Thời gian gần đây, một loạt chuyên gia đã nhận định chiến lược xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương của Tổng thống Barack Obama đang sắp “chìm” xuống đáy Thái Bình Dương, không chỉ vì Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có nguy cơ không được thông qua trước khi ông Obama hết nhiệm kỳ tổng thống, mà còn vì một “mắt xích” quan trọng ở khu vực là Philippines đang rất lỏng lẻo, thậm chí có nguy cơ đứt gãy.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phát biểu trong một lễ kỷ niệm ở Manila, ngày 26/9. Ảnh: Anadolu Agency/ AFP/ TTXVN.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte không tự nhiên mà được mệnh danh là “Donald Trump châu Á”. Ông vốn nổi tiếng với những phát ngôn mạnh mẽ, gây sốc, và nói thẳng không sợ mất lòng ai. Hồi đầu tháng 9 vừa qua, phóng viên hỏi ông Duterte định trả lời ông Obama như thế nào nếu bị ông Obama chất vấn về chiến dịch tiêu diệt 1.300 nghi phạm ma túy trong suốt mấy tháng qua. Ông Duterte đã đáp lại bằng một câu nói tục phổ biến bằng tiếng Tagalog.
Phản ứng lại, phía Mỹ đã hủy cuộc gặp chính thức đã được lên lịch cho ông Obama và Duterte. Sau khi ông Duterte tỏ ý hối tiếc, còn ông Obama “không chấp” lời xúc phạm, coi đó chỉ là câu cửa miệng của ông Duterte, hai nhà lãnh đạo cũng đã gặp nhau chớp nhoáng tại một hội nghị thượng đỉnh tổ chức ở Lào. Dù vậy, không thể phủ nhận rằng giữa hai nhà lãnh đạo nói riêng và giữa Mỹ với Philippines nói chung đã có một vết nứt lớn khó liền.
Không lâu sau câu xúc phạm ông Obama vì can thiệp vào cuộc chiến chống ma túy ở Philippines, ông Duterte ngày 12/9 cho rằng binh sĩ Mỹ ở Mindanao cần rời khỏi đây với lý do là binh lính Mỹ sẽ có nguy cơ bị khủng bố bắt cóc, giết hại. Ông nói thêm: “Tôi không muốn rạn nứt với Mỹ. Nhưng họ phải đi”.
Chỉ một ngày sau, ngày 13-9, Tổng thống Duterte lại cho biết ông muốn ngừng các cuộc tuần tra hàng hải chung ở Biển Đông với Mỹ. Ông nói: “Chúng tôi sẽ không tham gia các hành trình hay tuần tra nào cả. Tôi sẽ không cho phép vì tôi không muốn nước tôi liên quan tới một hành động thù địch”. Đây được cho là một phát ngôn có quan điểm chống Mỹ của ông Duterte.
Nhìn chung, từ khi ông Duterte lên làm tổng thống Philippines, nước này đã có một mối quan hệ không thoải mái với Mỹ vốn là một đồng minh lâu năm và đối tác chiến lược của nhau. Ông Duterte liên tục chỉ trích Mỹ vì đã rao giảng đạo đức về nhân quyền liên quan đến chiến dịch tiêu diệt tội phạm ma túy ở Philippines. Theo ông Duterte, Mỹ đã thất bại trong ngăn chặn cảnh sát giết chóc người gốc Phi và cáo buộc Mỹ “xuất khẩu khủng bố” sang Trung Đông, gây ra bạo lực ở Iraq và Libya. Ông nói thẳng: “Mỹ là kẻ đạo đức giả”.
Chưa hết, ông Duterte còn cáo buộc Mỹ vi phạm chủ quyền của Philippines. Ông cũng công khai đề xuất mua vũ khí quân dụng từ Nga và Trung Quốc thay vì từ Mỹ. Và những tuyên bố này dường như không chỉ là “nói suông” khi mà các quan chức cấp cao quốc phòng Philippines và các nhà xuất khẩu vũ khí Nga đã thảo luận về khả năng hợp tác trong quân sự.
Mới đây nhất, ông Duterte ngày 2-10 cho biết sẽ ra lệnh rà soát lại Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA) có hiệu lực 10 năm mà nước này đã ký với Mỹ năm 2014 để tăng cường hiện diện quân sự Mỹ ở Philippines. Theo ông Duterte, do EDCA là một thỏa thuận chính thức nhưng chỉ có chữ ký của Bộ trưởng Quốc phòng chứ không phải của Tổng thống Philippines Beniqno Aquino, nên ông cho biết Philippines sẽ rời bỏ thỏa thuận. Về lời cảnh báo rằng doanh nghiệp Mỹ có thể rút đầu tư khỏi Philippines, ông Duterte tỏ ra không quan tâm tới việc Mỹ có ngừng ủng hộ Philippines hay không.
Ông nói người Philippines sẽ không chết đói cho dù một số nhà đầu tư Mỹ ra đi, đồng thời cho biết ông đang mở một mặt trận khác trong chính sách ngoại giao, tìm kiếm khả năng thiết lập đồng minh với các nước như Nga và Trung Quốc. Đây không phải là lần đầu tiên ông Duterte nói tới khả năng hợp tác với Nga và Trung Quốc. Nếu Philippines rút khỏi EDCA - vốn là một phần trong chiến lược tái cân bằng nguồn lực Mỹ với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, việc xoay trục của Mỹ chắc chắn bị ảnh hưởng.
Với những lời nói và động thái mới nhất vừa qua, ông Duterte muốn khẳng định sự độc lập của Philippines với Mỹ và rằng chính phủ mới của Philippines đang đi theo một con đường chính sách ngoại giao mới hoàn toàn.
Trong khi đó, phía Mỹ vẫn tự tin vào chiến lược tái cân bằng khi ngày 30/9, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter chính thức tuyên bố chiến lược tái cân bằng châu Á vào giai đoạn 3 với trọng điểm là nâng cao và củng cố ưu thế quân sự của quân đội Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tiếp tục xây dựng khung an ninh khu vực bao dung và dựa trên các nguyên tắc đã xác định. Đặc biệt, trong trong giai đoạn 3, Lầu Năm góc sẽ đưa tới châu Á - Thái Bình Dương một loạt vũ khí mới mà người ngoài không tưởng tượng được.
Dù quyết tâm với chiến lược xoay trục, nhưng trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Philippines vốn là đồng minh thân thiết nay lại bất hòa hơn bao giờ hết, chiến lược chống Trung Quốc và quan trọng hơn, chiến lược xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ vẫn có nguy cơ kẹt hoặc tồi tệ hơn là đứt ở mắt xích Philippines.