Những người biểu tình là ai?
Biểu tình nhanh chóng nổ ra sau quyết định của chính quyền Trung Quốc vào tháng 8. Một số học sinh-sinh viên đã tổ chức một cuộc bãi khóa dài một tuần. Sau tuần bãi khóa đầu tiên, nhiều học sinh-sinh viên tiếp tục nghỉ học.
Một số sinh viên leo thang căng thẳng và đột kích vào quảng trường Civic (Dân sự), nơi đặt trụ sở chính quyền Hong Kong trên đảo Hong Kong vào tối 26/9.
Hàng ngàn người đã tham gia biểu tình ngồi kể từ khi cuộc biểu tình này bắt đầu. Ban đầu phong trào chủ yếu là thanh niên, nhưng sau đó nó lôi kéo thêm nhiều thành phần dân cư khác.
Nhu cầu của họ là gì?
Phe biểu tình mong muốn được tham gia vào tiến trình bầu cử hoàn toàn dân chủ để bầu chọn ra đặc khu trưởng kế tiếp của Hong Kong.
Ông Lương Chấn Anh hiện đang nắm giữ chức vụ này và “cai quản” Hong Kong với sự trợ giúp của hội đồng hành pháp. Một ủy ban bầu cử đặc biệt, gồm hơn 1.000 thành viên, đã bầu ra ông Lương. Chính phủ trung ương của Trung Quốc sau đó bổ nhiệm ông này. Ông Lương nhậm chức vào năm 2012.
Bầu cử Hong Kong 2017 sẽ là lần đầu tiên cư dân Hong Kong bỏ phiếu trực tiếp chọn đặc khu trưởng của họ.
Tuy nhiên những người biểu tình cảm thấy vỡ mộng khi biết được rằng ủy ban bầu cử sẽ phê chuẩn trước hai hoặc ba ứng viên, sau đó quần chúng sẽ bầu chọn ra nhà lãnh đạo trong số các ứng viên đã được chốt này. Cuối cùng chính phủ Trung Quốc sẽ bổ nhiệm vị tân đặc khu trưởng.
Những người biểu tình muốn cuộc bầu cử sắp tới phải cởi mở trong chuyện đề cử.
Vai trò của Bắc Kinh trong chính quyền Hong Kong?
Anh trao quyền kiểm soát cựu thuộc địa Hong Kong cho Trung Quốc vào năm 1997.
Chính phủ Trung Quốc và chính quyền Hong Kong đã đàm phán và nhất trí về phương pháp quản lý gọi là “một nước, hai chế độ”, bảo đảm Hong Kong không phải theo đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội. Luật cơ bản của Hong Kong hứa hẹn chế độ tư bản sẽ vẫn giữ nguyên ở Hong Kong trong 50 năm sau đó.
Theo luật, Hong Kong vẫn là một khu vực bán tự trị. Bất chấp sự can dự của Trung Quốc vào tiến trình bầu cử đặc khu trưởng đặc khu hành chính Hong Kong, “mục tiêu cuối cùng” vẫn là thông qua phổ thông đầu phiếu để bầu ra người vào chức vụ này, theo luật cơ bản.
Nhều người cho rằng Bắc Kinh đang đi ngược lại những gì họ đã hứa hẹn.
Chính quyền Hong Kong phản ứng như thế nào?
Biểu tình lần này đặc biệt ở chỗ cảnh sát Hong Kong phản ứng rất mạnh, nhất là sử dụng hơi cay trên diện rộng.
Hôm 28/9 cảnh sát đã bắn 87 phát hơi cay để ngăn những người biểu tình cố đột phá qua các hàng rào cảnh sát.
Cảnh sát cho hay họ cần đến vũ lực và hơi cay để “ngăn chặn các hành vi đe dọa an toàn công cộng và trật tự công cộng”.
Có một số nguồn tin chưa kiểm chứng được khẳng định cảnh sát còn dùng đạn cao su để khống chế đám đông.
Những người biểu tình sử dụng ô để che chắn bản thân trước hơi cay và đạn cao su. Vì vậy phong trào có tên “cách mạng ô”.
Cảnh sát mạnh tay có thể là để hăm dọa người dân, ngăn ngừa biểu tình mở rộng về quy mô. Tuy nhiên mới đây có vẻ họ đã thay đổi chiến thuật và tỏ ra kiềm chế hơn.
Tình hình tiếp theo sẽ ra sao?
Chính quyền trung ương Trung Quốc không sẵn lòng đàm phán các chi tiết thiết yếu đối với nhóm biểu tình đòi dân chủ. Tuy nhiên ông Lương đã bày tỏ mong muốn mở rộng tham vấn công cộng.
Những người tham gia vào cuộc biểu tình ngồi đã nêu rõ họ sẽ không lùi bước. Lãnh đạo phong trào Chiếm Trung tâm đã thể hiện quyết tâm không ngại bị bắt vì biểu tình bất bạo động.
Tuy nhiên phong trào “dân chủ” này có vẻ không nhận được nhiều ủng hộ của cư dân Hong Kong do họ sợ bất ổn chính trị sẽ tác động xấu lên nền kinh tế của thành phố. Có thể người dân Hong Kong không ủng hộ chiến thuật cắm trại ở ngay khu tài chính của Hong Kong.
Trên thực tế các cuộc biểu tình vừa rồi ở Hong Kong đã tác động vào nền tài chính của thành phố, làm chứng khoán sụt điểm và đồng đôla Hong Kong suy yếu.
Mặc dầu vậy, bên ngoài Hong Kong đã có những cuộc biểu tình ở Australia, Canada và Mỹ thể hiện tình đoàn kết đối với người biểu tình Hong Kong./.
Vài hình ảnh khác về biểu tình tại Hong Kong tháng 9/2014: