Thí điểm 'hộ chiếu vaccine': Mở ra cơ hội phục hồi cho du lịch Việt Nam

Thứ 7, 19/06/2021 | 00:00:00
381 lượt xem

Sau phiên họp về tình hình phòng, chống dịch COVID-19 vào ngày 11/6, Bộ Chính trị đã kết luận về một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có việc “nghiên cứu cho thí điểm sử dụng hộ chiếu vaccine với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh, như Phú Quốc, Kiên Giang”.

Hộ chiếu vaccine chứng minh một cá nhân đã được tiêm chủng đầy đủ vaccine ngừa COVID-19

Các chuyên gia du lịch đánh giá, nếu thí điểm thành công và an toàn thì sẽ nhanh chóng mở rộng ra các điểm du lịch khác. Đó cũng là cơ hội để du lịch Việt Nam đón khách trở lại, với cả khách quốc tế và nội địa, du lịch nước ta phục hồi trở lại sau khủng hoảng nặng nề do dịch COVID-19.

Nhiều nước triển khai hộ chiếu vaccine

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế): Hộ chiếu vaccine thực chất là giấy chứng nhận cho một người đã tiêm đủ số mũi vaccine theo khuyến cáo của nhà sản xuất hoặc cơ quan quản lý nhà nước, thông thường là 2 mũi.

Hiện nay nhiều nước trên thế giới áp dụng và triển khai mạnh mẽ chính sách “hộ chiếu vaccine” để nhanh chóng phục hồi các hoạt động du lịch và giao thương quốc tế.

Theo ông Nguyễn Văn Gia, chuyên gia về phát triển điểm đến du lịch, việc tiêm vaccine phòng COVID-19, áp dụng hộ chiếu vaccine đã góp phần xóa bỏ rào cản đi lại, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có mở cửa du lịch trở lại. Ở châu Âu, Italy, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Croatia, Iceland là các quốc gia đã mở cửa cho khách du lịch từ Mỹ. Dự báo, các quốc gia khác của châu Âu cũng sẽ mở cửa cho khách quốc tế khi mùa du lịch hè đang tới. Từ đầu tháng 6/2021, Đức, Hy Lạp, Đan Mạch, Bulgaria, Czech, Croatia và Ba Lan đã triển khai hộ chiếu vaccine, sớm hơn một tháng so với kế hoạch chung của Liên minh châu Âu (EU) là từ ngày 1/7. Đây là hành động để chuẩn bị cho mùa du lịch hè trở lại sau thời gian người dân bị hạn chế đi lại quá lâu để phòng, chống dịch.

Hy Lạp là một trong những quốc gia đi đầu trong nỗ lực khôi phục du lịch với sự trợ giúp của hộ chiếu vaccine. Còn nước Pháp, bắt đầu mở cửa biên giới đón du khách quốc tế trở lại từ ngày 9/6. Khách châu Âu đã tiêm vaccine không cần xét nghiệm, khách từ nơi khác đã tiêm vaccine vẫn phải kèm kết quả âm tính.

Ở Đông Nam Á, Thái Lan cho biết du khách nước ngoài đến Phuket từ ngày 1/7 sẽ không bị cách ly. Thời gian họ phải ở trên đảo trước khi tới tham quan các nơi khác của đất nước là 14 ngày. Đối tượng khách được phép nhập cảnh Phuket trong giai đoạn đầu là đã tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID-19, trẻ em dưới 6 tuổi và đến từ các quốc gia nằm ở mức có nguy cơ dịch bệnh thấp, trung bình. Du khách từ 6-18 18 tuổi sẽ được làm xét nghiệm kháng nguyên tại sân bay…

