Thông cáo của Hạm đội 7 thuộc Hải quân Mỹ ngày 4/3 cho biết, tàu sân bay USS John S. Stennis đã đến vùng biển phía đông của Biển Đông từ ngày 1/3, sau khi đi qua eo biển Luzon (nằm giữa Philippines và Đài Loan). Đồng hành cùng tàu sân bay USS John C. Stennis là tàu tuần dương USS Mobile Bay, tàu khu trục USS Stockdale và USS Chung-Hoon, tàu tiếp tế USNS Rainier.
Thông cáo nhấn mạnh thêm, các tàu của Hải quân Trung Quốc cũng hoạt động “trong vùng biển lân cận”.
CNN dẫn lời Greg Huffman, chỉ huy tàu sân bay John S.Stennis, cho biết ông nhận thấy tàu Trung Quốc đang gia tăng hoạt động xung quanh nhóm tàu của Hải quân Mỹ.
“Chúng tôi thấy tàu Trung Quốc xuất hiện xung quanh chúng tôi, điều này hiếm khi xảy ra trong quá khứ theo kinh nghiệm của tôi”, ông Huffman nói.
Ông Huffman nói thêm, không có va chạm nào xảy ra giữa tàu Mỹ và tàu Trung Quốc.
“Mọi thứ tôi nghe được qua các kênh liên lạc đều là những cuộc liên lạc tốt đẹp giữa những thủy thủ chuyên nghiệp”, ông Huffman khẳng định.
Hải quân Mỹ khẳng định, nhóm tàu tuần tra do tàu John S.Stennis dẫn sẽ thường xuyên hoạt động theo định kỳ.
Bên cạnh đó, thông cáo của Hạm đội 7 cũng đề cập đến một số hoạt động khác gần đây như là việc triển khai tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Curtis Wilbur hồi tháng 1 – động thái này được Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố là nhằm thách thức với những “yêu sách thái quá hạn chế quyền tự do hàng hải của Mỹ và những nước khác”.
Vào thời điểm đó, Lầu Năm Góc cũng đã tuyên bố: “Như Tổng thống Barack Obama và Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter từng đề cập, Mỹ sẽ hoạt động cả trên biển, trên không và ở bất cứ nơi nào là luật quốc tế cho phép. Điều này đúng với khu vực Biển Đông cũng như ở những nơi khác trên thế giới”.
Hồi tháng 1, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Curtis Wilbur của Mỹ cũng đã đi vào khu vực 12 hải lý xung quanh đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Trong khi đó, một phát ngôn viên của cơ quan lập pháp Trung Quốc ngày 4/3 vẫn tiếp tục “đổ lỗi” cho Washington đang quân sự hóa trên Biển Đông./.