Lý thuyết Tam chiến của Trung Quốc

Thứ 6, 27/02/2015 | 15:30:04
1,085 lượt xem

Vào năm 2003, Trung ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc và Quân ủy Trung ương đã phê chuẩn cho khái niệm tam chiến (san zhong zhanfa; 三种战法; tam chủng chiến pháp), đó là cuộc chiến nhắm đến thế thượng phong cho Trung Quốc trong các tranh chấp tương lai.

Lý thuyết Tam chiến của Trung Quốc - ảnh 1Trung Quốc đang xây đảo nhân tạo ở đá Gạc Ma chiếm của Việt Nam trong quần đảo Trường Sa - Ảnh: Mai Thanh Hải

Khái niệm “tam chiến” được mô tả ở chương 2, phần 18 của “các quy định về công tác chính trị của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA)”. Bộ Quốc phòng Mỹ diễn giải thêm tam chiến - ba loại hình chiến tranh - là:

Chiến tranh tâm lý (Psychological warfare): Tìm cách phá hoại năng lực chiến đấu của địch bằng cách ngăn chặn, gây hỗn loạn, làm mất tinh thần quân địch cũng như các nhóm người hỗ trợ dân sự của địch.
Chiến tranh thông tin (Media warfare): Hướng đến gây ảnh hưởng đối với ý kiến trong nước và quốc tế để ủng hộ các hoạt động của quân đội Trung Quốc và làm địch thủ e sợ không dám hành động chống lại lợi ích của Trung Quốc
Chiến tranh pháp lý (Legal warfare): Sử dụng luật pháp quốc tế và các nước để tranh giành đến mức cao nhất hoặc xác quyết các lợi ích Trung Quốc. Loại chiến tranh này có thể sử dụng để ngăn cản không cho kẻ địch tự do hoạt động và hình thành không gian hoạt động cho quân đội Trung Quốc. Loại chiến tranh này có thể được dùng để gầy dựng sự hỗ trợ quốc tế và quản lý những hậu quả có thể xảy ra đối với quân đội Trung Quốc.
Tiến hành
Chiến tranh tâm lý: Bao gồm những nỗ lực nhằm làm gián đoạn khả năng ra quyết định của đối phương, tạo sự hoài nghi, gây những tình cảm chống đối, lừa đối phương và khiến đối phương mất ý chí chiến đấu. Trong loại hình này, Trung Quốc có thể sử dụng tẩy chay kinh tế, áp lực ngoại giao, dùng tàu cá, tàu ngư chính quấy rối, cho thuê các khu vực khai thác dầu khí mà các nước khác tuyên bố chủ quyền, bày tỏ bất bình, áp đặt bá quyền và bày tỏ sự đe dọa.
"Trò chơi bạo lực của Trung Quốc là một trò chơi chính trị: nhằm thắng về chính trị. Dọa dẫm để đối phương nhượng bộ" (1).
Như một phần của chiến tranh tâm lý, tự điển Bách khoa PLA có đề cập đến chiến lược răn đe (weishe zhanlue; 威慑战略; uy hiếp chiến lược), đó là “biểu tượng sức mạnh quân sự, hoặc đe dọa sử dụng sức mạnh quân sự, nhằm bắt buộc đối phương phải hàng phục”. Răn đe có tính chiến lược (strategic deterance - zhanlue weishe; 战略威慑; chiến lược uy hiếp) bao gồm tất cả những thành tố của sức mạnh tổng lực quốc gia (CNP) (2). Những thành tố đó đều có mặt phần nào trong đề mục các hoạt động của tam chiến (3).
