NSND Xuân Hoạch: Người dành trọn cuộc đời cho âm nhạc dân gian

Thứ 7, 23/07/2016 | 09:49:51
5,839 lượt xem

Là người dành trọn trái tim với các làn điệu xẩm và những chiếc đàn dân tộc, Nghệ sĩ nhân dân Xuân Hoạch được biết đến là một trong nghệ nhân gạo cội của dòng âm nhạc dân gian Việt Nam.

NSND Xuân Hoạch biểu diễn nhạc cụ dân tộc trong không gian của ngôi nhà lá của ông tại Hà Nội.

Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Xuân Hoạch đã ngoài 50 tuổi, quê ông ở huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, nơi chiếu chèo gốc nổi tiếng. Ông hiện là nhạc công tại Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam. Xuân Hoạch sử dụng tài nghệ 6 loại nhạc cụ dân tộc: Đàn nguyệt, nhị, tam, bầu, đàn đáy và bộ gõ. Tiếng đàn của ông bay bướm và điêu luyện.

Trưởng thành từ đội văn nghệ không chuyên của xã, ông tự học nhạc cụ từ nhỏ, dự thi và trúng tuyển vào Khoa Nhạc cụ truyền thống (nay là Khoa Âm nhạc truyền thống), Học viện Âm nhạc Quốc gia. Ông theo học đầu tiên là đàn nguyệt, dưới sự hướng dẫn của cố Nhà giáo nhân dân (NGND) Xuân Khải, sau đó, ông theo học đàn đáy do cố nghệ nhân Đinh Khắc Ban (quê Vĩnh Phúc) hướng dẫn. Sự đam mê và tâm huyết yêu nghề của các nghệ nhân tên tuổi đã “truyền lửa” vào tâm hồn ông. Những làn điệu dân ca trữ tình đã được chắt lọc, kết tinh trải qua bao nhiêu thời gian và thế hệ, đến nay đã được ông cảm nhận, học theo và khổ luyện. Tốt nghiệp Đại học Âm nhạc Dân tộc, ông về công tác tại Đoàn ca múa Trung ương (nay là Nhà hát ca múa nhạc). Xuân Hoạch là nghệ sĩ độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc. Tiếng đàn tài hoa của ông thể hiện đằm thắm những giai điệu trữ tình, truyền được chất men say đắm đuối người nghe.

NSND Xuân Hoạch đệm đàn cho các ca nương trong một chương trình biểu diễn ca trù tại khu phố cổ Hà Nội.

Xuân Hoạch biểu diễn độc tấu đàn nguyệt thành công các tác phẩm như: Tình quân dân (sáng tác: Xuân Ba), Chung một niềm tin (sáng tác: cố NGND Xuân Khải)… Độc tấu đàn bầu: Ru thuyền trên sông Hương (sáng tác: Thao Giang)… Ông còn tự sáng tác tác phẩm: Nhớ người quan họ (độc tấu đàn nguyệt - Huy chương vàng Hội diễn 1995), dàn dựng hòa tấu đàn Klupuk và hòa tấu dàn chiêng…

Ông còn chơi đàn nhị và hát xẩm, hát trống quân. Xuân Hoạch có tài vừa đàn vừa hát, đồng thời, ông dùng cả 2 chân đánh 2 bộ gõ giữ nhịp. Giọng hát xẩm của ông đầy ngẫu hứng và lả lướt, tiếng đàn nhị réo rắt đến ru lòng người. Ông cùng nhóm nhạc dân tộc: NSƯT Thanh Ngoan, Thúy Ngần, Văn Ty, Tuyết Hoa, Quang Long… biểu diễn các làn điệu hát xẩm tối thứ bảy thường xuyên tại phố đi bộ khu phố cổ Hà Nội, nhằm mục đích quảng bá và giới thiệu những làn điệu dân ca đặc sắc của dân tộc đến với khán giả và khách du lịch quốc tế tại Hà Nội. Ông được mọi người yêu thích, ngưỡng mộ và thường gọi ông là "ông xẩm" của nhân dân. Xuân Hoạch còn mày mò, sáng tạo, cải tiến và phục hồi một số nhạc cụ dân tộc độc đáo, giúp cho bộ sưu tập nhạc cụ dân tộc của ông thêm đa dạng và phong phú.

NSND Xuân Hoạch trong một chương trình biểu diễn xẩm.

