Vì sao Mỹ để mặc Trung Quốc lộng hành trên Biển Đông?

Thứ 6, 05/06/2015 | 08:22:32
677 lượt xem

Nước Mỹ giờ đây quá phụ thuộc Trung Quốc về mặt kinh tế, nên dù có lên tiếng mạnh mẽ chỉ trích hành động bành trướng ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông, Washington có thể không dùng vũ lực chống Bắc Kinh, thậm chí phải thỏa hiệp với nước này, theo một bài viết trên Reuters.

Vì sao Mỹ để mặc Trung Quốc lộng hành trên Biển Đông? - ảnh 1

Công nhân Trung Quốc trong nhà máy sản xuất màn hình LCD
ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc - Ảnh: Reuters
Mỹ yếu thế vì quá phụ thuộc Trung Quốc về kinh tế?
Vào thập niên 1990, những quan chức Mỹ ủng hộ tự do thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cho rằng sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế sẽ kéo theo sự cùng tồn tại hòa bình. Tuy nhiên, hiện Mỹ phụ thuộc vào Trung Quốc nhiều hơn là Trung Quốc phụ thuộc Mỹ, tác giả Barry C. Lynn viết trong bài bình luận tựa đề Vì sao Trung Quốc thắng thế trên Biển Đông? đăng trên Reuters ngày 3.6.
Mỹ và đồng minh lập ra Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào giữa thập niên 1990 và mời Trung Quốc tham gia. Tuy nhiên, sự phụ thuộc lẫn nhau trong những ngành công nghiệp do WTO xúc tiến đã trao thêm “quyền lực kinh tế” vào tay Trung Quốc.
Trong thời Chiến tranh lạnh, Mỹ cũng xúc tiến sự cùng tồn tại và thịnh vượng với các đồng minh, bao gồm Nhật Bản, Đức, Anh và Canada. Lúc bấy giờ, Mỹ chọn không phụ thuộc hoàn toàn vào những đồng minh thân cận về bất kỳ loại hàng hóa quan trọng nào.
Tuy nhiên, ngày nay Mỹ phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc vì những sản phẩm mà người dân Mỹ dùng hàng ngày đều sản xuất tại Trung Quốc. Gần 100% linh kiện điện tử và hóa chất ở Mỹ đều do Trung Quốc sản xuất. Một số chất hóa học do Trung Quốc sản xuất còn được dùng để làm ra những loại dược phẩm quan trọng nhất ở Mỹ, bao gồm thuốc kháng sinh.
Hàng hóa Trung Quốc sản xuất tới đâu tiêu thụ tới đó ở thị trường Mỹ. Trong khi đó, Mỹ lại không có nguồn cung dự phòng nào.
Ngược lại, Trung Quốc ít phụ thuộc vào Mỹ. Bắc Kinh khôn ngoan nhập số lượng lớn để dự trữ, tránh phụ thuộc và bị làm giá, chẳng hạn nhập các kim loại từ Mỹ.
Mới đây, Trung Quốc thành lập Ngân hàng phát triển cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) được nhiều nước trong đó có đồng minh của Mỹ ủng hộ. Việc Trung Quốc thành lập AIIB được cho nhằm tránh các nước châu Á liên minh với Mỹ (cả về kinh tế lẫn quân sự), đồng thời thách thức vị trí số một thế giới của Mỹ.
Trong khi đó, Mỹ lại đang loay hoay với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) để kiềm chế Trung Quốc. Nhà Trắng muốn hoàn tất sớm TPP, nhưng đến nay đàm phán TPP vẫn chưa đi về đâu do những bất đồng trong nội bộ nước này, tác giả Lynn nhận định.
Không chỉ về kinh tế, Trung Quốc được cho đã “lấn át” Mỹ về mặt địa chính trị ở biển Hoa Đông và Biển Đông, một tuyến đường biển vận chuyển hàng hóa quan trọng trên thế giới.
Báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ hồi năm 2014 ước tính Biển Đông có trữ lượng 11 tỉ thùng dầu và 5,3 nghìn tỉ m3 khí đốt tự nhiên. Đây cũng là một trong những tuyến đường hàng hải quan trọng và nhộn nhịp nhất thế giới, với 10 triệu thùng dầu được vận chuyển qua trên Biển Đông mỗi ngày.
Mỹ sẽ không dám dùng vũ lực với Trung Quốc?
Bài viết trên Reuters đặt vấn đề: Phải chăng chính vì sự phụ thuộc của Mỹ quá nhiều vào Trung Quốc, Bắc Kinh có thể kết luận rằng Mỹ sẽ không dám dùng vũ lực đáp trả những hành động gây hấn của Trung Quốc?
Năm 2013, Bắc Kinh đơn phương tuyên bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ), chồng lấn với ADIZ của Hàn Quốc và Nhật Bản ở biển Hoa Đông. Mỹ và đồng minh đã phản ứng gay gắt, Washington liền điều máy bay ném bom B-52 bay ngang thách thức ADIZ của Trung Quốc, nhưng cuối cùng ADIZ vẫn còn đó.
Ở Biển Đông, Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động xây dựng trái phép những đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bất chấp sự phản đối của các nước láng giềng. Mỹ cũng đã lên tiếng chỉ trích, đòi bảo vệ quyền tự do hàng hải, rồi điều động máy bay tuần tra săn ngầm hiện đại nhất P-8A Poseidon đến chụp ảnh, ghi hình hoạt động xây dựng trái phép này và bị Hải quân Trung Quốc xua đuổi.

