Chuyện ông Lý Quang Diệu xử lý bán hàng rong

Thứ 5, 23/03/2017 | 16:03:30
383 lượt xem

“Chúng tôi không được coi là một xã hội có học thức, có văn hóa nếu chúng tôi không xấu hổ để bắt đầu cố gắng trở thành một xã hội có học thức, có văn hóa trong thời gian ngắn nhất có thể”.

Ngày nay, bất cứ ai đến Singapore chắc hẳn đều thích thú đến thán phục trước sự xanh sạch của đất nước này. Nhưng thành quả ấy không bỗng nhiên có được.

Từ chuyện giải quyết người bán hàng rong, tình trạng ô nhiễm, cách ứng xử thô lỗ nơi công cộng cho đến quá trình phủ xanh đất nước, bảo tồn lịch sử… đều đã được ông Lý Quang Diệu ghi lại. Kỷ niệm hai năm ngày mất của ông (23/3/2015) và nhân chuyến thăm của Thủ tướng Lý Hiển Long đến Việt Nam, xin giới thiệu tới độc giả một vài lát cắt trong hồi ký của “người cha lập quốc” Singapore.

Sau độc lập[1], tôi đã tìm kiếm một vài cách để chỉ ra sự khác biệt giữa chúng tôi với các nước thuộc Thế giới Thứ ba khác. Tôi đành chấp nhận chọn một Singapore xanh và sạch. Mục đích của chiến lược này là làm Singapore trở thành một ốc đảo trong Đông Nam Á, vì nếu chúng tôi có những tiêu chuẩn của Thế giới Thứ nhất thì các thương gia và các khách du lịch sẽ chọn chúng tôi làm cơ sở cho việc kinh doanh của họ cũng như là một vùng du lịch.

Cơ sở hạ tầng cơ bản dễ cải tiến hơn cung cách cộc cằn của người dân. Nhiều người trong số họ đã rời khỏi những nhà hầm xí tạm bợ… để đến những căn hộ cao tầng với điều kiện vệ sinh hiện đại, nhưng cách cư xử của họ thì vẫn như cũ. Chúng tôi đã phải làm việc cật lực để xóa bỏ việc vứt rác bừa bãi, những âm thanh ồn ào và thái độ thô lỗ, và hướng dẫn người dân trở nên ý tứ và lịch sự hơn.


Tập 2 Hồi ký Lý Quang Diệu sẽ phát hành trong thời gian tới

Chúng tôi bắt đầu từ một nền tảng thấp. Trong những năm 60, hàng ngàn người xếp hàng dài tại các buổi tiếp dân của chúng tôi... Những người thất nghiệp, cùng với vợ và con của họ đi xin việc, như giấy phép lái xe tắc xi hoặc bán hàng rong, hoặc quyền bán thức ăn trong căn tin trường học.

Đây là khía cạnh nhân quyền đằng sau các con số thống kê thất nghiệp. Hàng ngàn người bán thức ăn trên lề đường không đếm xỉa gì đến giao thông, sức khỏe, và các lý do khác. Rác rưởi, mùi hôi của các thức ăn đã bị thối rữa, và các âm thanh hỗn loạn đã khiến nhiều khu vực của thành phố biến thành những khu ổ chuột.

Một vài thương nhân cho nhiều người mướn các xe hơi tư nhân cũ kỹ để trở thành “những tài xế cướp tắc xi”, không bằng lái và không bảo hiểm… Họ dừng lại mà không hề báo hiệu, đón và trả khách vô tội vạ và đã trở thành mối đe dọa cho nhiều người đi đường khác.

Chúng tôi không thể làm sạch thành phố bằng cách di dời những người bán hàng rong và những tắc xi bất hợp pháp trong nhiều năm. Chỉ sau năm 1971, khi đã tạo ra nhiều việc làm, chúng tôi mới có thể thi hành luật pháp và làm sạch đường phố. Chúng tôi cấp giấy phép kinh doanh cho những người bán hàng rong và chuyển họ từ lề đường vào trung tâm dành cho những người bán hàng rong với hệ thống nước cống rãnh và chỗ đổ rác.

