Những doanh nhân “đất lúa” thành đạt tại tỉnh Lào Cai

Thứ 2, 21/03/2016 | 10:50:06
6,560 lượt xem

Những đổi thay trên các mặt kinh tế - xã hội hiện nay ở tỉnh Lào Cai có một phần đóng góp không nhỏ của những người con quê hương Thái Bình, nhất là các doanh nhân thành đạt. Với tố chất cần cù, sáng tạo và nhạy bén trong sản xuất, kinh doanh, nhiều người con quê hương Thái Bình đến nay đã có vốn đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đồng, thậm chí là cả nghìn tỷ đồng.

Công ty Phú Hưng chú trọng đầu tư các sản phẩm mới trên thị trường bất động sản tại Lào Cai. 

“Mỗi cây rừng là một bát nước”

Ông là Hoàng Văn Tám- Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển năng lượng Phúc Khánh, người sở hữu cụm dự án thủy điện Nậm Tha gồm 6 nhà máy (từ Nậm Tha 1 - Nậm Tha 6) nằm trên suối Nậm Tha, huyện Văn Bàn. Cụm nhà máy thủy điện này có tổng công suất 85 MW, tổng mức đầu tư trên 1.500 tỷ đồng. Hiện nay, trong cụm dự án thủy điện Nậm Tha đã có 3 nhà máy phát điện lên lưới điện quốc gia. Điều đáng trân trọng hơn cả là tại các dự án thủy điện của Phúc Khánh, rừng luôn được bảo vệ và phát triển theo phương châm phát triển bền vững với câu nói của Giám đốc Hoàng Văn Tám: “Mỗi cây rừng là một bát nước”.

Ông Hoàng Văn Tám lập nghiệp tại Lào Cai cách đây hơn 20 năm, năm 1992 ông chuyển cả sự nghiệp doanh nhân của mình từ Thái Bình tới Lào Cai với những khát khao cháy bỏng là góp phần xây dựng quê hương mới. Và rồi đã có hàng chục công trình lớn được Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển năng lượng Phúc Khánh đảm nhận thi công xây dựng, trong đó phải kể đến là đường Hoàng Liên, Trần Hưng Đạo (thành phố Lào Cai) và nâng cấp các tuyến Quốc lộ 70, 4D, 4E, 279. Giờ đây, doanh nhân Hoàng Văn Tám xác định thực hiện đồng thời hai mũi sản xuất, kinh doanh chiến lược là xây dựng cơ bản và đầu tư thủy điện.

Đi lên từ… đất

Đó là ông là Bùi Duy Đông- Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất và xuất - nhập khẩu Phú Hưng, xã Bản Vược (Bát Xát). Năm 2006 ông Đông mới tới lập nghiệp tại Lào Cai với ngành nghề “sở trường” trước đó tại tỉnh Thái Bình là sản xuất gạch tuy-nen. Từ số vốn trên 80 tỷ đồng, ông Đông đã xây dựng 2 nhà máy sản xuất gạch tuy-nen tại xã Bản Vược và Bản Qua (Bát Xát) với công suất thiết kế 60 triệu viên/năm. Hai nhà máy đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 200 công nhân, trong đó có trên 80% là lao động tại địa phương.

Chưa dừng lại ở đó, hiện Công ty Phú Hưng đang đảm nhận thực hiện dự án xây dựng tiểu khu đô thị mới Phú Hưng tại Khu đô thị mới Lào Cai - Cam Đường. Khu đô thị có chiều dài 800 m, dọc đại lộ Trần Hưng Đạo, diện tích toàn khu gần 3 ha, tại đây Phú Hưng đang cho xây dựng hàng chục villa thương mại, các ngôi nhà liền kề 3 - 4 tầng có kiến trúc, quy mô hiện đại nhằm cung ứng nhu cầu về nhà ở cho cư dân trên địa bàn.

“Mê xe như điếu đổ”

Anh Nguyễn Huy Long, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí tổng hợp Huy Long luôn khẳng định mình là người say mê xe ôtô từ nhỏ. Bởi vậy mà khi trưởng thành, anh đã quyết tâm theo nghề cơ khí, sửa chữa ôtô, xe máy công trình.

Anh Nguyễn Huy Long (sinh năm 1972) thành lập doanh nghiệp khi vừa tròn 30 tuổi với ngành nghề kinh doanh là cung ứng phụ tùng và sửa chữa ôtô các loại. Với tay nghề cao, công tác tổ chức sản xuất, kinh doanh tốt, hoạt động có uy tín, nên đến nay, Công ty Huy Long đã mở rộng mô hình kinh doanh với 3 showroom ôtô, xe máy công trình tại đường Hoàng Liên, đường Trần Hưng Đạo và một số xưởng sửa chữa, cửa hàng cung ứng phụ tùng.

Hiện, thị phần xe hơi và phụ tùng thay thế, dịch vụ sửa chữa, cứu hộ giao thông của Huy Long đã chiếm phần lớn tại thị trường Lào Cai. Trong khi đó, các showroom của Huy Long đã trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều khách mua xe tại các tỉnh như Lai Châu, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang. Nhờ đó mà doanh thu, mức thu nộp ngân sách Nhà nước của Công ty Huy Long qua các năm đều tăng lên.

Kinh doanh với “tấm lòng nhân văn”

Người con quê hương Thái Bình, doanh nhân Bùi Văn Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hưng Tín có nói liên tục hàng giờ vẫn không nguôi các đề tài về văn hóa kinh doanh, đạo đức doanh nhân, giao dịch thân thiện, về đề tài thương hiệu Việt, về Cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”…

Sinh năm 1953, ông Khanh chỉ đến với nghiệp kinh doanh khi đã nghỉ hưu, nhưng vẫn dành trọn tình yêu, trí lực cho hoạt động này. Ban đầu ông Khanh tập trung sản xuất và xây dựng thương hiệu nước RO Hưng Tín. Đến nay, sản phẩm này đã chiếm tới hơn 70% thị phần nước lọc cùng loại trên địa bàn tỉnh. Tiếp đó, Công ty Hưng Tín mở rộng sang lĩnh vực kinh doanh vật liệu xây dựng cao cấp. Hơn 1.000 loại sản phẩm của Hưng Tín trên thị trường hiện nay chủ yếu là của các thương hiệu, nhà máy lớn trong nước hoặc liên doanh. “Quan điểm của tôi là hướng tới kinh doanh các sản phẩm sản xuất trong nước, chỉ khi sản phẩm đó chưa có mới nhập ngoại, nhưng phải là đến từ Nhật Bản hoặc các nước châu Âu” - ông Khanh cho biết. 

Còn rất nhiều gương mặt doanh nhân là những người con quê hương Thái Bình thành đạt trên đất Lào Cai đang được nhiều người biết tới như ông Hoàng Minh Tuấn (anh trai ông Hoàng Văn Tám - Tổng giám đốc Công ty Nam Tiến), ông Trần Ích Sơn (Giám đốc Công ty Minh Sơn), ông Nguyễn Đức Trâm (người sáng lập Công ty Quyết Tiến), ông Phạm Văn Khâm (Giám đốc Công ty TNHH Toàn Thắng), ông Đặng Thế Lục (Giám đốc Công ty Đông Hải)…

  • Từ khóa
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...