Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố quân sự hóa Biển Đông

Thứ 3, 07/08/2018 | 09:08:31
692 lượt xem

Giới chuyên gia cảnh báo tuyên bố của Trung Quốc cho thấy nước này ngày càng ngang ngược và không còn e dè phản ứng của quốc tế trong vấn đề Biển Đông.

Hải quân Trung Quốc tập trận rầm rộ trên Biển Đông năm 2017
Phát biểu tại cuộc họp báo bên lề Hội nghị ngoại trưởng ASEAN và các đối tác, đối thoại ở Singapore hồi cuối tuần qua, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị lần đầu tiên thừa nhận nước này quân sự hóa Biển Đông. Tờ The Straits Times dẫn lời ông Vương lớn tiếng ngụy biện: “Một số nước ngoài khu vực, chủ yếu là Mỹ, điều vũ khí chiến lược quy mô lớn vào khu vực này, đặc biệt là ở Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông) nhằm phô diễn sức mạnh quân sự và gây áp lực lên các quốc gia khu vực. Tôi cho rằng đó là động lực lớn nhất thúc đẩy Trung Quốc quân sự hóa ở khu vực”. Khi phóng viên hỏi có phải những quốc gia khác có hành động như vậy vì chính Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông hay không, ông Vương ngang nhiên trả lời: “Trung Quốc có quyền đầy đủ thực hiện những biện pháp này vì cần bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Và vì có thêm áp lực đối với Trung Quốc nên Trung Quốc có thêm biện pháp tự vệ là điều hiển nhiên”!


Oanh tạc cơ H-6K của Trung Quốc diễn tập cất hạ cánh phi pháp tại quần đảo Hoàng Sa hồi tháng 5.2018

Trả lời Thanh Niên, chuyên gia Hoàng Việt (thành viên Ban Nghiên cứu luật Biển và hải đảo thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam) nói rằng việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông thế giới đã rõ từ lâu, chỉ có Trung Quốc phủ nhận. “Trung Quốc luôn đổ vấy cho các quốc gia khác khiến tình hình Biển Đông căng thẳng, dù chính Bắc Kinh mới là nguyên nhân”. Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế - ĐH Khoa học xã hội - nhân văn TP.HCM) bình luận với Thanh Niên: “Phát biểu của Ngoại trưởng Vương Nghị là tiếp nối tuyên bố cách đây 2 tháng của trung tướng quân đội Trung Quốc Hà Lôi tại đối thoại Shangri-La. Điều này thể hiện Trung Quốc ngày càng ngang ngược, không e ngại trước phản ứng của cộng đồng quốc tế và bất chấp luật pháp quốc tế cũng như Tuyên bố của các bên về ứng xử ở Biển Đông (DOC) mà Bắc Kinh đã tham gia ký”.
Theo ông Trung, chính quyền Bắc Kinh muốn tạo ra “tính chính danh” cho các hoạt động quân sự của mình với cả cộng đồng quốc tế và dân chúng trong nước. “Điều này nguy hiểm về mặt lâu dài cho bất kỳ nỗ lực hợp tác giải quyết vấn đề chủ quyền ở Biển Đông một cách hòa bình. Ngoài ra, chúng ta cũng không biết Trung Quốc sẽ “tiến xa” và “tiến nhanh” tới đâu ở Biển Đông”, ông Trung nhận định. Trong khi đó, chuyên gia Hoàng Việt cho rằng việc quân sự hóa ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông tạo ra hành vi đe dọa sử dụng vũ lực trong luật pháp quốc tế.


Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phát biểu tại Singapore ngày 4.8
ẢNH: AFP

Ngang ngược trên thực địa
Từ năm 2016 đến nay, Trung Quốc nhiều lần ngang nhiên điều hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 và chiến đấu cơ J-11 đến đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, theo Đài Fox News. Tháng 5.2018, Bắc Kinh lần đầu điều máy bay ném bom chiến lược H-6K diễn tập cất/hạ cánh trên đảo Phú Lâm. Trung Quốc còn xây 3 đường băng phi pháp ở Chữ Thập, Vành Khăn và Xu Bi. Đây là 3 trong số 7 thực thể nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp, bồi đắp thành đảo nhân tạo. Ngày 3.5, CNBC dẫn một số nguồn tin tiết lộ Trung Quốc đã âm thầm đưa tên lửa HQ-9 và tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B đến 3 đá này. Hơn một tuần sau đó, Chương trình sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) đăng bài phân tích cho thấy Trung Quốc đã điều máy bay vận tải quân sự tới Chữ Thập, Vành Khăn và Xu Bi. AMTI nhận định hầu hết những hoạt động quân sự hóa gần đây của Trung Quốc ở Trường Sa theo mô hình đã thực hiện tại đảo Phú Lâm. Từ đó, AMTI dự đoán Bắc Kinh sẽ sớm đưa chiến đấu cơ tới Trường Sa. Gần đây, giới quan sát quốc tế cũng vạch rõ mưu đồ của Trung Quốc khi triển khai phi pháp tàu cứu hộ đến đồn trú thường trực tại quần đảo Trường Sa.

 

Tờ Philippine Daily Inquirer dẫn lời quyền Chánh án Tòa án tối cao Philippines Antonio Carpio cảnh báo Trung Quốc triển khai khí tài, xây dựng cơ sở quân sự ở Hoàng Sa và Trường Sa nhằm phô diễn ưu thế quân sự để buộc các bên tranh chấp khác phục tùng mà không cần phải khai hỏa. Tương tự, cựu Chủ tịch Ủy ban Tình báo hỗn hợp Ấn Độ S D Pradhan cho rằng mục tiêu của Trung Quốc khi quân sự hóa Biển Đông là “thiết lập bá quyền ở khu vực”, theo tờThe Times of India. “Bằng cách tạo ra và quân sự hóa các đảo nhân tạo, Trung Quốc đã thay đổi cân bằng chiến lược ở khu vực theo hướng có lợi cho mình”, ông Pradhan nhận định.

 

Phát biểu của ông Vương Nghị thể hiện 3 điều sau: Thứ nhất là khi tiến hành xây dựng trước 7 đảo nhân tạo kết hợp thêm 3 đường băng, Bắc Kinh vẫn luôn ngụy biện chỉ là xây dựng vì mục đích dân sự. Giờ đây, họ thừa nhận đó là hoạt động quân sự hóa rồi đổ lỗi là chỉ nhằm “phòng vệ”. Thứ hai, Trung Quốc tự cho mình quyền phòng vệ nhưng xây dựng các cơ sở có khả năng tấn công các bên khác trong khu vực. Bắc Kinh bác bỏ quyền phòng vệ của các nước khác. Thứ ba, ông Vương Nghị lấy lý do “phòng vệ” các nước ngoài khu vực ASEAN (như Mỹ, Nhật, Úc...) nên sẽ mở rộng hiện diện trong khu vực ASEAN. Thế nhưng, Bắc Kinh lại không muốn đẩy mạnh đàm phán đa phương với ASEAN mà muốn đàm phán song phương với từng thành viên đang tranh chấp vùng biển trong khu vực. Vậy thực tế họ chỉ đang muốn “xé nhỏ” và dùng sức mạnh “cơ bắp” để lấn lướt.
TS Satoru Nagao 
(chuyên gia Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ)

  • Từ khóa
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...