Nạn ấu dâm

Thứ 3, 14/03/2017 | 15:44:07
2,383 lượt xem

Trong vòng chưa đầy một tuần trở lại đây, làn sóng phẫn nộ trong dư luận Việt Nam đang dâng cao sau khi xuất hiện thông tin về một loạt các vụ xâm hại tình dục trẻ em. Báo chí trong nước trong những ngày qua liên tiếp đưa tin và đông đảo người sử dụng mạng xã hội cũng đã chia sẻ nhiều thông tin về các vụ đó.

Chứng ái nhi là gì?

Một người "ái nhi" là người có sở thích và ham muốn tình dục đối với trẻ em tiền dậy thì hoặc mới dậy thì. Ở nước ngoài, người ta xếp ái nhi vào dạng một bệnh lý, với tên khoa học là pedophilia.

Tại Việt Nam, chúng ta thường dùng chung từ "ấu dâm" để chỉ cả những người "ái nhi" và những kẻ phạm tội xâm phạm tình dục với trẻ em (tiếng Anh gọi là child molestation). Kẻ ấu dâm thường tự cho rằng những hành vi đó là "có lợi cho trẻ em" hay "giúp trẻ phát triển". Những tên yêu râu xanh thường cảnh báo nạn nhân không được hé lộ những gì đã xảy ra với cha mẹ hay giới chức.

Các hành vi của "yêu râu xanh" thường gồm nhìn chăm chăm vào một đứa trẻ hay cởi quần áo và chạm vào cơ thể của nạn nhân. Hành vi khác nghiêm trọng hơn gồm quan hệ tình dục bằng miệng hay "sờ soạng" bộ phận sinh dục của trẻ.

Xâm hại tình dục trẻ em luôn là một trong những tội phạm đáng bị khinh thường, ghê sợ nhất mà không gì có thể bào chữa và dung thứ. Hành động phá hủy tuổi thơ, đập tan tâm hồn non nớt của một đứa trẻ sẽ không bao giờ được xã hội chấp nhận.

Phá hủy tâm hồn non nớt của trẻ thơ bằng thú vui bệnh hoạn là tội ác.

Những người ái nhi cần được giúp đỡ! Và giúp họ cũng chính là để bảo vệ chúng ta!

Trong các nghiên cứu, có một số mối liên hệ giữa cấu trúc não bộ với xu hướng "thích trẻ em" của người ái nhi. Tức là những người này bẩm sinh đã là ái nhi, và họ không có quyền lựa chọn.

Giải pháp gần như duy nhất dành cho người ái nhi là giúp họ phát triển những kỹ năng cần thiết để có một cuộc sống lành mạnh, không phạm tội. Một số trường hợp quá nghiêm trọng thậm chí phải "thiến hóa học" - sử dụng thuốc làm giảm ham muốn tình dục, thậm chí "tắt" vĩnh viễn bản năng của đối tượng

Nhưng tại sao lại phải giúp đỡ họ? Câu hỏi này chắc chắn được những người cực đoan nghĩ rất nhiều. Tại sao không đơn giản là cô lập những người người này, đẩy họ ra khỏi xã hội?

Theo nhiều thống kê thì những người ái nhi dễ phạm tội nhất khi họ cảm thấy xã hội này không có chỗ cho họ, và họ chẳng có gì để mất. Họ phạm tội vào những thời điểm cảm thấy suy sụp nhất. Và chính sự xa lánh của xã hội sẽ khiến cảm giác suy sụp này tăng lên. Cuối cùng, hoặc họ sẽ tự kết thúc mạng sống của mình, hoặc họ sẽ bất chấp tất cả mà thực hiện tội ác. Hơn nữa, việc cô lập sẽ khiến người ái nhi không bao giờ dám thừa nhận bản thân. Họ không muốn tìm đến sự giúp đỡ từ các chuyên gia tâm lý, để rồi sống lặng lẽ trong xã hội như những quả bom nổ chậm chỉ chực chờ bùng phát.

Cha mẹ cần phải thay đổi để bảo vệ con cái

Ở các nước phát triển phương Tây, trẻ em được giáo dục rất kỹ về tình dục và các vấn đề liên quan. Trẻ được học cách tự bảo vệ thân thể, ngăn không cho bất kỳ ai đụng chạm, và biết báo lại cho cha mẹ khi ai đó có hành vi bất thường.

