'Đòn nắn gân' Biển Đông của ông Tập trước Obama

Thứ 2, 28/09/2015 | 08:52:31
609 lượt xem

Đáp lại 110 từ ông Obama diễn tả lập trường của Mỹ trong vấn đề Biển Hoa Đông và Biển Đông, ông Tập đã dùng tới 233 từ cho lập trường TQ ở Biển Đông.

Trong chuyến thăm Mỹ, với vấn đề Biển Hoa Đông và Biển Đông, TQ và Mỹ nêu quan điểm của mình mà chưa có tiếng nói chung.

Tổng thống Obama nhấn mạnh đến tự do hàng hải, hàng không, và thương mại không bị cản trở, rằng Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động ở bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép, quan tâm đặc biệt đến việc lấn bãi cải tạo đảo nhân tạo, xây dựng và quân sự hóa các vùng tranh chấp, làm khó cho các nước trong khu vực giải quyết bất đồng một cách hòa bình. Ông khuyến khích một giải pháp giữa các bên yêu sách trong khu vực vì Mỹ không phải là một bên yêu sách.

Chủ tịch Tập đã không nói gì đến Biển Hoa Đông. Ông tuyên bố các đảo ở Biển Đông (Nam Trung Hoa) là lãnh thổ của TQ từ thời cổ đại và TQ có quyền bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, các quyền và lợi ích biển hợp pháp của mình. 

Cam kết duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, quản lý các khác biệt và tranh chấp thông qua đối thoại và đề cập các tranh chấp thông qua đàm phán, tư vấn, và cách xử sự hòa bình và sẽ khai thác các cách thức nhằm đạt được lợi ích tương đồng thông qua hợp tác.

Ảnh: Reuters

TQ cam kết tôn trọng và tán thành quyền tự do hàng hải, tự do bay mà các quốc gia khác được hưởng theo luật quốc tế. Các hoạt động xây dựng mà TQ đang tiến hành trên các đảo ở phía Nam quần đảo Trường Sa (Nam Sa) không nhằm và không ảnh hưởng đến bất kỳ quốc gia nào và TQ không có ý định quân sự hóa.

Xác quyết yêu sách Biển Đông

Ông thừa nhận TQ và Mỹ có rất nhiều lợi ích chung ở Biển Đông nhưng kêu gọi các nước liên quan trực tiếp sẽ quản lý các khác biệt thông qua đối thoại, thực thi đầy đủ và hữu hiệu DOC và sớm chấm dứt tư vấn COC dựa trên các biện pháp xây dựng đồng thuận.

Các phát biểu cho thấy TQ một lần nữa xác quyết yêu sách của mình ở Biển Đông. Từ “đảo” trong phát biểu của ông Tập có thể được diễn giải bao gồm tất cả các địa vật trong Biển Đông từ đảo nổi, đảo chìm, bãi cạn khi thủy triều thấp nhất đến các đảo nhân tạo. Khi bác bỏ quan tâm đặc biệt của Mỹ về các hoạt động cải tạo bãi ngầm, ông Tập đã dùng từ đảo để chỉ đảo nhân tạo.

Phát biểu cũng không nói đến đường 9 đoạn (lưỡi bò) không có nghĩa TQ chỉ yêu sách các đảo. TQ vẫn tiếp tục mập mờ trong việc xác định các quyền và lợi ích biển hợp pháp. Các quyền này có thể tiếp tục được diễn giải là các quyền và lợi ích trong các vùng biển theo quy định của Công ước Luật biển UNCLOS, cũng có thể là các vùng biển bên trong và kế cận đường 9 đoạn mà TQ đòi hỏi là vùng nước lịch sử.

Cùng dùng một từ để chỉ đảo nổi và đảo nhân tạo, cũng như cho rằng các hoạt động xây dựng mà TQ đang tiến hành trên các đảo nhân tạo không ảnh hưởng đến bất kỳ quốc gia nào, TQ xác quyết sự việc đã rồi và các đảo này sẽ có quy chế đảo chứ không chỉ còn là vùng an toàn 500m.

