Những điều cần biết về vụ kiện Philippines - Trung Quốc

Thứ 3, 12/07/2016 | 15:27:07
639 lượt xem

Hôm nay 12-7, Tòa Trọng tài PCA ở Hà Lan sẽ ra phán quyết vụ kiện của Philippines với Trung Quốc tại Biển Đông. Vậy tòa PCA là gì và tòa có thẩm quyền đưa ra phán quyết với các nội dung nào trong vụ kiện?

Tòa PCA là gì?

Tòa PCA là một tổ chức liên chính phủ của 121 quốc gia thành viên, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Singapore. PCA được lập vào năm 1899 để hỗ trợ việc làm trọng tài phân xử và hỗ trợ các hình thức giải quyết tranh chấp khác giữa các nước.

PCA là cơ chế toàn cầu đầu tiên giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia, được thành lập theo Công ước về giải quyết tranh chấp quốc tế Thái Bình Dương năm 1899. Hội nghị này được triệu tập theo sáng kiến của Sa hoàng Nga Nicolas II nhằm tìm kiếm những phương tiện khách quan nhất đảm bảo cho tất cả các dân tộc những lợi ích của nền hòa bình thực sự và bền vững. Ngày nay PCA tham gia hỗ trợ giải quyết tranh chấp liên quan đến các hình thức liên kết quốc gia, thực thể quốc gia, các tổ chức liên chính phủ và các bên tư nhân.

Tòa PCA sẽ đưa ra phán quyết vụ kiện Philippines - Trung Quốc trong ngày hôm nay (12/7). Ảnh: AP

Những vụ kiện nào đã được xét xử tại PCA?

Tòa trọng tài thuộc PCA đã ra hơn 70 phán quyết trong quá khứ và đang xem xét 116 vụ kiện. Những vụ mới kết thúc bao gồm tranh chấp biên giới giữa Eritrea và Ethiopia, ra phán quyết có lợi cho Mauritius trong vụ kiện với Anh liên quan đến khu vực bảo vệ sinh vật biển ở Quần đảo Chagos...

Quá trình Philippines đệ đơn kiện Trung Quốc

Ngày 22/1/2013, chính phủ Philippines đệ đơn lên tòa PCA kiện “đường 9 đoạn” Trung Quốc “vẽ” ra, tuyên bố chủ quyền với gần 90% diện tích Biển Đông.

Ngày 19/2/2013, Trung Quốc bác bỏ và gửi công hàm phản đối, cho rằng PCA không có thẩm quyền xét xử. Kể từ thời điểm đó, Trung Quốc tiếp tục khẳng định quan điểm của họ không chấp nhận và không tham gia vào vụ xử bằng trọng tài này.

Tuy nhiên Phụ lục VII của Công ước của Liên Hợp quốc về luật biển (UNCLOS) cho phép thành lập tòa phân xử bất kể sự không tham gia của một bên. Vì vậy, ngày 21/3, Tòa phân xử vụ kiện của Philippines được thành lập.

Tòa này gồm các trọng tài viên là Thẩm phán Thomas A. Mensah (Ghana), Thẩm phán Jean-Pierre Cot (Pháp), Thẩm phán Stanislaw Pawlak (Ba Lan), Giáo sư Alfred H. A. Soons (Hà Lan), và Thẩm phán Rudiger Wolfrum (Đức).

Các trọng tài viên của Tòa phân xử vụ kiện của Philippines. Ảnh: Tòa Trọng Tài

Ngày 27/7/2013, PCA công bố các nguyên tắc tố tụng và lịch trình ban đầu.

Ngày 30/3/2014, Philippines nộp bản ghi nhớ gồm các bằng chứng pháp lý lên PCA.

Ngày 3/6/2014, Tòa án công lý quốc tế quyết định, Trung Quốc phải nộp Bản ghi nhớ Phản biện chống lại Bản ghi nhớ của Philippines vào ngày 15/12/2014.

Tháng 12/2014, Trung Quốc tuyên bố lập trường chính thức, tái khẳng định vụ kiện không nằm trong cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS và không nộp hồ sơ phản biện.

Ngày 7-13/6/2015, PCA nhóm họp để nghe Philippines tranh luận về thẩm quyền của tòa.

Ngày 7-9/7/2015, Manila tố cáo Bắc Kinh phá hủy môi trường biển, vi phạm UNCLOS tại vòng điều trần đầu tiên.

Ngày 13/7/2015, vòng điều trần lần 2 được tổ chức. PCA đồng ý tiếp nhận vụ kiện.
Ngày 29/6/2016, PCA thông báo sẽ đưa ra phán quyết vào ngày 12/7/2016.

Tòa PCA ra phán quyết về những nội dung nào?

Phán quyết của tòa dự kiến sẽ tập trung vào 3 khía cạnh lớn. Thứ nhất là việc Trung Quốc có được phép sử dụng “đường lưỡi bò” trải dài xuống sâu khu vực biển của Đông Nam Á để nhấn mạnh tuyên bố chủ quyền là phù hợp với UNCLOS hay không.

Thứ 2 là quy chế pháp lý của 9 cấu trúc trên biển, xác định các cấu trúc đó là bãi cạn lúc nổi lúc chìm hay là đảo. Qua nội dung này, Philippines đặt yêu cầu Toà kết luận việc chiếm đóng của Trung Quốc là bất hợp pháp.

Thứ 3 là về một số hành vi vi phạm của Trung Quốc ở Biển Đông như vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế, trong thềm lục địa đến vi phạm về nghề cá, vi phạm dầu khí, vi phạm liên quan đến xây dựng các công trình nhân tạo, an toàn hàng hải, thậm chí có cả hành động làm trầm trọng hóa tranh chấp.

Dự báo về khả năng

Đa số các học giả đều cho rằng phán quyết sẽ tương đối thuận lợi cho Philippines và có thể bất lợi với Trung Quốc.

Tuy nhiên, các học giả cũng lo ngại, kết quả bất lợi sẽ khiến Bắc Kinh tức giận và càng nỗ lực leo thang căng thẳng, trong đó có thể có việc tuyên bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tương tự như việc nước này đã làm tại biển Hoa Đông.

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận tại Tổ về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận tại Tổ về các dự án Luật

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ Tám, sáng ngày 22.11, các đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình thảo luận tại tổ 10 gồm: đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Thái Bình, Đắk Nông, Tiền Giang, về dự án Luật Thuế...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...