Tìm đầu ra cho nông sản

Thứ 2, 04/07/2016 | 10:55:19
1,520 lượt xem

Nhiều năm nay, mỗi khi mùa thu hoạch lúa bắt đầu, người nông dân quan tâm nhất, đó là đầu ra cho nông sản. Làm thế nào để giúp nông dân hạn chế tác động của thị trường với vòng quay “được mùa mất giá?”. Giải quyết vấn đề này, thì việc thực hiện liên kết 4 nhà trong sản xuất, đặc biệt, khâu ký kết các hợp đồng bao tiêu nông sản rất quan trọng. Nó góp phần tăng giá trị thực đối với một đơn vị diện tích ngay tại vùng quy hoạch cánh đồng mẫu.

Thu hoạch lúa trên cánh đồng mẫu xã An Tràng, huyện Quỳnh Phụ.

Thực tế chứng minh, nếu sản xuất của nông dân vẫn đi theo một nếp cũ “mạnh ai lấy làm”, trên một cánh đồng gieo cấy cùng lúc các loại giống khác nhau thì không thể tiến tới sản xuất hàng hóa. Nhưng việc sản xuất tại cánh đồng mẫu xã An Tràng (huyện Quỳnh Phụ) lại cho thấy bước tiến khác khi doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu nông sản. Cánh đồng mẫu với quy mô 50 ha của xã An Tràng được gieo cấy bằng giống lúa TBR225. Từ khi được Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình về đầu tư giống, kỹ thuật và ký kết hợp đồng bao tiêu với người nông dân đã góp phần thay đổi tập quán sản xuất nơi đây. Người dân đã biết tới sản xuất lúa hàng hóa là như thế nào?

Vụ xuân 2016, gia đình nhà ông Hoàng Công Kỷ (xã An Tràng, huyện Quỳnh Phụ) cấy 6 sào ruộng lúa TBR225, đây là diện tích tham gia mô hình liên kết sản xuất lúa với Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình, ông Kỷ cho biết là sau khi thu hoạch, gia đình ông đỡ bớt nhiều công đoạn trong sản xuất. Ông Kỷ phấn khởi nói: “Trước kia, gặt chúng tôi phải phơi rê, nhưng giờ chúng tôi gặt xong, công ty thu mua, bảo quản sản phẩm, chúng tôi rất yên tâm.”

Gia đình bà Nguyễn Thị Nhuận (xã An Tràng, huyện Quỳnh Phụ) - một nông dân cũng trực tiếp tham gia sản xuất trên cánh đồng mẫu xã An Tràng. Bà chia sẻ: “ Tôi tham gia mô hình trồng giống của Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình được hai năm nay rồi. Thu hoạch họ về cân giống cũng rất cẩn thận”. 

 Việc thực hiện ký kết hợp đồng, bao tiêu dựa trên cam kết thỏa thuận 2 bên cùng có lợi giữa nông dân và doanh nghiệp. Ngay vụ xuân này, Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình đã thu mua lúa tươi của nông dân tại đây với mức giá chênh lệch cao hơn giá thị trường 30%. Nông dân không chỉ được hưởng lợi từ những khoản đầu tư đầu vào, mà đầu ra nông sản ổn định, được giá.

Ông Nguyễn Hữu Lương - Chủ nhiệm HTXDVNN xã An Tràng (huyện Quỳnh Phụ) cho biết: “  Ngoài cái hiệu quả thực tế ra, thì người nông dân sẽ phải chuyển đổi tác phong của người nông dân sang tác phong của người công nhân, làm theo quy trình kỹ thuật, áp dụng khoa học kỹ thuật. Sự hợp tác sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp còn giúp người nông dân thay đổi tư duy từ sản xuất hàng hóa nhỏ sang sản xuất quy mô lớn hơn, rộng hơn”.

Từ một xã nghèo của huyện Quỳnh Phụ, An Tràng đang từng bước hòa chung nhịp với phong trào xây dựng nông thôn mới. Mà hướng đi bền vững, chắc chắn nhất đó là thay đổi tập quán sản xuất của nông dân, đem lại lợi ích thiết thực từ việc sản xuất lúa hàng hóa trên cánh đồng mẫu đã quy hoạch.

An Tràng chỉ là một xã điển hình trong việc thực hiện hợp đồng bao tiêu nông sản. Thực tế, vấn đề ký kết hợp đồng bao tiêu nông sản có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất lúa hàng hóa hiện nay. Nó góp phần tăng giá trị thực đối với 1 đơn vị diện tích ngay tại vùng quy hoạch cánh đồng mẫu. Nếu sản xuất của nông dân vẫn đi theo một nếp cũ “mạnh ai lấy làm” trên một cánh đồng gieo cấy cùng lúc các loại giống khác nhau, thì không thể tiến tới sản xuất hàng hóa. Vậy vấn đề ký kết thực hiện hợp đồng bao tiêu nông sản ở Thái Bình như thế nào?