Biển Đông, Obama, Tập Cận Bình, Hoàng Sa, Trường Sa, Tây Tạng, DOC, tranh chấp chủ quyền, đảo,

Đá Chữ Thập qua tay TQ bồi đắp. (Ảnh: Reuters)

 

Cùng thời gian ông Tập phát biểu, báo chí quốc tế công bố các hình ảnh TQ hoàn thành đường băng thứ ba tại quần đảo Trường Sa.

Ông Tập cũng cam kết không quân sự hóa các đảo này nhưng không nói tiêu chuẩn thế nào, để lại sự không rõ ràng cho các nhà nghiên cứu đoán già đoán non. TQ đã kịp cải dạng các tàu chiến thành tàu hải giám, tàu cảnh sát biển. Bước tiếp theo sẽ là cấm các nước đi lại, khai thác tài nguyên. Không quân sự hóa chỉ còn là yêu cầu đối với các nước khác, mọi căng thẳng đụng độ với các tàu chiến giả danh là do lỗi các nước khác và sẽ bị trừng phạt?

TQ nhượng bộ quyền tự do hàng hải, tự do bay mà các quốc gia khác được hưởng theo luật quốc tế để đổi lại Mỹ không có quyền can thiệp vào tiến trình giải quyết Biển Đông.

Song sự nhượng bộ này nằm trong sự giải thích đơn phương luật quốc tế của TQ. Các tàu chiến, phi cơ chỉ được hưởng quyền tự do qua lại bên ngoài giới hạn 12 hải lý.

Trong tất cả các vụ đụng độ tàu và máy bay hai bên ở Biển Đông, hải quân và không quân TQ đều chủ động bên ngoài 12 hải lý, từ vụ tàu Impeccable năm 2009 đến các vụ tạt đầu máy bay 2015, phát loa đuổi tàu và phi cơ Mỹ có cả phóng viên CNN ra bên ngoài 12 hải lý của các đảo nhân tạo mới xây.

Không thừa nhận tranh chấp lãnh thổ

Trước một TQ xác quyết, Tổng thống Obama chỉ thông báo Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động ở những nơi mà luật quốc tế cho phép.

Quy chế pháp lý các vùng biển ở Biển Đông mà Mỹ hiểu quá khác biệt với TQ và quyết định có những kênh thông tin mới nhằm giảm thiểu các nguy cơ va chạm hoặc tính toán lầm giữa lực lượng vũ trang hai nước là cái phao mà Mỹ cần hơn TQ.

TQ không còn khăng khăng Biển Đông không phải là vấn đề quốc tế, khi thừa nhận Mỹ và TQ có nhiều lợi ích chung ở Biển Đông nhưng Mỹ không có vai trò quản lý các khác biệt ở đây mà đó là vai trò của các nước liên quan trực tiếp.

Điều đáng nói là Mỹ cũng có phần tự từ bỏ vai trò tham gia tích cực của mình trong vấn đề Biển Đông khi tự nhận mình không phải là bên yêu sách.

Biển Đông, Obama, Tập Cận Bình, Hoàng Sa, Trường Sa, Tây Tạng, DOC, tranh chấp chủ quyền, đảo,

Đá Subi qua tay TQ bồi đắp. (Ảnh: Reuters)

Mỹ không có yêu sách lãnh thổ nhưng Mỹ có yêu sách chính đáng về các quyền tự do hàng hải, tự do bay và các lợi ích khác trong Biển Đông. Ông Obama đã không yêu cầu TQ phải làm rõ sự vô lý của đường lưỡi bò cũng như đến trách nhiệm của TQ trong thực thi DOC và xây dựng COC.

Phương thức “quản lý các khác biệt và tranh chấp thông qua đối thoại và đề cập các tranh chấp thông qua đàm phán, tư vấn, và cách xử sự hòa bình và sẽ khai thác các cách thức nhằm đạt được lợi ích tương đồng thông qua hợp tác” của ông Tập là bình cũ rượu mới của khẩu hiệu Đặng Tiểu Bình “Chủ quyền thuộc TQ, gác tranh chấp cùng khai thác”.

