Khó khăn trong xử lý rác viễn thông

Thứ 3, 01/08/2017 | 08:49:50
952 lượt xem

Với sự phát triển nhanh của dịch vụ viễn thông và truyền hình đã làm cho mạng cáp thông tin trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là tại Thành phố Thái Bình ngày càng quá tải, tạo nên hình ảnh xấu trong phát triển đô thị.

Dọc các tuyến phố chính như Hai Bà Trưng, Lê Lợi, Quang Trung, Lý Bôn... của Thành phố Thái Bình, hình ảnh những bó dây điện, cáp quang treo chằng chịt. Nhiều nơi, dây cáp treo lủng lẳng trên các trụ điện thậm chí sà xuống sát nhà dân. Dây cũ, dây mới, dây đứt, chằng buộc vào nhau tạo nên những “mạng nhện” giăng khắp đường phố.

Có lẽ hình ảnh rối như mạng nhện của hàng chục loại dây cáp trên không như thế đã trở nên quen thuộc đối với mỗi người dân Thành phố. Chính sự lộn xộn, nhằng nhịt của các loại dây cáp tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ và tai nạn giao thông. Tình trạng này càng nguy hiểm mỗi khi mùa mưa bão đến.

Đáng nói hơn, đa phần hệ thống cáp quang đều đi chung với đường dây điện, nhiều đoạn không đảm bảo khoảng cách an toàn, với tay là có thể chạm tới, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây nguy hiểm cho người dân khi không may gặp sự cố về điện.

Ông Trần Ngọc Tân – Phường Quang Trung: Hiện vẫn chưa được quy hoạch rõ ràng, đường trên đường dưới rồi truyền hình cáp chồng chéo lên nhau, rất mất mỹ quan và gây nguy hiểm khi mùa mưa bão.

 

Anh Đỗ Như Bằng – Xã Tân Bình: Để như thế này, mưa bão đến rồi có khi đổ cây sẽ rất nguy hiểm tính mạng của người dân. 

Qua thống kê, có trên 40% các sợi cáp nhằng nhịt trên không thực sự là rác theo đúng nghĩa đen vì đã hết giá trị sử dụng. Nguyên nhân khiến lượng rác trên không phát sinh nhiều như vậy là do khi chuyển đổi mạng viễn thông, internet, các đơn vị cung cấp dịch vụ không thu hồi những đoạn dây không còn sử dụng. Bởi thế, ngày lại ngày, các bó dây càng nhằng nhịt hơn và người tham gia giao thông thấp thỏm hơn với hiểm họa rình rập ngay trên đầu mình.

Trước thực trạng đó, Sở Thông tin và truyền thông đã có công văn số 277 yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông, đơn vị có mạng cáp chuyên dùng phục vụ an ninh, quốc phòng triển khai lực lượng, phương tiện kỹ thuật, phối hợp với đơn vị liên quan thực hiện xử lý đối với những tuyến cáp không sử dụng, bó gọn các tuyến cáp ngoại vi hiện đang sử dụng của các doanh nghiệp viễn thông, truyền hình cáp, gắn nhãn cáp của từng doanh nghiệp viễn thông.

Ông Phan Hữu Thành – Giám đốc Trung tâm viễn thông Thành phố: Tất cả các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông tập trung phối hợp làm gọn dây thuê bao, dây cáp, bó gọn lại. Về cơ bản sẽ làm gọn đường dây mạng, đỡ tải trên các tuyến cột.

 

 

 Ông Vũ Xuân Thành – Trưởng phòng BCVT, Sở TT&TT: Khó khăn trong xử lý vì hệ thống cáp dư thừa được triển khai từ những năm trước tuy nhiên còn hạn chế vì liên quan đến kinh phí và liên quan đến nhiều đơn vị trên hệ thống cáp, rất nhiều cáp viễn thông, cáp các đơn vị khác sử dụng nên quá trình triển khai rất khó khăn.

