Nga-Ukraine nhất trí giải quyết khủng hoảng tại miền Đông Ukraine

Thứ 5, 04/09/2014 | 07:16:57
1,218 lượt xem

Hai nhà lãnh đạo Nga, Ukraine đã có một cuộc điện đàm và cùng thống nhất về các bước đi thúc đẩy hòa bình ở miền Đông Ukraine.

Dù không thống nhất về tuyên bố sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, nhưng 2 bên đều  khẳng định đạt được những tiến triển trong các nỗ lực hòa bình nhằm chấm dứt cuộc chiến tại miền Đông Ukraine. Tổng thống Nga và Ukraine cùng hy vọng vào cuộc gặp Nhóm Tiếp xúc vào ngày 5/9 tại Belarus.

 
Sau một trận pháo kích ở Donetsk (Ảnh: AFP)
Phát biểu hôm 3/9, Tổng thống Ukraine Poroshenko kỳ vọng một tiến trình hòa bình cho vùng chiến sự miền Đông nước này sẽ được bắt đầu trong cuộc gặp 3 bên Ukraine, Nga và Tổ chức An ninh, Hợp tác châu Âu tại thủ đô Minsk của Belarus vào ngày 5/9. Ông Poroshenko cũng thúc giục các nhà chính trị quốc tế ủng hộ cho cuộc đàm phán này.

“Nhiệm vụ hàng đầu của chúng tôi là hòa bình. Đây cũng là lý do tôi có cuộc điện đàm lúc 5 giờ sáng với Tổng thống Nga Putin. Tôi rất hy vọng rằng chúng ta cuối cùng cũng có thể thúc đẩy tiến trình hòa bình tại bàn thảo luận ở Minsk”, ông Poroshenko nói.

Trước đó cùng ngày, nói về cuộc điện đàm của 2 nhà lãnh đạo Nga-Ukraine, người phát ngôn của Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết, ông Putin và ông Poroshenko đã nhất trí về các bước đi nhằm thúc đẩy hòa bình ở miền Đông Ukraine, song hai bên không đạt được thỏa thuận ngừng bắn như tuyên bố của phía Ukraine, vì Nga không phải là một bên tham chiến. Trong khi, Tổng thống Putin cho biết quan điểm của ông và người đồng cấp Ukraine về vấn đề giải quyết khủng hoảng là "rất gần nhau".

Sau cuộc điện đàm, Tổng thống Putin đã đề xuất một kế hoạch gồm 7 điểm để giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Ông Putin nhấn mạnh, để chấm dứt đổ máu và ổn định tình hình khu vực Đông-Nam Ukraine các bên tham chiến phải thống nhất và ngay lập tức thực hiện các bước sau.

“Thứ nhất, dừng các hoạt động tấn công của quân đội Ukraine cũng như các lực lượng đối lập ở Donetsk và Lugansk. Thứ hai, rút các đơn vị vũ trang Ukraine ra xa các vùng trên nhằm chặn đứng khả năng pháo kích vào các khu dân cư. Thứ ba, thực hiện kiểm soát quốc tế hiệu quả và khách quan đối với lệnh ngừng bắn và giám sát tình hình sau ngừng bắn. Thứ tư, loại bỏ hoàn toàn hành động không kích chống lại dân thường tại khu vực xung đột. Thứ năm, trao đổi tất cả các con tin không kèm theo điều kiện. Thứ sáu, là mở các hành lang nhân đạo cho người tị nạn và vận chuyển hàng cứu trợ nhân đạo tới miền Đông Ukraine. Và cuối cùng là cử các đội sửa chữa đến khôi phục lại hạ tầng tại các khu vực giao tranh”, ông Putin nói.

Tổng thống Putin bày tỏ tin tưởng các nhà lãnh đạo Ukraine sẽ ủng hộ bước tiến triển mới trong các mối quan hệ song phương, đồng thời hy vọng rằng các bên xung đột bao gồm chính quyền Kiev và lực lượng đối lập miền Đông-Nam nước này sẽ đạt được thỏa thuận tại cuộc họp của Nhóm Tiếp xúc vào ngày mai.

Tiến triển giữa Nga và Ukraine có được ngay trước thềm Hội nghị cấp cao Tổ chức quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), sẽ khai mạc tại Anh hôm nay (4/9). Trong khi, đại diện cấp cao vừa được bổ nhiệm phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Federica Mogherini cho biết các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu sẽ công bố các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga trong ngày 5/9. Đã có những ý kiến phản đối các biện pháp trừng phạt mới với Nga, cho rằng động thái của Liên minh châu Âu chỉ làm gia tăng căng thẳng tại Ukraine. Trong đó, Trung Quốc khẳng định đối thoại là con đường duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng.

Trong khi đó, Nhật Bản đã lên tiếng hoan nghênh tiến triển đạt được để hướng tới ngừng bắn tại miền Đông Ukraine. Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida kỳ vọng các bên liên quan sẽ nỗ lực hơn nữa để sớm đạt được điều này. Nhật Bản sẽ theo dõi sát sao Hội nghị cấp cao NATO với những diễn biến liên quan đến tình hình Ukraine. Ông Kishida đặc biệt kêu gọi Nga có những bước đi tích cực cho một giải pháp hòa bình tại Ukraine./.

Hoàng Lê/VOV-Trung tâm TinTheo Reuters


  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật

Sáng 23.11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...