Giải pháp thực hiện tiêu chí môi trường tại Đông Hưng

Thứ 4, 31/12/2014 | 16:42:49
2,750 lượt xem

Tiêu chí môi trường trong Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới (NTM) hướng tới mục tiêu: Bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện môi trường khu vực nông thôn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và thay đổi bộ mặt làng quê. Những năm qua, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình đã có nhiều giải pháp thiết thực, huy động sự hưởng ứng của người dân và sự vào cuộc của chính quyền các địa phương. Năm 2014, hơn 50% số xã ở Đông Hưng đã hoàn thành tiêu chí môi trường.

 

Tổ thu gom rác tại xã Mê Linh, huyện Đông Hưng

* Mô hình xử lý rác sinh hoạt hiệu quả tại xã Mê Linh

Gần 1 năm nay, gia đình bà Bùi Thị Ngót, thôn Tiền, xã Mê Linh đã hình thành thói quen phân loại rác thải ngay từ khi loại bỏ. Bà Ngót cùng rất nhiều hộ gia đình trong thôn được xã hỗ trợ 02 thùng đựng rác để thực hiện điểm mô hình này. Rác được chia làm 02 loại: Rác vô cơ (gồm túi nilon, nhựa, chai lọ, vỏ đồ hộp,...) bỏ riêng đúng nơi quy định để tổ thu gom mang về bãi rác tập trung). Rác hữu cơ dễ phân hủy (gồm lá cây, cành cây nhỏ, hoa quả, thực phẩm nhà bếp, bã trà,...) được tận dụng làm phân bón cho cây cối trong vườn. Khu vườn của gia đình bà Ngót thời gian gần đây luôn phát triển tốt nhờ loại phân bón này. Mô hình phân loại rác thải tại nguồn không chỉ tạo ra những thuận lợi trong công tác vệ sinh môi trường của xã, giảm số lượng rác phải chôn lấp hàng ngày, thay đổi cơ bản thói quen sinh hoạt của bà con, mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cho nhiều người dân trong xã.

Bà Bùi Thị Ngót đã tận dụng rác hữu cơ ủ thành phân bón cho cây trồng

Bà Bùi Thị Ngót, thôn Tiền, xã Mê Linh cho biết hiệu quả việc tận dụng rác để làm phân bón cho cây: “ Cây thì nói chung nhà tôi nhiều loại cây nhưng trồng phân rác thải này thì tôi thấy chuối quả mập lắm, to, cây bụ, cứ hàng ôm nên rất tốt, rau cũng rất tốt, vừa thuận tiện cho vệ sinh môi trường, vừa đỡ tốn kém kinh phí trong gia đình.”

Thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường cùng với mô hình phân loại rác thải tại nguồn, xã Mê Linh còn sớm thành lập 07 tổ tự quản vệ sinh môi trường tại các thôn. Đây là lực lượng hạt nhân nòng cốt giúp phổ biến nâng cao nhận thức của người dân trong việc giữ gìn môi trường sống xanh - sạch - đẹp. Mỗi tổ có từ 2 – 3 thành viên. Tuần 3 lần, tổ trực tiếp làm công tác thu gom, vận chuyển rác tới địa điểm chôn lấp đúng quy định. Bên cạnh việc thực hiện tốt lịch thu gom, tổ còn thường xuyên có mặt trên các tuyến đường là “điểm nóng” của tình hình vệ sinh môi trường như: Khu vực trung tâm xã, khu vực gần chợ, để quét dọn rác thải và nhắc nhở ý thức người dân. Sau các đợt mưa bão, tổ tự quản là những người đầu tiên có mặt trên các tuyến đường để dọn dẹp cây cối, vật cản, tạo sự thông thoáng cho người và xe cộ lưu thông. Sự nhiệt tình của các thành viên tổ tự quản đã góp phần thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân. Họ tự nguyện đóng góp kinh phí mua sắm trang thiết bị, duy trì hoạt động cho tổ, tuyên truyền viên tích cực nhắc nhở các thành viên trong gia đình vứt rác đúng nơi quy định, hạn chế tình trạng xả rác bừa bãi.  Chị em chúng tôi làm có khi nắng, đường xá xa xôi rất vất vả nhưng chúng tôi quyết tâm nhiệt tình làm cho thôn xóm sạch, làng ngõ sạch  để tăng sức khỏe cho bà con xã viên... Ngoài ra, chúng tôi còn động viên bà con cùng tham gia nên đường làng của chúng tôi bây giờ sạch sẽ.” Bà Nguyễn Thị Lục, tổ thu gom rác thôn Hậu, xã Mê Linh cho biết về sự chuyển biến tích cực của người dân trong công  tác môi trường.

Ngay từ khi triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, xã Mê Linh đã coi tiêu chí môi trường là một trong những tiêu chí đầu tiên cần phải hoàn thành. Năm 2012, khu xử lý rác thải tập trung của xã xây xong với diện tích 1,1ha, đạt tiêu chuẩn xa khu dân cư, xa nguồn nước, tránh đầu gió, tổng vốn đầu tư lên tới 2,3 tỷ đồng. Ngay sau khi hoàn thành khu chôn lấp, các bãi rác tự phát trên địa bàn được xử lý và chuyển về đây, trả lại sự trong lành cho môi trường ở các khu dân cư.