Mãi đến đầu những năm 80, chúng tôi mới tái ổn định tất cả những người bán hàng rong… Những tài xế tắc xi bất hợp pháp đã bị trục xuất khỏi đường phố chỉ sau khi chúng tôi tái tổ chức lại hệ thống xe buýt phục vụ và tạo cho họ những việc làm khác…

Để đạt được những tiêu chuẩn của Thế giới Thứ nhất trong một khu vực thuộc Thế giới Thứ ba, chúng tôi bắt đầu biến đổi Singapore thành một thành phố vườn nhiệt đới… Tôi kết luận rằng, chúng tôi cần một văn phòng có đầy đủ chuyên môn để chăm sóc các cây sau khi đã trồng chúng. Tôi thiết lập một văn phòng như thế trong Bộ Phát triển Quốc gia.

Sau một vài xúc tiến, tôi gặp tất cả các quan chức cấp cao trong chính phủ và các ban lập pháp để kêu gọi họ tham gia vào phong trào “sạch và xanh”…

Chúng tôi đã trồng hàng triệu cây cối: cọ, và các cây bụi. Màu xanh đã làm tăng thêm tinh thần của mọi người và họ tự hào với các khu vực lân cận. Chúng tôi cũng dạy họ cách chăm sóc mà không phá hoại cây cối…


Những khoảng xanh mênh mông trên những tòa nhà của Singapore (Nguồn ảnh Internet)

Tính kiên trì và sức chịu đựng là những đức tính cần thiết để đánh đổ các thói xấu cũ: Người ta bước lên cây, giẫm lên cỏ, hái hoa, ăn cắp cây non, hoặc dựng xe đạp hay xe gắn máy dựa lên những chiếc lớn hơn khiến chúng bị đổ… Để vượt qua thái độ dửng dưng ở nơi công cộng, chúng tôi giáo dục trẻ em trong trường bằng cách dạy chúng trồng cây, chăm sóc cây, và trồng vườn. Chúng cũng phải mang thông báo về nhà cho cha mẹ chúng…

Để chuẩn bị cho cuộc họp của các Thủ tướng trong khối cộng đồng diễn ra vào giữa tháng 1/1971... chúng tôi chỉ dẫn tường tận cho các ngành dịch vụ, những người bán hàng, các tài xế tắc xi, và nhân viên làm việc trong các khách sạn cũng như nhà hàng cố gắng hết mình trở nên lịch thiệp và thân thiện hơn. Họ đáp lại và sự phản hồi từ các Thủ tướng, các chủ tịch, và đoàn tùy tùng đến thăm là rất tốt.

Được khuyến khích bởi điều này, ủy ban phát triển du lịch đã khai mạc một chiến dịch phục vụ lịch thiệp và duyên dáng cho những người bán hàng và các nhân viên khác trong ngành thương mại dịch vụ. Tôi đã can thiệp vào. Thật lố bịch nếu các nhân viên phục vụ của chúng tôi chỉ lịch thiệp với các du khách chứ không lịch thiệp với người dân Singapore.

Tôi triệu tập Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm về Quân đội Quốc gia, Bộ Giáo dục quản lý hơn nửa triệu học sinh, và đại hội Công đoàn Quốc gia với vài trăm ngàn công nhân để phổ biến thông báo rằng sự lịch sự phải trở thành cách sống của chúng ta, làm cho Singapore trở thành một nơi dạo chơi cho chính chúng ta...

Bạn có thể kiểm tra mức độ ô nhiễm của một thành phố bằng các cây cỏ của thành phố đó. Những nơi khói thoát ra từ những xe hơi, xe buýt cũ kỹ, và các xe tải chạy động cơ diesel vượt quá mức cho phép thì các bụi cây phủ đầy các hạt bồ hóng đen, héo và chết…

Tôi quyết định thành lập một đội chống ô nhiễm như một bộ phận trong văn phòng của tôi. Chúng tôi đặt các công cụ kiểm định chất lượng dọc theo các con đường đông đúc để đo độ bụi và tỷ trọng khói cũng như nồng độ khí Sulfur dioxid (S02) thải ra từ các phương tiện giao thông…

