Giữa những bộn bề của cuộc sống thường nhật, phong trào văn hóa, văn nghệ tại địa phương như khoảng lặng thu hút bao thế hệ người tập, người xem, hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống là chiếc cầu nối giúp cho mọi người xích lại gần nhau hơn. Có lẽ chính bởi lý do đó, mà giờ đây ở Thái Bình đã hình thành tới hàng trăm câu lạc bộ văn nghệ quần chúng tại các địa phương.
Đội văn nghệ của xã Quỳnh Nguyên tập luyện tiết mục mới.
Đến với xã Quỳnh Nguyên,huyện Quỳnh Phụ (xã đạt chuẩn nông thôn mới vào tháng 3 năm 2016), có lẽ điều ấn tượng với bất cứ ai, không chỉ là cơ sở vật chất văn hóa đã được xây dựng khang trang mà còn là tình yêu văn nghệ của những người dân quê nơi đây. Cả 5 thôn ở xã Quỳnh Nguyên đều có đội văn nghệ quần chúng. Trong đó, mỗi thôn có 2-3 đội văn nghệ thường xuyên luyện tập và tổ chức giao lưu biểu diễn phục vụ nhân dân trong xã ngoài làng.
Là một thành viên luôn tích cực tham gia vào những phong trào văn hóa văn nghệ tại địa phương, chị Khổng Thị Huế, giáo viên trường Mầm non xã Quỳnh Nguyên chia sẻ rằng: “Đặc thù công việc nhiều bận mải, áp lực nhưng cứ tối tối, chị lại cùng các chị em trong đội văn nghệ hăng say tập luyện những ca khúc, điệu múa ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, ca ngợi cuộc sống ấm no, tươi đẹp. Có lẽ cũng bởi thế mà mọi mỏi mệt sau một ngày làm việc dường như tan biến, tinh thần phấn chấn hơn và cũng cảm thấy yêu quê hương, xóm làng nhiều hơn.”
Tạm biệt các câu lạc bộ văn nghệ sôi nổi của xã Quỳnh Nguyên (huyện Quỳnh Phụ), chúng tôi trở về xã Vũ Thắng, huyện Kiến Xương và tới thăm gia đình ông Thăng, bà Trình để được đắm chìm trong những làn điệu chèo ngọt ngào, sâu lắng. Câu lạc bộ chèo xã Vũ Thắng được ông Thăng, bà Trình gây dựng nên đã được hơn 10 năm nay cùng những thành viên là người dân quê chân lấm tay bùn. Với cái chất mộc mạc mà tinh tế, giản dị mà trữ tình, người dân quê nơi đây yêu chèo như yêu chính bản thân họ, hát chèo là hát bằng cả tâm hồn. Cuộc sống lao động vất vả, mệt nhọc nhưng những làn điệu chèo được cất lên đã xua tan đi sự mệt mỏi đó. Góc sân nhà ông bà bởi thế cũng trở thành sân khấu thân thuộc với bà con trong xóm ngoài làng. Là một khán giả của chiếu chèo ông Thăng, bà Trình đã từ nhiều năm qua, ông Đặng Xuân Bưởi ( xã Vũ Thắng, huyện Kiến Xương) hào hứng chia sẻ rằng: "Câu lạc bộ rất là nhiệt tình, tâm huyết và có thể nói là rất tích cực xây dựng phong trào văn hóa văn nghệ, góp phần xây dựng đời sống văn hóa của địa phương."
Phong trào văn nghệ trong gia đình ông Cách.
Trong khi quy mô hộ gia đình nhiều thế hệ đang có nguy cơ thu nhỏ lại, nhịp sống công nghiệp hóa, hiện đại hóa khiến cho mỗi thành viên ngày càng dành ít thời gian hơn cho gia đình thì khi đến thị trấn Vũ Thư, chúng tôi lại có dịp được gặp gỡ gia đình ông Cách, bà Thơ. Ba thế hệ trong đại gia đình ông bà cùng chung sống hòa thuận, yên vui dưới một mái nhà. Và điều đặc biệt là các thành viên đều có tình yêu sâu đậm với nghệ thuật hát văn, hát chèo cổ truyền của quê lúa.
Ông Phạm Thọ Cách cho biết: “Bản thân tôi cảm thấy rất hạnh phúc và vui mừng khi cả gia đình mình có thể đóng góp một phần bé nhỏ trong phong trào văn hóa văn nghệ của địa phương, góp phần xây dựng đời sống văn hóa. Tôi cũng mong muốn có thể mang lời ca tiếng hát đến với nhiều người hơn, đặc biệt là thế hệ trẻ để các cháu thanh thiếu niên hiểu hơn và yêu hơn những loại hình nghệ thuật cổ truyền của quê hương.”
Hai đứa cháu nhỏ của ông Cách, bà Thơ mới ở tuổi chưa biết đọc chữ, đánh vần nhưng đã có thể đệm trống, gảy đàn cho mẹ hát và trở thành một phần không thể thiếu của ban nhạc gia đình mỗi khi biểu diễn trong những dịp trọng đại của làng, xã. Trước đây, chị Nguyễn Thị Huyền - con dâu của ông Cách, bà Thơ, cũng mới chỉ biết và yêu nghệ thuật hát văn. Nhưng từ ngày về làm dâu trong nhà, chị đã có thể tự tin hát và biểu diễn thuần thục nhiều ca khúc. Những khi rảnh rỗi, chị lại được bố mẹ chồng dạy từng làn điệu, tập từng câu hát. Thấy mẹ học, hai con của chị cũng tập theo. Vậy là tình yêu với nghệ thuật cổ truyền của cha ông cứ bỗng nhiên lớn dần theo năm tháng! Chị Huyền tâm sự: “ Giờ đây đã thành thói quen, dù có làm việc gì hay đi đâu thì cũng lẩm nhẩm hát. Cuộc sống trở nên vui vẻ hơn và cũng thấy yêu gia đình của mình nhiều hơn.”
Phong trào văn nghệ làm cho người dân thêm yêu cuộc sống hơn.
Dù trong bao lo toan vất vả vì cuộc mưu sinh, nét đẹp văn hóa cổ truyền từ những câu chèo, điệu múa,... vẫn luôn được nhân dân trân trọng, bảo tồn và phát huy. Vẫn còn đó nhiều tấm gương là những hạt nhân trong phong trào văn hóa, văn nghệ tại cơ sở. Họ làm tròn nghĩa vụ công dân, sống có trách nhiệm với xã hội, trở thành điểm tựa tinh thần để cộng đồng noi theo. Đó cũng chính là những nhân tố tích cực, góp phần nhỏ bé của mình cùng cộng đồng xây dựng quê hương ngày càng ấm no, xã hội văn minh, hạnh phúc.
Chiều 25.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Sáng 23.11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ...
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ Tám, sáng ngày 22.11, các đại biểu Quốc...
Sáng ngày 21.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết...
Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...
Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc...
Trong khuôn khổ hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mở rộng sơ kết giữa...
Chiều 27/10, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến góp ý Dự...