Với những hành động phi pháp trên biển Đông, Trung Quốc đã khiến chính trường vốn đầy chia rẽ của Mỹ có cùng tiếng nói chung.
Hình ảnh chụp từ vệ tinh ngày 1.2.2015 cho thấy tàu nạo vét Trung Quốc hoạt động phi pháp
tại đá Vành Khăn thuộc Trường Sa - Ảnh: Reuters
Ngày 27.2, trong buổi điều trần đặc biệt về các điểm nóng an ninh toàn cầu, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ John McCain nhận định các hoạt động mở rộng, bồi đắp phi pháp của Trung Quốc trên biển Đông đã gây ra sự thay đổi đột ngột và bất thường trong khu vực.
| | | Tất cả chính khách tại Washington đều kinh ngạc trước tốc độ và quy mô của các hoạt động mở rộng Trung Quốc đang tiến hành trên biển Đông | | | Giáo sư Zachary Abuza, chuyên gia khoa học chính trị và đối ngoại khu vực Đông Á | |
|
Ngày 31.3, tại hội nghị hải quân ở Canberra (Úc), Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ Harry Harris chỉ trích Bắc Kinh “cải tạo đất chưa từng có” và “đang xây vạn lý trường thành cát” có diện tích hơn 4 km2 trên biển Đông.
Ngày 8.4, đến lượt Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter bày tỏ quan ngại về quy mô cải tạo đất của Trung Quốc ở Trường Sa và yêu cầu nước này kiềm chế những hoạt động làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Mới đây nhất vào ngày 9.4, Tổng thống Barack Obama tiếp tục bày tỏ lo ngại trước việc Trung Quốc sử dụng “tầm vóc và cơ bắp” để bắt nạt các nước láng giềng.
Cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jeff Rathke cho hay nước này xem việc xây đắp phi pháp ở Trường Sa là hành động “gây bất ổn” và “làm tăng thêm sự lo lắng ở khu vực về ý đồ của Trung Quốc trong lúc có nhiều quan ngại rằng họ có thể quân sự hóa các tiền đồn ở một số thực thể trên biển Đông”. Các phát biểu của ông Obama và ông Rathke được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngang nhiên công khai kế hoạch sử dụng các cơ sở, đảo nhân tạo mà nước này xây dựng phi pháp ở Trường Sa.
“Không thể không sửng sốt”
Theo giới phân tích, chưa bao giờ các cơ quan, đảng phái khác nhau trong chính trường Mỹ lại có cùng thái độ về các chuỗi hoạt động của Trung Quốc trên biển Đông đến như vậy. Giáo sư Zachary Abuza, chuyên gia khoa học chính trị và đối ngoại khu vực Đông Á, nhận định với Thanh Niên: “Theo tôi, sở dĩ có sự đồng lòng như vậy là do tất cả chính khách tại Washington đều kinh ngạc trước tốc độ và quy mô của các hoạt động mở rộng Trung Quốc đang tiến hành trên biển Đông. Không thể không sửng sốt trước những hành vi gây bất ổn mà họ đang thực hiện. Trung Quốc đang làm được một phần việc mà rất khó cho bất kỳ người Mỹ nào có thể thực hiện trong bối cảnh hiện nay: gắn kết các thành phần khác nhau trong chính trường Mỹ”.
Cùng chia sẻ quan điểm này, Giáo sư Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Úc) nói: “Rõ ràng là các thành viên Quốc hội đang gây áp lực lên chính quyền Obama nhằm đưa ra chiến lược đối phó những hành vi của Trung Quốc tại biển Đông. Tuy nhiên, theo quan sát của tôi, chính phủ Mỹ không chỉ hành động vì áp lực từ Quốc hội mà còn đang nỗ lực định hình chương trình nghị sự cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 9. Mỹ đang cố gây áp lực để Trung Quốc kiềm chế trước thềm cuộc thượng đỉnh đó cũng như các cuộc họp quan trọng sắp tới của ASEAN”.
Bà Tôn Vân, chuyên gia về Trung Quốc thuộc Trung tâm phản biện chính sách Stimson (Mỹ), nhận định với Thanh Niên: “Các hoạt động mở rộng của Trung Quốc chắc chắn sẽ làm thay đổi hiện trạng trên biển Đông theo hướng có lợi nhất cho họ. Những hoạt động như vậy rất có khả năng sẽ tiếp tục nếu các quốc gia trong khu vực không cùng hợp tác để ngăn chặn. Chính quyền Mỹ luôn bị đặt trong tình huống phải trả lời câu hỏi: Liệu Washington đã làm đủ chưa để ngăn chặn Bắc Kinh, ngoài những lời lên án phản đối?”.
“Không quên Bắc Kinh”
Theo các chuyên gia, lo ngại của Tổng thống Obama về việc Trung Quốc lợi dụng “tầm vóc và cơ bắp” để chèn ép láng giềng thể hiện quan điểm nhất quán của Mỹ về tình hình khu vực. Giáo sư Dennis McCornac thuộc ĐH Loyola Maryland (Mỹ) cho rằng phát biểu của người đứng đầu Nhà Trắng đã cho thấy “chiến lược xoay trục về châu Á vẫn là quan trọng nhất. Tổng thống Mỹ muốn gửi thông điệp đến Trung Quốc là mặc dù những vấn đề khác liên quan đến Trung Đông đang chiếm rất nhiều thời gian, nhưng Washington vẫn “không quên” Bắc Kinh”.
Trong bối cảnh đó, câu hỏi vẫn tiếp tục được đặt ra là: Liệu đã đến lúc Mỹ biến những cam kết của mình thành hành động cụ thể hay chưa? Theo giới quan sát, đã có cơ sở để hy vọng về viễn cảnh đó. Giáo sư Abuza nhận định: “Việc Văn phòng Tình báo hải quân Mỹ công bố báo cáo về các lực lượng trên biển của Trung Quốc (Thanh Niên đã có bài Trung Quốc bành trướng sức mạnh trên biển về báo cáo này trong số báo 12.4 - NV) là động thái rất đáng chú ý. Đây là lần đầu tiên trong vòng 6 năm qua một báo cáo như vậy được công bố. Theo tôi, hải quân Mỹ muốn những thông tin trong báo cáo này được truyền tải rộng rãi hơn đến dư luận. Mục đích có thể là cung cấp thêm thông tin cho Quốc hội để chuẩn bị đối phó các hành vi trên biển của Trung Quốc. Và từ đó, Quốc hội sẽ có thể đồng ý tăng ngân sách cho hải quân. Vừa qua, chúng ta cũng đã chứng kiến nhiều hoạt động giao lưu giữa hải quân Mỹ và các nước Đông Nam Á như VN, Philippines và Indonesia”.
An Điền
Theo: Thanhnien.com.vn