Trung Quốc tiếp tục lớn tiếng trước giờ phán quyết

Thứ 7, 09/07/2016 | 09:05:13
621 lượt xem

Báo chí và giới chức Trung Quốc liên tục đưa ra những tuyên bố mang tính hăm dọa, bất chấp pháp luật liên quan tới phán quyết về vụ kiện Biển Đông.

.
Tàu hải cảnh Trung Quốc áp sát tàu cá của Philippines ở khu vực bãi cạn Scarborough ngày 12.6.2016 - Forbes.
Vào ngày 12-7, Tòa trọng tài thường trực (PCA) của Liên Hiệp Quốc ở The Hague, Hà Lan sẽ ra phán quyết về vụ kiện của Philippines chống lại yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông. Theo giới quan sát, nhiều khả năng kết quả vụ kiện sẽ bất lợi cho Trung Quốc vì tuyên bố của nước này đòi chủ quyền chiếm gần trọn Biển Đông không hề có cơ sở pháp lý nào. Vì lẽ đó, Bắc Kinh đã tuyên bố không chấp nhận phán quyết và liên tục có những tuyên bố, hành động đáng lo ngại để gây sức ép với khu vực.
Sự hung hăng kéo dài
Ngày 8.7, Hoàn Cầu thời báo tiếp tục đăng bài xã luận hung hăng tuyên bố Trung Quốc sẽ không lùi bước trong tranh chấp tại Biển Đông, bất kể việc Mỹ tăng cường chiến hạm tuần tra gần các đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp phi pháp ở quần đảo Trường Sa của VN.
Cũng giống như lời đe dọa “sẽ không có gì xảy ra nếu các bên gạt phán quyết qua một bên” của tờ China Daily cách đây vài ngày, Hoàn Cầu sử dụng chiêu “đánh lận” trách nhiệm: “Việc có hay không sự leo thang căng thẳng ở Nam Hải (cách Bắc Kinh gọi Biển Đông - NV) phụ thuộc vào việc liệu Mỹ có kích động Philippines hành động hung hăng hay chính Mỹ tiến tới hay không. Nếu Mỹ và Philippines hành động bốc đồng và thực hiện hành động khiêu khích trắng trợn, Trung Quốc sẽ không lùi dù chỉ một bước”.
Bài xã luận còn tuyên bố lớn giọng rằng Trung Quốc có thể biến Scarborough, bãi cạn đang tranh chấp với Manila và bị Bắc Kinh phong tỏa từ năm 2012, thành một tiền đồn quân sự.
Cùng ngày, China Daily tuyên bố phán quyết sắp tới là “bất hợp pháp, vô hiệu và vô giá trị ngay từ đầu”, đồng thời nhắc lại phát biểu ngang ngược của Ngoại trưởng Vương Nghị trong cuộc điện đàm với người đồng cấp John Kerry rằng việc phân xử của PCA là “trò hề nên kết thúc sớm”. Trước đó, cựu Ủy viên Quốc vụ Đới Bỉnh Quốc cũng ngang nhiên nói phán quyết của PCA “không hơn tờ giấy lộn”.
Việc những nhân vật ngoại giao cấp cao của Trung Quốc dùng lời lẽ thiếu kiềm chế để chỉ trích PCA cho thấy sự ngoan cố, bất chấp luật pháp cũng như ý đồ “đe nẹt” khu vực về những diễn biến sau phán quyết.
Một phiên xét xử của Tòa trọng tài thường trực Liên Hiệp Quốc
“Lựa chọn cho châu Á - Thái Bình Dương”
Cũng trong hôm qua 8.7, Ủy ban Quân vụ và Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ tổ chức điều trần chung về vụ kiện Biển Đông, theo AP. Trong đó, Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách Đông Á Abraham Denmark kêu gọi Trung Quốc lẫn Philippines tôn trọng phán quyết của PCA. “Chúng tôi thúc giục cả hai bên tuân thủ phán quyết và kêu gọi tất cả các bên tranh chấp tránh các hành động hoặc tuyên bố mang tính khiêu khích”, ông phát biểu.
Theo quan chức này, phán quyết của PCA sẽ là cơ hội để xác định “liệu tương lai của châu Á - Thái Bình Dương sẽ được xác lập bằng việc tôn trọng luật pháp và những quy tắc quốc tế vốn đã tạo điều kiện cho khu vực này trở nên thịnh vượng hay dựa trên những toan tính quyền lực thô thiển”.
Ông Colin Willett, một quan chức cấp cao khác của Lầu Năm Góc, khẳng định tại phiên điều trần rằng Mỹ sẽ không ngần ngại bảo vệ quyền lợi về an ninh quốc gia và tôn trọng những cam kết đã có với đồng minh, đối tác trong khu vực.
Phản ứng các hành động của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông, Mỹ gần đây đã tăng cường hiện diện quân sự và vừa điều 3 tàu khu trục tuần tra áp sát các đảo nhân tạo của Bắc Kinh ở Biển Đông, nâng số tàu chiến có mặt tại đây lên 7 chiếc, bao gồm tàu sân bay USS Ronald Reagan, theo tờNavy Times.
Trong phiên điều trần, giới chức Lầu Năm Góc cho biết thêm Mỹ đang tích cực làm việc với đồng minh, nhất là Philippines, và các đối tác khác nhằm củng cố năng lực hàng hải, phát triển một mô hình hoạt động chung nhằm phối hợp hành động hiệu quả hơn cũng như thiết lập sự hiện diện trên biển của riêng nước này nhằm ngăn chặn bất ổn trên Biển Đông. Trong phát biểu đưa ra cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mac Thornbery cho biết “một số nước muốn làm việc với chúng ta” về an ninh, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp ngoại giao.
Philippines sẵn sàng đàm phán