Lúa giống trên cánh đồng xã An Tràng (huyện Quỳnh Phụ) được Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình liên kết bao tiêu sản phẩm đầu ra. 

Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnhThái Bình: Riêng vụ xuân 2016, trong tổng số 125 cánh đồng mẫu đã quy hoạch với diện tích gần 6.500 ha thì có khoảng trên 100 cánh đồng đã có hợp đồng bao tiêu nông sản. Con số này chưa phải là lớn so với tổng diện tích trên 80.000 ha lúa mỗi vụ của tỉnh, nhưng lại là tín hiệu vui để nông nghiệp Thái Bình hướng tới nền sản xuất hàng hóa.

Ông Trần Mạnh Báo - Tổng Giám đốc Công ty Giống cây trồng Thái Bình đánh giá: “Lúc đầu tham gia mô hình liên kết sản xuất, bà con nông dân rất lúng túng nhưng sau khi được tập huấn làm mô nhỏ rồi  và tham gia quy trình sản xuất ở hình lớn bà con rất phấn khởi. Năm nay, sau một thời gian xây dựng nông nông thôn mới, các điểm sản xuất của Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình bà con tham gia tăng 10% so với trước đây.”

Có thể khẳng định, sau 5 năm xây dựng nông thôn mới, lợi ích thiết thực nhất mà nông dân có được, đó chính là việc quy hoạch xây dựng các cánh đồng mẫu. Thành công của nó, không chỉ ở việc quy hoạch một cánh đồng lớn về diện tích, mà quan trọng trên những cánh đồng đó, đã xuất hiện ngày một nhiều hơn bóng dáng của các doanh nghiệp cùng vào cuộc để thực hiện liên kết 4 nhà trong sản xuất, đặc biệt, ở vấn đề ký kết hợp đồng bao tiêu nông sản.

Ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho biết: “ Trong các mô hình liên kết sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp đã có sự chuyển biến rất biến ở người nông dân như: Ý thức của nông dân trong sản xuất, áp dụng cơ giới hóa nông nghiệp được nâng cao và việc áp dụng khoa học công nghệ sản xuất cũng được người dân ý thức rất rõ”.

 

Cũng nhận xét về vấn đề thực hiện ký kết các hợp đồng bao tiêu nông sản, ông Trịnh Khắc Quang - Quyền Giám đốc Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam đánh giá về Thái Bình như sau: “Hiện nay, có một số doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất cùng bà con nông dân, đặc biệt, tại Thái Bình, qua tham quan thực tế có những hợp đồng về sản xuất giống, bao tiêu sản phẩm mang lại lợi nhuận cho bà con nông dân”.

Liên kết với doanh nghiệp, người nông dân mạnh dạn hơn đưa cơ giới hóa và công nghệ tiên tiến vào sản xuất.

Nếu tính riêng tại Thái Bình, hiện mới có khoảng 7 doanh nghiệp vào cuộc, song hành cùng với nông dân trong việc bao tiêu nông sản. Nếu trong tương lai gần, xuất hiện nhiều hơn nữa bóng dáng của các doanh nghiệp biết vì lợi ích của nông dân như Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình, Công ty TNHH Hưng Cúc thì sản xuất nông nghiệp Thái Bình sẽ còn tiến xa hơn nữa.

Khi liên kết với doanh nghiệp, thóc được công ty thu mua ngay sau khi gặt.

Bên cạnh tín hiệu vui khi nông dân Thái Bình đã từng bước tiếp cận với sản xuất lúa hàng hóa thông qua việc ký kết hợp đồng bao tiêu nông sản với doanh nghiệp, thì đâu đó, vẫn còn câu chuyện giữa nông dân và các doanh nghiệp chưa thực sự tìm được tiếng nói chung. Đó là nguyên nhân vì sao vẫn còn xảy ra tình trạng phá vỡ hợp đồng đã cam kết. Thaibinhtv.vn sẽ tiếp tục bàn luận về vấn đề này trong bài “Có hay không vấn đề phá vỡ hợp đồng giữa nông dân và doanh nghiệp” Mời QV&CB đón xem .

  • Từ khóa
Đoàn Đại biểu Quốc khảo sát việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông
Đoàn Đại biểu Quốc khảo sát việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Chiều 11/4, đoàn khảo sát do đồng chí Nguyễn Văn Huy, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình làm trưởng đoàn làm việc với Sở Giao thông vận tải về việc thực hiện chính sách...

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...