Kiểm soát trục lợi quỹ BHYT

Thứ 2, 03/07/2017 | 09:43:50
648 lượt xem

​Trong năm 2017, cơ quan chức năng đã phát hiện trên cả nước hàng nghìn trường hợp lợi dụng chính sách thông tuyến đi khám BHYT nhiều lần để lấy thuốc. Nhiều cơ sở khám chữa bệnh chỉ định quá mức cần thiết đối với một số dịch vụ kỹ thuật. Những chiêu trò này cho thấy quỹ BHYT đang như một “kho thóc” được một số đối tượng hướng đến để rút ruột.

Theo báo cáo của BHXH tỉnh, dự toán chi khám chữa bệnh (KCB) BHYT năm 2017 tỉnh Thái Bình được giao là 1.116 tỷ đồng. Nhưng ước thực hiện đến hết tháng 6, BHXH tỉnh đã chi trả tổng chi phí 821,5 tỷ đồng. Như vậy, 6 tháng còn lại, quỹ BHYT chỉ còn 294,5 tỷ đồng và nếu không có biện pháp kịp thời thì theo tính toán, trong vòng 1 – 2 tháng nữa, quỹ BHYT sẽ về âm. Dự kiến bội chi quỹ BHYT trong năm 2017 toàn tỉnh là 400 tỷ đồng, cao hơn 100 tỷ đồng so với năm 2016.

Có thể thấy, tình trạng bội chi quỹ BHYT đang rơi vào mức báo động. Và một trong những yếu tố góp phần làm tăng chi quỹ BHYT hiện nay là việc đã xuất hiện bộ phận người dân có biểu hiện trục lợi. Cũng theo thống kê của Bảo hiểm xã hội tỉnh, Thái Bình có 63 trường hợp khám bệnh từ 8 lần trở lên, trong đó 2 người khám bệnh 19 lần và 1 người khám 32 lần trong 4 tháng. 

Hiện nay, BHXH tỉnh đang phối hợp tích cực với ngành Y tế triển khai nhiều biện pháp thiết thực để chấn chỉnh và kiểm soát việc trục lợi quỹ BHYT. Trong vòng 4 tháng, ông Đặng Đình T. ở xã Phú Xuân, Thành phố Thái Bình đi khám bệnh và lấy thuốc tới 32 lần, chủ yếu là ở BVĐK Thành phố và BVĐK Vũ Thư. Có đợt ông T. đi khám liên tục mỗi ngày 1 - 2 lần hoặc 2 ngày 1 lần, với cùng 1 loại bệnh là thiếu máu não hoặc viêm khớp.

 Bà Tạ Thị Hoa - Phó Giám đốc BHXH Thái Bình: Khi phát hiện được những tình trạng như vậy, chúng tôi đã đi tuyên truyền tại cơ sở, lồng ghép vào chương trình tuyên truyền phổ biến về chính sách BHYT để nâng cao trách nhiệm của người tham gia BHYT. Chúng tôi cũng cập nhật danh sách những trường hợp đi khám nhiều lần cung cấp cho cơ sở KCB làm căn cứ kiểm tra đối chiếu.

Ông Đỗ Thanh Giang - Phó Giám đốc Sở Y tế Thái Bình: Ngành y tế cũng chỉ đạo các BV áp dụng công nghệ thông tin để làm sao khi người bệnh trong 1 ngày, 1 tuần đi khám ở các cơ sở khác nhau thì phát hiện được kịp thời. Trên cơ sở hậu kiểm, Sở Y tế sẽ phối hợp BHXH tỉnh đến tận các đối tượng này để kiểm tra giải thích và có thể thu hồi phần người ta đã lĩnh không đúng chế độ BH quy định.

Hiện BHXH tỉnh đang phối hợp với các bệnh viện kiểm tra lại hồ sơ bệnh án của các trường hợp đi khám bệnh BHYT nhiều lần trong thời gian ngắn, rà soát những chi phí trùng, xem xét biểu hiện lợi dụng việc thông tuyến gây lãng phí cho quỹ BHYT để thu hồi đúng quy định.

Một trong những biểu hiện khác của trục lợi quỹ BHYT là việc chỉ định thuốc, dịch vụ kỹ thuật, ngày giường điều trị quá mức cần thiết. Để chấn chỉnh tình trạng này, cùng với sự vào cuộc sát sao của các cơ quan chức năng, thì người đứng đầu cơ sở khám chữa bệnh và mỗi y bác sĩ cũng cần nêu cao trách nhiệm trong sử dụng quỹ BHYT.

Cách làm của BVĐK huyện Tiền Hải là một ví dụ: trong 6 tháng liền không ghi nhận trường hợp bệnh nhân có biểu hiện trục lợi quỹ BHYT. Trong quý I, bình quân 1 tháng tổng chi KCB BHYT của BV giảm 300 triệu đồng so với cùng kỳ.

Từ cuối năm 2016, BVĐK Tiền Hải thực hiện nâng cấp phần mềm quản lý bệnh viện cũ lên phần mềm mới chặt chẽ và hiện đại hơn. Chỉ cần 1 lần đưa thẻ BHYT qua đầu đọc, tất cả thông tin về lịch sử khám bệnh của bệnh nhân đều hiện lên đầy đủ. Bên cạnh việc ứng dụng CNTT, BVĐK Tiền Hải cũng tăng cường công tác kiểm tra thường xuyên và đột xuất việc khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, đảm bảo bác sĩ chẩn đoán và điều trị đúng phác đồ, đúng quy trình của Bộ Y tế, không lạm dụng thuốc và dịch vụ kỹ thuật. Hiện BV đã triển khai được nhiều kỹ thuật hiện đại mà chưa một BV tuyến huyện nào trên toàn tỉnh thực hiện được, trong đó phải kể đến kỹ thuật chụp CT cắt lớp, mổ kết hợp xương, kỹ thuật lọc máu chạy thận nhân tạo. Bài toán kiểm soát trục lợi quỹ BHYT, giảm bội chi, đi đôi với nâng cao chất lượng KCB và đảm bảo quyền lợi của bệnh nhân đang từng bước được tháo gỡ tại BVĐK Tiền Hải.

Kiểm soát và ngăn chặn hành vi trục lợi quỹ BHYT sẽ không còn là bài toán khó nếu có sự vào cuộc tích cực của các cấp các ngành, đặc biệt là các cơ sở y tế và của mỗi người dân. Với những giải pháp cụ thể, mong rằng trong thời gian tới, Thái Bình sẽ hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng bội chi quỹ BHYT, song song với nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.

  • Từ khóa
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất

Sáng 26/4, HĐND huyện Vũ Thư khóa XX, tổ chức Kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương năm 2024....

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...