Năm 2015, Mê Linh là một trong những xã dự kiến được tỉnh và huyện hỗ trợ xây dựng lò đốt rác. Để đảm bảo tiêu chí môi trường giữ được bền vững ông Trần Văn Tặng, Chủ tịch UBND xã Mê Linh cho hay: “ Là một địa phương đã được công nhận tiêu chí môi trường đạt chuẩn Quốc gia, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì tốt các chế độ trong việc quản lý môi trường, đặc biệt là vận động nhân dân cùng chung tay góp sức bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp ở địa phương, góp phần cho sự phát triển kinh tế -  xã hội những năm tiếp theo.”

 Tháo gỡ khó khăn về tiêu chí môi trường

Huyện Đông Hưng đã có 43/44 xã đã quy hoạch khu xử lý rác tập trung

Cùng với xã Mê Linh, đến nay 42 xã trên địa bàn huyện Đông Hưng đã có tổ thu gom rác thải. Toàn huyện có 43/44 xã đã quy hoạch khu xử lý rác tập trung. Huyện có kế hoạch chỉ đạo xây dựng 06 lò đốt rác ở 06 xã, trong đó đang xây dựng thí điểm lò đốt rác tại xã Đông Xuân. Dự kiến đến hết năm 2020, Đông Hưng có 50% số xã đã hoàn thành lò đốt rác. Về cơ bản, công tác thu gom xử lý rác thải ở các địa phương đã có bước tiến bộ lớn so với những năm trước. Tuy nhiên, một số xã vẫn tồn tại những khó khăn khi thực hiện tiêu chí môi trường. Một trong các nguyên nhân là do nhận thức của chính quyền xã và một bộ phận người dân còn hạn chế, chưa thấy rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc triển khai thực hiện tiêu chí môi trường, chưa thực sự quan tâm đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường, còn nặng tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước. Kinh phí sự nghiệp môi trường của các xã đều được huyện quan tâm phân bố hàng năm, nhưng việc sử dụng của một số địa phương còn thụ động, chưa mang lại hiệu quả thiết thực. Mặt khác, chế độ thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế cho xây dựng nông thôn mới nói chung, tiêu chí 17 nói riêng có những nơi còn chưa phù hợp nên khó thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực môi trường.

Để giải quyết những khó khăn còn tồn tại, huyện Đông Hưng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn tổ chức thực hiện tiêu chí môi trường tại các xã, bằng nhiều hình thức như: Lồng ghép vào các chương trình truyền thông tập huấn, phối hợp với các tổ chức đoàn thể để tuyên truyền, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh,... Huyện tập trung quán triệt, chỉ đạo thực hiện rộng khắp để các tổ chức, cá nhân và tầng lớp nhân dân thấy rõ được trách nhiệm của mình trong công cuộc xây dựng NTM và bảo vệ môi trường; đặc biệt là làm rõ trách nhiệm của cấp ủy và chính quyền cơ sở, nhất là mỗi đảng viên trong quá trình thực hiện. Các xã được chọn làm điểm NTM xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, tạo phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường từng bước xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường.

Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đông Hưng chịu trách nhiệm nghiên cứu và tham mưu với UBND huyện xây dựng cơ chế thu hút các nguồn lực đầu tư về lĩnh vực bảo vệ môi trường, nhất là hạ tầng môi trường. Huyện Đông Hưng cũng khuyến khích việc nghiên cứu áp dụng thí điểm và nhân rộng những mô hình bảo vệ môi trường, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong xử lý nước sạch, rác thải, chất thải chăn nuôi,... phù hợp với điều kiện thực tế khu vực nông thôn hiện nay.

 

Ông Vũ Quý Nhật - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đông Hưng

 Ông Vũ Quý Nhật - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đông Hưng đưa ra giải pháp thực hiện tiêu chí môi trường hiện nay của địa phương: “ Với cơ quan tham mưu thì Phòng Tài nguyên và Môi trường sẽ sử dụng nguồn kinh phí được HĐND, UBND huyện phân bổ làm sao cho hiệu quả nhất, đặc biệt là vốn sự nghiệp môi trường và vốn mục tiêu Quốc gia về môi trường sẽ trực tiếp hỗ trợ các xã trong việc thu gom và xử lý rác thải. Trước mắt, UBND huyện sẽ hỗ trợ các xã đường ra bãi rác, một số xã hỗ trợ trong việc tổ chức xây dựng bãi rác theo quy chuẩn NTM.”

Để giải được bài toán môi trường theo đúng tiêu chuẩn NTM, bên cạnh sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, cần có sự vào cuộc của toàn xã hội, đặc biệt là ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong việc bảo vệ môi trường. Thực hiện tốt tiêu chí này, không chỉ môi trường sống ở nông thôn được nâng lên mà còn mang lại nhiều thay đổi, khởi sắc cho diện mạo của các vùng quê.

Hà My

 

  • Từ khóa
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tiếp xúc cử tri huyện Kiến Xương
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tiếp xúc cử tri huyện Kiến Xương

Nhằm chuẩn bị cho Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội khóa XV, sáng 25/4, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình do đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội làm trưởng...

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...