Tuy nhiên, chính các đơn vị có mạng cáp viễn thông cho biết, để đạt hiệu quả cao nhất thì các đường cáp cần được đưa vào khuy sắt. Bởi thực tế nhiều lần, các đơn vị đã làm theo cách cắt bỏ và bó gọn truyền thống nhưng rồi đâu lại vào đấy.

Ông Hoàng Trọng Thủy – Phó GĐ Trung tâm kỹ thuật Viettel Thái Bình: Thái Bình mới làm lại được 1 tuyến đường Lý Bôn do Điện lực đầu tư, còn lại là các tuyến đường chưa đưa vào khuy cho nên cũng đã gọn rồi nhưng nếu có 1 đơn vị chủ trì để đưa ra lộ trình đầu tư sau đó gom lại cho vào 1 cái khuy như TP.HCM hay Hà Nội đã làm thì sẽ hiệu quả hơn.

Về chủ trương ngầm hóa hạ tầng viễn thông, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TT&TT xây dựng quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động của tỉnh, giai đoạn 2015- 2020, định hướng đến năm 2025. Tuy nhiên, việc ngầm hóa hệ thống hạ tầng viễn thông không phải là bài toán dễ giải. Hiện nay, trên địa bàn Thành phố có trên 700km mạng cáp viễn thông, trong đó, mới chỉ có trên 134km được ngầm hóa, chiếm tỷ lệ 19%. Sau đây là một số ý kiến của đơn vị quản lý cũng như các doanh nghiệp về lộ trình ngầm hóa cáp viễn thông.

Ông Vũ Xuân Thành – Trưởng phòng BCVT, Sở Thông tin và truyền thông: Theo quy hoạch hạ tầng viễn thông tự động tỉnh TB được phê duyệt năm 2016, các doanh nghiệp sẽ bám vào quy hoạch hạ tầng đó tiến tới hạ ngầm 60-70% các tuyến cáp treo. Chỗ nào không hạ ngầm được bắt buộc phải bó gọn vào để đánh số cáp treo đảm bảo mỹ quan tốt nhất.

Ông Trần Thành Công – Tổ trưởng tổ kỹ thuật, Trung tâm viễn thông thành phố: Giải pháp lâu dài, tốt nhất là hạ ngầm nhưng hạ tầng chưa đồng bộ nên việc hạ ngầm phải có lộ trình.

Ông Hoàng Trọng Thủy – Phó Giám đốc trung tâm kỹ thuật Viettel Thái Bình: Đây là ưu tiên hàng đầu của tất cả các nhà mạng. Tuy nhiên thời điểm bây giờ hạ tầng cơ sở cũng đã ổn định nên ngầm hóa là quá trình lâu dài. Phía Viettel cũng đã có định hướng ngầm hóa trong năm 2017-2020 tại các trụ liên huyện và các tuyến trong thành phố.

Rõ ràng chủ trương ngầm hóa hệ thống hạ tầng viễn thông trên địa bàn Thành phố là bài toán không dễ, nhưng không phải là không thực hiện được, nếu chúng ta thực hiện tốt các giải pháp đồng bộ trong quy hoạch, giải pháp về huy động vốn đầu tư và giải pháp về khoa học và công nghệ.

Trong điều kiện chưa thể một lúc ngầm hóa hết các đường dây cáp thì việc các doanh nghiệp hợp tác để cùng sắp xếp, quy hoạch lại hệ thống dây cáp điện, cáp viễn thông là điều hết sức cần thiết để trả lại sự thông thoáng cho mỗi tuyến đường, con phố và đảm bảo an toàn cho mỗi người dân.

  • Từ khóa
Đoàn Đại biểu Quốc khảo sát việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông
Đoàn Đại biểu Quốc khảo sát việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Chiều 11/4, đoàn khảo sát do đồng chí Nguyễn Văn Huy, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình làm trưởng đoàn làm việc với Sở Giao thông vận tải về việc thực hiện chính sách...

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...