Báo động tình trạng sử dụng kích điện để đánh cá trên biển

Thứ 2, 05/12/2016 | 16:17:04
1,241 lượt xem

Sử dụng xung kích điện, thuốc nổ, mìn để đánh bắt thủy, hải sản đã bị pháp luật nghiêm cấm nhưng tình trạng đánh bắt hủy diệt này vẫn đang tiếp diễn liên tục khiến nguồn lợi thủy sản bị tận diệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái. Vậy thực trạng này như thế nào?

Ngư dân sử dụng te kích điện để đánh bắt ngoài khơi.

Qua tìm hiểu thực tế, nhóm phóng viên của Thaibinhtv.vn được biết: Chỉ với giá vài triệu đồng là đã có ngay một bộ kích điện tự chế nhỏ gọn, cơ động dùng để đánh bắt cá, tôm. Loại "ngư cụ" mang tính hủy diệt cao này đang được sử dụng lén lút trên vùng biển tỉnh Thái Bình.

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều trang thiết bị hiện đại đang được sử dụng để khai thác đánh bắt trên biển, năng suất cao hơn rất nhiều lần so với trước đây. Tuy nhiên, cũng vì thế mà rất nhiều ngư dân bất chấp quy định của pháp luật để đánh bắt cá trái quy định, thậm chí là hủy diệt môi trường biển. Điển hình trong số này là các đối tượng sử dụng xung kích điện, thậm chí còn dùng cả thuốc nổ, bộc phá để đánh bắt cá. Bởi chỉ cần bỏ ra từ 2 -5 triệu đồng sẽ sở hữu một bộ kích điện, năng suất cao gấp từ 3 - 5 lần so với cách đánh bắt thông thường. Không những thế, loại thiết bị này rất dễ mua và cách thức sử dụng khá đơn giản. Chỉ cần khởi động bộ kích điện để tạo ra dòng điện 220V nối liền với lưới cá có gắn dây chì hoặc kẽm. Ở độ sâu từ 10 - 15 m, dòng điện này sẽ gây giật toàn bộ các loài thủy hải sản đủ mọi kích cỡ xung quanh đó và chúng không còn khả năng sống sót, kể cả trứng, tôm, cá chưa trưởng thành.

Bộ te kích điện được giấu kín trong khoang tàu.

Còn đối với sử dụng mìn, thuốc nổ và bộc phá để đánh cá thì không một loại sinh vật nào trên biển sống sót quanh khu vực, dẫn đến suy kiệt nghiêm trọng nguồn lợi hải sản trên biển. Sức tàn phá của công cụ này đối với môi trường biển là rất lớn nhưng rất nhiều ngư dân bất chấp tất cả để đánh bắt, miễn sao khai thác cá tôm một cách nhanh và nhiều nhất có thể. Vậy việc ra quân tuần tra, phát hiện và xử lý các đối tượng này của lực lượng chức năng như thế nào?

Trong đợt ra quân tuần tra kiểm soát trên vùng biển Thái Bình của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản  và lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phát hiện thuyền cá của ngư dân Nguyễn Văn Tâm (trú tại Xã Nam Hồng, huyện Tiền Hải) đang có hành vi sử dụng te kích điện để đánh bắt cá.

Qua đấu tranh khai thác, đối tượng này cho biết: mua lại bộ kích điện của ngư dân khác với giá 9 triệu đồng và sử dụng để đánh cá từ vài tháng nay. Nguyễn Văn Tâm còn khai nhận mỗi khi ra biển thường giấu rất kỹ kích điện dưới khoang thuyền để qua mặt lực lượng chức năng khi bị kiểm tra, thường sử dụng kích đánh cá về đêm để tránh bị phát hiện.

Đối tượng Nguyễn Văn Tâm cho rằng: “Bây giờ cá tôm ít, chúng tôi không dùng te kích điện đánh thì không bắt được cá, ở đây rất nhiều người dùng chứ không riêng mình tôi,…”

Thực tế cho thấy: Chỉ với vài triệu đồng các ngư dân này đã có thể mua được bộ te kích điện đánh cá cho năng suất cao gấp nhiều lần so với đánh cá thông thường. Tuy nhiên, hậu quả mà nó để lại cho môi trường biển là rất lớn.

Lực lượng chức năng kiểm tra.

Bộ te kích điện được tìm thấy trong đợt kiểm tra.

Qua đợt ra quân tuần tra kiểm soát trên vùng biển Thái Bình của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản và lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh lần này, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý gần 10 trường hợp sử dụng te kích điện để đánh cá. Thủ đoạn mà các đối tượng này sử dụng là khai thác cá ở vùng biển giáp ranh giữa các tỉnh. Khi bị lực lượng chức năng phát hiện, đuổi bắt, sẽ bỏ chạy sang vùng biển thuộc địa phương khác để tránh bị bắt giữ, xử lý.

Ông Trần Ngọc Khánh - Phó Phòng Thanh tra Pháp chế, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Thái Bình: “Thời gian tới, chúng tôi đẩy mạnh việc tuần tra kiểm soát xử, phối hợp với các tỉnh bạn xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm,….”

Thời gian qua, lực lượng chức năng đã tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi sử dụng te kích điện, mìn bộc phá để khai thác tận diệt thủy hải sản. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn tiếp diễn, thậm chí nhiều đối tượng còn tái phạm nhiều lần. Nguyên nhân một phần là do chế tài xử lý vi phạm hiện nay còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Mặt khác, các đối tượng này dễ dàng tìm mua các công cụ như kích điện, vật liệu nổ trôi nổi trên thị trường. Điều này khiến tình trạng sử dụng kích điện, thậm chí là thuốc nổ, mìn vẫn diễn ra ở nhiều vùng biển, gây ô nhiễm môi trường, hủy hoại hệ sinh thái biển.

Thời gian tới, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Thái Bình sẽ tăng cường tuyên truyền để ngư dân hiểu chấp hành nghiêm quy định của pháp luật,…….”- Thiếu tá Trịnh Trung Kiên - Phó Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Cửa khẩu cảng Diêm Điền cho biết.

Để giải quyết dứt điểm tình trạng này thì bên cạnh việc nâng mức xử phạt tạo răn đe thì công tác tuyên truyền cho ngư dân cần được chú trọng hơn nữa. Bởi một khi ngư dân hiểu và ý thức được tầm quan trọng của môi trường biển đối với chính cuộc sống của họ thì tình trạng khai thác tận diệt mới chấm dứt được.

  • Từ khóa
Đoàn Đại biểu Quốc khảo sát việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông
Đoàn Đại biểu Quốc khảo sát việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Chiều 11/4, đoàn khảo sát do đồng chí Nguyễn Văn Huy, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình làm trưởng đoàn làm việc với Sở Giao thông vận tải về việc thực hiện chính sách...

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...