Nhiều chuyên gia du lịch đều cho rằng: Nếu Việt Nam sớm chuẩn bị, đề ra các giải pháp kỹ thuật và sẵn sàng ban hành cơ chế, chính sách hợp lý trong bối cảnh này thì sẽ tạo ra thế mạnh cho du lịch Việt Nam. Cụ thể là du lịch nước ta sẽ thu hút và đáp ứng nhu cầu đi du lịch của rất nhiều người trên thế giới đã có được hộ chiếu vaccine. Bên cạnh đó, chính sách hộ chiếu vaccine cũng góp phần kịp thời khôi phục các hoạt động vận chuyển hàng không, mặt đất và dịch vụ bổ trợ khác…, góp phần hoàn thành các mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế xã hội, một lần nữa khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Dù nhiều nước trên thế giới đã triển khai hộ chiếu vaccine nhưng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho đến nay vẫn chưa ủng hộ ý tưởng cấp hộ chiếu vaccine để thúc đẩy hoạt động đi lại. Tổ chức Y tế thế giới cho rằng hiện chưa phải là thời điểm để sử dụng hộ chiếu vaccine, bởi vẫn còn nhiều ẩn số liên quan đến hiệu quả của tiêm chủng trong việc ngăn ngừa COVID-19, trong khi nguồn cung cấp vaccine vẫn còn hạn chế.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cũng cho rằng, hộ chiếu vaccine chỉ có hiệu quả khi trong nước đạt được miễn dịch cộng đồng, nghĩa là 70% dân số trở lên được tiêm chủng. Do đó khi áp dụng hộ chiếu vaccine, chúng ta phải lưu ý, xem xét và thông tin đầy đủ để áp dụng, triển khai đảm bảo hiệu quả và an toàn.

Bộ Y tế đưa ra 3 phương án thực hiện hộ chiếu vaccine. Trong đó, nhóm đối tượng thứ nhất là người Việt Nam bị mắc kẹt ở nước ngoài. Thứ hai là người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam đầu tư, kinh doanh và thứ ba là khách du lịch quốc tế.

Triển khai phải đảm bảo an toàn

Chú thích ảnhTiêm nhắc lại mũi 2 tiêm vaccine phòng COVID-19

Hiện tỉ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Việt Nam vẫn còn khiêm tốn, chưa thể đạt miễn dịch cộng đồng nên nếu triển khai ồ ạt hộ chiếu vaccine với người từ nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam mà không quản lý chặt thì có thể làm lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng, nguy cơ không kiểm soát được.

Vì vậy, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu đề xuất, trước mắt Việt Nam có thể áp dụng mô hình "du lịch ít tiếp xúc". Nghĩa là những người có hộ chiếu vaccine có thể nhập cảnh, được xét nghiệm COVID-19, cách ly tập trung trong số ngày hợp lý, đến những nơi không có giao lưu đi lại và tập trung đông người. Tất cả các  hoạt động này phải được giám sát chặt chẽ và thống nhất giữa Bộ Y tế cùng các Bộ, ngành liên quan. Việt Nam cần có chiến lược để công nhận hộ chiếu vaccine với các nước theo hình thức song phương hoặc một khu vực. Trước mắt thí điểm áp dụng hộ chiếu với một vài nước có tỷ lệ tiêm chủng cao, với loại vaccine đạt hiệu quả miễn dịch cao, được tổ chức y tế có uy tín phê chuẩn…

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng giám đốc công ty du lịch AZA Travel đề xuất thử nghiệm hộ chiếu vaccine trước tiên tại thị trường nội địa. Ông chia sẻ: Đã giữa hè 2021 nhưng các công ty du lịch, khách sạn, du thuyền, hàng không… Việt vẫn đang phải “ngủ đông và mơ những cơn ác mộng”. “Cơn bão” mang tên COVID-19 lần thứ 4 có lẽ là cú "nốc ao" khiến nhiều doanh nghiệp du lịch, nhà hàng, khách sạn, du thuyền, các cơ sở dịch vụ… vốn đã điêu đứng qua 3 lần dịch trước, giờ thêm khó khăn bội phần.  

Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Việt Nam đã và đang chống dịch rất tốt. Tuy nhiên, chỉ có vaccine và miễn dịch cộng đồng mới giúp chúng ta trở lại cuộc sống bình thường. Chính vì vậy mà Chính phủ và cả xã hội đang chạy đua để có nguồn vaccine để tiêm đại trà cho người dân.  Với ngành du lịch, nhân sự ở các vị trí tiếp xúc với khách hàng thường xuyên sẽ cần là đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine. Doanh nghiệp du lịch tuỳ theo khả năng của mình cũng có thể tham gia đóng góp vào Quỹ vaccine phòng COVID-19 để được ưu tiên tiêm vaccine cho nhân sự doanh nghiệp mình, tạo sự an toàn khi mở cửa đón khách.

Vấn đề hộ chiếu vaccine hiện đã được một số nước châu Âu như Hi Lạp, Đan Mạch, Pháp… triển khai, các nước châu Á như Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc cũng đang bắt đầu tiến hành thử nghiệm. Do là vấn đề mới và còn nhiều băn khoăn nên ông Nguyễn Tiến Đạt đề xuất Việt Nam nên thử nghiệm hộ chiếu vaccine trước tiên là trong nội địa, cho du lịch nội địa bằng cách miễn hoặc giảm các biện pháp cách ly, xét nghiệm…cho người đã có hộ chiếu vaccine, nhất là người từ các vùng “an toàn”. Vì hiện nay nhiều tỉnh, thành phố chỉ mở cửa cho du lịch nội bộ cho người trong tỉnh, trong khi người ngoại tỉnh kể cả có hộ chiếu vaccine thì vẫn không được vào hoặc vẫn phải xét nghiệm phức tạp, cách ly… do chưa có quy định ưu tiên cho người mang hộ chiếu vaccine. Việc thử nghiệm hộ chiếu vaccine CVOID- 19 tại thị trường nội địa sẽ dễ thực hiện và dễ điều chỉnh hơn nhiều. Từ thực tế triển khai ở thị trường du lịch nội địa nếu thành công sẽ triển khai hộ chiếu vaccine đón khách quốc tế mang hộ chiếu vaccine có chọn lọc từ các thị trường tương đối an toàn.

Ông Nguyễn Tiến Đạt cũng cho rằng điểm đón tại Việt Nam cho khách quốc tế mang hộ chiếu vaccine có thể ban đầu là Phú Quốc (tương đối biệt lập), nếu thành công và an toàn sẽ mở rộng ra các điểm du lịch khác. Hình thức tour thử nghiệm đón khách quốc tế mang hộ chiếu vaccine có thể là tour golf, tour nghỉ dưỡng (với tính chất thoáng, ít tiếp xúc nhiều người nên nguy cơ lẫn nhiễm ít hơn). Từ đó Việt Nam sẽ có cơ hội đón khách quốc tế, phục hồi du lịch nhanh hơn hoặc ít nhất là không bị tụt hậu so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Nhật Bản…

Các đơn vị lữ hành, du lịch và chuyên gia đều cho rằng để đưa hoạt động du lịch trở lại cần phải có lộ trình, giải pháp và những bước đi thận trọng. Mấu chốt nhất là phải đảm bảo an toàn cho du khách và phải xây dựng được các điểm đến an toàn. Để chuẩn bị đón khách quốc tế trở lại trong thời gian tới, nhiều đơn vị lữ hành, du lịch đã kết nối, trao đổi, chia sẻ thông tin du lịch Việt Nam với các đối tác nước ngoài; nghiên cứu rất kỹ thị trường, nhu cầu, cách triển khai chắc chắn, an toàn, hiệu quả và phù hợp với thực tiễn...

Nguồn TTXVN

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận tại Tổ về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận tại Tổ về các dự án Luật

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ Tám, sáng ngày 22.11, các đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình thảo luận tại tổ 10 gồm: đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Thái Bình, Đắk Nông, Tiền Giang, về dự án Luật Thuế...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...