Chiến tranh tâm lý và chiến thuật đánh lừa của Trung Quốc, theo Michael Pillsbury và James Holmes, nằm ở chỗ đánh lạc hướng và đánh lừa - một cốt lõi của chính trị và thuật dùng binh Trung Quốc. Theo Tôn Tử, kế sách tối ưu của chiến tranh là đánh vào kế hoạch của đối phương, kế đó là đánh vào liên minh, thứ ba là đánh vào quân đội đối phương và thứ tư mới là đánh vào thành trì (4). Mục đích thực thụ chính là tâm trí của các nhà lãnh đạo địch quốc, không phải là những thực thể vật chất như là quân đội. Jases Holmes cũng cho rằng các phương sách che giấu tướng tài, giấu năng lực chiến đấu, giả vờ là yếu kém khi không yếu kém và giả vờ là bị động khi thực ra đang chủ động. Tam chiến đánh vào tâm lý, do vậy phù hợp với văn hóa chiến tranh của Trung Quốc.
PLA đã tiến hành chiến tranh tâm lý không phải chỉ sau năm 2003 khi Tam Chiến được phê duyệt. Michael Pillbury cho biết qua những bản dịch tài liệu PLA rằng họ đã thành công trong việc tập trung tin tâm lý nhằm đánh lạc hướng kẻ địch ở các cuộc chiến với Mỹ năm 1950, Ấn Độ 1962, Liên Xô 1969 và Việt Nam 1979. Quân Trung Quốc có thể bắn các tên lửa chứa truyền đơn, giả âm thanh xe tải quân sự để làm “quân xanh” xuống tinh thần. Cướp tinh thần đối phương thông qua cách thả truyền đơn bằng bong bóng bay, cho quân lính la to khi tiếp cận đối phương cũng là cách Trung Quốc hay dùng (5). Những quân nhân Việt Nam từng chiến đấu chống Trung Quốc vẫn kể lại câu chuyện dùng tiếng chiêng, trống của quân Trung Quốc khi ra trận.
Với cách đòi hỏi chủ quyền nhiều hơn mức cần thiết đến độ vô lý, để sau đó gặm nhấm dẫn từng phần nhỏ, Trung Quốc hiện áp dụng Tam Chiến đối với Nhật: từ chối chấp nhận Okinawa là của Nhật! (6)
Những chiến thuật mà các tư lệnh tam chiến đang tiến hành bao gồm nhiều thứ khác câu chuyện đòi “mười” để được “năm” hay “sáu” mà sau đó ra vẻ nhường một bước khiến cho đối phương cảm thấy “à, Trung Quốc có nhượng bộ!”.
Có những triển khai là kết hợp vừa là chiến tranh tâm lý vừa là chiến tranh truyền thông. Những phái đoàn ngoại giao được hướng dẫn và thực tập nhuần nhuyễn cách trả lời báo chí quốc tế để giảm nhiệt các hành động lấn tới của Trung Quốc ở biển Đông, theo kiểu: “Chúng tôi chưa hề biết gì về việc đó” và “Chuyện không có gì mà ầm ĩ”. Những sự kiện cắt cáp tàu Viking 2, Bình Minh 2 và đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào EEZ Việt Nam được các nhà ngoại giao Trung Quốc hạ nhiệt bằng cách nói tránh, nói giảm tính cấp thiết của vấn đề và đưa nạn nhân vào tư thế của người chăn cừu gọi sói (Wolf Crying). Kiểu tam chiến này cực kỳ nguy hiểm vì nạn nhân sẽ dễ mắc lừa và không tự bảo vệ kịp khi Trung Quốc thực sự ra tay như trường hợp Gạc Ma 1988 và Scarborough 2012. Ru ngủ và đánh úp theo kiểu xuất kỳ bất ý, công kỳ vô bị.
Trung Quốc cố tình xây dựng một sự “mờ ảo chiến lược”(strategic ambiguity), như trường hợp họ đang áp dụng tại biển Đông, tức làm cho rối mù một cách có chủ ý. Bản thân đường chữ U cũng trải qua nhiều giai đoạn, từ chữ U -11 đoạn, sau đó 9 đoạn rồi 10 đoạn vào tháng 6.2013. (7)

