Mỹ-Trung có thể bắt tay chống Nhà nước Hồi giáo IS?

Thứ 7, 27/09/2014 | 08:34:25
1,244 lượt xem

Không song trùng về lợi ích khiến cho việc hợp tác chống khủng bố giữa Trung Quốc và Mỹ đang trở nên xa vời.

 Mỹ chê Trung Quốc là nước lớn thiếu trách nhiệm

Vào tháng trước, trong một buổi phỏng vấn của New York Times, khi nhắc đến vấn đề chống khủng bố nói chung và tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo nói riêng, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho hay: “Đôi khi tôi vẫn nói đùa rằng khi hộp thư của tôi đang đầy lên, tôi tự hỏi liệu chúng ta có thể giống Trung Quốc một chút được không? Dường như không một ai có thể trông chờ Trung Quốc bất cứ điều gì khi thế giới có vấn đề cả”. 

Tổng thống Mỹ Barack Obama (ảnh: Getty)

 Thậm chí, giới chuyên gia Mỹ và cả Tổng thống Mỹ đều cho rằng, trong suốt 30 năm qua Trung Quốc chỉ đóng vai trò là “kẻ đi nhờ xe miễn phí”. Điều này ám chỉ đến việc trong khi Mỹ nỗ lực đẩy lùi khủng bố từ chiến trường Afghanistan đến Iraq thì Trung Quốc vẫn ung dung ngồi yên một chỗ và chỉ tập trung phát triển kinh tế đất nước mình. Trang Nhà ngoại giao (The Diplomat) dẫn lời ông S. Frederick Starr chủ tịch Viện nghiên cứu Trung Á- Caucasus nói: “Chúng tôi phải làm việc vất vả…Còn họ thì chọn trái cây”.

Truyền thông Mỹ cho rằng Trung Quốc nên chia sẻ áp lực với Mỹ ở các khu vực, trong đó có Trung Đông. Hoặc là Trung Quốc phải mở hầu bao hỗ trợ Liên minh chống khủng bố hoặc trực tiếp xuất binh trấn áp Nhà nước Hồi giáo, nếu không Trung Quốc không phải là “nước lớn có trách nhiệm”.

Được biết, vào đầu tháng 9, sau khi bà Susan Rice, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ kết thúc chuyến làm việc ba ngày ở Trung Quốc đã gửi tới nước này lời mời gia nhập liên minh chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Tuy nhiên cho đến nay, giới chức Trung Quốc vẫn im lặng trước lời mời. Sự im lặng theo các nhà phân tích là do Trung Quốc đang phải cân nhắc đến chuyện thiệt hơn trước khi bước chân vào cùng một chiến tuyến với Mỹ.

New York Times lý giải, chính sách đối ngoại truyền thống của Trung Quốc là không can thiệp, từ trước đến nay họ vẫn duy trì việc can dự của mình đối với những vấn đề toàn cầu ở mức độ thấp.

Mặt khác, các công ty quốc doanh Trung Quốc đã đầu tư một lượng lớn tiền của vào lĩnh vực năng lượng ở Iraq, đồng thời nước này còn là nước mua nhiều sản lượng dầu thô của Iraq. Nhiều trong số các mỏ dầu lớn của Iraq hiện đang do người Shiite ở phía nam kiểm soát, bởi thế việc “tham chiến” ở Iraq sẽ ảnh hưởng đến lợi ích, lợi nhuận của Trung Quốc.

Theo New York Times, thậm chí, người Trung Quốc cũng không ngần ngại bày tỏ suy nghĩ đấy của mình. Trang Nhân dân Nhật báo (People’s Daily) đã cho đăng tải lời phản hồi của độc giả tên Zhang Yaowu- chuyên gia thuộc Hiệp hội nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Trung Quốc. Zhang Yaowu viết, Trung Quốc đã kiếm được nguồn lợi nhuận đáng kể từ việc buôn bán xăng dầu với Iraq. “Chẳng có gì sai với chuyện này cả”, những nước khác nếu muốn cũng có thể tham gia cùng, Zhang Yaowu cho biết.

Trong khi Mỹ đang tốn những khoản kinh phí tốn kém cho cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Hồi giáo cực đoan, Trung Quốc lại tảng lờ do không muốn những khoản lợi kếch xù của mình bị ảnh hưởng, điều này là không công bằng với Mỹ, truyền thông Mỹ nhận định.

Trung Quốc đố kỵ, nghi ngờ Mỹ có mưu đồ riêng

Một ấn phẩm của Tân Hoa xã, tuần báo “International Herald Leader” số ra ngày 19-25/9 đăng bài viết của ông Triệu Khả Kim, Phó Chủ nhiệm Khoa Quan hệ quốc tế và Trung tâm nghiên cứu quan hệ Trung Mỹ, Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc.