Trong khi đó tại Việt Nam, vấn đề này chưa được chú trọng cụ thể. Chúng ta coi việc đụng chạm là chuyện bình thường. Nhiều bố mẹ Việt Nam có hành vi sờ mó bộ phận sinh dục trẻ nhỏ, qua đó hình thành cho bé suy nghĩ rằng đó là hành vi yêu thương. Và chính họ đang tạo điều kiện cho những người ái nhi có cơ hội thỏa mãn dục vọng của bản thân.

Do vậy, chúng ta cần phải thay đổi. Cần phải dạy cho trẻ biết cách tự bảo vệ bản thân, hiểu rằng cơ thể là điều riêng tư, là thứ không ai được phép chạm vào khi chưa được sự cho phép của bản thân.

Có nhiều cách đề làm điều này. Trong đó, quy tắc hiện đang được áp dụng nhiều nhất là Quy tắc đồ lót - PANTS Rules do NSPCC - tổ chức bảo vệ trẻ em tại Anh - đưa ra. Hãy áp dụng ngay, vì tương lai con trẻ.

Ấu dâm tại Việt Nam

Theo Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, số vụ xâm hại tình dục trẻ em bị phát hiện đã tăng gần gấp đôi từ 867 vụ vào năm 2010 lên đến gần 1500 vụ vào năm 2014.

Tin tức ngày 11/3, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, một bé gái 8 tuổi đã bị một người đàn ông 34 tuổi xâm hại nhiều lần. Gia đình cháu đã tố cáo với nhà chức trách cách đây hai tháng. Sau thời gian “chờ giải quyết” và nhiều sức ép công luận, đến ngày 13/3, công an Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án. Nghi phạm theo báo chí mô tả là một nhân viên ngân hàng, 34 tuổi. Người đàn ông này đã bị công an triệu tập hôm 11/1 nhưng được thả ngay sau đó. Người này từng tuyên bố sẽ không ai “làm gì được” vì anh ta “có nhiều mối quan hệ”.

Cũng ngày 11/3, tại thành phố Hồ Chí Minh, gia đình một bé gái học sinh lớp 1 đã gửi đơn kêu cứu đến báo chí. Mẹ của cháu bé nói vào ngày 14/2 chị phát hiện cháu bị xâm hại với nghi ngờ là sự việc đã xảy ra tại lớp học. Sau khi tố cáo với công an, đến nay sau gần 1 tháng vẫn chưa có kết quả điều tra.

Tại thành phố Vũng Tàu, báo chí đưa tin hôm 13/3 rằng việc điều tra một vụ ấu dâm sẽ được gia hạn thêm 2 tháng. Trong vụ này, một người đàn ông 77 tuổi bị cáo buộc đã xâm hại 9 cháu bé nhiều lần. Công an đã khởi tố vụ án hình sự vào tháng 8/2016. Hồi đầu năm nay, ngay sau tết Đinh Dậu, một cháu bé 13 tuổi ở Cà Mau đã tự vẫn vì bị hàng xóm xâm hại nhiều lần nhưng kẻ phạm tội không bị nhà chức trách xử lý dù gia đình đã báo cáo. Những vụ kể trên chỉ là một phần nhỏ trong số khoảng 5.000 vụ xâm hại tình dục trẻ em được báo cáo chính thức là đã xảy ra ở Việt Nam trong 5 năm qua.

Thống kê chính thức của các cơ quan nhà nước, dù bị các nhà nghiên cứu cho là còn chưa đầy đủ, cho thấy rằng tội phạm xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng gia tăng về số lượng, bình quân mỗi năm gần 1.000 em bị xâm hại tình dục. Theo báo cáo của Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, số vụ xâm hại tình dục trẻ em bị phát hiện đã tăng gần gấp đôi từ 867 vụ vào năm 2010 lên gần 1500 vụ vào năm 2014. Chỉ riêng con số chính thức này thôi đã đồng nghĩa là trung bình mỗi ngày có 3-4 trẻ em bị xâm hại. Hay nói cách khác, cứ 8 giờ trôi qua lại có ít nhất một trẻ em trở thành nạn nhân của “yêu râu xanh”.