Lý thuyết Tam chiến của Trung Quốc - ảnh 2

Bản đồ 9 đoạn Trung Quốc công bố để chiếm trọn Biển Đông (đường xanh là có từ thời Trung Hoa Dân quốc của Tưởng Giới Thạch năm 1947, đường đỏ là của Trung Quốc công bố năm 2009) - Nguồn: Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ

Chiến tranh pháp lý ( Legal warfare hay lawfare): Là mũi nhọn chính (prominent role) trong 3 kiểu chiến tranh đã nêu. Đây vừa là cách đấu tranh độc lập vừa cung cấp tư liệu cho chiến tranh truyền thông. Kiểu chiến tranh này có một tầm ứng dụng bao gồm từ phù phép luật pháp cho đến dựng đứng ra những điều luật nhằm thông báo các tuyên bố tranh chấp lãnh thổ và nguồn lực, đến sử dụng các bản đồ giả tạo để “minh chứng” cho các yêu cầu lãnh thổ (nổi bật là đường chữ U bao gồm khoảng một triệu dặm vuông biển Đông), đến sử dụng có chọn lọc những điều khoản của UNCLOS và các công ước luật pháp quốc tế cho những mục đích cụ thể, đến bóp méo luật pháp cho phép các cộng đồng ven biển thành lập những đô thị (như Tam Sa chẳng hạn) nhằm mở rộng quyền quản hạt và thực hiện quyền lực ở biển Đông.
Chiến tranh luật pháp là một kỹ thuật dùng để chứng tỏ những hoạt động của Trung Quốc là có hiệu lực pháp lý và củng cố những nỗ lực tâm lý để tạo sự nghi ngờ trong hàng ngũ đối phương, trong những giới chức trách quân sự và dân sự cũng như trong cộng đồng quốc tế về tính chính đáng của hoạt động đối phương. Do vậy chiến tranh luật pháp là thành phần quyết định trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm xoá bỏ sự ủng hộ chính trị đối với đối phương và tiến xa hơn thông tin cũng như kiến trúc vững chắc cho các tuyên bố chủ quyền và tài nguyên của Trung Quốc.
Kết nối PLA với các cơ quan biển khác là một phần của tam chiến - chiến tranh pháp luật của Trung Quốc. (8
1.  Kể những chuyện gây thiện cảm
2.  Gia tăng tốc độ kể
3.  Tránh nói đến UNCLOS
Một kiểu lý giải cho đường chữ U và những vấn đề pháp lý liên quan được tác giả Cao Qun phát biểu: "Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên các đảo và các vùng nước xung quanh nhưng chưa hề tuyên bố chủ quyền ở phía trong đường chữ U". (9)
Như vậy, "Philippines đã diễn dịch sai có chủ ý (10). Khi mà Trung Quốc chưa nói rõ về đường chữ U, mà Phi đã hiểu méo mó (distort the claim) và kiện Trung Quốc đưa thành tiền đề cho thảo luận là không phù hợp". (11)
Kiện và dùng các biện pháp pháp lý là những hành động bình thường các nước văn minh trong cộng đồng thế giới nhưng tác giả Cao Qun cho rằng đây là làm tổn hại hình ảnh Trung Quốc (damage China’s image) (12). Tại đây có thể là một sự khác biệt về quan điểm luật pháp (giữa hai bên, hai nước), và cũng có thể là một sự mù mờ có chủ đích.
Chiến tranh thông tin (Media warfare): Là chìa khóa để giành lấy thế thắng áp đảo trên phương diện chiến tranh tâm lý và chiến tranh pháp lý. Giới phân tích đã định nghĩa chiến tranh thông tin (còn gọi là chiến tranh tư tưởng công chúng) là một hoạt động liên tục, không ngừng nghỉ nhắm đến tác động nhận thức và thái độ. Chiến tranh thông tin nhấn mạnh đến tất cả các công cụ truyền tin và ảnh hưởng công chúng như phim ảnh, truyền hình, sách báo, internet, và mạng lưới truyền thông toàn cầu (đặc biệt là Xinhua và CCTV). Đây là trách nhiệm quốc gia đối với PLA vừa là nhiệm vụ nội địa đối với công an vũ trang nhân dân.