Bãi cạn Scarborough được xem là có vai trò quan trong trong việc thay đổi cân bằng sức mạnh tại Biển Đông.

Ngày 8.7, Hãng GMA News dẫn lời Đại sứ Lourdes O.Yparraguirre, đại diện thường trực của Philippines tại LHQ, kêu gọi cộng đồng quốc tế góp phần củng cố Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) bằng cách ủng hộ việc thực thi phán quyết sắp tới của PCA.

“Chúng tôi tin ở sự công bằng và thấu đáo của tiến trình phân xử, tính chất ràng buộc của phán quyết và việc các bên liên quan cùng toàn bộ thành viên của cộng đồng quốc tế tôn trọng phán quyết này”, bà Yparraguirre nhấn mạnh.

Tuy nhiên, trong lúc chờ đợi kết quả có lợi cho mình, có vẻ như Philippines đang bộc lộ những toan tính riêng cho thời hậu phán quyết. Hôm qua 8.7, Ngoại trưởng Perfecto Yasay tuyên bố Manila sẵn sàng đàm phán về chia sẻ nguồn tài nguyên thiên nhiên ở Biển Đông với Bắc Kinh “sau khi thắng kiện”, theo AFP.

Ông Yasay cho hay sau khi có phán quyết, Philippines sẽ nghiên cứu kỹ, thảo luận với các đồng minh rồi tìm cách đàm phán với Trung Quốc “càng sớm càng tốt”. Ông Yasay còn tiết lộ rằng Manila để ngỏ việc chia sẻ bãi cạn Scarborough nhưng vẫn khẳng định sẽ không nhượng bộ bất kỳ quyền lợi nào trên Biển Đông.

Giới quan sát lo ngại những bước đi sắp tới của Philippines có thể ảnh hưởng đến nỗ lực chung của cộng đồng khu vực và quốc tế trong việc tìm kiếm giải pháp công bằng, hợp pháp cho vấn đề Biển Đông cũng như có thể gây bất đồng trong ASEAN.

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận tại Tổ về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận tại Tổ về các dự án Luật

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ Tám, sáng ngày 22.11, các đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình thảo luận tại tổ 10 gồm: đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Thái Bình, Đắk Nông, Tiền Giang, về dự án Luật Thuế...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...