Trên mạng xã hội trong những ngày qua, có vô số ý kiến gọi tội phạm tình dục đối với trẻ em, hay tội ấu dâm, là “kinh tởm”, đồng thời đòi trừng trị nghiêm khắc tội này. Lần gần đây nhất một tòa án Việt Nam tuyên án nặng đối với bị cáo tội ấu dâm là tháng 12 năm ngoái. Một người đàn ông 64 tuổi đã bị kết án 13 năm tù vì dụ dỗ và có hành vi đồi bại với một bé gái 11 tuổi. Tuy nhiên, hiện nay, rất nhiều những vụ xâm hại khác đã không được điều tra, xử lý đúng mức và bà cho răng điều đó thật “đáng buồn” cũng như “gây bức xúc”. Nhiều gia đình chấp nhận thương lượng, đền bù kiểu này “e ngại” nói ra câu chuyện con của họ bị xâm hại vì “lo cho tương lai” và “thanh danh” của con gái. Định kiến “phải như thế nào đấy mới bị xâm hại tình dục” cũng là áp lực làm họ dè dặt trong việc lên tiếng. Ngược lại, có những trường hợp đứng ra tố cáo lại không được nhà chức trách xử lý rốt ráo, dẫn đến sự bất bình.

Ở thời điểm hiện nay, những vụ việc được báo chí đưa tin trong vài ngày qua đã đánh động mạnh mẽ tới công chúng. Bên cạnh việc bày tỏ sự quan tâm và phẫn nộ, giới hoạt động vì quyền trẻ em và phụ nữ kêu gọi chính phủ phải có giải pháp phòng tránh từ xa, hệ thống giáo dục cần phải đưa việc dạy học sinh nhận biết và tránh tội phạm tình dục như một kỹ năng cần thiết phải có. Họ đề xuất rằng các sách vở có kiến thức giúp trẻ em phòng tránh loại tội phạm này cần được phổ biến nhiều hơn và các bậc cha mẹ Việt Nam cũng cần nói chuyện với con nhiều hơn về vấn đề này, một điều đã trở nên bình thường ở các nước phát triển khác.

Tội phạm ấu dâm ở các nước trên thế giới bị xử lý như thế nào? 

Trong khi vấn đề xâm hại tình dục trẻ em ngày càng có diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia trên thế giới đã mạnh tay áp dụng những biện pháp cứng rắn để loại trừ loại tội phạm này.

Mỹ

Hiện nay có 9 bang ở Mỹ, bao gồm California, Florida, Georgia, Iowa, Louisiana, Montana, Oregon, Texas và Wisconsin đã áp dụng biện pháp "thiến hóa học" với tội phạm ấu dâm. Tuy nhiên, cách thức thực hiện "thiến hóa học" ở mỗi bang lại khác nhau. 

Vào năm 1996, California đã trở thành bang đầu tiên ở Mỹ tuyên bố cho phép "thiến" bằng cách sử dụng hóa chất hoặc phẫu thuật cho những kẻ bị kết án xâm hại tình dục sau khi mãn hạn tù và trở về với cộng đồng. Texas cho phép tù nhân "thiến" trên cơ sở tự nguyện để tránh tái phạm.

Tiêm thuốc hóa học là một trong những biện pháp ngày càng phổ biến ở nhiều quốc gia.

Ngoài ra, những kẻ phạm tội ấu dâm ở Mỹ sẽ phải chịu các mức án từ phạt tù, phạt tiền hoặc được tạm tha tùy theo mức độ của vụ việc.  

Trong các nhà tù Mỹ, tội phạm ấu dâm là đối tượng bị khinh bỉ, căm ghét nhất và là mục tiêu của các cuộc tấn công, phỉ báng, thậm chí là sát hại. Những tù nhân này thường trở thành mục tiêu bị đánh đập, tra tấn, thậm chí là bị sát hại bởi các băng đảng tội phạm trong tù. Để hạn chế tình trạng này, hầu hết các nhà tù ở Mỹ hiện nay đều cho phép tù nhân tấn công tình dục trẻ em lựa chọn một trong hai hình thức giam giữ, đó là giam chung với các tù nhân khác, hoặc biệt giam.