Tác động xã hội của việc tuyên truyền này trong cộng đồng Trung Quốc là rất lớn. Hình ảnh bà cụ Triều Tiên ôm hôn chiến sĩ Trung Quốc trong chiến tranh Triều Tiên và hình ảnh một người Âu tên Lary khen ngợi sức mạnh Triều - Trung là những hình tượng tuyên truyền có sức ảnh hưởng rất lớn. (13)
Những công cụ này được sử dụng để đạt mục đích như duy trì tình hữu nghị của Trung Quốc và đồng minh, giữ được ủng hộ của công chúng trong và ngoài nước, làm suy giảm ý chí chiến đấu của đối phương và thay đổi đánh giá tình hình của đối phương.
Ngoài tuyên truyền trong nước và khu vực, Bắc Kinh còn quan tâm đến tầm quốc tế của tuyên truyền:
“Phải cố gắng nâng cao quyền ngôn luận quốc tế. Quyền ngôn luận quốc tế là bộ phận hợp thành quan trọng của quyền lực mềm quốc gia. Hiện nay, tổng thể bố cục ngôn luận quốc tế là phương Tây mạnh, Trung Quốc yếu, Trung Quốc thường có lý mà không nói ra được”. (14)
PLA phân loại chiến tranh thành 3 dạng là chiến tranh (zhanzheng; 战争), chiến dịch (zhanyi; 战役) và trận chiến (zhandou; 战斗). Mỗi cấp độ sẽ có hướng dẫn hoạt động cụ thể đó là chiến lược (zhanlue, 战略), phương pháp cho từng chiến dịch (zhanyi fangfa; 战役方法; hoặc zhanfa; 战法) và chiến thuật (zhanshu; 战术). Tam chiến được phân loại ở mức chiến dịch nhưng có thêm phần áp dụng gia tăng của chiến lược và chiến thuật. Hơn nữa, ứng dụng tam chiến cho thấy niềm tin của PLA rằng chiến tranh không chỉ là đấu tranh quân sự mà còn là sự can dự sâu trong các phạm vi luật pháp, đối ngoại, kinh tế và chính trị (15). Một cuộc đấu tranh không tiếng súng, đã diễn ra và rèn giũa tính sẵn sàng của quân đội Trung Quốc từng ngày từng giờ.
Bốn trụ cột của chiến tranh truyền thông là: Một là, chấp hành từ trên xuống, có nghĩa là nỗ lực của cuộc chiến này phải từ lãnh đạo từ cao đi xuống (Quân ủy Trung Ương và Đảng Cộng sản Trung Quốc) về cả nội dung và thời gian biểu. Hai là, nhấn mạnh tiên hạ thủ vi cường, tức phát thanh, phát sóng, phát hình trước, dẫn dắt cuộc tranh luận (framing the debate). Nhấn mạnh tính chính đáng và cần thiết của các hoạt động, nhấn mạnh quốc lực và phô diễn sức mạnh vượt trội. Làm tê liệt ý chí chiến đấu của đối phương. Ba là, uyển chuyển và phản ứng nhanh, tức là các hoạt động phải linh hoạt và thích ứng với tình hình chính trị và quân sự. Đẽo gọt chương trình cho khán thính giả mục tiêu trong nước và quốc tế. Bốn là, tận dụng các nguồn lực sẵn có, tức là kết hợp các hoạt động thời bình và thời chiến. Bảo đảm quân dân trong nước đoàn kết trong chương trình tuyên truyền cho thời chiến, nếu xảy ra.
Tam chiến và các mục tiêu cụ thể của Trung Quốc:
-  Kiểm soát tài nguyên trong vòng đường chữ U và tuyến phòng thủ thứ nhất
-  Dò ý định, quyết tâm và sự sẵn sàng của Mỹ trong bảo vệ Nhật, Philippines và Đài Loan