Vì sao Mỹ để mặc Trung Quốc lộng hành trên Biển Đông? - ảnh 2

Máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon - Ảnh: AFP
Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 1.6 cũng cảnh báo Trung Quốc rằng những hành động xây đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông là “phản tác dụng”, và kêu gọi Bắc Kinh chấm dứt những hành động gây hấn ở khu vực.
Trước đó, tại Đối thoại Shangri-La hồi tuần rồi ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cũng tuyên bố sẽ tiếp tục điều động tàu và máy bay quân sự đến tuần tra Biển Đông để bảo vệ quyền tự do hàng hải. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn tiếp tục hoạt động xây dựng trái phép.
Lầu Năm Góc còn lên kế hoạch điều máy bay và tàu chiến tuần tra trong phạm vi cách các đảo nhân tạo Trung Quốc đang xây khoảng 12 hải lý (22 km). Tuy nhiên, máy bay Mỹ vẫn chưa bay trực tiếp vào phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây trái phép ở Biển Đông.
Điều 121 Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) quy định chỉ có những hòn đảo “được hình thành tự nhiên” mới có vùng biển chủ quyền 12 hải lý bao quanh. Cũng theo UNCLOS, xây dựng đảo nhân tạo không sản sinh ra chủ quyền ở vùng biển và vùng trời xung quanh. "Như vậy, việc Mỹ tuần tra cách các đảo nhân tạo 12 hải lý sẽ tạo điều kiện lý tưởng cho Bắc Kinh củng cố chủ quyền tại đó?", đài CNN (Mỹ) nêu vấn đề.
Vì sao Mỹ để mặc Trung Quốc lộng hành trên Biển Đông? - ảnh 3
Tàu của Hải quân nhân dân Việt Nam tiếp cận Đá Tư Nghĩa (Hughes), nơi Trung Quốc chiếm của Việt Nam và đang cấp tập hoạt động xây dựng trái phép- Ảnh: Mai Thanh Hải
Trong một viễn cảnh khác, Mỹ có thể thỏa hiệp với Trung Quốc, thừa nhận chủ quyền của Bắc Kinh tại những đảo nhân tạo trên Biển Đông để đổi lại Trung Quốc giúp Mỹ lập lại hòa bình ở Afghanistan và đảm bảo an ninh và ổn định ở Trung Á, theo nhận định của tờ Nihon Keizai Shimbun (Nhật Bản).
Nihon Keizai Shimbun cũng đưa ra dẫn chứng cho nhận định trên là những cuộc đàm phán giữa chính quyền Afghanistan và Taliban ngày 3.5 có sự hiện diện của quan chức Trung Quốc bên cạnh các quan chức Mỹ.
Chuyên san The National Interest (Mỹ) từng nhận định rằng Mỹ không thể ngăn Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở Biển Đông. Theo chuyên san này, chỉ có một ASEAN đoàn kết ra tối hậu thư mới có thể khiến Bắc Kinh dừng lại.

Theo Phúc Duy

Thanh niên

  • Từ khóa
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...