Pháp tham gia chiến dịch không kích IS ở Syria. |
Chỉ ba tuần sau vụ tấn công khủng bố ở Paris, châu Âu đã sẵn sàng gia nhập cuộc chiến chống IS. Đây là cuộc chiến tề tựu rất nhiều yếu tố chệch hướng gây trì trệ – và một trong số đó là việc thiếu chiến lược.
Các máy bay của Pháp cùng với Anh hiện đang xuất kích đánh IS tại Syria.Đức cũng sắp nhập cuộc. Các máy bay Tornado của Đức trang bị công nghệ hình ảnh phân giải cao đang giúp định dạng các mục tiêu, trong khi phi cơ A-310 đang tiếp liệu trên không. Đồng thời, tàu khu trục Đức yểm trợ cho một hàng không mẫu hạm Pháp ở Địa Trung Hải. Berlin và Paris đang thảo luận về việc tham chiến trên bộ một cách mơ hồ.
Lâu nay Pháp vẫn lên tiếng phản đối Tổng thống Bashar al-Assad, nhưng gần đây lại đưa ra ý tưởng có thể bắt tay với ông Assad và quân đội của ông trong một liên minh chung chống IS. Ý tưởng này đặt ra nghi vấn: Phải chăng việc IS khủng bố ở châu Âu đang góp phần nào khôi phục vị thế của ông Assad.
Trong vòng 2 năm qua, các lực lượng bên phe ông Assad đã tăng nhanh chóng nhờ các binh sỹ nước ngoài, trong đó có lính Iran, các thành viên du kích Iraq và các đơn vị của Hezbollah ở Lebanon, người Afghanistan dòng Shiite. Lượng binh sĩ này đã bù đắp đáng kể cho thiếu hụt quân số của quân Assad kể từ năm 2012.
Dù liên minh này không đủ sức giúp ông Assad giành thắng lợi, nhưng khó ai đánh bại được ông. Tuy nhiên, một thực tế cho thấy là bản thân quân đội của ông Assad không thật sự chú trọng vào việc đánh IS.
Trong một số trường hợp, phe hậu thuẫn ông Assad và phe IS tiến hành các vụ tấn công gần nhau về cả thời gian lẫn địa điểm. Chẳng hạn, gần thành phố Tal Rifaat ở phía bắc Syria hồi đầu tháng 11, một kẻ đánh bom tự sát của IS cho phát nổ xe bom tại một căn cứ quân sự. Nửa giờ sau, các nhân chứng nói máy bay Nga cũng tấn công ngay ở đó.
Trong năm 2014 có hàng chục trường hợp cho thấy, quân của ông Assad và IS đều đồng thời tấn công vào phe nổi dậy. Quân ông Assad tấn công trên không, IS tấn công trên bộ, và mục tiêu chung mà đôi bên nhắm vào là phe nổi dậy.
Các nhân tố nước ngoài quan trọng trong cuộc nội chiến tại Syria và Iraq. Ảnh: Der Spiegel |
Vì sự tồn tại của chính mình mà cả quân của ông Assad lẫn IS đều muốn đánh bại quân nổi dậy. Từ góc độ của ông Assad, nếu quân nổi dậy bị tiêu diệt, thế giới sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài ông cho chính quyền Syria.
Còn về phía IS, do quân nổi dậy phần lớn là người Sunni (chiếm 2/3 dân số Syria), nên một khi lực lượng này bị khuất phục thì công chúng sẽ chỉ còn lựa chọn, hoặc là phục tùng (hay bị trục xuất), hoặc là phải gia nhập IS.
Tóm lại, một Syria không có quân nổi dậy sẽ đặt cả ông Assad và IS vào các thế mạnh, dù không đủ để đánh bại nhau.
Đưa quân trên bộ vào một tình huống như trên, hoặc thậm chí hợp thức hóa các cuộc tấn công của Nga – Syria, sẽ vô tình biến châu Âu thành chư hầu của Assad. Ngoài ra, ông Assad sẽ được củng cố thêm về mặt quân đội và giành ưu thế hơn hẳn các đối thủ khác.
Bên cạnh đó là một câu hỏi quan trọng về mặt đạo đức: Liệu phương Tây có muốn chiến đấu với đội quân của ông Assad? Và nếu IS bị đánh bại và quét sạch thì các thành phố như Raqqa, Deir el-Zour, al-Bab, Manbij và Abu Kamal sẽ ra sao?
Những nơi này trước kia do quân nổi dậy địa phương kiểm soát, giờ thì ai sẽ nắm quyền? Tới thời điểm đó thì mọi việc sẽ trở lại y như 3 năm trước: quân nổi dậy lại muốn lật đổ Assad và IS sẽ lại tấn công.
Sự việc giờ đây thậm chí còn rối rắm hơn khi kẻ thù chung mà các bên đều tuyên bố nhắm tới (IS) giờ đây lại không phải là mục tiêu chính của hai nhân tố nước ngoài lớn tại Syria.
Kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Nga, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Vladimir Putin đang tham gia vào một cuộc chiến qua tay tại tỉnh Aleppo, khiến cho 2 lực lượng cùng chống IS là người Kurd và người Sunni đang chĩa súng vào nhau.
Phiến quân IS thì đang gặp khó khăn về tài chính và trong tuyển mộ binh sĩ nước ngoài. Các đợt không kích của liên quân chắc chắn sẽ tăng sức ép lên IS, và nếu hợp tác với Assad, IS sẽ được đặt vào một vị thế chiến lược hoàn hảo.
IS sẽ vẫn ổn chừng nào các đối thủ của họ còn mải đánh nhau, chẳng hạn như hôm thứ Tư tuần qua, khi các phiến quân chiếm thành phố nhỏ Kafra ở bắc Aleppo – không lâu sau khi họ bị máy bay Nga oanh tạc.
Theo Vietnamnet.vn