-  Làm lỏng lẻo quan hệ Mỹ và Malaysia, Ấn Độ, Myanmar và các nước khác.
-  Củng cố ảnh hưởng Trung Quốc ở biển gần.
-  Củng cố bá quyền Trung Quốc và pha loãng sự “đi nước đôi” các nước quanh biển Đông.
-  Làm khiếp vía Philippines, Việt Nam, Nhật và các thành phần trong vùng
-  Nếu Mỹ và Trung Quốc chiến tranh, sử dụng khả năng phản can thiệp (gồm A2AD) để đẩy Mỹ ra xa.
-  Tránh động chạm đến các cơ chế như ASEAN, UNCLOS và Tòa trọng tài quốc tế (ICA). (16)
* Những yêu cầu của Tam chiến
Tam chiến nhắm đến vận động các nguồn thông tin cho phép PLA định hướng, phân tích và tập trung tư tưởng quần chúng. Với những tác phẩm có tính thẩm quyền như Bài giảng về phối hợp tác chiến (Lectures on Joint Operating Command Organ work) thì chiến tranh là một quá trình, trong đó xung đột sẽ được định hướng từ việc đánh giá lực hủy diệt và khả năng chiếm lãnh thổ đến việc tạo ra tâm lý khiếp sợ (zhenshe xinli; 震慑心理), tâm lý tấn công (daji xinli; 打击心理) và chiếm đoạt ý chí (duoqu yizhi; 夺取意志). CMC mong muốn tam chiến sẽ chiếm lĩnh vị trí chủ chốt và thực hiện những chức năng bên cạnh những lãnh vực tấn công quân sự đơn giản. (17)
Dùng loa phóng thanh và sóng radio cho sĩ quan rành ngoại ngữ tuyên truyền về tính “phi nghĩa” của đối phương, tạo tâm lý phản chiến cho binh sĩ đối phương. Pillsbury cho biết PLA nghiên cứu kỹ tìm trình báo về quá trình tư tưởng, thông tin đối phương và làm thành cơ sở dữ liệu về tổng hợp tâm lý, bố trí võ khí và cả những khiếm khuyết về tâm lý của dàn tướng lĩnh đối phương. PLA sẽ sử dụng để tạo công suất cao nhất.
Sử dụng hiệu ứng của các đơn vị tù binh hay hàng binh, tẩy não họ để gây rối với tâm lý binh sĩ đối phương cũng được Trung Quốc sử dụng từ thời nội chiến. (18)
* Tam chiến yêu sách chủ quyền ở Bắc Cực và Nam Cực.
Kể từ 2008, truyền thông Trung Quốc đã đưa về các thành tựu và những quyền lợi hợp pháp ở Bắc Cực (19). Văn phòng thông tin nhà nước (State Council Information Office) đã xuất bản một bài báo nói về việc Trung Quốc bị từ chối đề nghị trở thành một quan sát viên thường trực của Hội Đồng Bắc Cực và nhấn mạnh đã đến lúc “phải chấm dứt việc độc quyền cai quản việc của Bắc Cực bởi các quốc gia Bắc Cực” (20).
Trung Quốc cũng đã thể hiện sự bất mãn vì không được tham gia cai quản Nam Cực và than phiền bị đối xử như quốc gia hạng hai. Họ đã có tiến triển trong việc giành được quyền tài trợ cho những nhà khoa học Úc nghiên cứu Nam Cực. Hành động này tạo điều kiện thuận lợi cho Trung Quốc bước vào các công việc của Nam Cực (trong đó có việc xâm nhập vào một vùng mà Úc đang tuyên bố chủ quyền). Với nhịp độ này, Trung Quốc đang cho đăng tải hàng loạt bài báo trên các tạp chí nghiên cứu liên quan các thảo luận về tài nguyên Nam Cực cũng như những lợi ích tiềm năng đi kèm. (21)
