Chính trị gia kiên cường nhưng bất hạnh nhất Malaysia là ai?

Chủ nhật, 13/05/2018 | 15:38:57
372 lượt xem

Từ một bác sĩ trở thành thủ tướng cầm quyền lâu nhất Malaysia chưa phải là điều kỳ lạ nhất trong sự nghiệp chính trị của ông Mahathir Mohamad. Câu chuyện về người có khả năng kế vị ông cũng kỳ lạ và hấp dẫn không kém.

 

Tân Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad (trái) và đối thủ - đồng minh nhiều duyên nợ Anwar Ibrahim - Ảnh: REUTERS

Khi Anwar Ibrahim, chính trị gia 70 tuổi của Malaysia, bước ra khỏi nhà tù, ông ta hẳn phải cảm ơn Thủ tướng 92 tuổi Mahathir. Người từng là đồng minh rồi trở thành kẻ thù và giờ là bạn của ông Anwar tuyên bố sẽ nhường lại ghế thủ tướng vừa có được sau cuộc bầu cử ngày 9-5 một khi ông Anwar được quốc vương Malaysia ân xá.

Mối quan hệ giữa hai người khổng lồ trong chính trường Malaysia là một câu chuyện kỳ lạ dài ba thập kỷ và chưa đến hồi kết.

Bạn - thù - bạn

Ông Mahathir đang chìm đắm trong chiến thắng gây sốc và được tung hô là nhà lãnh đạo dân cử cao tuổi nhất thế giới ở tuổi 92. Nhiều người tự hỏi sự trở lại của ông, người từng cầm quyền liên tục 22 năm ở Malaysia, có thực sự sẽ được tiếp nối vào một ngày nào đó bởi cựu phó thủ tướng của ông hay không.

Ông Anwar, 70 tuổi, con của một người khuân vác tại bệnh viện, đã theo học một trong những trường hàng đầu Malaysia, trở thành một thủ lĩnh của các phong trào Hồi giáo và bước vào quốc hội liên bang ở độ tuổi 30. Mahathir mời Anwar gia nhập Tổ chức dân tộc Mã Lai thống nhất (UMNO) năm 1982 như một cách để xóa bỏ hình ảnh chỉ đại diện cho dân tộc Mã Lai của đảng.

Sự trỗi dậy của Anwar trong UMNO, đảng nòng cốt của liên minh cầm quyền Barisan Nasional (BN), được ví như thiên thạch rơi: nhanh chóng nhưng đem lại tai họa. Năm 1993, Mahathir cất nhắc ông Anwar vào vị trí phó thủ tướng kiêm nhiệm bộ trưởng tài chính. Khi đó ai cũng nói Mahathir đã chọn được người kế nhiệm xứng đáng.

Nhưng bất ngờ đã xảy ra chỉ 5 năm sau đó, đúng vào tâm điểm của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Bất đồng về cách giải quyết với người đứng đầu chính phủ, ông Anwar bị đẩy ra ngoài. Phong trào "cải tổ" kêu gọi chấm dứt các chính phủ tồn tại dưới sự bảo trợ của UMNO do ông phát động đã kéo hàng chục ngàn người xuống đường phố.

Đối mặt với thách thức, Mahathir đã sử dụng luật an ninh quốc gia để giam giữ hơn 100 chính khách chống đối. Riêng Anwar bị cáo buộc quan hệ tình dục đồng tính - một tội hình sự ở Malaysia, và biển thủ công quỹ. Chỉ riêng tội thứ nhất đã đủ để ông Anwar bóc 20 cuốn lịch trong tù. Hình ảnh của Anwar, với đôi mắt sâu đen và những vết bầm tím, từng tràn ngập trên các trang báo thế giới như một cách để nói về sự thất bại của nền dân chủ Malaysia.

Sự trở lại của Anwar

Nghị sĩ Nurul Izzah, con gái của ông Anwar Ibrahim, ngày 12-5 xác nhận với hãng tin Reuters rằng cha của bà sẽ được thả vào ngày 15-5 tới. Thủ tướng Mahathir hôm 11-5 cho biết quốc vương Malaysia đã đồng ý ân xá ông Anwar, đồng nghĩa mở đường cho ông trở lại chính trường ngay lập tức sau án tù thay vì phải đợi 5 năm theo quy định.

Cựu thủ tướng Najib Razak trong buổi họp báo ở Kuala Lumpur ngày 12-5. Ông đang bị truy vấn về vụ thụt két quỹ đầu tư nhà nước - Ảnh: REUTERS

Nhà tù và nghị trường

Khoảng cách giữa hai danh từ trên ở Malaysia thật sự rất ngắn. Năm 2004, ông Anwar được trả tự do khi tòa án tối cao xóa bỏ tội danh quan hệ tình dục đồng tính của ông. Chỉ 4 năm sau đó, cái tên Anwar lại được nhắc đến khi liên minh các đảng Hồi giáo và các nhà cải cách xã hội thế tục giành được 1/3 ghế trong quốc hội liên bang, kiểm soát 5 trong số 13 bang cả nước. Thời điểm này ông Mahathir đã rời chính trường được 5 năm.

Cái họa lại bắt đầu ập xuống. Những cáo buộc nói ông Anwar cưỡng ép các phụ tá nam quan hệ tình dục bắt đầu xuất hiện. "Các trò bẩn chính trị để đưa tôi vào tù những năm 1998 lại tái diễn" - ông Anwar tuyên bố khi đó. 

Các cáo buộc mới vô hại với ông vì thiếu bằng chứng. Một số nhà quan sát nhận xét Anwar có lẽ là lãnh tụ đối lập kiên cường nhưng bất hạnh nhất Malaysia. 

Năm 2014, chỉ một năm sau cuộc bầu cử mà liên minh đối lập của ông Anwar, với nòng cốt là Đảng Công lý của nhân dân (PKR), phá thế tuyệt đối tại quốc hội của liên minh BN do "học trò" Najib Razak của ông Mahathir dẫn dắt, ông bị đẩy vào tù lần 2 khi phán quyết xóa án quan hệ tình dục đồng giới của tòa tối cao năm 2004 bị lật lại.

Đứa con tinh thần PKR được giao lại cho người vợ cùng con gái khi ông Anwar vào tù năm 2015. Quyết định bắt tay với cựu thù Mahathir hồi năm ngoái khiến nhiều người bất ngờ. Anwar trong tù đồng ý tham gia phong trào lật đổ Najib và sự thống trị của liên minh BN trong chiến dịch "Giải cứu Malaysia".

Và liên minh được đặt tên "Hi vọng" của Mahathir - Anwar, với nòng cốt là PKR, đã giành chiến thắng.

Cựu thủ tướng Najib Razak bị cấm rời khỏi đất nước

Thủ tướng bị thất cử Najib Razak và phu nhân đã bị cấm rời khỏi Malaysia khi có thông tin họ chuẩn bị lên một chuyên cơ đến Indonesia cho "một chuyến nghỉ mát" đêm 11-5. Cựu lãnh đạo Malaysia 65 tuổi đang bị đặt trong tầm ngắm cuộc điều tra tham nhũng ở quỹ đầu tư nhà nước 1MDB do chính ông thành lập và quản lý. Hàng trăm triệu USD được cho là đã chảy vào túi riêng ông Najib.

Trong một tuyên bố ngày 12-5, ông Najib tuyên bố tôn trọng quyết định của cơ quan xuất nhập cảnh, đồng thời xác nhận đã từ chức chủ tịch UMNO và liên minh BN sau thất bại ngày 9-5.

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật

Sáng 23.11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...