Tháng ba, như một nốt nhạc trầm bổng của thiên nhiên, mưa thật nhẹ, gió cũng thật khẽ và những tia nắng cũng thật mong manh. Khoảnh khắc giao thoa diệu kỳ giữa những ngày cuối cùng của mùa xuân khiến cho ta bâng khuâng, xao xuyến. Giữa phố phường, bất chợt gặp sắc hoa gạo rực đỏ. Qua triền đê bắt gặp chùm hoa xoan tim tím, thơm đến nao lòng, khiến ta muốn trở về chốn bình yên, trong trẻo của tuổi thơ trong miên man khúc nhạc giao mùa tháng ba.
Ta xa quê đã mấy mùa dầu dãi
Chốn thị thành rực rỡ sắc màu qua
Vẫn nhói lòng trước màu hoa dân dã
Cõi thẳm sâu thắp lửa gọi ta về...
( Tác giả Hạnh Ly)
Những câu thơ của tác giả Hạnh Ly, thôi thúc chúng tôi tìm về những làng quê, tìm về loài hoa của tháng 3. Mỗi loài hoa, mỗi làng quê đều ẩn chứa trong mình những nét đẹp riêng. Nhưng có một loài hoa chỉ nở rộ trong tháng ba, ấy là hoa gạo, hay còn gọi là hoa mộc miên, hoa của làng quê. Không dấu mình, e ấp trong kẽ lá như những bông hoa bưởi tinh khôi, hoa gạo đỏ thắm như cháy hết mình gợi cho ta nhớ về sự tích ra đời của hoa gạo.
“ Truyền thuyết dân gian kể rằng ngày xưa có đôi uyên ương chuẩn bị hôn lễ thì gặp mưa to lũ lớn, cuốn trôi hết lễ vật của họ nhà trai. Chàng bèn lên trời khiếu nại, nhưng Ngọc Hoàng lại giữ chàng trai lại làm thần mưa, khiến nàng ở lại dưới trần gian ngày đêm vò võ trông đợi. Một ngày tháng 3, Ngọc Hoàng thương xót cho nàng một điều ước, nàng xin được biến thành một loài cây có rễ bám thật sâu vào lòng đất, thân to, vươn lên trời cao để nàng có thể nhìn thấy chàng, đặc biệt cây có hoa đỏ tươi năm cánh là hình ảnh của kỷ vật hẹn thề chàng trao tặng. Điều ước toại nguyện, từ đó hằng năm vào tháng 3, mộc miên trổ hoa đỏ thắm thôn làng.”
Đó là câu chuyện trong truyền thuyết, còn với những người dân quê ở đây, hai cây hoa gạo có tuổi đời hàng trăm năm này, lại gắn liền với lịch sử hình thành của mảnh đất nơi đây. Ông Phạm Đăng Đệ, năm nay đã ngoài 80 tuổi, cũng ngần ấy thời gian ông đã chứng kiến bao sự đổi thay của làng quê. Nhưng chỉ có hoa gạo là vẫn thế. Với ông, hoa gạo không chỉ mang vẻ đẹp đơn thuần mà đó chính là niềm tự hào, là hồn cốt của làng quê. Là bóng dáng của tổ tiên, những tiên công đã có công khai hoang, lập ấp Thuận Nghiệp, nay là thôn Thuận Nghiệp, xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư.
Ông Đệ cho biết thêm: Làng Thuận Nghiệp trước đây là ấp Thuận Nghiệp, do hai cụ trong dòng họ Phạm làm quan thời Vua Minh Mạng. Khi cụ về quê ở Thuận Vi, cụ xuống vùng đất này khai hoang, lập nên ấp Thuận Nghiệp. Đầu tiên dân làng xây đình, sau đó là đào hồ bán nguyệt và trồng 5 cây gạo gọi là ngũ phúc. Bây giờ chỉ còn 2 cây trước hồ. Tôi nhớ nhất tuổi thơ, chúng tôi hay leo trèo để bắt chim.Những người đi xa bao giờ cũng nhớ cây gạo vì leo lên cao có thể quan sát được toàn thành phố Nam Định. Vì vậy đi xa cứ nhìn thấy cây gạo là nhìn thấy quê hương của mình, nhớ về tổ tiên của mình xưa .
