Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị cấp cao ASEM 11

Thứ 7, 16/07/2016 | 07:56:49
734 lượt xem

Sáng 15-7, Hội nghị cấp cao Á-Âu lần thứ 11 (ASEM 11)-hội nghị kỷ niệm 20 năm thành lập Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM) đã chính thức khai mạc tại thủ đô U-lan Ba-to, Mông Cổ...

Các nhà lãnh đạo dự Hội nghị cấp cao ASEM 11. 

Tham dự hội nghị có lãnh đạo cấp cao của 53 thành viên ASEM, gồm 21 quốc gia châu Á, 30 quốc gia châu Âu và Liên minh châu Âu (EU) cùng Ban Thư ký ASEAN. Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu tham dự hội nghị. Tổng thống Mông Cổ Sa-khi-a Ên-bếch-đốc-giơ chủ trì Lễ đón chính thức các nhà lãnh đạo ASEM với nghi thức trang trọng trong sự kiện quốc tế lớn nhất mà nước này đăng cai từ trước đến nay.

ASEM trước nhu cầu phải đổi mới

Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng thống Mông Cổ Sa-khi-a Ên-bếch-đốc-giơ đã nêu bật những thành tựu quan trọng của Diễn đàn kể từ khi thành lập cách đây đúng 20 năm tại Băng Cốc, Thái Lan, đề cao vai trò ASEM là cơ chế đối thoại và hợp tác quan trọng, có quy mô lớn nhất giữa hai châu lục Á-Âu. Tổng thống Sa-khi-a Ên-bếch-đốc-giơ nhấn mạnh, với chủ đề “20 năm ASEM: Quan hệ đối tác vì tương lai thông qua kết nối”, Hội nghị ASEM 11 là dịp để các thành viên đánh giá chặng đường 20 năm hình thành và phát triển của Diễn đàn, định vị ASEM trong cục diện đang định hình và đề ra định hướng hợp tác trong thập kỷ mới.

Sau lễ khai mạc, các nhà lãnh đạo đã tiến hành Phiên họp toàn thể thứ nhất về “Hai thập kỷ quan hệ đối tác: Nhìn lại quá khứ và hướng tới tương lai”. Các nhà lãnh đạo cho rằng, ASEM đang đứng trước nhu cầu phải đổi mới, nâng tầm hợp tác nhằm khẳng định vai trò không thể thiếu trong cấu trúc đa cực đang định hình.

Hợp tác theo “phương cách ASEM” phải hiệu quả, thiết thực

Trong bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, qua hai thập kỷ, ASEM đã khẳng định và đang thực hiện tầm nhìn chiến lược về hợp tác và liên kết quốc tế; trở thành diễn đàn kết nối, liên kết đa tầng nấc giữa các quốc gia, các nền văn minh và gắn kết các doanh nghiệp, người dân hai châu lục Á-Âu vì hòa bình và phát triển. Trước những cơ hội và thách thức mới trong cục diện thế giới, ASEM cần đổi mới, nâng cao hiệu quả hợp tác và hướng tới tầm cao mới trên toàn cầu về đối thoại và hợp tác trong thế kỷ 21, đóng góp vào hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển bền vững ở hai châu lục và thế giới.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đề xuất để khai thác hiệu quả những cơ hội của hợp tác, liên kết trong kỷ nguyên số, làn sóng mới về thương mại-đầu tư quốc tế, cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ASEM cần xác định kết nối là một trọng tâm lớn trong hợp tác ASEM, chú trọng đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng; đẩy mạnh trao đổi thương mại, tài chính; phát triển công nghệ thông tin, nguồn nhân lực… Tiếp tục tăng cường kết nối, hợp tác khu vực và tiểu vùng, trong đó có hợp tác Mê Công - Đa-nuýp, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển, nâng cao năng lực cho các thành viên đang phát triển; thúc đẩy giao lưu nhân dân của Quỹ Á-Âu....

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, đối thoại và hợp tác ASEM cần gắn kết chặt chẽ và hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững, nhất là hỗ trợ nỗ lực giảm đói nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và ứng phó với các thách thức toàn cầu. Ưu tiên trước mắt là đóng góp vào nỗ lực toàn cầu thực hiện thành công Chương trình nghị sự 2030, Thỏa thuận Pa-ri và Khuôn khổ hành động Xên-đai; tiếp tục định kỳ triển khai “Đối thoại ASEM về phát triển bền vững”. Đây chính là những giải pháp then chốt tạo xung lực mới cho các mối quan hệ đối tác ngày càng thực chất, hiệu quả, trên mọi tầng nấc. Hợp tác theo “phương cách ASEM” cần chú trọng yếu tố hiệu quả, thiết thực. ASEM cần có chương trình, dự án cụ thể triển khai hoạt động của các Nhóm hợp tác chuyên ngành về giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, ứng phó thiên tai, quản lý bền vững nguồn nước...; chú trọng tăng cường đóng góp của thanh niên, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp... vào hợp tác ASEM để giúp khởi xướng và triển khai các ý tưởng mới nâng cao tính tự cường của ASEM và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Thủ tướng Chính phủ khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng và tiếp tục ưu tiên cao đóng góp vào nỗ lực chung nâng tầm hợp tác ASEM, thúc đẩy kết nối các nền kinh tế Á-Âu thông qua Cộng đồng ASEAN, các quan hệ đối tác và các cơ chế hợp tác, liên kết song phương, đa phương hiện có. Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao sự ủng hộ của các thành viên đối với sáng kiến mới của Việt Nam tại Hội nghị ASEM 11 về “Hội nghị ASEM về giáo dục sáng tạo và xây dựng nguồn nhân lực vì phát triển bền vững” năm 2017.

