Bị Mỹ thờ ơ, Thái Lan ngả sang Trung Quốc

Thứ 3, 01/03/2016 | 15:08:44
836 lượt xem

Chiến lược ngoại giao của Thái Lan đang có những dấu hiệu chuyển hướng quan trọng ngả hẳn theo Trung Quốc do những mâu thuẫn với Washington.

bi-my-tho-o-thai-lan-nga-sang-trung-quoc

Thủ tướng Thái Lan Prayyth Chan-ocha (phải) và người đồng cấp Trung Quốc Lý Khắc Cường (trái) ở Bắc Kinh, năm 2014. Ảnh: AFP

Sau cuộc đảo chính quân sự hồi tháng 5/2014, các tướng lĩnh thuộc Hội đồng vì Hòa bình và Trật tự Quốc gia cầm quyền ở Thái Lan cảm thấy tức giận với những chỉ trích gay gắt từ Mỹ, và đang có xu hướng áp dụng chiến lược ngoại giao mềm dẻo để ngả sang Bắc Kinh, theo Le Monde.

Theo Thitinan Pongsudhirak, giám đốc Viện Nghiên cứu An ninh Quốc tế thuộc Đại học Chulalongkorn tại Bangkok, quan hệ Thái - Trung hiện nay được đánh giá là sự hàn gắn của mối bang giao lâu đời giữa hai nước từ trước thế kỷ XX, lúc Thái Lan còn chưa ngả sang phương Tây.

Từ giữa thế kỷ XIX, vương quốc Xiêm (Thái Lan ngày nay) đã là một trong những quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào Trung Quốc. Khi chủ nghĩa thực dân phương Tây tràn vào châu Á và tiếp sau đó là Chiến tranh Lạnh, Thái Lan bắt đầu rơi vào quỹ đạo ảnh hưởng của phương Tây, và trở thành một đồng minh thân cận của Mỹ ở châu Á.

"Tuy nhiên, những hục hặc giữa Washington và chính quyền quân sự Bangkok gần đây đã khiến Thái Lan ngày càng xích lại gần Trung Quốc", ông Pongsudhirak nhận định.

Kể từ sau vụ đảo chính, số lượng các chuyến viếng thăm cấp cao giữa các lãnh đạo Thái Lan và Trung Quốc đã tăng mạnh. Tháng 12/2014, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tới Bangkok vài ngày trước khi tướng Prayuth Chan-ocha, người đứng đầu chính quyền quân sự Thái Lan, có chuyến thăm đáp lễ. Tháng 2/2015, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn tới Thái Lan và tới tháng 4, đến lượt Phó chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc Hứa Kỳ Lượng công du tới quốc gia Đông Nam Á này.

Vào mùa hè 2015, trước khi tới Bắc Kinh, Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit Wongsuwan tuyên bố đang thương thảo với Trung Quốc để mua ba tàu ngầm tấn công trị giá một tỷ euro. Dù thỏa thuận này không được cụ thể hóa do những quan ngại từ phía Mỹ, nó cho thấy sự cạnh tranh ảnh hưởng với Thái Lan ngày càng gay gắt giữa hai cường quốc.

Trong lĩnh vực kinh tế, sự năng động của cộng đồng người Hoa ở Thái Lan với nhiều doanh nhân thành đạt và có vị trí trong xã hội sở tại cũng giúp tạo nên mối liên kết thương mại giữa Bangkok và Bắc Kinh sau khi Trung Quốc thực hiện chính sách mở cửa vào cuối những năm 1970.

Hai bên đã đa dạng hóa lĩnh vực thương mại song phương. Trung Quốc và Thái Lan đang thảo luận để thực hiện một dự án đường sắt cao tốc tham vọng nối biên giới Lào với vịnh Thái Lan trị giá 11,8 tỷ USD. Trung Quốc cũng hứa hẹn sẽ mua hai triệu tấn gạo và 200.000 tấn cao su của Thái Lan trong năm nay.

Cạnh tranh ảnh hưởng

Chuyên gia Gregory Poling thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Washington cho rằng động lực đẩy Thái Lan tiến gần hơn về phía Trung Quốc là phản ứng của người Mỹ về cuộc đảo chính quân sự. Phản ứng này bị giới quân sự ở Bangkok cho là "bất ngờ và ngạo mạn". 

Tháng 1/2015, khi tới thủ đô Bangkok, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel phát biểu rằng Thái Lan đang "tự đánh mất sự tín nhiệm của mình trong con mắt các đối tác nước ngoài" khi không sớm dỡ bỏ tình trạng thiết quân luật và khôi phục chính quyền dân sự.

"Những lời chỉ trích trên, cùng với sự bất ổn trong nội bộ đất nước, càng thúc đẩy chính quyền quân sự Thái Lan chuyển sang hợp tác với Trung Quốc, một đối tác không hề bận tâm tới vấn đề mà Mỹ chỉ trích", ông Poling đánh giá.

Việc Lầu Năm Góc mới đây giảm số lượng binh sĩ tham gia cuộc tập trận Hổ mang Vàng tổ chức thường niên tại Thái Lan là một dấu hiệu cho thấy Washington đang tái định hình lại quan hệ với quốc gia này. Trước động thái đó, Thái Lan đã có phản ứng khá gay gắt với Mỹ, khiến quan hệ hai nước có nguy cơ sẽ ngày càng xa nhau.

Tuy nhiên, Bruno Philip, bình luận viên về châu Á của Le Monde, cho rằng Mỹ vẫn coi Thái Lan là một đối tác mang tính quyết định trong khu vực Đông Nam Á và cố duy trì quan hệ với Thái Lan. Việc Lầu Năm Góc duy trì cuộc tập trận Hổ mang Vàng như một sợi dây liên kết giữa hai quân đội hai nước bất chấp sự phản đối của nhiều tướng lĩnh được coi là bằng chứng cho nhận định này.

"Nếu muốn duy trì ảnh hưởng với Thái Lan, người Mỹ không nên xem nhẹ sự cạnh tranh của Trung Quốc, đồng thời phải có những biện pháp chính trị và ngoại giao nồng ấm hơn nữa để tránh việc Bangkok đi hẳn vào quỹ đạo của Bắc Kinh", Philip nói.

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về các dự thảo Nghị quyết
Quốc hội thảo luận về các dự thảo Nghị quyết

Sáng ngày 21.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...