Trong khúc giao mùa tháng ba, cứ như lời hẹn ước, cùng với hương bưởi, hương xoan giăng mắc khắp đất trời, cùng với hoa gạo trên cao đỏ rực gọi hè về thì khắp bờ ao ngõ xóm, lại sáng bừng lên bởi màu trắng tinh khiết và hương vị ngọt ngào của hoa dành dành.
Khúc giao mùa tháng ba, với các nghệ sỹ là những rung cảm sâu sắc từ tâm hồn nhạy cảm trước sự chuyển giao của thiên nhiên. Trước cái se lạnh của mùa xuân sắp tan biến để nhường chỗ cho những ngày hạ cháy. Họ cũng như vội vàng hơn, đam mê hơn, để níu giữ lại những khoảnh khắc tuyệt đẹp của khúc giao mùa tháng ba.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hữu Dụng, Hội văn học Nghệ thuật Thái Bình chia sẻ: Khúc giao mùa nó thôi thúc và nó làm con người ta xao xuyến lên, rồi có thể thôi thúc tiềm năng để nó bật ra thành tác phẩm đẹp. Hoa mang lại rất nhiều cảm xúc, đặc biệt với nghệ sỹ nhiếp ảnh. Mỗi lần về mang một cảm xúc riêng, từ cây hoa, cây cảnh, đi vào dịp tháng ba, các loại hoa tháng 3, mang đặc trưng, chuyển đổi khí hậu, nó mang cảm xúc riêng cho mỗi người đặc biệt là khi sáng tác.
Chị Vũ Thị Oanh, xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư, người sinh ra, lớn lên, đi học, rồi lại trở về quê hương sinh sống và công tác. Chị luôn thấy hạnh phúc khi được sống trong khung cảnh thiên nhiên hữu tình như quê chị.
Chị Oanh chia sẻ: Thời tiết giao mùa chuyển từ mùa xuân sang mùa hè, mùa xuân muôn hoa khoa sắc chuẩn bị sang mùa hè tôi thấy hơi nao lòng, hơi luyến tiếc về mùa xuân đã qua. Tuy nhiên, khi mùa xuân qua, mùa hè đến thì lại bừng lên các loài hoa khác nữa.
Để có những bông hoa, những vườn hoa đẹp, làng vườn, làng hoa Bách Thuận luôn có những người con gắn bó với nghề trồng hoa, cây cảnh. Có lẽ không có nơi nào ở vùng đất đông cư dân như Thái Bình lại có đặc điểm thổ nhưỡng, thổ cư đặc biệt như nơi đây. Mỗi nhà như một ốc đảo xanh, vườn nối vườn, cây nối cây, hoa nối hoa. Sự cần cù, nhẫn nại, bàn tay khéo léo của con người nơi đây đã giúp cho những sắc màu tươi mới luôn phủ kín từng góc sân, mảnh vườn.
Anh Trần Văn Sanh, thôn Bách Tính, xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư, một người làm vườn tâm sự: Tôi làm nghề truyền thống của quê hương từ rất lâu rồi. Bởi tôi rất yêu hoa, yêu thiên nhiên, tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi được làm nghề trồng hoa, cây cảnh này. Vì trồng hoa đã mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho gia đình.
Với chị Nguyễn Thúy Hằng, những cảm xúc trong thời khắc giao mùa đã bật lên những vần thơ về tháng ba nhẹ nhàng mà sâu lắng:
“ Tháng ba nồng nàn sâu lắng phải ko em?
Hoa gạo nở cháy bùng lên sắc đỏ
Dâu mỡ màng non chạm vào là ứa nhựa
Nhịp sống phập phồng mâng mẩng giữa ngàn cây
Hương đất tình người hoa trái nơi đây
Ru ta lạc giữa vùng huyền thoại
Tháng ba ơi xin tháng ba ở lại
Thắp ngọn lửa hồng cháy sáng mãi trong nhau".
Phạm Hương
Hôm nay 12/12, ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVII. Kỳ họp đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân trong tỉnh. Các cử tri đều...
Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XVII diễn ra từ ngày 10/12 đến ngày...
Việc giải quyết KỊP THỜI những ý kiến, kiến nghị của cử Không những giúp...
Từ 1/7 vừa qua, mức lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu...
Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...
Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc...
Trong khuôn khổ hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mở rộng sơ kết giữa...
Chiều 27/10, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến góp ý Dự...