Tại Phiên họp toàn thể thứ hai về “Thúc đẩy quan hệ đối tác ASEM vì kết nối rộng lớn hơn”, các nhà lãnh đạo nhất trí kết nối là trọng tâm hợp tác ASEM trong thời gian tới trên cả ba phương diện hạ tầng cơ sở, thể chế và con người, nhất trí thành lập Nhóm tiên phong về kết nối trong 2 năm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng một số nhà lãnh đạo quốc tế dự Hội nghị cấp cao ASEM 11. 

Thúc đẩy hợp tác song phương với hàng loạt quốc gia

 * Trong khuôn khổ HNCC ASEM 11, sáng 15-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc song phương với nguyên thủ, lãnh đạo các quốc gia Á, Âu.

Tại cuộc gặp với Thủ tướng Phần Lan Giu-ha Xi-pi-la (Juha Sipila), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh Chính phủ Phần Lan đã có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp của nước này tăng cường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam và cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp Phần Lan đầu tư vào những lĩnh vực Phần Lan có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu, đề nghị Phần Lan tiếp tục ưu tiên dành nguồn ODA cho Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực môi trường, biến đổi khí hậu, đổi mới-sáng tạo, nâng cao năng lực thể chế, đồng thời ủng hộ Việt Nam được tiếp cận vốn ưu đãi IDA sau năm 2017 và có thời gian chuyển đổi phù hợp.

Tại cuộc tiếp xúc với Tổng thống Thụy Sĩ Giô-han Xnây-đơ Am-man (Johann Schneider-Ammann), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn các doanh nghiệp Thụy Sĩ hoạt động lâu dài và đẩy mạnh đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực Thụy Sĩ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như dịch vụ, tài chính-ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ cao, công nghiệp chế tạo, dược phẩm, chế biến nông sản, du lịch...

Trong cuộc gặp với Thủ tướng Xin-ga-po Lý Hiển Long, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển mạnh mẽ trong quan hệ hai nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời mời Thủ tướng Lý Hiển Long dự Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Khu công nghiệp Việt Nam - Xin-ga-po (VSIP) tại Bình Dương vào trung tuần tháng 9-2016 và khẳng định việc Thủ tướng Lý Hiển Long tham dự buổi lễ sẽ có ý nghĩa lớn với quan hệ hợp tác hai nước và với biểu tượng thành công của các VSIP, khu công nghiệp hình thành từ ý tưởng của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu.

Trong trao đổi với Thủ tướng Thái Lan Pray-út Chan-ô-cha (Prayut Chan-o-cha), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các hoạt động đầu tư kinh doanh đa dạng của các doanh nghiệp Thái Lan tại Việt Nam. Nhân dịp này, hai Thủ tướng nhất trí sẽ cùng nhau thúc đẩy việc họp nội các chung để trao đổi về các lĩnh vực hợp tác cụ thể.

Trong cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Pắc Cưn Hê (Park Geun-hye), hai nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng trước những bước tiến của quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược Việt-Hàn thời gian qua. Hai bên nhất trí đẩy mạnh quan hệ kinh tế-thương mại, có biện pháp cân bằng cán cân thương mại, giảm dần nhập siêu của Việt Nam và hợp tác tạo làn sóng đầu tư mới của Hàn Quốc vào Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng, giao thông. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn việc Chính phủ Hàn Quốc đã hỗ trợ khẩn cấp 300.000USD cho miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long đang chịu hạn hán, xâm nhập mặn.

Tại cuộc hội kiến với Thủ tướng Đức An-giê-la Méc-ken (Angela Merkel), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn các nhà đầu tư Đức sớm chuẩn bị đón đầu các cơ hội Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU đem lại để ngày càng tăng cường sự hiện diện và lọt vào tốp các nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam, cam kết tạo điều kiện thuận lợi để Đức tăng đầu tư trong các lĩnh vực có thế mạnh và phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam như công nghiệp chế tạo, công nghệ cao, năng lượng xanh và tái tạo, cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần.