Chiến tranh luật pháp ở đây có phần mang kiểu cách Trung Quốc cao. Bởi lẽ quan niệm về luật pháp của Trung Quốc có khác với thế giới bình thường. Luật pháp quốc tế mà Trung Quốc tham gia như UNCLOS vẫn có thể được diễn dịch sao cho có lợi cho Trung Quốc. Ví dụ như UNCLOS và khái niệm vùng nước lịch sử. Trung Quốc có truyền thống Khổng giáo và pháp gia, có thiên hạ quan trung tâm là Hoa Hạ và có quan niệm khác biệt về vai trò cai trị bằng luật (nguyên văn: "role & rule of law") và kể cả quan niệm của Trung Quốc về cách phương Tây áp dụng luật (22). Đảng cho rằng cần lấy luật để cai trị chứ không phải cai trị dựa trên luật pháp. Đảng cộng sản Trung Quốc quan niệm luật là công cụ để cai trị nhân dân chứ không phải để tự hạn chế quyền hành của mình. Do vậy, không có nếp nghĩ nào đề cao pháp luật - như là một công cụ hạn chế bớt quyền hành của giới thống trị - có thể phát triển được ở Trung Quốc. (23)
Chiến tranh luật pháp được tiến hành theo kiểu cây gậy nhỏ (small stick) như dùng tàu chấp pháp tấn công các ngư dân ở các vùng biển mà Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền trong khi Hải quân hỗ trợ ngay phía sau. (24)
Các nhà phân tích chiến lược Trung Quốc cảm nhận được Mỹ đã vận động luật pháp thành công trong công cuộc chiến vùng vịnh 1991 bằng cách khởi chiến thông qua sự cho phép của Liên Hiệp Quốc và sau đó là áp dụng cấm vận cũng bằng luật. Các loại bản đồ của Trung Quốc in ấn trên hộ chiếu, trên sách giáo khoa, quả địa cầu… đã bị các nước, vùng lãnh thổ Philippines, Việt Nam, Ấn Độ, Đài Loan phản đối. Song Trung Quốc đã từng lý giải các loại bản đồ này theo cách của họ. Chu Ân Lai trong các cuộc trò chuyện với Nehru năm 1954 và 1956 đã nói rằng các bản đồ của Trung Quốc không phải thể hiện "tuyên bố chủ quyền" của Trung Quốc mà chỉ là những bản đồ từ các chế độ trước truyền lại và "chưa được" sửa chữa. Cách nói này cho phép thủ tướng Trung Quốc che giấu mối quan tâm lâu dài của Bắc Kinh về các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc vào thời điểm nào đó trong tương lai.
Tác giả Stefan Halper cũng đã nói về tâm lý dân tộc Trung Quốc: Thích giải quyết bằng chính trị hơn là bằng phân xử luật pháp (desire for political rather than legal action). Dễ hiểu vì sao Trung Quốc “bất bình” quá mức cần thiết khi bị Philippines kiện. Hành động kiện là một việc làm bình thường và văn minh nhằm tạo điều kiện cho công lý được soi rọi đến với người có chính nghĩa thế nhưng có thể được xem như là hạ uy tín của Trung Quốc, theo Cao Qun.
* Sáu thành phần đánh lạc hướng của tam chiến/kết hợp cả ba loại chiến tranh:
Một, uốn nắn các niềm tin có sẵn bằng cách đưa các chứng cứ giả, uốn nắn các niềm tin này theo cách lý giải mới và bảo đảm rằng các hàm ý vừa thay đổi ấy có lợi hơn.
Hai, đưa ra những tư liệu dần dần sẽ hiệu quả hơn trong việc thay đổi nhận thức của đối thủ theo thời gian.
Ba, sử dụng thông tin chính xác càng nhiều càng tốt.
Bốn, sử dụng các cơ chế kiểm soát phản hồi và bảo đảm chúng có kết quả như mong muốn.
Năm, theo dõi chặt hiệu quả và loại trừ lập tức các hiệu ứng phụ không có ích.
Sáu, thiết kế tổng quát, vẽ ra bức tranh tổng hợp, nguồn lực, thời gian và dòng chảy thông tin vào đất phe địch.