Để tránh bị các bạn tù hành hạ, sát hại, các tù nhân chọn hình thức biệt giam thường phải ngồi trong buồng giam một mình suốt 23 tiếng một ngày và bị hạn chế tiếp xúc với các phạm nhân khác. Còn nếu chọn hình thức giam chung, họ thường phải ký vào giấy miễn trừ trách nhiệm cho giám thị nhà tù về bất cứ hậu quả nào xảy ra đối với họ. Ngay cả khi bị giam riêng, các tội phạm ấu dâm cũng phải đối mặt với sự xua đuổi, xúc phạm nặng nề bằng lời nói của các tù nhân khác xung quanh, thậm chí là của cả giám thị trại giam. Nhiều người bị các tù nhân khác nhổ nước bọt vào người khi họ được dẫn giải qua buồng giam. Hậu quả là nhiều phạm nhân ấu dâm trở nên trầm cảm, có người còn tìm cách tự sát trong tù. Đối với những kẻ lạm dụng chính con cái của mình thì sẽ bị tước quyền nuôi con. Hiện nay, Mỹ vẫn chưa áp dụng hình phạt tử hình đối với tội phạm ấu dâm.

Indonesia

Sau khi xảy ra hàng loạt vụ tấn công tình dục trẻ em ở nước này, chính phủ Indonesia đã quyết định áp dụng luật "thiến" tội phạm tình dục từ cuối tháng 10/2016. Cũng theo bộ luật mới, hình phạt cao nhất dành cho tội danh cưỡng hiếp trẻ em được tăng lên mức tử hình.  Indonesia là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên áp dụng hình phạt "thiến hóa học" tội phạm tình dục.

Những tên tội phạm trong vụ án hiếp dâm tập thể và sát hại bé gái 14 tuổi ở Bengkulu, Indonesia.

Anh

Anh cũng áp dụng "thiến hóa học" như là một hình phạt đối với những tội phạm ấu dâm. Theo báo cáo của The Sun vào năm 2015, số lượng những tên tội phạm ấu dâm bị "thiến hóa học" đã tăng nhanh chóng, gấp 25 lần so với năm trước đó (thống kê của Bộ Tư pháp Anh). Tại Anh, biện pháp "thiến hóa học" không mang tính bắt buộc, mà dựa trên sự tự nguyện của các tù nhân.

Ba Lan

Ngày 25/9/2009, Ba Lan chính thức ra luật "thiến hóa học" với những trường hợp xâm hại tình dục trẻ em. Theo luật này, những kẻ bị kết tội cưỡng hiếp trẻ em dưới 15 tuổi hoặc những người họ hàng thân thích sẽ phải trải qua liệu pháp hóa học sau khi ra tù. "Mục đích của hành động này là để cải thiện sức khỏe tinh thần của người bị kết án, giảm ham muốn tình dục và làm giảm nguy cơ tái phạm của tội phạm", chính phủ Ba Lan cho hay. 

Hàn Quốc

Vào tháng 7/2011, Hàn Quốc là quốc gia đầu tiên ở Châu Á áp dụng "thiến hóa học" như một hình phạt đối với tội phạm tình dục. Theo đó, tất cả tội phạm xâm hại tình dục trẻ em dưới 16 tuổi có thể bị áp dụng hình phạt này.  Tuy nhiên, người dân tiếp tục kêu gọi gia tăng các hình phạt đối với những loại tội phạm này. Năm 2013, Hàn Quốc mở rộng thiến hóa học đối với những kẻ bị kết án xâm hại tình dục trẻ vị thành niên dưới 19 tuổi.

Tại Việt Nam, theo quy định tại Điều 146 – Bộ luật hình sự năm 2015 về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi như sau:

“1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Phạm tội có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Đối với 02 người trở lên;

d) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;

đ) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:

a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;

b) Làm nạn nhân tự sát.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

  • Từ khóa
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tiếp xúc với cử tri thành phố trước kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tiếp xúc với cử tri thành phố trước kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV

Chiều ngày 24/4, đồng chí Nguyễn Văn Huy, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình có buổi tiếp xúc với cử tri thành phố trước kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV....

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...