Diện tích của Singapore bắt buộc chúng tôi phải làm việc, chơi, và sinh sống trong cùng một nơi chật hẹp, điều này bắt buộc chúng tôi nhất thiết phải bảo quản một môi trường sạch và dung hòa giữa những người giàu và người nghèo như nhau…


Đất nước Singapore ngày nay (Nguồn ảnh Internet)

Vào thập kỷ 60, tốc độ hồi phục đô thị tăng nhanh. Chúng tôi trải qua một thời kỳ táo bạo phá hủy trung tâm thành phố cũ nát để xây lại một cái mới. Vào cuối năm 1970, chúng tôi cảm thấy không yên lòng với tốc độ xóa bỏ quá khứ của mình, vì thế năm 1971, chúng tôi thiết lập một Ban Bảo tồn các kiến trúc bất hủ để xác nhận và bảo tồn các tòa nhà lịch sử, cổ truyền, khảo cổ học, kiến trúc, hoặc liên quan đến nghệ thuật, và các tòa nhà hành chính, văn hóa và thương mại có ý nghĩa trong lịch sử Singapore… Chúng tôi cố gắng gìn giữ nét đặc trưng của Singapore để tưởng nhớ lại quá khứ...

Từ thập kỷ 70, để cứu lấy kẻ nghiện ngập và hư hỏng, chúng tôi ra lệnh cấm quảng cáo thuốc lá. Dần dần, chúng tôi ban hành lệnh cấm hút thuốc ở những nơi công cộng - trong thang máy, xe buýt, trong các trạm và trên xe lửa MRT (Mass Rapid Transit) và cả trong các văn phòng có gắn máy lạnh cũng như các nhà hàng…

Lệnh cấm ăn kẹo cao su đã khiến chúng tôi bị nhạo báng rất nhiều ở Mỹ… Đầu tiên, tôi nghĩ rằng lệnh cấm này quá khắt khe. Nhưng sau khi những kẻ phá hoại các công trình văn hóa nhét kẹo cao su vào bộ cảm biến của các cửa ra vào của hệ thống xe lửa MRT khiến cho hệ thống bị trục trặc… Thủ tướng Goh và các đồng sự của ông đã quyết định ban hành luật cấm này vào tháng 1/1992…

Các phóng viên nước ngoài ở Singapore đã không hề tìm thấy một vụ tai tiếng tham nhũng lớn hay các hành động phạm pháp nghiêm trọng nào để đưa lên mặt báo. Thay vào đó, họ đưa tin hăng hái và thường xuyên các chiến dịch “làm tốt”, nhạo báng Singapore như là một “nhà nước vú em”. Họ cười ngạo chúng tôi.

Nhưng tôi vẫn tự tin. Nếu chúng tôi không nỗ lực thuyết phục dân chúng thay đổi cách sống thì hẳn là chúng tôi đã có một xã hội thô lỗ hơn, khiếm nhã hơn, tục tĩu hơn. Chúng tôi không được coi là một xã hội có học thức, có văn hóa nếu chúng tôi không xấu hổ để bắt đầu cố gắng trở thành một xã hội có học thức, có văn hóa trong thời gian ngắn nhất có thể.

Đầu tiên, chúng tôi giáo dục và hô hào dân chúng. Sau đó, chúng tôi thuyết phục và lôi kéo số đông, chúng tôi lập pháp để trừng phạt những thiểu số ngoan cố. Điều này đã khiến Singapore trở thành một môi trường sống thú vị hơn. Nếu đây là một “nhà nước vú em” thì tôi tự hào vì đã được nuôi dưỡng nó.

 Trích lược, giới thiệu, chú thích

*Đoạn trích nằm trong chương “Singapore xanh” của cuốn sách Hồi ký Lý Quang Diệu - Từ thế giới thứ ba vươn lên thứ nhất do Công ty Sách Omega (Omega+) liên kết xuất bản với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia. Sách dự kiến phát hành toàn quốc vào tháng 4/2017.

------

[1] Singapore trở thành nước độc lập ngày 9/8/1965.

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật

Sáng 23.11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...