến góp ý Dự...