Thế giới đã đi qua năm 2014 với những thăng trầm hiếm có. Các biến cố đã định hình một bức tranh chính trị, kinh tế toàn cầu có nhiều đổi khác với những mối quan hệ quốc tế mới được hình thành và những liên kết cũ trên bờ vực bị phá vỡ, tạo ra những thách thức an ninh nghiêm trọng đe dọa hòa bình của nhân loại. Cùng điểm qua 10 sự kiện quốc tế nổi bật nhất thế giới năm 2014 theo bình chọn của Báo Hànộimới.
1. Khủng hoảng tại Ukraine
Khởi nguồn từ các cuộc biểu tình ở Quảng trường Độc lập, thủ đô Kiev, vào tháng 11-2013 nhằm phản đối Tổng thống Viktor Yanukovych hủy bỏ kế hoạch liên kết với Liên minh Châu Âu (EU) để quay sang hợp tác với Nga. Tháng 2-2014, cuộc khủng hoảng mở đầu với việc Tổng thống V.Yanukovych bị lật đổ. Chưa đầy một tháng sau, bán đảo Crimea của Ukraine đã được sáp nhập vào Nga một cách chớp nhoáng. Chưa dừng lại ở đó, phong trào ly khai tiếp tục lan rộng ở miền Đông đẩy quan hệ giữa Nga và các nước phương Tây đến bên bờ vực của Chiến tranh lạnh.
2. Năm thảm họa của ngành hàng không với những vụ tai nạn bí ẩn
|
Năm 2014 là năm thảm họa với ngành hàng không thế giới với gần 20 vụ tai nạn máy bay kinh hoàng, khiến hơn 1.000 người thiệt mạng và mất tích. Ngày 8-3, chiếc Boeing 777 của Malaysia Airlines mang số hiệu MH370 trong hành trình Kuala Lumpur - Bắc Kinh chở 227 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn đột nhiên mất tích mà mọi nỗ lực tìm kiếm quy mô lớn của nhiều quốc gia đến nay vẫn chưa mang lại kết quả. Tiếp đó ngày 17-7, một máy bay khác của Malaysia Airlines mang số hiệu MH17 bị rơi trên bầu trời Ukraine khi trên đường từ Amsterdam (Hà Lan) về Kuala Lumpur làm 298 người thiệt mạng. Sáng 28-12, máy bay mang số hiệu QZ 8501 của Hãng hàng không AirAsia (Malaysia) bay từ Indonesia đến Singapore đã rơi tại khu vực eo biển Karimata (Indonesia) khi đang chở theo 155 hành khách.
3. Căng thẳng trên Biển Đông leo thang
|
Căng thẳng trên Biển Đông lên đến đỉnh điểm sau vụ Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 (Hải Dương - 981) và điều hàng trăm tàu tuần tra, tàu chiến, máy bay… vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hành vi khiêu khích của Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối gay gắt của Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế bởi vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và gây bất ổn an ninh khu vực.
4. Mỹ bình thường hóa quan hệ với Cuba sau hơn 50 năm
|
Ngày 17-12-2014, đã trở thành ngày lịch sử trong quan hệ Mỹ - Cuba khi Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro cùng lúc có bài diễn văn thông báo nối lại quan hệ ngoại giao giữa Washington và Havana gián đoạn sau hơn nửa thế kỷ thù địch.
5. Giá dầu sụt giảm kỷ lục
Tính từ tháng 6 đến nay, giá dầu thô đã mất tới hơn 50% giá trị và xuống đáy của 6 năm. Sự tuột dốc kinh hoàng của giá dầu đang gây ra những hệ lụy lớn đối với những quốc gia mà nguồn ngân sách phụ thuộc lớn vào xuất khẩu dầu mỏ. Đây cũng được coi là nguyên nhân dẫn tới sự chao đảo của nền kinh tế Nga khi đồng ruble mất giá tới 50% kể từ đầu năm đến nay và có nguy cơ khiến xứ sở Bạch dương rơi vào một cuộc khủng hoảng tài chính.
6. Sự trỗi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS)
|
Được thành lập từ những năm đầu của cuộc chiến tranh Iraq 2003, từ một tổ chức thánh chiến không mấy tiếng tăm, IS đã vươn lên thành một trong những tổ chức khủng bố nguy hiểm nhất thách thức an ninh nghiêm trọng của nhân loại. Mối đe dọa mà IS mang đến cho an ninh toàn cầu đã buộc các cường quốc thành lập một liên minh quân sự nhằm chống lại sự mở rộng ảnh hưởng nhanh chóng của tổ chức này.
7. Dịch Ebola bùng phát ở Tây Phi
|
Khởi phát từ tháng 12-2013 ở Guinea, dịch Ebola bắt đầu lan rộng ra nhiều quốc gia Tây Phi khác như Liberia, Sierra Leone, rồi lan sang Nigeria và Mali. Tính đến tháng 12-2014 đã có khoảng 20.000 người bị nhiễm virus Ebola và cướp đi hơn 7.500 mạng sống, chủ yếu là ở các quốc gia Tây Phi. Đại dịch này chỉ thực sự được quan tâm khi virus Ebola lây sang các nước phương Tây như Mỹ, Tây Ban Nha, Đức... Đến nay, vẫn chưa có vắc xin hay thuốc điều trị đặc hiệu cho căn bệnh nguy hiểm này.
8. Đảng Dân chủ thất bại trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ 2014
Cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ (ngày 4-11-2014) đã khép lại với chiến thắng áp đảo của các ứng viên đảng Cộng hòa. Việc đảng Cộng hòa kiểm soát lưỡng viện Quốc hội không chỉ làm thay đổi cán cân quyền lực ở Washington, mà còn tác động mạnh tới chính trường Mỹ trong những năm tới.
9. Đảo chính quân sự không tiếng súng tại Thái Lan
Sau nhiều tháng biểu tình diễn ra khắp thủ đô Bangkok khiến Chính phủ của nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra phải chao đảo, vào lúc 16h30 ngày 22-5 Tư lệnh Lục quân Thái Lan, Tướng Prayuth Chan-ocha tuyên bố đảo chính quân sự giành quyền kiểm soát Chính phủ. Đến ngày 31-8, Tướng Prayuth Chan-ocha tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng trong nội các lâm thời của nước này với cam kết sẽ chuyển giao quyền lực sau cuộc tổng tuyển cử dự kiến tổ chức vào tháng 10-2015.
10. Scotland và cuộc trưng cầu dân ý tách khỏi nước Anh
|
Ngày 18-9, khoảng 4,3 triệu cử tri Scotland đã đi bỏ phiếu cho cuộc trưng cầu ý dân lịch sử về việc tách ra khỏi nước Anh sau hơn 300 năm gắn bó. Cuộc trưng cầu đã đặt ra nhiều thách thức về vị thế của xứ sở Sương mù trên trường quốc tế, đe dọa quá trình liên kết của Liên minh Châu Âu (EU) và có thể khuấy động phong trào ly khai ở Cựu lục địa. Tuy nhiên, những nỗ lực của nhà cầm quyền cuối cùng cũng đã giúp đảo ngược kết quả với đa số cử tri vẫn muốn ở lại với nước Anh.
Hanoimoi.com.vn