Chỉ trong hơn 10 ngày sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến không chỉ người dân nước này mà cả thế giới liên tục choáng váng.
Từ TPP tới tường ngăn Mexico
Mặc dù đã biết rõ Mỹ cuối cùng cũng sẽ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), song việc chính phủ của ông Trump ra tuyên bố ngay sau lễ nhậm chức tổng thống khẳng định lại quyết định này vẫn khiến nhiều người sốc.
TPP được cho là sẽ giúp xóa bỏ hàng nghìn rào cản thuế quan và đảm bảo tốt hơn các quyền của người lao động tại các quốc gia tham gia. Theo giới phân tích kinh tế, Hiệp định TPP có thể bổ sung thêm gần 300 tỷ USD mỗi năm vào GDP của thế giới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump lại lễ nhậm chức hôm 20/1. Ảnh: Reuters
Các thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương hiện gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Thỏa thuận đang ở giai đoạn 2 năm, chờ quốc hội các nước phê chuẩn.
Theo thông báo mới nhất của Nhà Trắng, “với các thỏa thuận công bằng và chắc chắn, thương mại quốc tế có thể được vận dụng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đưa hàng triệu việc làm trở lại Mỹ và làm hồi sinh các cộng đồng đang bị tổn thương của Mỹ”.
Và “chiến lược này bắt đầu bằng việc rút khỏi TPP và đảm bảo mọi thỏa thuận thương mại mới sẽ mang lại lợi ích cho người lao động Mỹ”, tân chính phủ Mỹ khẳng định.
Như để khẳng định cho thông báo trên, Tổng thống Mỹ Donald Trump vài ngày sau lên tiếng cho biết, ông muốn ký hàng loạt thỏa thuận thương mại song phương, thay vì các thỏa thuận đa phương như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương.
Các thỏa thuận này sẽ bao gồm những điều khoản cho phép thông báo chấm dứt trong vòng 30 ngày.
Phát biểu trong một cuộc họp với các nghị sỹ đảng Cộng hòa, ông Trump nói: “Hãy tin tôi, chúng ta sẽ có rất nhiều thỏa thuận thương mại. Nếu một quốc gia không đối xử công bằng, chúng ta sẽ gửi cho họ thông báo chấm dứt thỏa thuận trong vòng 30 ngày”.
Một quyết định khác cũng không kém phần gây sốc, là việc ông Trump quyết tâm thực thi điều mà ông đã cam kết trong thời gian tranh cử: Xây dựng tường ngăn biên giới giữa nước Mỹ với Mexico và buộc Mexico phải trả tiền cho bức tường.
Sắc lệnh yêu cầu khởi công xây dựng bức tường dài hơn 3.000km chạy dọc biên giới Mỹ-Mexico. Ông Trump cho biết, việc khởi công xây dựng bức tường dọc biên giới sẽ được tiến hành trong những tháng tới và việc lên kế hoạch đang được triển khai.
Trả lời hãng tin ABC News, ông nói dù người đóng thuế ở Mỹ phải trả tiền cho việc xây dựng bức tường, song Mexico cuối cùng cũng phải thanh toán 100% kinh phí xây dựng và các cuộc đàm phán về bồi hoàn chi phí xây dựng sẽ được bắt đầu “tương đối sớm”.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer cho biết, ông Trump định áp đặt mức thuế 20% đối với hàng nhập khẩu từ Mexico để trả tiền xây tường. “Nhờ đó, chúng ta sẽ có thêm 10 tỷ USD mỗi năm và có thể dễ dàng trả tiền xây dựng bức tường chỉ với riêng cơ chế đó”, ông Spicer khẳng định.
Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto hôm 25/1 đã lên án quyết định xây dựng bức tường rào của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Một ngày sau, ông tuyên bố hủy cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ đã được lên kế hoạch tổ chức vào ngày 31/1 ở Washington.
Lãnh đạo một số nước Nam Mỹ cũng lên tiếng chỉ trích quyết định trên, như Tổng thống Bolivia Evo Morales. Ông tố cáo chính sách phân biệt chủng tộc phi lý của người đứng đầu Nhà Trắng. Ông kêu gọi người dân Mexico nhìn xuống phương Nam và xây dựng khối đoàn kết Mỹ Latinh.
Bộ Ngoại giao Brazil chỉ trích việc xây dựng tường ngăn giữa Mỹ và Mexico, song cũng đồng thời hối thúc hai nước đối thoại nhằm khắc phục bất đồng. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Brazil nêu rõ, đa phần các quốc gia Mỹ Latinh có mối quan hệ hữu nghị, mật thiết với nước Mỹ.
Sắc lệnh khiến cả thế giới sục sôi
Các quyết định gây tranh cãi khác của ông Donald Trump về Đạo luật Chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền (Obamacare), đề cử nhân sự cũng thu hút dư luận không kém, nhưng khiến người dân khắp nơi sục sôi hơn cả trong những ngày qua là một sắc lệnh hành pháp về di trú.
Sắc lệnh được ông Donald Trump ký hồi tuần trước yêu cầu ngưng cho người tị nạn vào Mỹ trong vòng 120 ngày, cấm người tị nạn từ Syria vào Mỹ vô thời hạn, và cấm công dân từ 7 quốc gia bao gồm Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria, và Yemen nhập cảnh Mỹ trong vòng 90 ngày.