Cách phản ứng mang tính tam chiến cao của Trung Quốc trước các cáo buộc vi phạm chủ quyền, hacking hệ thống máy tính, dùng ra đa theo dõi tàu thuyền Nhật Bản sẽ là:
-  Không thừa nhận gì cả.
-  Không phủ nhận gì cả.
-  Yêu cầu trưng ra bằng chứng.
-  Đỗ lỗi cho 1 phía nào khác.
-  Tạo ra những cáo buộc ngược lại đối phương sao cho thật là sinh động. (Theo Dr James Mulvenor)
Tâm công thực ra đã được các nhà quân sự cổ kim sử dụng nhiều, trong cuộc chiến Việt Nam, chiến tranh tâm lý đã được sử dụng ra ngoài biên giới của cuộc tranh chấp.
“Ngoài ra, không lực Mỹ đã không xác định đúng điểm trọng tâm ở miền Bắc Việt Nam. Trọng tâm vừa là điểm mạnh, vừa là điểm yếu. Toàn bộ kết cấu của miền Bắc dựa trên các yếu tố tinh thần. Đây là các mục tiêu tấn công và phá hủy trực tiếp. Ngược lại, chúng ta lại nhận thức sâu sắc điểm yếu của đối thủ là các làn sóng phản đối chiến tranh ngay chính trong lòng người dân tiến bộ Mỹ. Như một học giả nước ngoài cho thấy: Đại tướng Võ Nguyên Giáp biết rõ “điểm trọng tâm thật sự trong nền dân chủ của Hoa Kỳ là sự ủng hộ về mặt chính trị của người dân” (25).
Điều mà một số nhà phân tích nhấn mạnh ở tam chiến là: 1) quan niệm về chủ quyền đặc biệt lạ của Trung Quốc, 2) khái niệm vô hình tướng (formlessness), 3) những ảnh hưởng của tam chiến đến các năng lực, xóa mờ sự hiện diện của các bên khác, cụ thể là Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương.
Người Trung Quốc không chấp nhận đồng đẳng ”Có đồng đẳng tức không có chủ quyền”. Và chỉ có Trung Quốc là có quyền hùng cứ một phương một cách phù hợp nhất (26). Chiến tranh tâm lý của tam chiến cũng nhắm hướng đến sự mù mờ ảo ảo, vô hình trạng (formlessness), lai vô ảnh khứ vô tung, che giấu sức mạnh thực sự của Trung Quốc. Theo Tôn Tử, tối ưu của cuộc chiến là đánh vào kế hoạch của địch (ý chí chiến đấu). Giả vờ yếu thế ở chỗ mạnh và vờ mạnh ở chỗ yếu. Từ năm 2003, tam chiến đã được thực hiện để đỡ dần cho PLA khi lâm chiến thực thụ. Kỹ thuật xóa mờ của Trung Quốc bao gồm uy hiếp kinh tế đến các đồng minh, bạn hữu của Mỹ cộng với tuyên truyền Mỹ không có năng lực hỗ trợ đồng minh. Kế đó là ngăn trở sự giám sát và sự hiện diện của Hải quân Mỹ, gia tăng tầm với của Hải quân Trung Quốc và sau cùng là đông cứng những chiến lược xa bờ của Mỹ. (27)
Trung Quốc quyết tâm đưa Mỹ vào thế thủ bằng tam chiến, và tận dụng cách mà họ cho rằng Mỹ đã áp dụng để đuổi nước Anh khỏi Tân Lục Địa (28). Họ khẳng định Mỹ sẽ bị Trung Quốc hất cẳng, và kêu gọi các chính khách phải lạnh lý tính trong chiến lược này. (29)
Thay lời kết
Trong bối cảnh Việt Nam đang thường xuyên phải đấu tranh chống lại những hành động, lời phát ngôn của nhà cầm quyền Trung Quốc liên quan chủ quyền biển đảo và những quan hệ đối ngoại, kinh tế, an ninh quốc phòng khác, việc tìm hiểu các loại chiến lược, chiến thuật, sách lược của đối phương là điều cần thiết. Điều này không chỉ liên quan quân sự, quốc phòng mà còn đối với các lĩnh vực khác như kinh tế, khoa học, ngoại giao và những lĩnh vực dân sự khác.