NSND Xuân Hoạch là một thành viên tích cực của Trung tâm phát triển Nghệ thuật âm nhạc Việt Nam (đóng tại đình Hào Nam, quận Đống Đa, Hà Nội). Ông đóng góp nhiệt tình cho Trung tâm như tham gia biểu diễn, dạy các loại nhạc cụ dân tộc, truyền lại các ngón đàn và dạy hát xẩm, mong muốn được góp sức mình bảo tồn, giữ gìn và phát triển những giai điệu đằm thắm quê hương…

NSND Xuân Hoạch đến với nghệ thuật hát xẩm từ lúc còn bé, khi ông cùng mẹ đi chợ hay mỗi lần đi tàu điện lại gặp những hát xẩm, càng nghe thì tiếng hát của những người khi đó đã ngấm vào trong ông. Dần dần ông bắt đầu tự học, cùng với tham khảo thêm một số người hát xẩm khi đó và bộ môn nghệ thuật này bắt đầu trở thành niềm đam mê của ông.

Theo NSND Xuân Hoạch, nghệ thuật hát xẩm có 8 làn điệu chính, ngoài ra, có thể mượn thơ để hát, hoặc mượn câu chèo và cải lương tạo sự mới mẻ cho người nghe. Ví như ông đã từng phổ lời theo thơ của nhà thơ Nguyễn Duy, Nguyễn Bính để hát cho du khách nước ngoài nghe và họ rất thích làn điệu này. Để hát xẩm theo ông thì cần phải tìm lời thơ dân dã bởi xẩm là nghệ thuật bình thường, địa bàn diễn không hề gò bó. Người hát xẩm phải thực sự đam mê, còn giọng hát có thể luyện mỗi ngày một chút, dần dần những câu từ trẩm bổng thế nào sẽ ngấm vào trong cảm nhận mỗi người. Hiện tại khi đã nghỉ hưu nhưng NSND Xuân Hoạch vẫn tiếp tục giúp đỡ hướng dẫn các nghệ sĩ trẻ của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam trong quá trình tập luyện hát xẩm và chơi đàn. Ngoài ra, ông còn mở thêm lớp dạy hát xẩm cho những người trung niên và các bạn trẻ có niềm đam mê với loại hình nghệ thuật âm nhạc dân gian này.

NSND Xuân Hoạch nổi tiếng với khả năng chơi rất nhiều loại đàn dân tộc truyền thống.

Bên cạnh được biết đến là một nghệ nhân gạo cội của nghệ thuật hát xẩm, nghệ sĩ nhân dân Xuân Hoạch còn được biết đến là nghệ nhân tài ba trong việc tự làm ra những cây đàn dân tộc. Chế tác ra một loại nhạc cụ dân tộc quả là một nghệ thuật mà ông chia sẻ rằng ban đầu chỉ làm vì sở thích. Ông đã chế tạo nhiều nhạc cụ dân tộc khác nhau như đàn bầu, đàn nhị, sáo… bằng chính những chất liệu dân gian như tre, trúc, bầu, tơ... Điều đặc biệt là những chiếc đàn NSND Xuân Hoạch làm là dây đàn được làm bằng sợi tơ mảnh nên thanh âm khác hẳn, nó ngọt ngào, sâu lắng và ấm áp hơn nhiều chất liệu khác. Không chỉ làm ra những cây đàn có âm thanh tinh khiết mà ở đó ông còn muốn chúng phải mang đậm dáng vẻ, hồn cốt Việt Nam. Ví như ý tưởng điểm hoạ tiết con chuồn chuồn tre vừa ngộ nghĩnh, bắt mắt lại rất Việt Nam mà trên thế giới không nơi nào có được trên đỉnh đàn.

Là người có kinh nghiệm làm nhạc công hơn 30 năm công tác tại Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam, theo nghệ sĩ nhân dân Xuân Hoạch thì trong số những cây đàn ông làm, đàn bầu là nhạc cụ có những công đoạn làm lâu nhất còn để chơi đàn thì mỗi loại nhạc cụ đều có đặc trưng riêng nhưng khó nhất là đàn nguyệt.

NSND Xuân Hoạch còn là người sáng tạo ra rất nhiều cây đàn độc đáo.

Những chiếc đàn do ông làm ra đều sử dụng chất liệu tơ của tằm để làm dây đàn nên thanh âm khác hẳn, nó ngọt ngào, sâu lắng.

Với những đóng góp của mình trong nền nghệ thuật âm nhạc dân tộc, nghệ sĩ Xuân Hoạch đã được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân năm 2007 và là một trong ba nghệ sĩ của Việt Nam được tổ chức World Masters - Những bậc thầy thế giới công nhận là nghệ nhân thế giới.

  • Từ khóa
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tiếp xúc với cử tri thành phố trước kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tiếp xúc với cử tri thành phố trước kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV

Chiều ngày 24/4, đồng chí Nguyễn Văn Huy, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình có buổi tiếp xúc với cử tri thành phố trước kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV....

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...