Mưu đồ nham hiểm của Trung Quốc khi kêu gọi chiến tranh trên biển

Thứ 7, 06/08/2016 | 08:12:19
925 lượt xem

Những phát ngôn "có mùi thuốc súng" của một số quan chức cấp cao Trung Quốc thực chất để xoa dịu mâu thuẫn nội tại trong lòng xã hội. Tuy nhiên, nó cũng là con dao 2 lưỡi khiến Bắc Kinh gặp bất lợi.

Tàu chiến Trung Quốc phóng rocket chống ngầm trong cuộc tập trận ở biển Hoa Đông hôm 1/8. 

Biển Đông đang là nguồn cơn khiến căng thẳng leo thang ở châu Á. Trung Quốc có tham vọng độc chiếm vùng biển chiến lược và giàu tài nguyên này. Đây là điều không được cộng đồng quốc tế chấp nhận. Mới đây, Tòa án Trọng tài Thường trực đã ra phán quyết chính thức vô hiệu hóa yêu sách đường 9 đoạn hay còn gọi là đường lưỡi bò của Trung Quốc – một yêu sách mà dựa vào đó Bắc Kinh đòi chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông.

Trung Quốc không chấp nhận phán quyết trên nhưng các nước đang đồng loạt kêu gọi Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế. Trong bối cảnh này, Bắc Kinh liên tục tung ra những lời đe dọa, cảnh báo các nước khác.

Mưu đồ nham hiểm

Tờ Minh báo phát hành ở Hong Kong (Trung Quốc) tiết lộ trước khi Tòa Trọng tài ra phán quyết, ông Tập Cận Bình đã phát biểu trong một cuộc họp nội bộ rằng: “Vấn đề Biển Đông hiện nay chúng ta không ra tay, tương lai chỉ còn lại một đống tư liệu lịch sử, nói cũng không có tác dụng gì. Chúng ta hành động liền duy trì được trạng thái tranh chấp”.

Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng nhóm họp, sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng tình hình cho rằng một nước lớn thực sự thì không sợ có vấn đề, mà có thể tìm kiếm lợi ích từ vấn đề.

Theo Báo Tin Tức, tiết lộ của nguồn tin cho thấy Trung Quốc đã có một số điều chỉnh về sách lược ngoại giao và đây cũng là nguyên nhân chính khiến Trung Quốc cứng rắn, không chịu nhượng bộ sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết về Biển Đông vào ngày 12/7.

Tại buổi tiếp Đô đốc John Richardson, Cục trưởng Tác chiến hải quân Mỹ hôm 18/7, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc, Thượng tướng Ngô Thắng Lợi ngang nhiên nhấn mạnh Hải quân Trung Quốc đã chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với mọi thách thức ở Biển Đông.

vantoan

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn. Ảnh: Tân Hoa xã

Sau đó, ngày 2/8, Tân Hoa xã đưa tin Thường Vạn Toàn - Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc khi đi điều tra nghiên cứu công tác động viên quốc phòng ở Chiết Giang đã nhấn mạnh, mối uy hiếp đối với an ninh quốc gia của Trung Quốc đến từ phía biển, nước này cần chuẩn bị cho chiến tranh nhân dân trên biển.

Phát biểu của tướng Thường Vạn Toàn gây chú ý mạnh mẽ từ phía dư luận bởi nó được phát ra từ Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc sau khi Tòa Trọng tài công bố phán quyết vụ kiện Biển Đông giữa Philippines với nước này hôm 12/7.

Nếu như ông Thường Vạn Toàn chỉ kêu gọi chuẩn bị cho "chiến tranh nhân dân trên biển" một cách chung chung, thì thuộc cấp của ông, Đại tá Trương Thiếu Binh, Chỉ huy trưởng một chiến hạm vừa được bổ nhiệm làm Trợ lý Tham mưu trưởng Hải quân Trung Quốc hôm 30/7 nói với tờVăn Hối“Nếu xảy ra chiến tranh ở Biển Đông, Trung Quốc nhất định đánh thắng”.