Theo ông Triệu Khả Kim, Mỹ “thuyết phục” Trung Quốc gia nhập Liên minh quốc tế chống Nhà nước Hồi giáo là vì muốn có được sự ủng hộ quốc tế hợp pháp. Đứng từ góc độ năng lực quốc gia mà nói, nếu Mỹ quyết tâm một mình chống lại Nhà nước Hồi giáo là điều hoàn toàn dễ dàng nhưng lại có thể gây ra sự thiếu hụt về tính hợp pháp quốc tế. 

Đồng thời, Nhà nước Hồi giáo là mạng lưới tổ chức khủng bố có mặt khắp mọi nơi trên thế giới, ắt hẳn sẽ liên quan đến nhiều quốc gia, nếu có thể thành lập Liên minh quốc tế khiến Nhà nước Hồi giáo bị bao vây tứ phía, vừa đạt được mục đích tiêu diệt khủng bố, vừa khiến Mỹ giành được tiếng là nhà lãnh đạo liên minh quốc tế. Như vậy có thể nói là một công đôi việc, ông Triệu Khả Kim cho hay. 

Các tay súng thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (ảnh: AP)

 Cũng theo bài báo này, Trung Quốc rõ ràng không phải là người đi đầu trong cuộc chiến chống khủng bố, vậy nên Trung Quốc cũng chả dại gì làm “kẻ đi theo” Mỹ trong cuộc chiến này mà không cân nhắc thiệt hơn.

Còn về việc Mỹ nhận định Trung Quốc chỉ là “kẻ đi nhờ xe miễn phí”, Trung Quốc đã ngay lập tức có phản ứng gay gắt. Tân Hoa xã, trang tin của Nhà nước Trung Quốc cho hay, Trung Quốc đang đóng vai trò ngày càng tích cực trong việc tái thiết sau chiến tranh ở Iraq, nhưng Mỹ lại không thừa nhận sự đóng góp này của Trung Quốc mà thay vào đó, Mỹ lại mặc nhiên xem Trung Quốc như là “kẻ đi nhờ xe miễn phí” để được hưởng lợi từ dầu mỏ của Iraq.

Tân Hoa xã viết, những lời buộc tội của Washington nhằm đổ lỗi cho Trung Quốc về những thất bại của nước này trong cuộc chiến chống khủng bố. Từ Afghanistan đến Iraq và Syria, sự thất bại trong chính sách của Mỹ ở Trung Đông đang gặm nhấm lương tâm các nhà lãnh đạo Mỹ. Mặc dù Mỹ đã cam kết chịu trách nhiệm cho các tổn thất, nhưng tình hình an ninh trong khu vực chỉ chuyển biến theo chiều hướng xấu, Tân Hoa xã nhấn mạnh.

Tờ Đông phương nhật báo cũng khẳng định tình hình rối loạn hiện nay ở Iraq và toàn bộ khu vực Trung Đông là do Mỹ gây ra, nên Washington phải có trách nhiệm xử lý những vấn đề này, chứ không phải là Trung Quốc.

Chống khủng bố - chuyện không của riêng ai

Thực tế cho thấy, cả Trung Quốc và Mỹ đều đối mặt với mối nguy khủng bố từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo.

Kể từ vụ 11/9, chiến dịch chống khủng bố đã trở thành một mục tiêu quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Chính điều này đã dẫn đến việc Mỹ đưa quân đến Afghanistan và Iraq để rồi sa lầy ở đó hơn 10 năm.

Ngày nay, chống khủng bố vẫn là ưu tiên trong chính sách của Mỹ. Điều này được thể hiện qua việc chính quyền ông Obama tái khẳng định mối nguy hiểm của khủng bố và nỗ lực kiềm chế ảnh hưởng của Nhà nước Hồi giáo. Bên cạnh đó, chính quyền của ông Obama cũng ra sức giảm thiểu ảnh hưởng của chủ nghĩa cực đoan bạo lực tại Trung Đông và Nam Á.

Mới tháng vừa qua, tổ chức Nhà nước Hồi giáo đã tung đoạn video hành quyết dã man 2 con tin nhà báo Mỹ tên James Foley và Steven Sotloff. Vụ việc này làm dấy lên làn sóng phẫn nộ trên khắp nước Mỹ nói riêng và trên toàn thế giới nói chung. Sau vụ việc này, Tổng thống Mỹ Obama cũng đã tuyên bố sẽ có biện pháp thích đáng cho những kẻ nào động đến nước Mỹ và công dân Mỹ. 

