Tháng 9 vừa qua, Tổng thống Nga V.Pu-tin (Vladimir Putin) đã giao nhiệm vụ cho các quan chức cấp cao của chính phủ và quân đội soạn thảo một học thuyết quân sự mới, để thích ứng với các thách thức quân sự hiện đại và nền chính trị toàn cầu đang không ngừng biến đổi. Trong khi hạn cuối để hoàn thành học thuyết là cuối năm nay, những thông tin ban đầu đã dần được hé lộ.
Không tấn công hạt nhân phủ đầu
Nguồn tin Bộ Quốc phòng Nga cho biết, dự thảo học thuyết quân sự mới của Điện Crem-li không đề cập đến khả năng tấn công hạt nhân phủ đầu. “Bản dự thảo mới của học thuyết quân sự không có điều khoản cho phép tiến hành tấn công hạt nhân phủ đầu đối với các kẻ thù tiềm tàng. Điều 198 của văn bản này xác định chính xác các điều kiện cho phép Nga sử dụng vũ khí hạt nhân”, một quan chức tham gia vào quá trình soạn thảo trả lời phỏng vấn trên tờ Interfax vào ngày 10-12. Dự thảo học thuyết mới đã định nghĩa rõ ràng những trường hợp sử dụng vũ khí hạt nhân chiến lược. Cụ thể, vũ khí này sẽ được sử dụng nếu chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của nước Nga bị đe dọa.
Nga thay đổi học thuyết quân sự và gia tăng chi tiêu quốc phòng để ứng phó với tình hình mới. Ảnh: China Daily |
Trong khi đó, năm 2013, trả lời báo giới, Phó thủ tướng phụ trách công nghiệp quốc phòng Đ.Rô-gô-din (Dmitry Rogozin) nói rằng, Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu nước này bị tấn công. Ông Đ.Rô-gô-din cũng giải thích thêm rằng, khả năng này đóng vai trò là sự răn đe chính với những kẻ khiêu khích và tấn công tiềm tàng. "Chúng ta không bao giờ đánh giá thấp hay loại bỏ tầm quan trọng của vũ khí hạt nhân-thứ vũ khí răn đe, trả đũa và tái cân bằng sức mạnh hữu hiệu", ông Đ.Rô-gô-din nói.
Học thuyết quân sự hiện nay của Điện Crem-li được thông qua vào năm 2010, cũng không có những điều khoản về tấn công hạt nhân phủ đầu. Học thuyết này quy định: “Liên bang Nga có quyền được sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả các cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân hoặc loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác trên lãnh thổ Nga hay các đồng minh của Nga. Vũ khí hạt nhân cũng có thể được sử dụng trong trường hợp một cuộc tấn công bằng vũ khí thông thường đe dọa đến sự tồn vong của Liên bang Nga”.
Dự thảo học thuyết quân sự mới của Nga chỉ rõ, Tổng thống Nga là người đưa ra quyết định cuối cùng về việc mở cuộc tấn công hạt nhân. Theo RIA Novosti, quân đội Nga đã nhiều lần đề nghị quyền được tấn công phủ đầu bằng hạt nhân vào các quốc gia xâm lược tiềm tàng hoặc khối quân sự, nhưng dự thảo học thuyết quân sự mới của Nga không có nhiều lựa chọn như vậy. Học thuyết quân sự mới cũng sẽ cân nhắc đến tình hình phát triển bền vững của Bắc Cực, nơi có trữ lượng dầu và khí đốt cực lớn.
Thay đổi vì NATO?
Ngay sau khi Điện Crem-li tuyên bố sẽ cập nhật học thuyết quân sự, giới chuyên gia tại Nga đã đồng loạt lên tiếng cho rằng, nhân tố NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) cần được xác định rõ ràng là mối đe dọa an ninh của Mát-xcơ-va. Việc Nga thay đổi học thuyết quân sự không tạo quá nhiều nỗi lo lắng trong dư luận. Đó chính là một trong những giải pháp cần có hiện nay để kiềm chế và hóa giải những hành động quân sự nguy hiểm của các quốc gia bên kia bờ Đại Tây Dương. Và nó thật sự cần để Nga duy trì vững chắc vị thế trên trường quốc tế.
