Bảo đảm hệ thống kinh doanh xăng dầu vận hành ổn định

Thứ 6, 14/10/2022 | 09:09:59
687 lượt xem

Bộ Công Thương triển khai các giải pháp để bảo đảm nguồn cung và hệ thống kinh doanh xăng dầu vận hành ổn định, hiệu quả. Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại phiên họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá về công tác điều hành giá 9 tháng và định hướng công tác điều hành giá những tháng cuối năm 2022, diễn ra sáng 13-10, tại Hà Nội.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu, trong 9 tháng qua và nửa đầu tháng 10/2022, công tác chỉ đạo, điều hành giá chịu rất nhiều áp lực trong việc kiểm soát lạm phát. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá, việc triển khai của các bộ ngành và địa phương, chúng ta cơ bản kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

 Theo dự báo, bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới vẫn diễn biến phức tạp, nhất là diễn biến giá xăng dầu rất khó lường. Ở trong nước, tới cuối năm nay một số chính sách hỗ trợ về thuế sẽ hết thời hạn, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công sẽ tăng rất cao; nhu cầu hàng tiêu dùng dịp tết nhất là lương thực, thực phẩm hàng tiêu dùng cũng tăng mạnh trong những tháng cuối năm; tác động của thiên tai, dịch bệnh… sẽ tác động mạnh tới công tác điều hành giá.

 Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái

 “Công tác quản lý, điều hành giá cần tiếp tục thực hiện một cách chủ động, linh hoạt vừa phải đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, đồng thời tạo thuận lợi cho việc kiểm soát lạm phát cả năm 2023. Phải theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát của thế giới tác động đến Việt Nam để có những giải pháp ứng phó, cập nhật tình hình cung cầu trong cả nước để có chỉ đạo các Bộ, ngành, các địa phương ngay để đảm bảo nguồn cung đáp ứng được yêu cầu… Điều hành các chính sách tiền tệ theo như mục tiêu đề ra, phối hợp cùng với chính sách tài khóa để làm sao ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế”.


 Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả để chủ động thực hiện các biện pháp điều hành phù hợp, nhất là các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như: Xăng dầu, năng lượng, lương thực thực phẩm, dịch vụ vận tải… Bộ Công Thương triển khai các giải pháp để bảo đảm nguồn cung và hệ thống kinh doanh xăng dầu vận hành ổn định, hiệu quả.  

 Đối với những mặt hàng nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường (về dịch vụ y tế, giáo dục, điện), các Bộ ngành chủ động các phương án để triển khai điều chỉnh vào thời điểm thích hợp. Cùng với đó, các Bộ ngành, địa phương sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường; đồng thời chủ động, kịp thời cung cấp công khai, minh bạch thông tin về giá và công tác điều hành giá, nhất là diễn biến giá cả các vật tư quan trọng, các mặt hàng thiết yếu liên quan đến sản xuất và đời sống người dân để hạn chế gia tăng lạm phát kỳ vọng, ổn định tâm lý người tiêu dùng và doanh nghiệp, tạo sự đồng thuận, ủng hộ đối với công tác quản lý, điều hành giá.

Theo TTXVN 

  • Từ khóa
Đánh giá tình hình triển khai luật khoáng sản
Đánh giá tình hình triển khai luật khoáng sản

Chiều nay 18/9, Đoàn Đại biểu Quốc Hội tỉnh Thái Bình do đồng chí Nguyễn Văn Huy, Phó trưởng đoàn đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh làm trưởng đoàn chủ trì buổi làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường và một...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...