Ông Tập không thừa nhận có tranh chấp lãnh thổ mà chỉ là các khác biệt, do các nước yêu sách có lập trường khác biệt về lãnh thổ của TQ và trong khi TQ chưa đủ sức giành lại thì biện pháp quá độ là “lợi ích tương đồng thông qua hợp tác”.

Đáp lại 110 từ ông Obama diễn tả lập trường của Mỹ trong vấn đề Biển Hoa Đông và Biển Đông, ông Tập đã dùng tới 233 từ cho lập trường TQ ở Biển Đông.

Trên hồ sơ Biển Đông, ông đã nắm thế thượng phong không chỉ trong số lượng từ dùng mà trong cả sự xác quyết của mình đối với lập trường mềm mỏng và có phần lúng túng của ông Obama.

Vấn đề Đài Loan, Tây Tạng

Trên hồ sơ nhân quyền vẫn là các trao đổi thẳng thắn như trong quá khứ song Mỹ tôn trọng có những sự khác biệt và Chủ tịch Tập sẽ có những tiến bộ bước một trên nền tảng bảo tồn sự thống nhất của TQ.

Ông Obama cam kết mạnh mẽ chính sách một TQ trên cơ sở 3 bản thông cáo chung và đạo luật về Đài Loan, công nhận Tây Tạng là một phần của nước CHND Trung Hoa dù tiếp tục khuyến khích nhà cầm quyền TQ bảo tồn những đặc tính tôn giáo và văn hóa của dân tộc Tây Tạng.

Đánh giá cao vai trò của TQ, ông Obama thông báo về sáng kiến “một triệu mạnh mẽ” khuyến khích 1 triệu sinh viên Mỹ học tiếng TQ trong 5 năm tới.

Giờ đây không chỉ trẻ em TQ học tiếng Anh mà nước Mỹ cũng chuẩn bị hành trang tiếng Hoa cho công dân mình để thúc đẩy du lịch, hợp tác và thừa nhận vai trò của một TQ mới trong quan hệ quốc tế.

Trước chuyến thăm, Mỹ lần đầu tiên dẫn độ ông Yang Jinjun,một nhân vật tham nhũng đã đào tẩu sang Mỹ 14 năm về nước theo yêu cầu của Bắc Kinh và danh sách 100 nhân vật dẫn độ tiếp theo đã được định hình để ủng hộ chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ diệt ruồi” của ông Tập.

Tóm lại, dù kinh tế và nội bộ có dấu hiệu bất ổn, ông Tập Cận Bình đã đến Mỹ với một tâm thế đàng hoàng để bàn "những lợi ích chung to lớn".

TQ không phải là kẻ thù nhưng cũng không phải là bạn đồng minh của Mỹ song nước Mỹ đang cần TQ như một thị trường lớn và đối tác quan trọng trong giải quyết các vấn đề quốc tế.

Chiến tranh giữa hai nước khó có thể xảy ra nhưng xung đột vẫn tồn tại.Lợi ích kinh tế quá lớn, gắn với nhau quá chặt chẽ, là van an toàn để không nước nào tính chuyện vượt quá giới hạn.

Dù chưa chính thức công nhận nhưng dường như ông Obama đã từng bước thừa nhận quan hệ nước lớn kiểu mới giữa hai nước.

Chính sách “ngoại giao nước lớn” của TQ đã tiến bước dài từ “giấu mình chờ thời” Đặng Tiểu Bình, chịu các hạn chế do Mỹ áp đặt thời Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào đến quan hệ bình đẳng hơn với Mỹ thời Tập Cận Bình.

Trong quá trình vừa hợp tác vừa đấu tranh này, vì lợi ích của mình, hai nước lớn có thể bắt tay nhau, ảnh hưởng đến lợi ích của các nước nhỏ. Hai xung đột ở Biển Đông 1974 và 1988 đều có sự hợp tác và im lặng của Mỹ.

Liệu lịch sử có lặp lại? Hoàng Sa và Trường Sa vẫn thuộc chủ quyền VN căn cứ chứng cứ lịch sử và pháp lý dù ông Tập đòi hỏi hay ông Obama không lên tiếng.

Theo Nguyễn Hồng Thao

Vietnamnet.vn

  • Từ khóa
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...