“Trước đây, học thuyết quân sự chỉ mơ hồ trình bày NATO là đối thủ của Nga, thậm chí không trực tiếp gọi tên NATO. Giờ đây, chúng ta phải xác định rõ ràng-NATO đe dọa an ninh của Nga. NATO đang triển khai 4 căn cứ quân sự ở châu Âu để gây áp lực lên Nga. Học thuyết quân sự được điều chỉnh cần phản ứng với thực tế này và ghi rõ ý định của Nga. Những thách thức này cho thấy, học thuyết quân sự hiện nay cần được làm rõ và tỉ mỉ hơn”, chuyên gia A.Cư-tốp (Adjar Kurtov), thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Nga nhận xét trên Đài Tiếng nói nước Nga.
Cùng chung quan điểm trên, Phó giáo sư A.Xi-ga-nốc (Anatoly Tsiganok) tại Đại học Tổng hợp Mát-xcơ-va cho rằng, mối đe dọa ngày càng tăng từ phía NATO cần được phản ánh trong học thuyết mới: “Có nhu cầu cấp bách về điều chỉnh học thuyết quân sự, tài liệu của chúng ta dường như quá lạc quan yêu chuộng hòa bình so với bối cảnh hiện tại. Chúng ta đã phải đối mặt với các đe dọa trực tiếp sử dụng vũ lực; có lẽ điều này nên được phản ánh trong cả các tài liệu về chính sách”.
Trên thực tế, chính ông M.Pô-pốp (Mikhail Popov), Phó thư ký Hội đồng An ninh Nga, cũng xác nhận việc cập nhật học thuyết quân sự của Nga là nhằm ứng phó với các nguy cơ như sự mở rộng của NATO, kế hoạch lá chắn tên lửa của Mỹ. “Rất nhiều quan chức cấp cao của phương Tây nói rằng, NATO không coi Nga là kẻ thù và không bao giờ tấn công Nga. Tuy nhiên, điều đó liệu có phải sự thật? Những hành động trong những năm gần đây đang cho thấy những điều hoàn toàn khác”, RIA Novosti dẫn lời ông M.Pô-pốp tuyên bố.
Đài Tiếng nói nước Nga thông tin, nội dung học thuyết quân sự mới sẽ đề cập đến "những mối đe dọa quân sự mới, có liên quan đến sự kiện Mùa xuân A-rập, xung đột quân sự ở Xy-ri, tình hình ở U-crai-na và xung quanh nước này". Việc cập nhật học thuyết quân sự còn tác động đến tính độc lập của Nga trong việc sản xuất vũ khí, khí tài cùng trang thiết bị quân sự khác.
Tiếp tục gia tăng ngân sách quốc phòng
Bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến cuộc khủng hoảng tại U-crai-na và giá dầu thế giới sụt giảm khiến kinh tế Nga gặp khó khăn, Nga vẫn quyết định duy trì, thậm chí tiếp tục tăng chi tiêu quân sự ở mức khổng lồ để ứng phó với các mối đe dọa an ninh và ảnh hưởng bất lợi từ tình hình địa-chính trị mới.
Theo hãng tin Sputnik, căn cứ vào dự luật ngân sách quốc gia vừa được thông qua cho giai đoạn 2015-2017, khoản phân bổ dành cho ngân sách quốc phòng của Nga trong năm 2015 sẽ đạt 79 tỷ USD, tương đương 4,2% GDP và tăng 21,2% so với năm 2014, trong đó 6,5 tỷ USD sẽ được chi cho việc phát triển vũ khí. Phó thủ tướng Nga Đ.Rô-gô-din cho biết, đến năm 2015, quân đội Nga sẽ nâng cấp 30% thiết bị quân sự và tỷ lệ này đến năm 2020 là 70%. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga mới đây tuyên bố, năm 2015 quân đội Nga sẽ tổ chức khoảng 4000 hoạt động “chuẩn bị quân sự”, tăng 1/4 so với năm 2014, như diễn tập của các quân chủng, các cuộc thi quân sự.
HOÀNG VŨ
Quandoinhandan
Sáng 23.11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật...
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ Tám, sáng ngày 22.11, các đại biểu Quốc...
Sáng ngày 21.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết...
Sáng 20.11, Quốc hội bắt đầu đợt 2 của Kỳ họp thứ 8, tiếp tục thảo luận,...
Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...
Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc...
Trong khuôn khổ hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mở rộng sơ kết giữa...
Chiều 27/10, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến góp ý Dự...