Ảnh chụp từ đoạn video hành quyết nhà báo Mỹ James Foley do Nhà nước Hồi giáo đăng tải

 Đối với Trung Quốc, công tác chống khủng bố chỉ mới trở thành ưu tiên cốt lõi trong chính sách quốc gia trong thời gian gần đây. Những căng thẳng vốn đã âm ỉ từ lâu giữa chính quyền Trung Quốc và những dân tộc thiểu số, đặc biệt là người Tây Tạng và người Ngô Duy Nhĩ.

Cuộc tấn công vào quảng trường Thiên An Môn năm ngoái và cuộc tấn công ở nhà ga Côn Minh vào tháng 3 năm nay đã cho thấy, các phần tử cực đoan hướng mục tiêu đến các thành phố lớn. Bắc Kinh đã coi việc chống lại chủ nghĩa cực đoan là một ưu tiên trong chính sách quốc gia, trong bối cảnh những lực lượng khủng bố ở trong nước có dấu hiệu liên kết với các tổ chức hoạt động bên ngoài biên giới quốc gia.

Cụ thể ngày 22/9, báo chí Trung Quốc cảnh báo một số chiến binh Tân Cương đã trốn khỏi đất nước và đầu quân cho Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.

Thời báo Hoàn cầu (Global Times) dẫn thông tin từ một chuyên gia chống khủng bố giấu tên cho biết thì những người chạy trốn không chỉ muốn được đào tạo về kỹ năng mà còn muốn mở rộng liên kết với các tổ chức khủng bố quốc tế thông qua chiến đấu nhằm leo thang các vụ tấn công tại Trung Quốc.

Mỹ- Trung hợp tác chống khủng bố: Tương lai còn xa vời

Trong bài viết đăng trên tạp chí The Diplomat, học giả Jeffrey Payne, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Cận Đông - Nam Á (Mỹ) cho rằng, Trung Quốc và Mỹ nên bỏ qua những bất đồng về chính trị và hợp tác chống khủng bố bởi cả hai cường quốc này đều đang bị đe dọa bởi những bất ổn đang xuất hiện trong hệ thống chính trị toàn cầu.

Tuy nhiên, trong bài viết của mình, vị học giả này cũng nhận định, chuyện Mỹ- Trung bắt tay cùng chống khủng bố còn xa vời, vì trước mắt còn rất nhiều rảo cản giữa 2 nước này.

Trước hết, Trung Quốc tỏ ra không minh bạch trong vấn đề pháp luật hoặc các vấn đề quân sự. Trung Quốc không thừa nhận điều này, tuy nhiên đây thực sự là một mối lo ngại của các chuyên gia an ninh Mỹ.

Thứ hai, cả Mỹ và Trung Quốc đều không thể tách vấn đề chống khủng bố ra khỏi các mối quan hệ song phương. Những căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước liên tục gia tăng trong những năm qua, đặc biệt khi những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông gây xôn xao dư luận quốc tế. Bên cạnh những căng thẳng tại Biển Đông, vấn đề an ninh mạng cũng đã và đang thách thức quan hệ hai nước. 

Mỹ- Trung hợp tác chống khủng bố: Tương lai còn xa vời (ảnh: Reuters)

 Thứ ba, việc không thể hợp tác trong lĩnh vực chống khủng bố cũng xuất phát từ khác biệt trong quan điểm của hai nước. Chính sách đối ngoại của Bắc Kinh từ lâu gắn với tư tưởng không can thiệp. Hợp tác với Mỹ về hoạt động chống khủng bố sẽ buộc Bắc Kinh phải từ bỏ một phần nguyên tắc cốt lõi và gánh vác nhiều trách nhiệm hơn- đây là điều không được giới chức Trung Quốc mong chờ.

Mặt khác, một vài chuyên gia Mỹ cũng cho rằng nếu Mỹ hợp tác chống khủng bố với Trung Quốc, nghĩa là nước này công nhận Trung Quốc có ảnh hưởng đến phạm vi toàn cầu. Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ. Nếu như thông qua hợp tác chống khủng bố với Mỹ thì Trung Quốc sẽ thể hiện được trách nhiệm quốc tế của mình, góp phần tăng cường vị thế của Trung Quốc trên toàn thế giới. Hiển nhiên Mỹ không mong muốn điều này.

Chính sự không song trùng về lợi ích khiến cho việc hợp tác chống khủng bố giữa Trung Quốc và Mỹ trở nên xa vời./.

Phương Chi/VOV.VN

 

 

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật

Sáng 23.11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...