Đại tá Bính nói: "Ba hạm đội hải quân là pháp bảo của Trung Quốc để giành chiến thắng, là lực lượng quan trọng bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời việc kiện toàn chế độ trong quân đội Trung Quốc sẽ giúp nâng cao nhanh chóng sức chiến đấu".

Theo giới phân tích quốc tế, động thái này có thể nhằm vào hai mục đích khác nhau: một là phản ứng với chiến lược xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương của Obama, cụ thể là việc lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tại Hàn Quốc. Hai là xoa dịu những bức xúc, mâu thuẫn nội tại trong lòng xã hội Trung Quốc trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm lại và có thể sẽ tiếp tục phát triển "hình chữ L" trong thời gian dài, thay vì "hình chữ V" như mong muốn.

Chia sẻ quan điểm này, TS. Nguyễn Ngọc Trường, người từng làm Đại sứ Việt Nam tại 5 quốc gia cũng trả lời VTC rằng, động thái của Bắc Kinh nhằm trấn an dư luận trong nước.

Ngoài ra, động thái này cũng cho thấy Trung Quốc vẫn tiếp tục tìm cách ứng phó với sự có mặt của Mỹ ở Biển Đông. “Hiện nay, nội bộ Trung Quốc đang phải tính lại cách tiếp cận các chính sách về vấn đề Biển Đông”, Đại sứ Nguyễn Ngọc Trường nhận định.

Trung Quốc tự gây bất lợi cho mình

Huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và chuẩn bị cho mọi tình huống chiến tranh là nhiệm vụ mặc nhiên và bình thường của quân đội bất kỳ quốc gia nào. Những phát biểu của ông Thường Vạn Toàn nếu chỉ nói trong nội bộ quân đội Trung Quốc thì chắc không gây nhiều phản ứng trái chiều từ dư luận đến vậy.

Tân Hoa xã không hiểu vô tình hay cố ý trích dẫn nó đúng thời điểm "nhạy cảm", khi Nhật Bản vừa công bố Sách trắng Quốc phòng, và cũng chỉ cách hôm Tòa Trọng tài công bố phán quyết vụ kiện Biển Đông không lâu.

Theo giới chuyên gia, về đối ngoại, về mặt truyền thông dư luận thì những phát biểu như này có thể dẫn đến những hệ lụy không tốt đẹp cho Trung Quốc. Uy tín của Bắc Kinh trên trường quốc tế sẽ ngày càng sụt giảm.

Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên viện trưởng viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công An nhận định trên Người Đưa Tin rằng: "Hành động của Trung Quốc tại Biển Đông ngày càng hung hăng, thể hiện sự coi thường và chà đạp lên luật pháp quốc tế, điều đó không chỉ thể hiện qua những tuyên bố ngoại giao mà cả những hành động ngày càng quyết đoán của Bắc Kinh, nhưng điều này lại chính là điều bất lợi cho Trung Quốc".

Theo Thiếu tướng, sau phán quyết, hầu hết các nước thành viên G20 và các nước G7 cùng những trung tâm kinh tế, chính trị lớn trên thế giới đều đã lên tiếng phản đối Trung Quốc. Hành động của Trung Quốc khiến họ ngày càng bị cộng đồng quốc tế cô lập, đó chính là sai lầm, thiệt hại đối với Trung Quốc.

"Dù hung hăng nhưng Trung Quốc rất sợ bị quay lưng. Trên hành tinh này không có Trung Quốc thì thế giới vẫn phát triển bình thường, song nếu không có hợp tác của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc sẽ nhanh chóng đổ vỡ", tướng Lê Văn Cương nhấn mạnh.

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận tại Tổ về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận tại Tổ về các dự án Luật

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ Tám, sáng ngày 22.11, các đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình thảo luận tại tổ 10 gồm: đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Thái Bình, Đắk Nông, Tiền Giang, về dự án Luật Thuế...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...