Trong cuộc gặp với Thủ tướng Man-ta (Malta) Giô-dép Mu-xcát (Joseph Muscat), hai bên nhất trí tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác, đầu tư trong những lĩnh vực mà Man-ta có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như: Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, hậu cần, vận tải biển. Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã mời Thủ tướng Giô-dép Mu-xcát sớm thăm Việt Nam.

Sau cuộc tiếp, hai Thủ tướng đã chứng kiến Lễ ký kết giữa Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Man-ta Gioóc Uy-li-am Vê-la (George William Vella) về Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Man-ta.

Tại cuộc gặp Thủ tướng Ba Lan Bê-a-ta Xư-đơ-lô (Beata Szydlo), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam đánh giá cao những đóng góp của Ba Lan trong ASEM về ứng phó với các thách thức toàn cầu, nhất là an ninh nguồn nước và hoan nghênh các nỗ lực của Ba Lan trong hỗ trợ tăng cường kết nối EU-ASEAN cũng như các dự án hợp tác tiểu vùng, nhất là hợp tác Mê Công - Đa-nuýp. Thủ tướng cũng cảm ơn Chính phủ Ba Lan đã tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng Việt Nam tại đây, mong chính quyền và nhân dân Ba Lan tiếp tục hỗ trợ để cộng đồng Việt Nam ổn định cuộc sống, tiếp tục đóng góp thiết thực cho công cuộc xây dựng kinh tế-xã hội ở Ba Lan và góp phần tăng cường quan hệ giữa hai nước.

Tại cuộc gặp với Thủ tướng Hà Lan Mác Rút-tơ (Mark Rutte), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc hai nước ký quan hệ Đối tác chiến lược về thích ứng với biển đổi khí hậu, quản lý nước và Đối tác chiến lược về nông nghiệp, an ninh lương thực. Hai bên nhất trí cần cụ thể hóa tầm nhìn và các khuyến nghị của Chương trình Đồng bằng sông Cửu Long (MDP) thành các giải pháp cụ thể, trong đó có việc hỗ trợ đánh giá, nghiên cứu khả thi đối với các giải pháp được đề xuất thực hiện bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới cũng như của các đối tác phát triển khác.

Trao đổi với Phó tổng thống Ấn Độ Mô-ha-mát Ha-mít An-xa-ri (Mohammad Hamid Ansari), hai nhà lãnh đạo khẳng định tầm quan trọng của quan hệ hữu nghị truyền thống và bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển hết sức tốt đẹp của Đối tác chiến lược Việt Nam-Ấn Độ; mong muốn đưa quan hệ hai nước phát triển sâu rộng hơn nữa trên tất cả các lĩnh vực.

Gặp Bộ trưởng Ngoại giao Niu Di-lân Mu-rây Mắc Cơ-li (Murray McCully), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển hiệu quả trong quan hệ giữa hai nước. Thủ tướng đề nghị Niu Di-lân tạo thuận lợi để sớm hoàn tất các thủ tục mở cửa thị trường cho các loại trái cây đặc sản của Việt Nam như chôm chôm, nhãn, vú sữa, bưởi.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có trao đổi ngắn với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Giăng Clốt Giăng-cơ (Jean-Claude Juncker). Hai nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng khi quan hệ Việt Nam-EU phát triển sâu rộng và hiệu quả.

Chiều 15-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp Thủ tướng Nhật Bản Sin-dô A-bê (Shinzo Abe). Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn Thủ tướng A-bê về lời mời dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tại Nhật Bản tháng 5-2016 và đã dành cho Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sự đón tiếp chân tình, trọng thị, chu đáo. Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị Nhật Bản ủng hộ Việt Nam được tiếp cận vốn ưu đãi IDA và có thời gian chuyển đổi phù hợp.

Trong các cuộc gặp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các nhà lãnh đạo các quốc gia thành viên ASEM cũng đã trao đổi về hợp tác giữa hai châu lục cũng như các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Đông. Các nhà lãnh đạo nhất trí ủng hộ việc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, bảo đảm tự do, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

* Cũng trong sáng 15-7, trong khuôn khổ HNCC ASEM 11, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tiếp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao I-ta-li-a, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ai-len và Bộ trưởng Bộ Giáo dục Thụy Điển.

* Chiều 15-7, các nhà lãnh đạo ASEM tham dự Lễ hội truyền thống Na-đam, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. HNCC ASEM 11 sẽ tiếp tục các hoạt động trong ngày 16-7, trong đó có phiên họp hẹp về “Tăng cường ba trụ cột hợp tác ASEM”.

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận tại Tổ về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận tại Tổ về các dự án Luật

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ Tám, sáng ngày 22.11, các đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình thảo luận tại tổ 10 gồm: đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Thái Bình, Đắk Nông, Tiền Giang, về dự án Luật Thuế...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...