Châu Âu trước những 'con sói cô độc'

Thứ 5, 21/07/2016 | 14:57:51
733 lượt xem

Chỉ trong vòng chưa đầy một tuần, châu Âu bị rúng động bởi 2 vụ tấn công gây nhiều thương vong. Trong khi dư luận chưa hết bàng hoàng trước vụ tấn công kinh hoàng tối 14-7 ở thành phố biển Nít-xơ, miền Nam nước Pháp khiến ít nhất 84 người thiệt mạng, đêm 18-7, lại xảy ra một vụ tấn công bằng rìu và dao trên tàu chở khách ở bang Ba-va-ri-a, miền Nam nước Đức khiến 4 người bị thương nặng. Điểm chung của 2 vụ tấn công kể trên là chúng đều được thực hiện bởi những “con sói cô độc” và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đều lên tiếng nhận trách nhiệm.

Những vết đạn lỗ chỗ trên chiếc xe tải trắng trong vụ tấn công người dân ở Nice. Ảnh: Reuters 

Sống chung với lũ?

Ngày 19-7, phát biểu trên truyền hình, Bộ trưởng Nội vụ bang Ba-va-ri-a H.Héc-man (Joachim Herrmann) cho biết, khám xét nơi ở của đối tượng sau vụ tấn công, cảnh sát đã tìm thấy một lá cờ của IS, được vẽ bằng tay, trong đống đồ đạc để trong phòng của thủ phạm 17 tuổi, một người tị nạn Áp-ga-ni-xtan. Kết quả điều tra cho thấy đối tượng nói trên đã bị tiêm nhiễm tư tưởng Hồi giáo cực đoan chỉ trong vài tuần qua. Cảnh sát còn phát hiện một văn bản kêu gọi người Hồi giáo phải đứng dậy chiến đấu.

Trong khi đó, Báo Le Figaro dẫn nguồn tin cảnh sát Pháp cho biết thủ phạm gốc Tuy-ni-di đã bị tiêm nhiễm tư tưởng cực đoan một cách nhanh chóng, chỉ trong vòng 15 ngày trước khi thực hiện vụ tấn công tối 14-7. Phát biểu tại Quốc hội ngày 19-7, Thủ tướng M.Van (Manuel Valls) cảnh báo rằng Pháp có thể sẽ phải hứng chịu thêm các vụ tấn công khác và có nhiều người thiệt mạng, cũng như Pháp phải "học cách sống chung với mối đe dọa".

Sau một đêm kinh hoàng trên con đường ở hiện trường vụ tấn công khủng bố bằng xe tải ở Nice, Pháp. Ảnh: Reuters  


Những “con sói cô độc” trỗi dậy

“Con sói cô độc" (lonely wolf) là một khái niệm được sử dụng rộng rãi trên các phương tiện truyền thông phương Tây vào những năm 90 của thế kỷ trước để chỉ một mô hình hoạt động đặc biệt của chủ nghĩa cực đoan. Không giống như các tổ chức khủng bố, đây là hoạt động của những cá nhân hoặc một nhóm nhỏ hoạt động bí mật. Tuy nhiên, chỉ cần làm một phép so sánh về thương vong giữa vụ tấn công đêm 14-7 ở Ni-xơ với các vụ tấn công liên hoàn hồi tháng 11 năm ngoái tại thủ đô Pa-ri cũng thấy rằng hệ lụy mà những “con sói cô độc" gây ra lại không nhỏ. Phản ứng trên các phương tiện truyền thông trước tội ác của những “con sói cô độc", sự hoảng loạn, kích động và sợ hãi của dân chúng cũng vì thế không kém gì những vụ tấn công quy mô lớn.

Nhìn lại 2 vụ tấn công liên tiếp trong vòng chưa đầy một tuần ở Đức và Pháp, vấn đề đặt ra là tại sao những “con sói cô độc” có xu hướng gia tăng và làm thế nào chúng lại qua mắt được các cơ quan an ninh châu Âu?

Cho đến nay, các cơ quan chức năng Pháp và Đức chưa xác định được mối liên hệ giữa những “con sói cô độc” với IS cho dù tổ chức này đã đứng ra nhận trách nhiệm. Tuy nhiên, kết quả điều tra sơ bộ của cảnh sát đã phát hiện ra chúng bị cực đoan hóa nhanh chóng. Quá trình bị cực đoan hóa đó không phải là ngẫu nhiên. Trên thực tế, cho dù các nước châu Âu như Pháp hay Đức đều có nền kinh tế phát triển, đây chưa hẳn đã là “miền đất hứa” với những người nhập cư. Bất chấp nỗ lực không ngừng của chính phủ các nước, quá trình hòa nhập cho đến nay chưa đạt được kết quả như mong đợi. Nhiều thế hệ người nhập cư, kể cả sinh ra và lớn lên ở châu Âu, không cảm thấy mình là một phần của xã hội đó. Vẫn còn đó những bất bình đẳng, phân biệt đối xử. Phần lớn người nhập cư phải sống tại những khu ngoại ô nghèo nàn đối lập với những thành phố lớn phồn hoa của người bản xứ. Nghèo đói, thất học, không có công ăn việc làm khiến nhiều thanh niên nhập cư trẻ dễ bị mất phương hướng. Họ trở thành các mục tiêu “hấp dẫn” để các tổ chức khủng bố truyền bá tư tưởng cực đoan.

Cảnh sát Đức tại hiện trường vụ tấn công tối 18-7. Ảnh: BBC 

Trong khi đó, lỗ hổng an ninh của các quốc gia châu Âu lại giúp những “con sói cô độc” dễ dàng thực hiện các vụ tấn công. “Một vấn đề riêng của châu Âu đó là các nước thường không chia sẻ thông tin tình báo với nhau. Ở Mỹ, chúng tôi cũng gặp vấn đề tương tự giữa các cơ quan chính phủ nhưng ở châu Âu, vấn đề còn hơn thế”, RT dẫn lời ông M.Ma-lúp (Michael Maloof), một cựu quan chức của Lầu Năm Góc nhận định.  

Mối đe dọa từ những "con sói cô độc" đang tạo ra thách thức lớn đối với đội ngũ an ninh trong việc nhận diện và giám sát vì các cuộc tấn công quy mô nhỏ rất khó ngăn ngừa, nhất là khi chúng sử dụng những vũ khí “công nghệ thấp” như dao, xe tải... và ngày càng không có mối liên hệ trực tiếp giữa chúng với những kẻ khủng bố trong "danh sách đen" của các cơ quan điều tra. Như lời cựu sĩ quan Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) G.Rai-xơ (Jack Rice) nói với RT: “Vấn đề thực sự đó là hầu như không thể ngăn chặn một cuộc tấn công lấy cảm hứng từ chủ nghĩa khủng bố mà lại sử dụng vũ khí “công nghệ thấp” bởi vì bạn không biết phải bắt đầu từ đâu?”.

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận tại Tổ về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận tại Tổ về các dự án Luật

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ Tám, sáng ngày 22.11, các đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình thảo luận tại tổ 10 gồm: đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Thái Bình, Đắk Nông, Tiền Giang, về dự án Luật Thuế...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...