Lê Vĩnh Trương
(Quỹ Nghiên cứu biển Đông)

[1] Hitoshi Nasu, Proceedings of  International Conference on East Sea Dispute (ICESDI 2014, July 25-26) Ton Duc Thang University Vietnam, trang 23

[2] CNP: Comprehensive National Power, tạm dịch: Sức mạnh tổng lực quốc gia

[3] Stefan Halper, China: The Three Warfares, University of Cambridge, 2013, trang 345

[4] Stefan Halper, China: The Three Warfares, University of Cambridge, 2013, trang 88
 
[5] Stefan Halper, China: The Three Warfares, University of Cambridge, 2013, trang 91
 
[6] Stefan Halper, China: The Three Warfares, University of Cambridge, 2013, trang 198

[7] Bill Hayton, The South China Sea, 2014, Yale University Press, trang 59

[8] Stefan Halper, China: The Three Warfares, University of Cambridge, 2013, trang 186

[9] Cao Qun, Proceedings of  International Conference on East Sea Dispute (ICESDI 2014, July 25-26) Ton Duc Thang University Vietnam, trang 206

[10] Cao Qun, Proceedings of  International Conference on East Sea Dispute (ICESDI 2014, July 25-26) Ton Duc Thang University Vietnam, trang 210

[11] Cao Qun, Proceedings of  International Conference on East Sea Dispute (ICESDI 2014, July 25-26) Ton Duc Thang University Vietnam, trang 211

[12] Cao Qun, Proceedings of  International Conference on East Sea Dispute (ICESDI 2014, July 25-26) Ton Duc Thang University Vietnam, trang 216

[13] Peter Hays Gries, Social Psychology and the Identity-conflict debate:  Is a ‘China Threat’ Inevitable?, download from http://ejt.sagepub.com at Univ of Oklahoma libraries on Feb 24, 2009, đọc  30/8/2014, trang 242

[14] Nguyễn Văn Lập, Hội nghị Trung Ương 4 Khóa XVIII Đảng Cộng Sản Trung Quốc, “Y Pháp Trị Quốc” Và Vai Trò Lãnh Đạo Của Đảng, Thông Tấn Xã Việt Nam, trang 187
 
[15] Stefan Halper, China: The Three Warfares, University of Cambridge, 2013, trang 28 đến 31
 
[16] Stefan Halper, China: The Three Warfares, University of Cambridge, 2013, trang 200
 
[17] Stefan Halper, China: The Three Warfares, University of Cambridge, 2013, trang 343
 
[18] Stefan Halper, China: The Three Warfares, University of Cambridge, 2013, trang 93
 
[19] Stefan Halper, China: The Three Warfares, University of Cambridge, 2013, trang 192
 
[20] Stefan Halper, China: The Three Warfares, University of Cambridge, 20
Theo: Thanhnien.com.vn
  • Từ khóa
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII

Hôm nay 12/12, ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVII. Kỳ họp đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân trong tỉnh. Các cử tri đều...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...