Người dân San Francisco biểu tình phản đối lệnh hạn chế nhập cư của ông Trump. Ảnh: Reuters
Hàng loạt các cuộc biểu tình phản đối sắc lệnh trên đã nổ ra bên trong nước Mỹ. Hàng trăm nhân viên ngoại giao Mỹ đã ký vào một bản ghi nhớ nội bộ để phản đối sắc lệnh. Bản ghi nhớ cũng đã được trình lên quyền Ngoại trưởng Tom Shannon.
Tổng chưởng lý bang Washington Bob Ferguson đã đệ đơn kiện sắc lệnh, tuyên bố lệnh này phi pháp và vi hiến. “Không ai được đứng trên pháp luật, kể cả Tổng thống. Tại toà, mọi việc đều phải tuân theo Hiến pháp”, ông Ferguson tuyên bố hôm 30/1.
Theo ông, các điều khoản chính trong sắc lệnh là phi pháp và vi hiến. Đồng thời, lệnh cấm này còn làm tổn thương các gia đình người Mỹ, và làm phương hại tới lợi ích tối thượng của bang Washington, một nơi vốn được coi là luôn chào đón người nhập cư và tị nạn.
Tổng chưởng lý bang New York Eric Schneiderman cũng chỉ trích sắc lệnh này là “vi hiến và trái pháp luật”. New York sẽ tham gia đơn kiện sắc lệnh nói trên do Liên đoàn Tự do dân sự Mỹ, Trung tâm Tư pháp đô thị và một số tổ chức khác khởi xướng.
Trong khi đó, thành phố San Francisco đã nộp đơn kiện ông Trump sau khi ông yêu cầu chính quyền liên bang ngừng cấp tài chính cho những nơi hạn chế hợp tác với các cơ quan thực thi luật nhập cư liên bang. San Francisco là thành phố bảo vệ những người nhập cư.
“Sắc lệnh của Tổng thống không chỉ trái hiến pháp, mà còn trái với nước Mỹ. Đó là lý do vì sao chúng ta phải chống lại nó. Chúng ta là đất nước của người nhập cư và vùng đất tự do”, ông Dennis Herrera, Công tố viên của San Francisco, tuyên bố.
Về mặt chính quyền, sắc lệnh trên là lý do khiến quyền Bộ trưởng Tư pháp Sally Yates bị ông Trump sa thải. Động thái cách chức này diễn ra chỉ vài giờ sau khi có tin bà Yates yêu cầu các luật sư của Bộ Tư pháp không bảo vệ sắc lệnh của ông Trump.
Sắc lệnh gây tranh cãi của ông Trump không chỉ khiến nội bộ nước Mỹ bị xào xáo, mà còn khiến quan hệ giữa nước này với thế giới bị sứt mẻ. Hàng loạt lãnh đạo các quốc gia trên thế giới, trong đó có nhiều nước đồng minh của Mỹ, đã lên tiếng phản đối.
Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định cuộc chiến chống khủng bố không phải là lý do cấm người tị nạn hoặc người dân từ các nước Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ. Phát ngôn viên của bà Merkel cho biết, Chính phủ Đức lấy làm tiếc với sắc lệnh của ông Trump.
Nữ Thủ tướng Anh Theresa May thì cho rằng, chính sách nhập cư vào Mỹ là vấn đề của chính phủ nước này, nhưng bà tuyên bố London không chấp nhận cách thức tiếp cận của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault khẳng định rằng, việc chào đón người tị nạn là "một nhiệm vụ của tình đoàn kết". "Khủng bố không có quốc tịch; phân biệt đối xử không phải là một giải pháp", người đứng đầu Bộ Ngoại giao Pháp viết trên tài khoản Twitter.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau thì nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đón nhận người tị nạn. Ông nói rằng, những người chạy trốn khỏi nạn đàn áp, khủng bố và chiến tranh được chào đón ở Canada.
Theo Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, các quốc gia có quyền ngăn chặn sự thâm nhập của các tổ chức khủng bố, nhưng không được dựa trên sự phân biệt đối xử liên quan đến tôn giáo, sắc tộc hay quốc tịch của một cá nhân.
Ông Guterres cảnh báo rằng, “những biện pháp mù quáng, không dựa trên các thông tin tình báo có căn cứ, thường không phát huy hiệu quả vì các hoạt động khủng bố toàn cầu vốn rất tinh vi hoàn toàn có thể vô hiệu hóa những biện pháp này”.
Thông thường, các nhà phân tích sẽ đưa ra nhận định về tương lai nước Mỹ sau 100 ngày đầu tiên sau lễ nhậm chức của một nhà lãnh đạo mới. Tuy nhiên, hàng loạt quyết định được đưa ra trong gần hai tuần vừa qua của ông Trump đã khiến cho việc nhận định trở nên khó khăn và khó lường.
Báo New York Times mới đây còn cho biết, ông Trump đang soạn thảo sắc lệnh nhằm cắt giảm tài trợ cho Liên Hợp Quốc, quyết định có khả năng sẽ giảm bớt vai trò của Washington trong tổ chức này. Theo đó, thế giới có thể sẽ còn chứng kiến nhiều điều bất ngờ hơn nữa trong thời gian tới của nhà lãnh đạo Mỹ.
Sáng 23.11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật...
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ Tám, sáng ngày 22.11, các đại biểu Quốc...
Sáng ngày 21.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết...
Sáng 20.11, Quốc hội bắt đầu đợt 2 của Kỳ họp thứ 8, tiếp tục thảo luận,...
Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...
Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc...
Trong khuôn khổ hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mở rộng sơ kết giữa...
Chiều 27/10, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến góp ý Dự...